Ra mắt sách của Phạm Thanh Nghiên ở Texas

0

Houston, TX – Ngày 25 tháng 2 năm 2018 vừa qua, tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng, Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Houston đã cho ra mắt cuốn sách đầu tay bằng song ngữ của blogger Phạm Thanh Nghiên bắt đầu viết từ khi còn trong tù với tựa đề “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt/Slices of Life Behind Bars”. Để ủng hộ cho tinh thần đấu tranh trung kiên của người phụ nữ chân yếu tay mềm trong nước, hơn 100 đồng hương đã kéo đến tham dự chương trình mặc dù trời mưa như trút nước và đã mua cuốn sách sau khi nghe lời giới thiệu của diễn giả nói về lòng can đảm của nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền của cô Phạm Thanh Nghiên.


Chương trình được bắt đầu vào lúc 2:30 cho đến 5:00 chiều với những đóng góp văn nghệ của Vũ Đoàn Âu Cơ Houston xen kẽ trong các bài nói chuyện đã giúp làm cho không khí vui nhộn và tinh thần đấu tranh thêm phấn khởi.

Mở đầu chương trình, MC Bác Sĩ Trần Quốc Lâm đã hướng dẫn phần khai mạc với nghi
thức chào cờ và mặc niệm.

Sau đó, Bác sĩ Nha khoa Phạm Thùy Linh, Chủ tịch Tổng hội Phụ nữ Âu Cơ (THPNAC), đã lên đọc bài diễn văn chào mừng quan khách và tuyên bố lý do của buổi sinh hoạt đặc biệt này. Cô Phạm Thùy Linh cũng đã nói rõ mục đích và tôn chỉ hoạt động của Tổng Hội Phụ Nữ Âu Cơ là bảo tồn, quảng bá và phát triển cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam, nâng đỡ, đào tạo và hướng dẫn thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại qua những công tác văn nghệ hay giảng dạy tiếng Mẹ đẻ (như Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang tại San José, Bắc California), và cuối cùng là yểm trợ cho những giới nữ lưu trong nước đã và đang lên tiếng giành lại quyền tự chủ cho người dân, đấu tranh cho nền độc lập, dân chủ và tự do cho quê hương Việt Nam. Cô cũng nhấn mạnh là Tổng Hội Phụ Nữ Âu Cơ hiện đang có nhiều chi nhánh hoạt động khắp thế giới như tại Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu và Âu Châu.

Các buổi ra mắt sách của blogger Phạm Thanh Nghiên là do THPNAC đứng ra tổ chức với hai mục đích:

1- Tôn vinh và yểm trợ một anh thư nước Việt đang nối tiếp truyền thống anh hùng của bà Trưng
bà Triệu

2- kêu gọi lòng yêu nước của tất cả con dân nước Việt can đảm đứng lên noi theo
tinh thần Phạm Thanh Nghiên để đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải trả lại cho người dân Việt Nam quyền làm chủ đất nước.

Các buổi ra mắt sách đã được tổ chức tại các địa điểm sau đây:

San José, Bắc California, Denver, Colorado, Westminster, Nam California và Houston, Texas.

Tất cả số tiền thu được sau khi khấu trừ các chi phí in ấn và tổ chức sẽ được gửi về cho cô Phạm Thanh Nghiên. Tuy nhiên, cô Phạm Thanh Nghiên cho biết cô sẽ tặng hoàn toàn 100% số tiền này cho blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và bà Trần Thị Nga. Đây là một nghĩa cử rất cao cả của cô Phạm Thanh Nghiên vì chính cá nhân cô cũng đang gặp khó khăn trong nhà tù lớn của CSVN và đang bị bọn công an theo dõi hạch sách hàng ngày.

Nối tiếp chương trình, Bác sĩ Nha khoa Chu Văn Cương, Chủ Tịch Tổ Chức Phục Hưng
Việt Nam, đã lên giới thiệu thành phần quan khách tham dự. Thành phần quan khách gồm có các vị dân cử Nghị viên Thành phố BS Steve Le, bà Lily Trương, Ủy viên Khu học chánh Alief, đại diện các chánh đảng và truyền thông Việt ngữ tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra, chương trình cũng được truyền hình trực tiếp trên mạng xã hội Facebook với hàng chục ngàn người xem trên khắp thế giới và trong nước.

Phần giới thiệu tác giả do một Uỷ viên Trung ương THPNAC đảm trách. Cô Nguyễn
Thu Huyền đã lược qua tiểu sử của tác giả cuốn hồi ký “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” với bản án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế chỉ vì tác giả đã dám lên tiếng chống lại những bất nhân và bất công của nhà nước CSVN. Xuất thân từ một gia đình có bố mẹ là đảng viên đảng CSVN và đã ly khai với đảng khi nhận ra bộ mặt thật và bản chất bán nước của bọn hèn với giặc ác với dân, cô Phạm Thanh Nghiên chủ trương hành động phải đi đôi với lời nói. Cô đã can đảm trực diện bằng ngòi bút và tiếng nói với kẻ thù cho dù bị bọn phản dân hại nước ngày đêm tìm cách hãm hại cô.

Diễn giả chính của chương trình Ra Mắt Sách được Nha sĩ Chu Văn Cương trịnh trọng
giới thiệu là Giáo sư Triết và cũng là nhà thơ Ngô Dức Diễm. Trong giới đấu tranh, ông được biết đến với danh xưng là Ngô Quốc Sĩ. GS Ngô Đức Diễm đã có nhiều đóng góp trong các lãnh vực văn hoá và chính trị qua những tập thơ như “Đền Em Nụ Hồng” và “Tâm Khúc Lưu Vong”.

Ông đã từng nắm những chức vụ quan trọng trong Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam (PCT) và Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc (PCT kiêm PNN – LLCQ). Trong đài Đáp Lời Sông Núi,
ông từng là quản đốc của đài gần 3 năm trong công tác thực hiện phát động chiến dịch Sự Thật phát về Việt Nam của LLCQ.

GS Ngô Đức Diễm đã phân tích giá trị của tập hồi ký “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt”
của tác giả Phạm Thanh Nghiên qua nhiều khía cạnh. Tuy rằng cô Phạm Thanh Nghiên không được may mắn được học cao, nhưng ngòi bút của cô rất sâu xa và sắc bén. Cô đã vạch trần ra những sự dã man, thâm hiểm và độc ác của nhà tù CSVN đối với những người phụ nữ chân yếu tay mềm, đến nỗi nhiều người đã tìm cái chết để được giải thoát. Nhưng sau khi tự tử mà không chết được, lại bị đưa ra đấu tố về tội vi phạm trại quy tự hủy hoại thân xác.

Trong tù, các tù nhân phải gọi các cai tù là chú, bác và xưng bằng cháu cho dù họ chỉ mới dưới độ tuổi 30. Thêm nữa, nữ tù nhân không hề được cung cấp băng vệ sinh trong tù để họ cảm thấy nhục nhã sống trong sự nhơ nhớp bẩn thỉu. Thái độ hèn hạ của bọn cai tù không những đã không làm cho cô Phạm Thanh Nghiên sợ hãi, thối chí mà còn hun đúc cho cô thêm ý chí kiên cường chống lại bạo tàn.

Bằng những lý lẽ vững chắc và bản lĩnh đanh thép, cô đã làm cho bọn cán bộ thẩm vấn phải điên đầu tím gan cúi mặt. Đáng nói nhất là cô đã vượt qua bức tường sợ hãi, mở ra con đường mới là Con Đường Tự Do, và kêu gọi toàn dân đứng lên làm lịch sử. Ngay sau khi ra tù và bị quản chế tại gia, cô vẫn tiếp tục lên tiếng qua các trang mạng xã hội để kêu gọi lòng yêu nước và lương tri của đồng bào hãy mạnh dạn đứng lên bảo vệ cho sự công bằng và quyền làm người.

Khi ra mắt cuốn sách hồi ký này, cô Phạm Thanh Nghiên đã chứng minh cho đảng CSVN biết rằng, cô không bao giờ chịu khuất phục trước bạo quyền, cho dù thể xác và tinh thần cô bị khủng bố đến cùng cực.

Khán giả cũng đã được nghe lời trần tình tâm sự của cô gái mảnh mai đeo cặp kiếng cận
trên khuôn mặt gầy gò của Phạm Thanh Nghiên qua một đoạn video dài 15 phút chiếu trên màn ảnh. Những lời tâm sự và thổ lộ về lòng yêu nước của cô đã được tất cả khán giả trong hội trường cảm nhận vì giọng nói nhẹ nhàng nhưng rất khẳng khái, chân tình của cô.

Nhiều cử tọa đã bày tỏ sự xúc động và không cầm được nước mắt khi nghe cô nói đến cảnh những người phụ nữ bị bọn cai tù hành hạ thể xác và trí óc trong trại lao tù. Khán giả đã vỗ tay không ngớt khi video chấm dứt như lời chào giả từ tạm biệt một đứa con yêu của dân tộc. Tên Phạm Thanh Nghiên đã bắt đầu đi vào lòng người kể từ nay.

Trong phần phát biểu cảm tưởng, 3 vị quan khách đã lần lượt nói lên tâm trạng của mình
về cô Phạm Thanh Nghiên, tác phẩm hồi ký của cô và hiện tình của đất nước. Mở đầu là Nghị viên BS Steve Le, kế tiếp là Cựu Dân biểu Việt Nam Trần Văn Thung và sau cùng là Ông Lê Phát Minh. Đặc biệt trong phần phát biểu, ông Thung đã cho chiếu lên màn ảnh bản đồ Việt Nam có chiều chỗ đánh dấu cho thấy nhiều mảnh đất thân thương của tổ quốc đã lọt vào tay người Trung quốc. Ông thật sư lo âu vể đại họa mất nước truớc âm mưu tằm ăn dâu của Trung cộng, đã từ từ gậm nhấm hết các yếu điểm trên bản đồ Việt nam. Nếu có chiến tranh, Trung cộng có thể tấn công từ Phương Bắc, từ hướng Tây Campuchia, từ phía biển Đông và ngay từ trong lòng nuớc Việt nam. Đại hoạ mất nước qúa hiển nhiên mà đảng CSVN vẫn bình chân như vại.

Vũ đoàn Âu Cơ đã giúp vui trong phần văn nghệ để làm cho chương trình được thêm
màu sắc tươi vui của buổi ra mắt sách. Các màn múa mang tựa đề “Ngày Xuân Long Phụng
Sum Vầy”, “Dân Ca 3 Miền” và liên khúc “Bắc Kim Thang và Bống Bống Bang Bang” đã đem
lại những giây phút thoải mái cho các vị quan khách tham dự chương trình. Buổi sinh hoạt đã chấm dứt vào lúc 5 giờ chiều và một số quan khách đã ở lại để hàn huyên tâm sự với GS Ngô Đức Diễm và Ban Tổ Chức, cũng như chụp hình lưu niệm.

Quý đồng hương muốn ủng hộ sách của Phạm Thanh Nghiên, xin liên lạc với cô Thùy Linh qua số điện thoại (281) 701-1672.

Hữu LộcHouston, ngày 28 tháng 2 năm 2018.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên