“Các đại gia Việt giàu siêu tốc nhờ đất đai là chính”

2
GS Đặng Hùng Võ

“Việt Nam có nhiều người trở thành đại gia nhờ sở hữu những khu đất vàng, đất kim cương. Họ giàu siêu tốc nhờ đất” – GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thẳng thắn.

Sáng 17.1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tọa đàm “Những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi tọa đàm đối thoại chính sách được trường tổ chức hàng quý để trao đổi về các vấn đề thời sự của nền kinh tế.

Tại tọa đàm, những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực đất đai đã phân tích các vấn đề liên quan đến việc định giá đất theo cơ chế thị trường, chính sách kinh tế trong giao đất, thuê đất; thu hồi và đền bù khi thu hồi đất; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong quản lý kinh tế đất…

Trong đó, nhiều chuyên gia khẳng định, đất đai là một nguồn lực rất lớn, giúp người dân giàu lên và kinh tế đất nước thêm vững.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, đất đai là nguồn lực chính cho phát triển, dưới dạng đất công và thuế đất. Tất cả các nước công nghiệp phát triển và công nghiệp mới đều bắt đầu và thành công do sử dụng tốt nguồn lực đất đai trong giai đoạn tích lũy ban đầu.

“Kể cả các đại gia ở Việt Nam cũng đều trưởng thành từ đất đai là chính. Họ bắt đầu nguồn lực tài chính từ đất và giàu một cách siêu tốc nhờ đất” – GS Đặng Hùng Võ chia sẻ và nhấn mạnh điều này không có gì lạ. Việc này khẳng định giá trị của đất đai là rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông, các nước có nền kinh tế chuyển đổi, trong đó có Việt Nam hiện đều không làm tốt việc tận dụng nguồn lực từ đất công trong khi cơ hội rất lớn. Để khai thác được nguồn lực từ đất cần phải làm tốt công tác quản lý kinh tế đất đai, sử dụng đất có hiệu quả và hiệu suất cao (tiết kiệm và hiệu quả). Đồng thời cần vốn hóa đất đai để tăng vốn tài chính phục vụ đầu tư…

Cần định giá đúng giá trị của đất đai

Cũng tại tọa đàm, nhiều chuyên gia nêu lên bất cập về việc xác định giá trị đất đai của nước ta.

Theo Đại biểu Quốc hội khóa XIV Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân, một trong những vấn đề hiện nay vẫn đang gây tranh cãi là việc đền bù đất, định giá đất. Việc này có xung đột về lợi ích của người dân và chủ đầu tư. Người dân khi bị thu hồi đất thường cho rằng mình được đền bù không xứng đáng, bị thiệt thòi, đi khiếu kiện. Trong khi chủ đầu tư thì bảo vệ lợi ích của mình.

Để hạn chế việc này, Đại biểu Cường cho rằng cần phải có quy định về cơ chế điều tiết giá trị gia tăng và định giá đền bù đất theo giá thị trường.

“Hiện nay đang có một trở ngại là việc xác định thế nào là giá thị trường, ai sẽ là người xác định giá thị trường của đất đai?” – đặt ra câu hỏi này, ông Cường cho rằng, nếu tập trung làm rõ điều này và đưa được một bảng giá đất theo giá thị trường thì giải quyết được vấn đề mâu thuẫn lợi ích trong vấn đề đền bù đất.

GS Đặng Hùng Võ thì cho rằng hiện nay bảng giá đất của nhà nước thấp hơn giá đất của thị trường rất nhiều. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân mà còn dẫn đến hệ lụy. Đó là khi giao dịch đất, nhiều người có thói quen xấu là kê giá đất thấp hơn giá giao dịch để chịu thuế thấp.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng Luật Đất đai cần quy định rõ, định giá đất đúng theo thị trường. Hiện nay giá đất nhà nước ban hành quá thấp so với thị trường. Giá đất ở TPHCM, Hà Nội có chỗ hơn 1 tỉ đồng/m2, nhưng nhà nước quy định cao nhất chỉ là 162 triệu đồng/m2. Việc này gây thất thoát nguồn thu cho nhà nước.

Bích Hà (báo Lao Động)

2 BÌNH LUẬN

  1. Của không vốn mười lời thì làm sao mà không giàu bạc tỷ.
    Ăn cướp của dân, như đuổi nhà cướp đất; ăn cắp của đất nước , như bán cát ở bờ sông bờ biển , những nhượng địa 99 năm, gỗ quí trong rừng cây bạt ngàn không còn nữa…; ăn chận của những dân Việt khốn khổ, như thu phí lao động nước ngoài, thu tiền mãi lộ ở những trạm BOT, và trên tất cả ” thủ tục đầu tiên ” lan tràn khắp nơi, từ một anh cảnh sát giao thông đứng gát đường, cho đến một chỗ nằm trong bệnh viện, một chỗ làm việc cho các cháu mới ra trường, một chỗ ngồi trong lớp học của các cháu nhỏ…
    Tóm tắt thì là nhờ ăn cướp. Ăn cướp trên xuống dưới , từ trái qua phải, ở đâu cũng thấy bóc lột .Chủ nghĩa cs kêu gọi người dân vùng lên để dẹp bỏ bóc lột thì người dân vùng lên lật đổ chế độ toàn những kẻ bóc lột là đảng cs là đúng quá rồi.
    Chúng tôi làm theo đúng những gì đảng kêu gọi xưa kia đấy nhé, sao lại chụp mũ là phản động. Chính đảng cs mới là phản động đấy, người dân trước sau vẫn chỉ đi một đường mà thôi.

  2. Tọa đàm về chính sách tại 1 trường đại học thì tất nhiên tham dự viên phải là “những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực đất đai” như bài báo nêu rõ. Tuy nhiên, chuyên gia éo gì mà không dám đề cập tới vấn đề cơ bản “Nguyên do của tệ trạng xã hội ngày nay hoàn toàn là do quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai bị xóa bỏ” và “quyền sở hữu đất đai của toàn dân” chỉ là 1 sự bịp bợm mà thực chất là tất cả bọn cầm quyền từ trung ương tới xã đều “làm chủ những cai gọi là quĩ đất của địa phương”. trong đó có cả những khu vực người dân đang sinh sống từ nhiều thế hệ, hàng chục năm qua. Bọn đại gia ngày nay chính là tay chân của bọn cầm quyền hợp tác với nhau ăn cướp đất của người dân. Đó là vấn đề chính, nếu ko dám thảo luận như vậy thì đừng bày đặt thảo luận nửa mà dân chúng khinh cho lũ tự gọi là “những chuyên gia hàng đầu…”

Leave a Reply to Nguyễn tường Tâm Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên