Thư gửi bộ trưởng bộ Giáo duc và đào tạo

5
Giáo dục- Ảnh mang tính minh hoạ.
Thưa Bộ Trưởng NGUYỄN KIM SƠN,
Tôi là Mạc Văn Trang, nhà giáo, 84 tuổi. Tôi đi dạy học từ lúc 22 tuổi, rồi sau này vừa học, vừa nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn Nghiên cứu sinh cho đến 80 tuổi. Cả một đời yêu nghề, gắn bó với giáo dục. Giờ đây vẫn rất trăn trở với nhiều chuyện của Ngành ta. Trong Thư này, tôi chỉ xin thưa với Bộ trưởng về vấn đề GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG.
1. Nhà giáo là trụ cột và linh hồn của sự nghiệp giáo dục
Ngày xưa, các ông Đồ, các Thầy dạy tư có khi chả biết Bộ giáo dục là gì, tự họ dạy học trò nên người, người dân tin tưởng gửi con đến nhờ các Thầy dạy dỗ. Thời phong kiến, thực dân, thời Việt Nam Cộng hòa, người Thầy giáo vừa được trọng vọng vừa có lương bổng nuôi sống cả vợ con.
Thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ 1954 đến 1960, các giáo viên “Lưu dung” từ chế độ cũ vẫn được trọng dụng, hưởng nguyên lương như trước, cao gấp 2 – 3 lần giáo viên “cách mạng”. Từ năm 1961 tiến lên CNXH, rồi sau đó chiến tranh, đời sống dân miền Bắc vô cùng khó khăn, nhưng nền giáo dục XHCN cùng với Y tế luôn được coi là “Hai Bông hoa” đáng tự hào của chế độ.
Tất cả những giai đoạn nêu trên, Nhà trường và Thầy giáo luôn có vị trí được xã hội tôn kính. Chính quyền, nhất là cấp Xã/ Phường không có chuyện can thiệp thô bạo vào nhà trường hay vô lễ với các Thầy, Cô giáo.
Từ những năm 1961 – 1962 tôi làm Hiệu trưởng trường cấp 2; lúc đó không có chuyện Chủ tịch, Bí thư xã đến “huấn thị” cho nhà trường. Họ lên phát biểu chỉ cảm ơn các Thầy, Cô và mong các Thầy, Cô thông cảm, địa phương còn nhiều khó khăn, chưa chăm sóc được cho nhà trường đầy đủ… Khi một giáo viên có chuyện gì, Công an báo cáo với Hiệu trưởng để xem xét giải quyết và thông báo cho họ…
Các giáo viên dù được đào tạo Chính quy hay Hàm thụ, khi đã tốt nghiệp đi dạy, không ai phân biệt, và như vậy đã ĐỦ ĐIỀU KIỆN để làm giáo viên. Việc đánh giá giáo viên chỉ có học sinh, đồng nghiệp, cha mẹ học sinh đánh giá là chính xác; cho nên mỗi giáo viên không ngừng TỰ học hỏi, trau dồi nghề nghiệp để mình xứng đáng làm Thầy, để có uy tín…
Càng yêu cầu cao với người giáo viên thì càng phải tôn trọng họ cao hơn và tạo điều kiện để họ sống đàng hoàng, xứng đáng với vị trí người Thầy…
Phải biết trân trọng lao động của Giáo viên và tôn trọng Nhân cách người Thầy, vì họ là trụ cột và linh hồn của sự nghiệp giáo dục.
Khi các cơ quan quản lý phình to, quan liêu, hống hách, còn vị trí Nhà trường và người giáo viên nhỏ bé đi thì hỏng rồi! Nên nhớ từ những năm 1960 người giáo viên “có giá” lắm, “coi thường” các cơ quan quản lý, không giáo viên giỏi nào chịu về các cơ quan quản lý, vì bị “mất dạy”! Lúc đó anh em giáo viên bông đùa: “Ho lao thối phổi về Ty/ Tham ô, hủ hoá thì đi về Phòng/ Những người già lão có công/ Thì đưa về Bộ cho xong cuộc đời”! Người giáo viên đàng hoàng, tự tin lắm, không phải xun xoe, khúm núm trước các cơ quan quản lý.
Hãy hình dung Bộ giáo dục, Sở giáo dục, Phòng giáo dục “tự nhiên biến mất”, nhưng nhà trường còn, giáo viên còn, thì mọi hoạt động giáo dục vẫn diễn ra như thường!
Vậy thì Bộ, Sở, Phòng giáo dục sinh ra để làm gì? Để phục vụ giáo viên thực hiện tốt nhất sứ mệnh thiêng liêng của mình. Cục Nhà giáo sinh ra là để chăm lo cho các Nhà giáo lao động nhẹ nhàng hơn mà hiệu quả hơn; Chế độ, chính sách lương bổng, đời sống giáo viên ngày càng cải thiện, sung sướng hơn, để nhà giáo thêm yên tâm cống hiến…
2. Vậy mà các cơ quan quản lý giáo dục đang làm khổ giáo viên đủ trò
Bao lâu nay bày trò “Thi giáo viên dạy giỏi” cấp trường, cấp huyện/quận, cấp tỉnh…rồi “Thi đua” đủ mọi thứ; bình bầu, đánh giá giáo viên theo bao nhiêu tiêu chí, khiến hoạt động giảng dạy của giáo viên bị rối nhiễu; người thầy giáo phân tán tâm trí, hao phí thời gian, sức lực vào những chuyện vô bổ, thậm chí gian dối… Những hoạt động đó thường gây không khí căng thẳng, tiêu cực trong môi trường sư phạm của nhà trường.
Nghe nói nhiều Phòng giáo dục, nhiều Hiệu trưởng trở thành “quan lớn” ức hiếp giáo viên, gây nhiều nỗi bức xúc cho các Thầy, Cô giáo. Nghe nói có nơi bắt các cô giáo đi “tiếp khách” hầu hạ quan chức; có nơi bắt giáo viên tham gia làm “dư luận viên”(?). Hỏng quá!
Đặc biệt là Bộ, rồi các Sở quy định giáo viên phải học thêm bao nhiêu chứng chỉ mới được công nhận là giáo viên chính. Đây là trò làm khổ giáo viên, làm nhục giáo viên và làm giàu cho “nhóm lợi ích” ăn tiền trên mồ hôi nước mắt của giáo viên. Tôi đã nói ở trên, người đã tốt nghiệp Trường/Khoa Sư phạm ra làm giáo viên, sau thời gian tập sự, họ đã đủ điều kiện, không cần bất cứ Chứng chỉ nào nữa. Họ thiếu, yếu cái gì thì sẽ tự bồi dưỡng tại cơ sở…
Tôi có rất nhiều bằng chứng các giáo viên cung cấp: Họ bị bắt buộc đi học một cách qua loa, để nộp tiền và nhận mấy cái Chứng chỉ về vứt xó…
Tất nhiên cần những Tiêu chuẩn Nhà giáo, ai không còn xứng đáng thì đưa ra khỏi ngành, nhưng không vì thế mà làm như “khủng bố” tất cả cả đội ngũ giáo viên!
3. Mấy kiến nghị
3.1. Đề nghị Bộ trưởng TINH GIẢN BỘ MÁY các cơ quan quản lý giáo dục; càng lắm người, họ càng nghĩ ra nhiều trò có hại: Họ soạn ra bao nhiêu văn bản sai trái, có hại; họ tổ chức nhiều cuộc họp hành vô bổ… Đặc biệt xin Bộ trưởng kiến nghị các cấp có thẩm quyền bỏ ngay các Phòng giáo dục Quận/Huyện đi! Thêm cấp quản lý này chỉ bày việc ra làm khổ giáo viên, nhiều chuyện tồi lắm, không muốn kể ra đây! Thời đại 4.0, Bộ, Sở giáo dục thông tin trực tiếp đến các trường, vừa nhanh, vừa chính xác, không cần cấp trung gian.
3.2. Bãi bỏ ngay việc bắt giáo viên HỌC CÁC CHỨNG CHỈ và CẢI TIẾN CÁCH ĐÁNH GIÁ GIÁO VIÊN. Nên bỏ việc Thi giáo viên giỏi các cấp; không bỏ được Thi đua thì tinh giản các tiêu chuẩn càng ít càng tốt; nghiên cứu việc đánh giá giáo viên sao cho nhẹ nhàng, thực chất. Cần thấy rằng, dẫu là Chiến sĩ Thi đua, Tiên tiến xuất sắc, Tiên tiến hay Bình thường không có giá trị gì, nếu học sinh và đồng nghiệp không tín nhiệm.
Người Thầy giáo không cần danh hiệu nào, ngoài sự kính trọng, yêu mến của học sinh và sự tin tưởng của Cha mẹ học sinh, của đồng nghiệp. Đó mới là điều người giáo viên cần tu dưỡng, rèn luyện, chứ không phải bày đặt mấy cái danh hiệu thi đua tào lao!
3.3. Việc học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên là việc thường xuyên và hết sức quan trọng, nhưng hãy tiến hành BỒI DƯỠNG TẠI TRƯỜNG bằng hình thực trực tiếp hay trực tuyến, hoặc qua các băng hình… Tránh hết sức bắt giáo viên tập trung nghe giảng bồi dưỡng rồi “mua” Chứng chỉ!. Mỗi trường học, Tổ bộ môn là một đơn vị tự bồi dưỡng hiệu quả nhất. Qua hoạt động tự học, tự bồi dưỡng cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá mỗi giáo viên, mỗi nhà trường.
3.4. Một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ này, mong Bộ trưởng hãy CẢI THIỆN HÌNH ẢNH và ĐỜI SỐNG CỦA NHÀ GIÁO. Như Cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên nói, nhiều giáo viên yêu thích nghề vì “được nghỉ hè ba tháng” và là “nghề Tự do”… Hãy tôn trọng lao động sư phạm có tính độc lập, tự do của người giáo viên và do đó người giáo viên càng có ý thực tự chủ vươn lên xứng đáng với trách nhiệm của mình; càng o ép, kiểm soát làm người giáo viên nhỏ bé đi, hèn mọn đi, thì sự nghiệp giáo dục càng hỏng.
Bộ trưởng hãy tìm cách cải thiện đời sống cho giáo viên, nhất là các Thầy, Cô giáo ở những vùng khó khăn. Không thể để xã hội nhìn nhà giáo tội nghiệp như những kẻ cần được bố thí! Hãy kiên quyết làm sao để giáo viên được tăng lương.
Thưa Bộ trưởng,
Tôi tâm đắc với câu Bộ trưởng nói: “Bỏ văn mẫu”, “Dạy THẬT, Học THẬT, Nhân tài THẬT”, nhưng trước hết toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh phải NÓI THẬT đã!
Thư này tôi nói rất THẬT, và xin nhắc lại: Nhà giáo là trụ cột và linh hồn của sự nghiệp giáo dục. Vì vậy từ Bộ trưởng đến Hiệu trưởng hãy kính trọng các Thầy, Cô giáo đang đứng lớp.
Kính Chúc Bộ trưởng Mạnh khoẻ, Hạnh phúc!
Mạc Văn Trang

5 BÌNH LUẬN

  1. Ở cái chế độ cộng sản Việt Nam,
    nhà giáo được coi như những
    anh công nhân ,theo kiểu nói
    văn hoa của họ lá “kỹ sư của
    tâm hồn”,chỉ có nhiệm vụ là
    nhét những cái tư tưởng thổ tả
    kia vào đầu học sinh từ lớp vỡ
    lòng .

    Cho nên thiên chức của nhà
    giáo không có . Học sinh chỉ
    được mang ơn thầy giáo ở mức
    độ biết đọc, biết viết . Còn
    những kiến thức khác là do
    Đảng ban cho ,nếu có thành
    tựu gì ở ngoài đời ,phải nhớ
    ơn Đảng.

    Đó là lý do lúc nào Đảng cũng
    kể công ,khi có một nhân tài
    của Việt Nam góp mặt với
    thế giới

  2. Bộ trưởng giáo dục Sơn hay Nhạ
    kia có cái quyền hạn tới đâu ,mà
    thay đổi được cái “tư duy” của
    chính sách giáo dục của Đảng .

    Cứ còn giữ cái đường lối giáo
    dục để phục vụ chính trị , “tính
    Đảng”,”tính giai cấp”,”tư tưởng
    Mác Lê nín”, “hồng hơn chuyên” ..

    Thì góp ý với bộ trưởng ,cũng
    bằng thừa .

    Sai tận gốc rễ, không thể sửa
    chữa ở đằng ngọn . May mắn
    nếu sửa được sai chỗ này ,sẽ
    đưa tới sai cái khác .

  3. Nền giáo dục XHCN thời đại Hồ Chí Minh thật tuyệt với.

    Nữ giáo viên được điều đi…tiếp rượu

    Nữ sinh viên Sư Phạm được bán dâm ba lần (he he he lần thứ tư thì phải…kín đáo)

    Thảo náo mà chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã quảng cáo để kêu gọi đầu với “bạn bè 5 châu” rằng:

    “Con gái VN đẹp, công nhân lại rẻ”

    Hết thuốc chữa rồi, “đàn gảy tai trâu” thôi, cụ Trang ơi!

  4. Lớn lên làm sao yêu Tổ Quốc?

    Học sinh chán học môn lịch sử
    Đưa ta đối diện hai vấn đề
    Thứ nhứt bọn cộng sản quỷ dữ
    Sẽ làm chúng thỏa mãn hả hê

    Bởi lẽ rất đơn giản dễ hiểu
    Ngu Dân – bắt đầu từ nhà trường
    Làm sao yêu nước khi không biết
    Lịch sử dân tộc lẫn quê hương!

    Thứ hai là môn học lịch sử
    “Lịch sử thời đại Hồ Chí Minh”
    Là cả một quá trình ngụy sử
    Nhồi nhét toàn là thứ súc sinh!

    “Đồng trụ chiết – Giao Chỉ diệt”
    Không biết – làm sao biết căm thù
    Làm sao biết kẻ thù truyền kiếp
    Ngàn năm với xiềng xích ngục tù?

    Đức Thánh Trần với trận Vạn Kiếp
    Không biết Thoát Hoan với quân Nguyên
    Không biết Vua Quang Trung Nguyễn Huệ
    Làm sao biết yêu thương Tổ Tiên?

    Ngay từ học đường đã ngu ngốc
    Lớn lên làm sao yêu Tổ Quốc?

    Nông Dân Nam Bộ

  5. Theo VOV ngày 7/12/2021 :
    Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình và Thái Nguyên có chương trình khuyến khích các em lớp 2 mua sách Giáo Trình Tư Tưởng HCM – 300 trang ( hỏi đáp ) về ” nguyên cứu và học tập theo gương Hồ chủ tịt ” .
    Đề nghị bác Mạc Văn Trang nên ” kiến nghị ” mấy con khỉ ở Thái Nguyên và Hòa Bình chấm dứt cái ý kiến quái đảng nầy .
    Mấy anh sinh viên đại học còn nuốt không vô cái ” luân cương tư tưởng ” nầy của boác nữa là các cháu nhi đồng .
    Tội nghiệp mấy đứa trẻ 7 , 8 tuổi ( lớp 2 ) mới biết ráp vần , đọc ê a vài chữ thì làm sao hiểu nỗi cái ” tư tưởng” của boác Hù .
    Muốn nhồi sọ các em thì cũng từ từ không cần phải vội vã như vậy !
    Thiệt là quân khốn nạn !

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên