Biệt thự của đầy tớ

2
Hình minh họa. Tranh của Kỳ Văn Cục.

TTO – “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc”. Pháp luật không bắt buộc cán bộ phải sống khổ hạnh, họ có quyền được hưởng thụ. Nhưng đạo đức của cuộc sống hoàn toàn không đơn giản vậy.

Dư luận đang xôn xao về mấy cái biệt thự ở Yên Bái. Nếu chỉ là biệt thự thì chẳng có gì đáng nói, ở nước ta có ngàn vạn cái. Nhưng đây là mấy cái biệt thự của các quan chức có cỡ của tỉnh này, những người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “là đầy tớ của nhân dân”.

Không phải chỉ có ở Yên Bái, đâu đấy trong cả nước đều có chuyện “sếp” ở tỉnh xây biệt phủ hoành tráng, thậm chí là rất nguy nga.

Có thể kể vài vụ việc gần đây như khu biệt thự của một số cán bộ chủ chốt Lào Cai ở vị trí đất “vàng”, hay nguyên trưởng phòng Sở Xây dựng Thanh Hóa Trần Vũ Quỳnh Anh mới chỉ công tác vài năm mà sở hữu biệt thự nhiều tỉ đồng, rồi gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ – phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk – bị phát hiện xây biệt thự hai tầng trái phép trên đất nông nghiệp…

Tiền đâu? Câu hỏi này để các cơ quan chức năng trả lời khi có kết luận thanh tra nguồn gốc tài sản.

Khu biệt thự rộng hơn 13.000 m2 của Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Hình: Zing

Thực ra trong thời buổi hiện nay, khi mà cơ chế quản lý cán bộ còn nhiều lỗ hổng, chuyện giải thích các khoản bất động sản kếch xù không phải là quá khó, họ có đủ cách để trình bày, trong đó có cả cách vay ngân hàng tới 20 tỉ đồng để xây biệt thự như ông giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Yên Bái nói với báo giới.

Cứ cho như vậy là hợp lý, nhưng ngẫm cho kỹ vẫn thấy “có cái gì đó sai sai”.

Pháp luật không bắt buộc cán bộ phải sống khổ hạnh, họ có quyền được hưởng thụ nếu có thu nhập chính đáng. Nhưng đạo đức của cuộc sống hoàn toàn không đơn giản như vậy, người xưa thường quan niệm là có chức quyền thì phải “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc” – tức là lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.

Nhìn lại Yên Bái thấy rất rõ đây là một địa phương miền núi thuộc loại nghèo, nhiều lần phải kêu trung ương chi viện. Vậy mà một số lãnh đạo cấp cao của tỉnh lại vô cảm trước khó khăn của nhân dân, điềm nhiên xây biệt thự tráng lệ, bất chấp dư luận, mặc kệ “quan trên trông xuống người ta trông vào”.

Liệu như vậy có ổn không, có xứng đáng với vai trò của người cán bộ trong một xã hội đang hướng tới những mục tiêu tốt đẹp?

Nhớ lại vụ biệt thự của ông Trần Văn Truyền – nguyên tổng Thanh tra Chính phủ. Trong vụ này ông Truyền có báo cáo giải trình rõ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng là đúng pháp luật. Nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vẫn nhận định hết sức nghiêm khắc:

Siêu biệt thự của ông Trần Văn Truyền.

“Với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Truyền thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội”.

Cơ quan này còn khẳng định việc làm của ông Truyền thiếu gương mẫu trong thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và tổ chức Đảng.

Biệt thự của ông Truyền là rất to, nhưng so với biệt thự của mấy vị ở Yên Bái vẫn còn quá khiêm tốn…

LÊ THANH TÂM

 

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

2 BÌNH LUẬN

  1. Trich: “Nhìn lại Yên Bái thấy rất rõ đây là một địa phương miền núi thuộc loại nghèo, nhiều lần phải kêu trung ương chi viện. Vậy mà một số lãnh đạo cấp cao của tỉnh lại vô cảm trước khó khăn của nhân dân, điềm nhiên xây biệt thự tráng lệ, bất chấp dư luận, mặc kệ “quan trên trông xuống người ta trông vào”.

    ““Ăn của dân không từ một thứ gì” rồi bắt Sài Gòn gánh”
    https://baotiengdan.com/2018/01/03/chuyen-sai-gon-tphcm/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên