Phỏng vấn nhà Virus học: Bao giờ thì hết dịch?

2

ĐCV: Giáo sư Włodzimierz Gut là một trong số những nhà virus học hàng đầu Ba Lan. Ông làm việc ở viện nghiên cứu virus và dịch bệnh, đồng thời cộng tác với WHO trong các chương trình về loại trừ bệnh dịch. Ông cũng nhiều năm nghiên cứu về nhiễm trùng đường hô hấp do virus.

Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của ông cho trang Dorzeczy.pl ngày 01/04/2020, Đàn Chim Việt xin lược dịch lại.


-Ông đánh giá như thế nào về độc tính của SARS-CoV-2? Có sự khác biệt về số người chết giữa Trung Quốc, Ý và Đức; liệu có phải do virus đã biến đổi rồi không?

Ở Ý và Tây Ban Nha dịch bệnh đã lan rộng, ở nhiều nơi, nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Hệ thống chăm sóc y tế đã không được chuẩn bị cho một tình huống như vậy, tại các khu vực có số lượng nhiễm trùng cao nhất, hệ thống y tế đã sụp đổ.

Tỷ lệ tử vong cao hơn cũng bị ảnh hưởng bởi số lượng lớn những người già. Tuy nhiên, sự khác biệt về số người chết ở từng quốc gia cũng có nguyên do từ cách báo cáo. Người Ý thống kê khi người chết được chẩn đoán đã dương tính với coronavirus, Đức – khi không có nguyên nhân tử vong nào khác. Đây là một sự khác biệt lớn. Sự thật nằm ở giữa; chúng tôi không thể xác định rõ có bao nhiêu người đã chết vì coronavirus. Ở Ba Lan, cũng có một trường hợp nhiễm trùng huyết ở một phụ nữ trẻ – cái chết của cô ấy không được ghi nhận là vì coronavirus, mặc dù cô ấy đã bị nhiễm. Nguyên nhân tử vong là do nhiễm trùng huyết, nhưng không phải do coronavirus. Đức cũng sẽ xác nhận như thế, nhưng ở Ý, cô ấy sẽ được cho là đã chết vì coronavirus.

Như vậy rất khó để so sánh số liệu từ các quốc gia khác nhau?

Cần phải đọc kỹ xem, đất nước đó đưa ra định nghĩa như thế nào về cái chết do coronavirus. Có thể so sánh số lượng bệnh nhân, số lượng người khỏi bệnh trong mối tương quan với số lượng người bị bệnh. Cũng nên chú ý tới số ca nhiễm trùng nhẹ đang gia tăng. Ban đầu, người ta nói rằng các trường hợp nghiêm trọng chiếm 20% các ca phát bệnh, nhưng hiện tại là 5-10%. Điều đó có nghĩa là, trước kia chúng ta ‘mù mờ’ về người bệnh, còn bây giờ chúng ta biết nhiều hơn về cách tiến hành. Virus hiện tại khá là đồng nhất, chúng ta là vật chủ ngẫu nhiên của chúng, như đã từng xảy ra trong quá khứ, chỉ có điều chúng ta không biết về nó. Không có nhiều người chết, điều đó có nghĩa là bằng một cách nào đó, con virus này đã biết cách thích nghi với cơ thể con người.

Không chết nhiều là thế nào? Còn Italy, Tây Ban Nha thì sao?

Ở những quốc gia này, đã xảy ra tình huống, các bác sĩ phải chọn, người nào được nối với máy thở. Có hơn 60.000 trường hợp ở Ý, còn 81 nghìn Ở Trung Quốc (số liệu tới thời điểm trả lời phỏng vấn- ND), như vậy có 56 trường hợp trên một triệu dân ở Trung Quốc, còn ở Ý là 1000 bệnh nhân/ một triệu. Italy đã phản ứng quá muộn, khiến cho bệnh dịch lây lan theo cấp số nhân. Điều này thường xảy ra ở những nơi khởi phát dịch.

SARS-CoV-2 coronavirus có thể đã lây nhiễm sang người từ trước đó, trước tháng 11 năm 2019, khi nào thì “bệnh nhân số không” ở Trung Quốc được nhắc tới?

Có thể virus đã tồn tại trước đó, đây là điều mà chúng ta không rõ. Có lẽ chúng ta phải kiểm tra lại cả cộng đồng để tìm dấu vết của miễn dịch. Vào tháng 12, căn bệnh này được chú ý tới ở Trung Quốc và người ta bắt đầu đi tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, trung bình, một bệnh viện ở Ba Lan tiếp nhận từ 4 – 6 bệnh nhân viêm phổi hàng ngày. Hầu hết bệnh nhân không được chẩn đoán về vi sinh; ở các nước khác trên thế giới cũng thế.

Mùa hè ấm áp cùng với ánh nắng mặt trời có thể làm dịu đi dịch bệnh?

Tôi sẽ trông chờ vào sự giúp đỡ của thời tiết. Các nước ở châu Phi cũng đang bệnh dịch, ở đó chẳng ấm áp và nhiều ánh nắng mặt trời sao. Tuy nhiên, cho đến nay, dịch bệnh vẫn không quá lớn nếu so sánh tương quan với dân số. Coronavirus xuất hiện ở thời điểm khá thuận lợi, cả về chính trị lẫn kinh tế, và do đó đã được chú ý. Mỗi bước đi của nó đều được theo dõi, trong khi các virus khác thì không. Thật khó để nói, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không phát hiện ra nó. Chúng ta có thể thấy như sự gia tăng số lượng các ca cảm lạnh. Tại Ba Lan, gần 2,5 triệu người đã bị cảm cúm hoặc gần giống như cúm trong năm nay, nhưng trong hầu hết các trường hợp, người ta không biết virus nào là nguyên nhân. Dịch này cho thấy, virus có thể lây lan như thế nào, vai trò trong việc đi lại của con người; dạy chúng ta rửa tay, bởi vì chúng ta thường quên nó. Đây là những hành động đơn giản nhưng cần thiết để tránh bất kỳ virus đường hô hấp nào.

Đeo khẩu trang thì sao, có cần thiết không?

Đeo khẩu trang chỉ có ý nghĩa khi chúng ta bị bệnh – bằng cách này chúng ta bảo vệ người khác – hoặc khi chúng ta tiếp xúc với người bệnh. Đeo khẩu trang trên đường phố không có ý nghĩa gì, bởi vì có thể có mầm bệnh trên đó, nếu khẩu trang được sử dụng không đúng cách, mầm bệnh thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Pasteur với chiếc chai chứa virus trong tay

Khi một bệnh nhân ho và sốt đến bác sĩ, anh ta nên đeo khẩu trang. Bác sĩ cũng vậy. Còn về quần áo bảo hộ, bạn đã bao giờ nhìn thấy một bức chân dung của Pasteur với chiếc chai thủy tinh trong tay chưa? Ông ấy mặc áo choàng, không đeo găng tay và cái chai chứa virus dại. Nếu ai ngày nay làm như thế, mọi người sẽ chết khiếp vì sợ hãi. Nhưng ở trong phòng thí nghiệm của ông ấy, đã không xẩy ra một trường hợp lây nhiễm nào. Chúng ta ngày nay quá ỷ vào công nghệ mà đánh mất đi sự tỉnh táo.

Làm thế nào để sử dụng sự tỉnh táo trong lúc hoảng loạn?

Nếu chúng ta biết, virus được lây lan khi tiếp xúc gần – thì hãy giữ khoảng cách. Chúng ta biết rằng xà phòng và chất khử trùng có thể tiêu diệt virus – thì hãy sử dụng nó. Trong hiệu thuốc, ô cửa tiếp khách hàng nên được che bằng kính, vì những người bệnh thường đến đó. Các tấm kính tương tự nên gắn ở mọi nơi có tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Trong các bệnh xá, bệnh nhân bị ho cần được nhận khẩu trang; ở thời điểm này, khả năng xuất hiện một lượng khí dung có thể lây nhiễm trong phòng là gần như bằng không.

Nhưng có thông tin cho rằng, virus có thể tồn tại trong không khí tới 3 giờ và trên nhiều đồ vật thậm chí vài ngày?

Điều này xảy ra trong điều kiện phòng thí nghiệm, khi chúng ta chỉ có tế bào của virus mà không có vi sinh vật nào khác. Trong tự nhiên, môi trường bão hòa các vi sinh vật. Thời gian được đưa ra là khoảng thời gian tối đa mà virus có thể duy trì hoạt động ở độ ẩm hoặc nhiệt độ nhất định. Còn trong thực tế chắc chắn sẽ ngắn hơn. Tuy nhiên, không ai khẳng định được, liệu virus sẽ tồn tại trong một tiếng rưỡi hay 15 phút, và liệu nó có thực sự lây nhiễm theo cách này hay không.

Trong các đoạn phim từ Trung Quốc, có thể thấy, việc khử trùng vẫn được thực hiện ở đó. Có lẽ chúng ta nên làm giống như vậy?

Khử trùng là cần thiết sau khi đến và đi vào một môi trường có khả năng lây nhiễm lớn. Vì vậy, lên xe buýt, vào phòng khám, tới bệnh viện, nên khử trùng tay để khỏi lây nhiễm cho người khác. Và sau khi rời đi, bạn cũng cần khử trùng tiếp để không lây nhiễm cho bản thân. Nên giặt quần áo ở nhiệt độ 60 độ C.

Lần nào đi phương tiện công cộng cũng phải giặt quần áo sao?

Nếu như có nguy cơ lây nhiễm cao. Hãy chú ý đến số lượng bệnh nhân trên một triệu: nó cho thấy xác suất gặp phải người bị nhiễm virus. Nếu tỉ lệ là 56 phần triệu, thì nó giống như ở Warsaw có 50 bệnh nhân. Cơ hội gặp bệnh nhân trên đường phố là không cao. Nếu chỉ số là 5.000/ một triệu, thì rủi ro này là rất lớn và khi đó tôi sẽ nói rằng, sau khi trở về nhà, bạn nên giặt áo khoác ở nhiệt độ 60 độ C.

Hiện tại, tỷ lệ này ở Ba Lan là 17-20 trên một triệu dân (tỉ lệ cập nhật hiện nay là 100 người/ 1 triệu dân- ND), và bên cạnh đó, các bệnh nhân thường nằm trong bệnh viện và những người đã tiếp xúc gần với họ đều đang bị cách ly. Những người tiếp xúc với người đang bị cách ly cũng nên kiểm tra nhiệt độ của mình.

Hai ngàn bệnh nhân ở Ba Lan không phải là một thất bại (con số cập nhật tới hôm nay là 3834- ND), bệnh viện có đủ chỗ trong cho những bệnh nhân nặng. Việc tạo ra thêm 13 “bệnh viện chuyên khoa” có nghĩa là thêm khoảng 6.000 giường bệnh, bên cạnh đó còn các bệnh viện lây nhiễm đã có từ trước. Vấn đề tôi lo hơn là vì coronavirus, chúng ta sẽ bỏ bê những bệnh nhân khác- những người vì sợ hãi nên không dám đi khám, hoặc việc kiểm tra hay phẫu thuật của họ bị hủy bỏ. Điều này đã xảy ra ở một số tỉnh ở Ý: tử vong tăng thêm 1/3, nhưng một tỷ lệ nhỏ là do coronavirus gây ra. Sợ hãi và thận trọng quá mức có thể còn tồi tệ hơn coronavirus.

Khi nào thì mấy con virus này tha cho chúng ta?

Hãy nhìn sang các quốc gia khác: Đức, Cộng hòa Séc và cả Vương quốc Anh nữa. Khi số các trường hợp nhiễm mới ở đó bắt đầu giảm, thì phải trong 3-4 tháng nữa mới ổn định được dịch. Chúng ta có thể góp phần vào đó, nếu chúng ta không làm cho bệnh dịch bung bét ra.

Vậy kỷ luật như hiện nay nên được duy trì trong 3-4 tháng nữa?

Có lẽ còn lâu hơn. Trung Quốc mất 4 tháng để xử lý bệnh dịch. Hãy nhìn nước Đức – khi nào sự phát triển của bệnh dịch dừng lại, khi đó chúng ta có thể nói: một chút nữa thôi, rồi sẽ ổn. Còn khi số lượng nhiễm vẫn đang tăng lên, thì chẳng nói được điều gì cả.

Liệu chúng ta có thể làm được gì không, ngoài việc giữ gìn vệ sinh và ở trong nhà?

Các biện pháp phòng ngừa cũng phải phù hợp với tình hình. Biện pháp hiện nay: bệnh nhân ở trong bệnh viện, những người cách ly thì ở nhà, số còn lại thận trọng trong các giao tiếp. Biện pháp này hiện tại hoạt động hiệu quả đến mức, chúng ta không theo kịp người Đức về số lượng các ca nhiễm. Nếu có quá nhiều ca nhiễm ở một thành phố hoặc một quận, thì sẽ phải cách ly cả một vùng. Điều này hiện nay không cần thiết. Tôi đã từng nghĩ rằng, xã hội sẽ phản ứng một cách tệ hơn đối với các biện pháp hạn chế và sẽ nhanh chóng phải áp dụng bước tiếp theo. Tôi rất vui vì mình đã lầm.


Tôi sẽ lạc quan, khi hàng ngày số lượng người khỏi bệnh lớn hơn số lượng người mắc bệnh. Ta đã trải dịch SARS, MERS, Ebola, tất cả đều đã được kiểm soát. Nhìn vào điều đó, để có thể bình tĩnh. Dịch lần này là kết quả của chủ nghĩa toàn cầu, của sự chuyển dịch nhanh chóng. Tất cả các rào cản văn hóa đều bị phá bỏ. Thế giới biến thành một ngôi làng và tất cả cùng có chung một căn bệnh.

 

(Những chú thích in nghiêng trong ngoặc là của người dịch thêm vào)

Thực hiện cuộc phỏng vấn: Nhà báo Katarzyna Pinkosz

Người dịch: Mạc Việt Hồng

 

2 BÌNH LUẬN

  1. Theo tôi thì yếu tố nhiệt độ được hy vọng như một lieu thuốc trấn an trong lúc tuyẹt vọng. Nó có thể xảy ra hoặc không. Nếu xảy ra thì ở nhiệt độ nào? Khi nhìn vào các nước châu phi với con số nhiễm bệnh ít và cho rằng yếu tố nhiệt độ đã góp phần vào việc giảm thiểu lây lan là khá chủ quan. Trong mốt nước mà khả năng chẩn đoán, phương tiện chẩn đoán, nhân lực còn nhiều giới hạn thì số lượng bệnh nhân được kết luận sẽ là hệ quả của những giới hạn đó.

    • Trong giai đoạn này, khi tôi thấy con số nhiễm bệnh gia tang ở các nước thì tôi biết rằng chính quyền và các nhân viên y tế của nước đó đang thực sự làm việc của họ. Covid-19 tồn tại ở hầu hết các nước, mầm bệnh lay lan giữa người và người ở mọi nơi là 100%. Khi thế giới tuyên bố đã hết dịch thì nó sẽ trở lại ở mức độ random cho tới khi mọi người đề đã dính và mien nhiễm, ngoại trừ Vác Xin đã được xử dung trước đó cho mọi người.

Leave a Reply to Dân chơi lăng cha cả Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên