30-4 ĐEN 2018 – MÙA QUỐC HẬN CUỐI CÙNG?

8
Sinh cuối năm 1960 nên ngày 30-4-1975, tôi chưa đầy 15 tuổi, đang còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông trung học. Tin miền Nam hoàn toàn giải phóng dội tới từng công sở, xí nghiệp, trường học làm nức lòng toàn dân, nét mặt ai cũng hân hoan khúc khải hoàn ca. Lây tâm trạng chung của mọi người, tôi cũng cảm thấy nhẹ bỗng như người không trọng lượng. Cảm giác của người chiến thắng, nở hoa trong hồn, vui mừng không sao kể xiết. Khắp góc chợ, vỉa hè, đâu đâu người dân cũng đưa tin nước nhà giải phóng,chế độ nguỵ quyền sụp đổ. Các quầy báo đông nghịt người xếp hàng mua báo quân đội, nhân dân, Hà Nội mới, để xem tin chiến thắng. Một cuộc cách mạng long trời, lở đất, một chiến thắng vĩ đại của quân và dân Việt Nam, cũng là một cuộc cách mạng mùa thu tháng 8 -1945 lần thứ hai của người Việt, chấm dứt thời kỳ khổ ải trường kỳ kháng chiến, thắt lưng buộc bụng, để xây dựng đất nước to đẹp đàng hoàng gấp mười lần xưa… 

Mẹ tôi mừng gấp đôi vì đã hơn 20 năm trời xa cách, nay mới gặp được chị cả, di cư vào Nam từ 1954 theo chồng. Người chị mà vì dây mơ, rễ má, máu mủ ruột thịt nên cả nhà phải ngậm đắng, nuốt cay vì tám anh chị em còn lại trong nhà, không ai được kết nạp đảng, dù phải thoát ly, làm đường, đi thanh niên xung phong từ năm 16 tuổi, phải sống, cống hiến, lao động và chịu đựng hơn ngàn vạn lần con em bần cố nông khác mà …vẫn ra rìa, đơn giản vì trong gia đình có người đầu hàng, theo địch… một vết nhơ trong dòng tộc ba đời mà ngay cả khi “thống nhất đất nước” vẫn không thể nào gột rửa được.

Loay hay vất vả mãi, tận cuối năm 1976 mẹ tôi mới xin được cán bộ tổ chức cơ quan một tờ giấy phép vào Nam ( thời gian đầu, nhà nước chỉ xét các đối tượng trong diện vợ chồng, con cái, bố mẹ…) khỏi phải nói đến sự mừng tủi của hai chị em sau 21 năm xa cách. Bác ôm lấy mẹ tôi khóc khi hay tin cả bố và mẹ đẻ đã mất ngay sau khi tiến hành cải cách ruộng đất. Nhà bị đưa vào diện đại địa chủ, bóc lột. Ông tôi khi ấy đang làm hiệu trưởng trường cấp I, vì uất ức mà phải giằng kính khỏi mắt đập mạnh xuống nền nhà cho mắt kính vỡ tan, rồi chọn lấy một mảnh nhọn và sắc nhất rạch ruột tự tử ngay trước mặt cán bộ cải cách…chỉ để khẳng định: “Các anh hãy nhìn đi, nếu ruột tôi có màu xanh là của rau đậu tương cà vì phải đồng cam cộng khổ, nuôi các anh trong nhà, nếu ruột tôi có màu vàng mới là màu của thịt cá, trứng, sữa”…Khi cả đoạn ruột lòi ra ngoài ổ bụng, một viên bác sĩ người Pháp vội vàng chạy đến băng bó, cấp cứu, nhưng ông tôi đưa tay ra hiệu không cần thiết, kèm câu nói chứng tỏ sự lựa chọn đúng đắn của mình: “Một xã hội mà kẻ vô văn hoá lên cầm đầu, trừng trị người lương thiện, cũng là người đã góp phần nuôi cả đại đội chiến sĩ trong nhà, ăn no đánh thắng hết năm này qua năm khác cho đến ngày cách mạng thành công…thì xã hội ấy chỉ còn là sự đồi bại, tha hoá, cướp bóc, trừng trị. Không những không đưa đất nước ra khỏi quỹ đạo luẩn quẩn của nghìn năm Bắc thuộc mà còn kém xa thời kỳ phong kiến thối nát…Một xã hội bất công, vô lý như thế: Con đấu tố cha, trò bắt trói thầy thì tôi còn sống làm gì? Hãy để tôi ra đi trong tay vợ con mình còn hơn cảnh phơi thây ngoài bãi bắn”.

Không chịu đựng nổi cái chết phi lý của chồng, lại chứng kiến cảnh mất nhà, cướp đất của lũ cán bộ cốt cán, từng ăn mòn bát, ngồi mòn chiếu nhà mình. Một điều U, hai điều Thầy, nay giở mặt gọi ông bà là địa chủ bóc lột, đưa đi nhốt trong chuồng lợn, bị bỏ đói, khiến bà phaỉ ăn cám bã để tồn tại…Trong khi con cái ly tán khắp các phương trời góc bể, Từ Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Tây, Hà Nội v.v nên ốm đau, mòn mỏi, kiệt quệ đành nhắm mắt, xuôi tay theo chồng khi tuổi đời chưa tròn một vòng hoa giáp…

Khóc cho bố mẹ chán, bác tôi quay ra khóc cho mình, cho cả đại gia đình 9 đứa con, 9 cặp dâu rể và 30 chục cháu nội ngoại đang trong cảnh bấn loạn tinh thần. Chỉ vì tin ông bà còn sống mà nấn ná ở lại cùng má, chờ ngày về lại quê cha đất tổ, không thể “lầm đường lạc bước theo giặc, bỏ cha mẹ, các em lại mà đi “… Giờ cơ hội đã lỡ, tất cả đều trong cảnh sống giở, chết giở, 6 anh là sĩ quan cộng hoà đều phải đi học tập cải tạo mút mùa, vợ con không ai nuôi nấng, chăm sóc. Đồ đạc, của nả bán đổ bán tháo mong đổi lấy bữa ăn hàng ngày …Đang từ xã hội tiêu thụ, gi gỉ gì gi, cái gì cũng có, thành xã hội “bao nhiều, cấp ít”. Gi gỉ gì gi, cái gì cũng thiếu …Ai cũng hoang mang chán nản, rã rời bởi cuộc sống đã bị cướp đi những gía trị quý giá, căn bản nhất. Không phải sống mà là vạ vật cho qua ngày đoạn tháng, đau khổ đến chết và đói nghèo đến chết. Thậm chí có người không chịu đựng nổi cảnh địa ngục trần gian do bọn phát xít mới đưa lại đã lặng lẽ tìm đến cái chết, hòng làm đứt tung mọi sự ràng buộc, gian díu với đời

Đầ năm 1980, đến lượt tôi cùng nhóm bạn viết văn Nguyễn Du khóa 4 tìm vào. Điều cảm nhận đầu tiên của tôi là sự hụt hẫng, suốt 72 tiếng đồng hồ trên chuyến tàu xuyên Việt, tầm mắt chỉ được nuôi dưỡng bằng cảnh nghèo, cái đói, sự rơi vãi niềm tin: “Vòng quanh nước Việt xa xôi, nôn nao, xóc óc, nổi trôi cảnh đời ” .

Đất nước liền một dải, non sông thu về một mối, nhưng lòng người đầy cách ngăn. Một con sông bến Hải, một vĩ tuyến 17 ngày và đêm, một nhịp cầu Hiền Lương vẫn tồn tại trong lòng mỗi con người. Dù là tình máu mủ, ruột thịt, anh em, họ hàng, bà con, cô bác vẫn không sao xoá nhoà được ranh giới của kẻ thua, người thắng, kẻ Bắc, người Nam, kẻ lấn chiếm, người bị động…Khắp thành phố, sự phân biệt kị thì vẫn hằn lên trong từng ánh mắt, giọng nói, điệu cười. Biết bao ông bố bỏ lại vợ con ra căn cứ địa cách mạng rồi tập kết ra Bắc, trở về dắt theo cả vợ lẽ, con thêm . Biết con trai đi học tập cải tạo, con dâu một nách 4,5 con nhỏ, vẫn không một lần lên trại thăm nuôi, còn dài giọng trách: – “Ai biểu nó vô Việt Nam Cộng Hoà, quay súng bắn lại cách mạng? Giờ tao vô trại cũng có bảo lãnh cho nó ra được đâu”…khiến con dâu vì nghèo, đói, uất ức mà phải tự tử, bỏ lại bốn, năm đứa con côi cút, găm thêm vào lòng người chồng đang ngồi tù cải tạo một vết thương sâu hoắm.

Hạnh phúc là một tấm chăn hẹp, người này ấm thì người kia lạnh. Trong khi anh em họ hàng lãnh đạo miền Bắc rùng rùng đội của ra bắc, thì người dân Miền Nam nghèo đi trông thấy. Câu hát của người dân như lưỡi dao đâm vào tim tôi đau nhói: “Đi ta đi giải phóng miền Nam, đi đến khi nào người dân không còn cái quần, thì ta vào chiếm chỗ, quét sạch chúng đi, lời bác sui dại bên tai, chiến đấu cho đến ngày Nam, Bắc nghèo bằng nhau, chiến đấu cho đến ngày Nam, Bắc hòa niềm đau “.

Một dân tộc bị lãnh đạo cộng sản chia đôi thành hai vùng địa lý, chính trị, thuộc về hai chiến tuyến. Một vết cắt xuyên thấu mỗi gia đình, số phận, tưởng chừng giải phóng được rồi là tình người, no ấm về theo. Ai ngờ, vì những chính sách cai trị man rợ kéo dài mà kéo theo bao cảnh ba đào loạn ly, trước tiên là cảnh chia đàn xẻ nghé của tất cả các gia đình “nguỵ quân, nguỵ quyền” chồng, con, anh em vào trại cải tạo, vợ con ở lại nheo nhóc đói khổ, phải đương đầu với cuộc sống vô cùng khắc nghiệt do chính sách cai trị chết người của đảng cộng sản: Tài sản bị cướp trắng sau cải tạo công thương nghiệp, giết chết cái gọi là mầm mống tư sản mại bản để đề cao lý tưởng “xoá bỏ chế độ người áp bức bóc lột người’. Giật tiền “Nguỵ” bố thí tiền đảng, đến mức người dân phải thốt lên đầy cay đắng:

Bố cạn tiền rồi cán bộ ơi,

Đổi tiền mà sao đến nỗi này

Chưa tiêu đã hoá tiêu đi hết

Chú phỉnh tôi rồi, chính phủ ơi”

Trong khi đại bộ phận người dân thành phố nghèo đi trông thấy, thì những anh bộ đội cụ Hồ ( ba lô con cóc lép kẹp trên lưng với chiếc khung xe đạp, con búp bê nhựa xấu xí hôm nào), bỗng giàu lên một cách đáng ngờ. Từ vô sản thành hữu sản, còn người dân chịu cảnh “đấu tranh giai cấp”, “cải tạo công thương nghiệp”, nên đi từ hữu sản thành vô sản. Không những khốn khổ vì đời sống thấp kém, còn khốn khổ vì bị cán bộ cách mạng đè đầu cưỡi cổ, sách nhiễu lung tung.

Đất nước liền một dải nhưng lại thực hiện chính sách, ngăn sông, cấm chợ, khiến 400 quận, huyện trong cả nước khi ấy biến thành 400 lô cốt, pháo đài riêng biệt…Từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau, đất nước bị băm nát thành trăm nghìn mảnh vụn bởi các trạm gác, chốt canh, nhân viên thuế vụ v.v Chỉ đem cân gaọ, lạng thịt từ tỉnh này sang tỉnh khác, huyện này sang huyện khác đã bị coi là buôn lậu và bị phạt, bị bắt, bị nhốt vô tội vạ, khiến lòng dân tứ tán …Làn sóng di tản ồ ạt, di tản bằng mọi giá, gần 90% các sĩ quan ra khỏi trại cải tạo trở về là cùng vợ con bỏ đất nước ra đi, tạo thành một làn sóng lưu vong nhiều không kể xiết, nạn thuyền nhân khủng khiếp nhất thế giới…Chưa kể các trại tù mọc lên như nấm suốt dọc bờ biển Đông để nhốt người vượt biển. Hiếm có người nào đi một lần đã trót lọt. Người bỏ mình trên biển thẳm, người bị bắt hết lần này lần khác, người trở thành nạn nhân của bọn hải tặc Thái Lan v.v Đau thương, loạn lạc chẳng khác gì thời bom rơi đạn nổ trong công cuộc tiến công và nổi dạy tết Mậu Thân, hoặc tổng tấn công trước ngày 30 tháng 4 năm 1975…Đất nước không phải của 18 đời vua Hùng tạo dựng mà là của một phe nhóm lãnh đạo cộng sản, còn những người dân thấp cổ bé học thì thuộc tầng lớp bị trị, bị cai quản đầy áp đặt thô bạo và phân biệt đối xử không khác gì bài học lịch sử đau xót của cả nghìn năm trước đó: “Được làm vua, thua làm giặc”. Hễ là người miền Bắc dù không có chứng chỉ văn bằng, năng lực lãnh đạo, quản lý, nhưng đều được cất nhắc lên thành cán bộ. Con em ” Nguỵ quân, nguỵ quyền” bị phân biệt đối xử, bị xem xét về lý lịch, thành phần. Bao nhiêu khẩu hiệu dùng để tập hợp lực lượng, thu hút quần chúng sớm đến ngày chiến thắng, giờ trở thành đầu môi, chót lưỡi , thành sự bội ước với số đông đồng bào, đồng chí, anh em, cô bác. Xã hội bị tha hoá, tuột dốc từng ngày. Thời điểm trước “giải phóng”, miền Nam Việt Nam dưới sự chỉ đạo của chính thể Cộng Hoà, 21 triệu người đã ra khỏi sự đói nghèo luẩn quẩn của nghìn năm lịch sử, nay nhờ được đảng cộng sản “giải phóng” mà cả nước húp chung một niêu cháo loãng, cả nước lặn ngụp trong những ô tem phiếu, nhá bo bo, mì hạt sái hàm, ăn khoai và củ mì đớ họng. Từ chỗ vượt xa Nam Hàn và Thái Lan trong thập kỷ 70, thì ngay sau “giải phóng” một năm, đã kém xa Nam Hàn và Thái Lan về mọi mặt. Mượn lý tưởng “xoá bỏ chế độ người bóc lột người” để liên tục đánh vào tầng lớp hữu sản, để dần dần thay thế vai trò, từ vô sản thành hữu sản và ngược lại. Ngọn cờ của giai cấp vô sản càng giương cao thì tầng lớp cán bộ, lãnh đạo đảng càng giàu lên một cách bất ngờ, trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi , trong khi bao nhiêu căn cứ cách mạng, bao nhiêu vùng nông thôn rộng lớn phải sống cảnh giật gấu vá vai, ăn bữa nay, lo bữa mai thì cán bộ cộng sản ăn chơi phè phỡn, ăn luôn cả thành tựu cách mạng bao năm gây dựng trong lòng dân . Khắp thành phố khi đó là một bức tranh hiện thực trơ trụi , xám mgoét, hậu quả tất yếu của sự lãnh đạo dốt nát, cộng với chủ nghĩa cơ hội, ăn xổi ở thì, cũng như kiêu ngạo, ảo tưởng của kẻ chiến thắng. Vừa công kênh cái dốt, đề cao cái ác, lại vừa giày xéo lên lương tâm của những người lương thiện, chưa kể còn cố tình bám vào những lý thuyết sách vở lỗi thời là chủ nghĩa Mác, Lê để níu kéo sự phát triển hài hoà của cuộc sống . Càng giương cao ngọn cờ “bách chiến bách thắng” trong mọi lĩnh vực thì càng chứng tỏ sự hy sinh to béo của đảng, Càng nêu cao khẩu hiệu “nói thẳng, nói thật, đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật” thì càng dối lừa, gian trá, khiến cho bài toán kinh tế mỗi ngày lại mang thêm nghiệm âm.

Hàng nghìn gia đình bị dồn lên khu kinh tế mới, mới chẳng thấy đâu, chỉ thấy mênh mông mịt mùng là rừng, núi, vách đá dựng đứng. Ngày nắng rát da, đêm lạnh thấu xương. Một ngày trải đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, chẳng biết làm gì để ăn, để sống đành ôm nhau mà khóc, ôm nhau mà sợ, rồi không thể ôm nhau mà chết, đành dắt díu lếch thếch kéo nhau về lại nơi ở cũ, vạ vật nơi xó chợ, lề đường, vì nhà cũ đã được quan cách mạng chiếm cứ, trưng dụng vô điều kiện …

Ba tháng trời ở lại Miền Nam thâm nhập thực tế, trở ra lòng tôi trĩu nặng. Cũng như tất cả những người dân miền Nam khác trong thời kỳ đó, tôi không nhận được gì từ chế độ mới xã hội chủ nghĩa mà chỉ cảm được nỗi đau, nỗi khổ, nỗi bàng hoàng, hẫng hụt, bất bình của người dân miền Nam với chính quyền cộng sản. một chính quyền dốt nát, tham tàn , ngông cuồng và ác độc khiến người dân phải gọi chệch ngày kỷ niệm 30-4 thành “ngày tưởng liệm ba mươi thứ tang”. Khắp sông hồ, biển cả, rừng núi ,con người, và vạn vật đều chịu đủ 30 thứ tang do đảng cầm quyền gây ra, từ cướp chiếm Miền Nam, biến vùng đất trù phú, ấm áp thành vùng đất nhốn nháo ô hợp: “Thành phố ít dần dân, chỉ nhiều thêm cộng sản, rồi “thành phố hết giàu sang chỉ là nơi ở tạm” để tìm ngày vượt biển, ly hương. Câu thơ trong bài “trên đường thiên lý” của Tố hữu mà tôi buộc phải thuộc lòng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa cứ xoáy vào tôi như một dấu hỏi:“ Đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh, gương mặt người ai cũng sáng long lanh. Trong khi sự thực thì ngược lại “đất nước mình sao lắm mái nhà tranh, Gương mặt người ai cũng xám xanh”, vì lo ăn, lo mặc, lo giấu mọi thư từ sách truyện, phim ảnh , vàng bạc hoặc kỷ niệm còn xót lại kẻo mấy ổng cán bộ, mấy anh cán ngố vào đập bỏ, tịch thu bắt vô tù. Đã tang me, tang cha, tang chồng rồi còn đâu nước mắt để khóc con trong những ngày tù đằng đẵng nữa?

Gần 43 năm qua rồi, nỗi đau còn đọng lại, vẹn nguyên, làm tổ, kết kén trong hồn tôi, càng ngày càng mưng mủ, khi cuộc sống của triệu triệu người dân, trong đó có gia đình, họ hàng, bạn bè tôi ngày càng mịt mù, tăm tối hơn, Bác tôi chết trong đói nghèo, kiệt quệ và ngập tràn ân hận vì vô tình triệt phá đường sống của 9 đứa con và cả bày cháu nội ngoại. Anh hai, anh ba, anh tư, anh bảy v.v Sáu anh khi trở về từ trại tù chỉ còn thân tàn ma dại, không tương lai, không nghề nghiệp, không cả vợ con, vì người bị vợ bỏ, người không dám lấy vợ vì nghèo, vì bị xã hội mới phân biệt đối xử, chỉ biết đi làm lơ xe, nhọc nhằn kiếm sống từng ngày, rồi đốt đời mình trong rựơu độc, hơi men. Ba chị gái, lần lượt theo gia đình chồng lên vùng kinh tế mới, lấm lưỡi kiếm ăn. Không chịu nổi thung thổ, khí hậu, phải đắp điếm thêm mấy ngôi mộ mới ở ven rừng mà cũng không yên vì nay bị xã gọi lên giải tỏa, mai tiến hành cưỡng chế, giải phóng mặt bằng. Mỗi lần đám cháu tội nghiệp tìm về chỉ biết ôm lấy cháu mà hờ lên thành tiếng: “Lỗi tại Ngoại, tại Nội hết con ơi, Ngoại cứ tưởng cách mạng cũng là người, cũng phải biết chăm sóc đến đời sống của dân, ai dè…đầu năm ăn bánh vẽ, cuối năm húp cháo lừa…Họ là thú mới dồn đuổi gia đình mình ra nông nỗi này, con ơi. Ngoại không muốn sống nữa, bao đêm rồi ngoại mơ thấy các chú, các bác, ông ngoại, bà ngoại trở về đón Ngoại đi rồi …Các con đứa nào đi được hãy cố mà đi ra khỏi cũi chuồng người này nhé. Điều an ủi duy nhất của Ngoại là được cùng ông và con cái sống yên ổn giàu sang trong 21 năm Việt Nam Cộng Hòa”.

Điều cảm nhận duy nhất của tôi lúc này là nếu còn được sống đến ngày hôm nay , chắc chắn bác tôi cũng như hơn 90 triệu người Việt Nam khác luôn mong chế độ cộng sản sụp đổ. Còn tôi bên cạnh ước mong cháy lòng đó, luôn tồn tại một câu hỏi lớn trong đầu: “96 triệu dân Việt Nam có ước mơ gì không khi gần nửa thế kỷ trước Martin Luther King nói:” Tôi có một ước mơ, đến một ngày nào đó người da đen được bình đẳng với người da trắng” tròn 40 năm sau ngày ông mất, nước Mỹ có tổng thống da đen đầu tiên , còn Việt Nam Cộng Hòa đã mất vào tay cộng sản gần 43 năm rồi, vẫn không ai có ước mơ gì sao? Hết 30-4 này lại 30-4 khác… vẫn là cảnh: “Hạnh phúc đựng trong dạ dày, dạ mỏng. Giấc mơ cơm đè nát phận người dân”

Lại đến ngày 30-4 đen lần thứ 43 rồi, còn hận thù, vương vấn gì không? Việt Nam Cộng Hòa ơi!

TKTT

8 BÌNH LUẬN

  1. Chào bạn Nguyễn Thái Hoàng. Không đúng! Phải nói là chào cô Trần Khải Thanh Thủy!

    Viết câu chào trên để nhắc chuyện vui trên Đàn Chim Việt lúc bạn Trần Ngọc Thành là chủ nhiệm và Trần Trung Việt chủ bút. Lúc đó, 2006 có bài “triệu người vui, triệu người buồn” của VV Kiệt đăng trên Đàn Chim Việt, tôi vào đọc và từ đó viết nhiều comment kể cả những comment dưới bài chủ của T/g Nguyễn Thái Hoàng. Hơn một năm sau, đưa ra luật mới quy định số từ cho mỗi comment, mất nhiều thì giờ chia đoạn và sau đó Đàn chim Việt chia hai nên tôi rời Đàn Chim Việt . Bắt đâu vân du qua các trang mạng khác.

    Hôm nay trở lại đây chào mừng cô Trần Khải Thanh Thủy đã thoát khỏi nhà tù lớn và cộng tác với Đàn Chim Việt là trang báo tôi rất quí mến.

    Cô TK Thanh Thủy nhắc đến VNCH, tôi rất cảm kích nên xin gởi lại dưới đây 3 cái links cũ (2012 & 2013) mang tinh thần đồng cảm chấp nhận sự thật lịch sử, chung sức đấu tranh vứt Hồ, dẹp cộng, dựng lại Quốc gia Việt Nam/VNCH với Cờ vàng 3 sọc đỏ. Từ đó Bắc Nam trong ngoài bắt tay nhau phục hưng nước nhà, thoát đại họa mất nước vào tay Trung cộng.

    Xin chúc cô TK Thanh Thủy và quí quyến an lành và may mắn.

    Thân mến,

    Dân Nam
    June 2016

    ==================

    1. Chỉ giỏi cãi – ( Bài chủ của T/giả/trang chủ NguyễnThông)
    http://thongcao55.blogspot.com/2013/07/chi-gioi-cai.html
    Nhiều comment của Dân Nam và bằng hữu dưới bài chủ (trên) của Nguyễn Thông:
    2. So sánh Nhựt và Việt Nam – Dân Nam

    3. NHỮNG MỐC LỊCH SỬ QUAN TRỌNG KHỞI TỪ THẬP NIÊN 1940 – T/g Dân Nam (2012)
    http://www.trinhanmedia.com/2012/10/nhung-moc-lich-su-quan-trong-khoi-tu.html

  2. Là một cựu công dân của quốc gia VNCH, tôi lấy làm cảm kích về những thịnh tình mà cô TKTT đã dành cho cố quốc của tôi.

    Tuy cô không sinh đẻ trên quê hương VNCH của tôi, nhưng văn hoá và tư duy của cô đã thể hiện từ trước đến nay, quả rất là VNCH!

    Nếu quốc hận năm nay không phải là quốc hận cuối cùng thì nó sẽ là sang năm hoặc sang năm nữa! Người Do Thái từng mất quê hương đến hai ngàn năm, vào những lần họ gặp nhau trong hai ngàn năm mất nước ấy, họ vẫn chúc nhau: “Sang năm về Jérusalem”! Và cuối cùng là lời chúc của họ đã thành hiện thực vào năm 1948.

    Tôi rất xúc động khi thấy cô yêu quê hương VNCH của tôi một cách chân thành và luôn mang một niềm tin về sự hồi sinh của VNCH, tôi chỉ biết chúc cô: “Sang năm về Sài gòn”! Không sang năm tời, thì sang năm tới nữa, thì có sao đâu. Người Việt mình chỉ mới chúc nhau có 43 năm, chưa thấm thía vào đâu so với 2000 năm chờ đợi của người Do Thái mà!

  3. “Ông tôi khi ấy đang làm hiệu trưởng trường cấp I, vì uất ức mà phải giằng kính khỏi mắt đập mạnh xuống nền nhà cho mắt kính vỡ tan, rồi chọn lấy một mảnh nhọn và sắc nhất rạch ruột tự tử ngay trước mặt cán bộ cải cách “. Tác Giả Trần Khải Thanh Thủy .

    Bà Phạm Thị Nhu – vợ của nhà thơ Nguyễn Hữu Loan, tác giả của bài thơ Màu Tím Hoa Sim- có thân phụ bị đấu tố thời Cải Cách Ruộng Đất và bị chôn sống để cho trâu kéo bừa tới cắt đứt đầu.

    Thế cho nên thà tự chết thảm khốc còn hơn là chết vào tay Cộng sản: Nhà văn Dương thu Hương kể lại rằng: Thời kỳ Cài Cách Ruộng Đất, sau lưng nhà tôi, ngay đường xe hỏa, một người khác bị vu là địa chủ nên tự tử bằng cách đặt cổ vào đường rầy cho xe lửa cán chết.

  4. Triết gia Trần Đức Thảo: Mới đặt chân xuống cái thủ đô của miền Nam này, mọi sự đã làm tôi kinh ngạc. Qua bao nhiêu năm chiến tranh gian khổ mà sao Sài Gòn nó lại khang trang hiện đại như vậy? Tôi cứ ngỡ cả miền Nam đói khổ vì bị Mỹ-Ngụy bóc lột đến nỗi miền Bắc đã phải ‘cắn hạt gạo làm tư’ để cứu giúp miền Nam cơ mà.. Và mọi người ở đây nói năng cởi mở thoải mái như vậy? Ngay những cán bộ Đảng ở đây cũng có thái độ tự do quá. Họ đãi đằng, giễu cợt tôi, coi tôi cứ như anh mán, anh mường ở rừng mới được về thành phố.

    Nguyễn Chí Thiện – tác giả cuốn Hỏa Lò: Đất nước thống nhất, tôi có dịp đi công tác vào Nam ngay. Qua vùng đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy tận mắt nông dân dùng cả gạo để nuôi lợn. Quá no đủ. Đầy tình người. Đặt chân tới thành phố Sàigòn, tôi giật mình. Phồn thịnh quá, hạnh phúc quá! Trẻ con ngoan ngoãn, lễ phép. Hóa ra tuyên truyền toàn bố láo.

    • Hình như ông Thảo tốt nghiệp từ Sorbonne bên Pháp thì phải, vậy mà ông không nhận ra CS láo thì thật là lạ?
      Bởi vậy, trách sao dân ngu khu đen ngoài nớ bị lùa đi chống Mỹ cứu nước… Tàu chết bầy bầy là phải!

      • Sống đằng sau Bức Màn Sắt mà ở đó mọi phương tiện truyền thông đều do đảng cộng sản nắm giữ, thì chúng nói hay tuyên truyền thế nào thì người dân cũng chỉ biết vậy mà thôi – kể cả triết gia Trần Đức Thảo.

        Nghe nói rằng một số những người lính biệt kích, trước năm 1963, được gửi ra ngoài Bắc hoạt động, rồi bị bắt. Sau đó, họ hoàn toàn không biết rằng tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ năm 1963. Phải mãi đến sau 1975, khi có dịp tiếp xúc với những người tù ” cải tạo” bị đày ra ngoài Bắc, họ mới nhận biết được tin này.

        Dưới đây là vài chi tiết về triết gia Trần Đức Thảo- không thấy có ghi tốt nghiệp đại học Sorbonne :

        Nhận bằng Cử nhân với đề tài “Phương pháp hiện tượng học của Husserl”. 1943-1944 : Nghiên cứu sinh tại Trường Sư phạm phố d’Ulm để thực hiện luận án Tiến sĩ quốc gia (Doctorat d’Etat) với đề tài “Phương pháp hiện tượng học của Husserl”
        Năm 1952, về nước, tham gia Việt Minh. Làm việc dịch thuật ở văn phòng tổng bí thư Trường Chinh. Năm 1956, làm chủ nhiệm khoa Sử ở trường đại học Hà Nội.
        Năm 1956, gia nhập nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Ông viết “Phát triển tự do và dân chủ” phê phán sự quan liêu hoá của chế độ và những “sai lầm” trong cải cách ruộng đất. Vì vậy, bị cách chức và bị đem ra đấu tố. Từ 1958 đến 1961, bị gửi đi cải tạo tại một nông trường. Trở về Hà Nội năm 1961, ông bị gạt ra ngoài lề và trở nên vô dụng.

        Liên Xô sụp đổ năm 1991, tình hình chính trị Việt Nam lại bị siết chặt. Những người ủng hộ perestroika như Trần Đức Thảo lại bị khó khăn. Chính trong bối cảnh này mà ông sang Pháp. Lý do đi Pháp lần này có lẽ là vì Hà nội giao phó ông Trần Đức Thảo sang Pháp biện hộ cho lập trường của cộng sản về vụ “Nhân văn – Giai phẩm”. Sau một lần khi bị té ,ông được đưa vào bệnh viện Broussais và qua đời năm 1993.

Leave a Reply to Tudo.com Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên