Sinh hoạt của Công chúa Hoa Vi tại Canada

0
Nhà bà Meng Wanzhou ở Vancouver

Các thông tin từ Canada trong tuần qua cho thấy bà Mạch Vãn Châu đã có một bữa ăn tại một nhà hàng sang trọng ở Vancouver vào dịp Giáng Sinh, bữa ăn gồm 14 người trong một phòng riêng, bất chấp Canada có lệnh cấm không được ăn chung với những người không phải là bà con trong nhà, do đang có dịch Covid.

Bà Mạch Vãn Châu, 48 tuổi, Giám đốc tài chính tập đoàn Hoa Vi, con gái của người chủ tập đoàn này, được xem là một công chúa thời hiện đại của Trung Quốc. Bà đang bị quản chế tại thành phố lớn nhất miền Tây Canada, sau khi đã đóng thế chân 8 triệu đô la để được tại ngoại trong khi chờ tòa án có quyết định dẫn độ bà sang Mỹ về tội gian lận tài chính hoặc trả tự do cho bà về lại Bắc Kinh.

Các thông tin từ Vancouver còn cho biết bà Mạch còn đi mua sắm, được các cửa hàng hiệu cho người tiếp riêng, và xem ca nhạc ngoài trời buổi tối; là những điều khoản được ghi trong giấy cho tại ngoại.

Bà có hai ngôi nhà tại Vancouver, sống với chồng và hai con tại ngôi nhà lớn hơn, gồm 7 phòng ngủ, trong khi chờ đợi chống lệnh dẫn độ sang Mỹ. Bà có quyền tiếp khách đến thăm, trong đó có một thợ mát-xa và một thầy giáo dạy về nghệ thuật.

Sở dĩ có thêm các thông tin này vì trong tuần qua, bà Mạch Vãn Châu đã ra tòa hai ngày để giải quyết khiếu nại của bà, cho rằng các điều kiện tại ngoại của bà quá khắt khe, cần phải được nới lỏng.

Vợ chồng bà Meng Wanzhou

Theo các điều kiện tại ngoại, bà bị giới nghiêm từ 11 giờ tối đến 6 giờ sáng, thời gian còn lại bà được tự do di chuyển trong một khu vực được chỉ định trong thành phố Vancouver, có nhân viên an ninh đi theo. Các nhân viên này thuộc một công ty tư nhân do tòa chỉ định, họ sẽ giám sát bà 24 tiếng mỗi ngày. Nói chung, bà vẫn sinh hoạt hầu như bình thường, chỉ khác một chỗ là lúc nào cổ chân cũng phải mang vòng định vị, dân trong nghề hay gọi là đồng hồ chân.

Trong phiên điều trần tuần trước, ông Lưu Hiểu Tông, chồng bà Mạnh nói với tòa rằng sự hiện diện của các vệ sĩ gây ảnh hưởng tâm lý cho con cái của họ, vì chúng hay bị bạn bè và thiên hạ để ý khi đi với bố mẹ ngoài đường. Ngoài ra, ông cũng lo lắng rằng việc luân phiên thay đổi nhóm vệ sĩ khiến vợ ông có nguy cơ dính Covid-19 cao hơn, vì bà từng mắc bệnh ung thư.

Nhưng Doug Maynard, giám đốc công ty an ninh tư nhân thực thi các điều kiện tại ngoại của bà Mạch, nói với tòa rằng ai cũng sợ Covid, không riêng bà Mạch. Ông tố ngược bà Mạch và người của bà đã khiến nhân viên của ông gặp rủi ro, ví dụ như không chịu giãn cách xã hội, cùng một cốc cà phê mà có mấy người uống chung.

Ông Maynard cũng cho biết ông không thấy có lý do gì để thay đổi điều kiện tại ngoại của bà. Ông cho biết từ năm ngoái đến giờ, bà Mạch đã nhận được khoảng nửa tá thư đe dọa, trong một bức thư có kèm một viên đạn, khiến Trung Quốc buộc Canada phải thả bà ngay lập tức và trả bà về Trung Quốc.

Người dân Canada phân bì bà này được ưu đãi quá mức, trong khi cách đó nửa vòng trái đất, ông Michael Spavor, một trong hai công dân Canada bị Trung Quốc bỏ tù để trả đũa vụ bắt bà Mạch, đang co ro trong một nhà tù gần biên giới Bắc Triều Tiên. Ông này chỉ mới được gọi về thăm gia đình lần đầu tiên hồi Giáng Sinh, sau hơn hai năm bị giam. Công dân Canada thứ nhì, Michael Kovrig, bị giam tại một nhà tù chật hẹp khác, và đang bị chứng mất ngủ.

Khi nhà báo hỏi ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, liệu hai công dân Canada có được đóng tiền thế chân để tại ngoại hay không, họ Triệu trả lời bằng một câu nói của Trung Quốc “Người nào thắt nút thì người đó có nghĩa vụ cởi ra” và nói thêm số phận của hai người Canada tùy thuộc vào chuyện chính phủ Canada có “giải pháp nào để cởi nút thắt này ra hay không”.

Phán quyết của tòa án Canada dự kiến đưa ra vào tháng 4, và với thủ tục kháng án, vụ này có thể mất thêm vài năm nữa mới xong.

(Ảnh: Hôm thứ Tư tuần trước, sau khi tạm nghỉ ăn trưa, bà Mạch Vãn Châu cùng chồng trở về lại tòa án Vancouver để tiếp tục giải quyết khiếu nại về điều kiện tại ngoại)

Theo Washingtonpost

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên