Gia Minh: Ta có đến hàng triệu nhà báo?

1

Đọc dòng tựa bài viết này hẳn có người mỉm cười, nhà báo xứ ta đâu mà nhiều thế trong khi theo số liệu chính thức thì đến thời điểm này Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) chỉ mới cấp khoảng 18.000 thẻ nhà báo – đã là một con số đáng ngạc nhiên – bao gồm cả người hành nghề lẫn không hành nghề báo chí.

Công nghệ thông tin và dịch vụ điện thoại di động bùng nổ ở nước ta giúp mạng xã hội phát triển rất nhanh trong đó Facebook được kết nối với Internet đã trở nên quá quen thuộc. Facebook ước tính 36% người Việt đang “lướt phây”, họ dành mỗi ngày ít nhất hai tiếng đồng hồ truy cập mạng xã hội này, cao hơn nhiều so với thời gian xem truyền hình và đọc báo. Theo thống kê của Bộ TTTT thì tỷ lệ người dùng Internet ở nước ta còn cao hơn, chiếm tới 41% dân số và Facebook chính là nơi hội tụ những người dùng Internet, phần lớn ở độ tuổi trung bình từ 18-34, tức “lứa tuổi vàng” trong thang bậc lao động, còn rất trẻ, kinh nghiệm sống chưa nhiều.

Nói nước ta có đến hàng triệu nhà báo cũng chỉ là cách ví von vào thời buổi lên ngôi của mạng xã hội góp phần làm rối loạn thông tin trong đời thường, khi mà qua Facebook, ai cũng có thể trở thành nhà báo nếu hiểu theo nghĩa đơn giản nhất đó là người đưa tin. Facebook là nơi để các cá nhân nói lên suy nghĩ, tình cảm, nhận định của mình một cách tự do về nhiều vấn đề, là nơi giao lưu kết bạn, chia sẻ những thông tin trong cuộc sống đời thường. Nhiều người tạo Facebook để nắm bắt xu hướng cuộc sống phục vụ cho công việc của mình, thậm chí còn có tham vọng trở thành người dẫn dắt dư luận xã hội. Đơn giản đó là một phương tiện mà hiệu ứng tốt xấu tùy thuộc vào người sử dụng là ai, nhằm vào mục đích gì và thật may mắn nếu ta được kết nối với những trang mạng thuộc dạng trí tuệ. Khổ nỗi số ấy không nhiều trong mấy chục triệu tín đồ của Facebook. Họ, chỉ một người vừa là phóng viên nắm bắt, lượm lặt thông tin bất cứ ở đâu và bất kỳ lúc nào mà không cần kiểm chứng, có khi là tác giả những tin phịa (fake news). Họ vừa là thư ký tòa soạn khi xử lý một quy trình làm báo với những thông tin góp nhặt và lồng ghép, vừa là tổng biên tập quyết định việc đưa tin bài lên “trang báo” của mình. Có khi họ là nhà bình luận với ngôn ngữ cay độc, tự cho mình quyền xúc phạm người khác bằng những lời lẽ kém văn hóa. Số đông những “nhà báo Facebook” ấy đã gây ra lắm điều phiền phức với những câu chuyện không đâu, đưa lên mạng những thông tin nhạy cảm khiến ai đó phải đối diện những hiểm nguy tiềm tàng, thậm chí dẫn đến thảm kịch. Chẳng hạn như trường hợp chàng sinh viên Tyler Clementi ở Đại học Rutger (Mỹ) bị bạn cùng phòng bí mật quay đoạn video đang thân mật với một người đàn ông khác rồi đưa lên Facebook. Không chịu nổi sự giễu cợt và sỉ nhục của bạn bè, vài ngày sau, Tyler tự tử ở tuổi 18, tên của anh được đặt cho một tổ chức (Tyler Clementi Foundation) chuyên giải quyết những vấn đề thuộc về cái gọi là “văn hóa sỉ nhục”.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đến câu chuyện cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky nổi tiếng về mối quan hệ vụng trộm với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton hồi năm 1998. Sau 17 năm ngậm đắng nuốt cay, mất gần như mọi thứ trong cuộc sống của mình, Monica đã có một bài diễn thuyết trước 1.500 con người xuất sắc dưới tuổi 30 do tạp chí Forbes bầu chọn. Monica nói: “Hàng ngày người ta online, đặc biệt là những người trẻ chưa được trang bị để đối phó với sự sỉ nhục, vì thế họ bị lạm dụng gây tổn thương cho người khác đến mức tưởng chừng không thể sống thêm một ngày nào nữa. Nếu như sự xấu hổ ở thế giới thực chỉ trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng chung quanh, thì ở thế giới ảo hàng triệu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ”.

Monica lên án những trang lá cải, các paparazzi, các hãng tin đang gieo hạt xấu hổ. Họ kiếm tiền trên Internet bằng những cái click chuột. Càng nhiều sự xấu hổ thì càng nhiều click, càng nhiều click thì càng nhiều tiền quảng cáo. Chúng ta đang ở trong một vòng tròn nguy hiểm. Nhấp chuột vào những trang tin xấu càng nhiều thì chúng ta gây tác hại cho cuộc sống cộng đồng càng lớn.

Nhưng tại sao loại tin lá cải và “văn hóa xấu hổ” lại lấy được nhiều cái nhấp chuột? Tò mò? Sự xuống cấp của văn hóa đọc hay còn gì nữa? Đó là câu chuyện buồn đối với người làm báo tử tế hiện nay trong một mặt bằng thông tin vàng thau lẫn lộn, một nửa sự thật không phải là sự thật, dối gian trong ngõ ngách xã hội vẫn còn nhiều.

Trong một chừng mực nào đó, trang mạng xã hội Facebook phản ánh một bức tranh đan chen nhiều mảng sáng tối mà trên con đường đến với người đọc, nhà báo “Facebook” và nhà báo “có thẻ” là những kẻ đồng sàng dị mộng, mà đôi khi – như trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung – vô chiêu lại thắng hữu chiêu. Nghiệp vụ kém, thu nhập thấp hay là dòng chảy thông tin chưa được thông thoáng, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình hình này?

(TBKTSG)

1 BÌNH LUẬN

  1. TÔPÔ CUỘC SỐNG

    Tôpô có nghĩa liên thông
    Không gian toán học có chi nằm ngoài
    Thế nhân giờ hết lạc loài
    Bởi nhờ có mạng toàn cầu quả hay

    Nhất là Facebook ngày nay
    Ai vào nơi đó mặt mày hiện ra
    Toàn cầu đều thấy gần xa
    Thông tin mọi loại tuôn ra ào ào

    Độc tài giờ hết kín rồi
    Ai mà không biết mãi ngồi mà ca
    Giấu đầu cứ phải lòi đuôi
    Thông tin rộng khắp ai người ngu sao

    Khiến thành mọi chuyện hóa hài
    Dễ gì bưng bít hỏi ai tin nào
    Tuyên truyền tột đỉnh cào cào
    Bây giờ hóa lại nghẹn ngào thua ai

    Nên thôi mọi chuyện dài dài
    Khó mà giấu được cái đuôi con chồn
    Phải cần ngay thẳng thì hơn
    Gạt người lâu quả cũng lờn bánh quay

    Con người tưởng có gì hay
    Sao toàn phỉnh gạt nhau ngày lẫn đêm
    Dựa vào công cụ tuyên truyền
    Đè đầu dân ấy chẳng phiền hay sao

    Nên chi báo chí thế nào
    Phơi bày chế độ dễ nào giấu đâu
    Chỉ toàn muối mặt mà thôi
    Tự do dân chủ mới đời văn minh

    DẶM NGÀN
    (24/6/17)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên