Nhật Bản chuẩn bị thượng đỉnh G7

2
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (thứ hai từ phải) vén màn logo hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 12. (Ảnh The Yomiuri Shimbun/AP)

Nguyên thủ quốc gia của 7 nền kinh tế dân chủ tiên tiến nhất thế giới sẽ gặp nhau vào cuối tuần này tại Hiroshima, thành phố lịch sử của Nhật Bản từng bị vũ khí nguyên tử của Mỹ tàn phá trong Thế chiến II và là biểu tượng cho tình hình an ninh thế giới hiện nay, có nhiều phần chắc sẽ được mang ra bàn trong cuộc họp.

Quan tâm hàng đầu của hội nghị sẽ là cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. Hồi tháng 2, nhân kỷ niệm một năm cuộc tấn công của Moscow, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, người sẽ chủ tọa hội nghị lần này, tuyên bố trong cuộc họp báo  sẽ lãnh đạo một “mặt trận thống nhất nhằm giải quyết vấn đề Ukraine”. Ông nói, mặc dù chiến tranh diễn ra ở châu Âu, chúng ta “không nên phân biệt ‘châu Âu’ hay ‘châu Á’ khi nói đến các quy tắc cho hòa bình.”

Tình hình Sudan vẫn còn nóng. Bất chấp lời kêu gọi của Hoa Kỳ, lực lượng bán quân sự vẫn chưa chịu rời khỏi hàng chục bệnh viện mà họ đã chiếm đóng và dân quân Ả Rập đã phát động một cuộc tấn công mới vào khu vực Darfur.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thất cử, tình hình khu vực sẽ có nhiều thay đổi. Trước viễn cảnh có thể bỏ phiếu vòng hai trong hai tuần, người đã nắm chặt quyền cai trị Thổ Nhĩ Kỳ từ 20 năm qua cho biết ông vẫn có thể giành chiến thắng nhưng sẽ tôn trọng quyết định của cử tri.

Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida, lãnh đạo của quốc gia thành viên châu Á duy nhất trong G7, xem hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để đối phó với căng thẳng địa chính trị gia tăng liên tục ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm việc Triều Tiên mở rộng kho vũ khí hạt nhân và sự xâm lấn của Trung Quốc đối với Đài Loan. “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á của ngày mai”, ông cảnh báo.

Lần đầu tiên chủ tọa hội nghị G7, Thủ tướng Kishida có mang lại cho Nhật Bản một vai trò quyết đoán hơn trên trường quốc tế hay không, sau nhiều năm theo chủ nghĩa hòa bình?

Dưới đây là những điều cần biết về hội nghị thượng đỉnh G7, sẽ được tổ chức từ ngày 19 đến 21 tháng 5. G7 Summit 2023: What to Expect as Leaders Meet in Japan | Time

Vài nét về G7

G7 là một khối không chính thức được thành lập để đối phó với những khó khăn kinh tế bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng dầu hỏa năm 1973. Chính thức bắt đầu hoạt động vào năm 1975 với chỉ 6 nước Pháp, Tây Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ — quốc gia thứ 7, Canada, gia nhập vào năm sau. Nga gia nhập vào năm 1998 và nhóm này tạm thời được đổi tên thành G8 cho đến khi Nga bị loại sau khi Moscow thôn tính Crimea vào năm 2014.

Stephen Nagy, giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học International Christian ở Tokyo, nói rằng G7 đại diện cho các nền kinh tế phát triển nhất và tiên tiến nhất hành tinh. “Các lựa chọn chính sách và sự phối hợp mà các thành viên G7 thực hiện có thể sẽ lan sang các nền kinh tế khác”, ông nói.

Mỗi năm, một quốc gia thành viên luân phiên trở thành chủ nhà và có nhiệm vụ thiết lập các vấn đề ưu tiên giải quyết và chương trình nghị sự hàng năm của nhóm. Kể từ khi thành lập, G7 đã mở rộng trọng tâm của mình để bao gồm nhiều chủ đề, chẳng hạn biến đổi khí hậu, hòa bình – an ninh quốc tế và sức khỏe toàn cầu. Chủ tịch G7 tổ chức nhiều cuộc họp trong suốt năm để thảo luận những vấn đề này, mời các bộ trưởng và các đại biểu khác từ các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, cuộc họp chính là hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia.

Ai sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay?

Dự kiến có Thủ tướng Canada Justin Trudeau; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; Thủ tướng Đức Olaf Scholz; Thủ tướng Italy Giorgia Meloni; Thủ tướng Anh Rishi Sunak; và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo thông lệ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu – Ursula von der Leyen và Charles Michel – cũng được mời tham dự.

Chủ nhà G7 cũng có thể mời các nhà lãnh đạo nước khác. Đối với hội nghị thượng đỉnh năm nay, Thủ tướng Kishida đã mời tham gia với tư cách quan sát viên: Thủ tướng Australia Anthony Albanese; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; Tổng thống Brazil Lula da Silva; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol; cũng như các nhà lãnh đạo Việt Nam, Indonesia, Comoros (đại diện cho Liên hiệp châu Phi) và Quần đảo Cook (đại diện cho các quốc gia Thái Bình Dương).

Từ năm 1996, đại diện từ các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Thương mại Thế giới, cũng đã được mời.

Ý nghĩa khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima?

Thủ tướng Kishida sẽ chủ tọa hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay tại Hiroshima, quê nhà của ông, cách Tokyo khoảng 670 km về phía tây nam.

Trong Thế chiến II, vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, các lực lượng quân sự Mỹ đã thả một quả bom nguyên tử giết chết khoảng 70.000-140.000 người trong thành phố. “Sự tàn phá không thể kể xiết mà Hiroshima và người dân nơi đây phải trải qua đã khắc sâu trong ký ức của tôi”, ông Kishida nói với TIME, đồng thời nói thêm rằng ông xem chuyện này khác với sự tàn bạo mà Nga hiện đang gây ra ở Ukraine.

Trong thời gian họp, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ đi thăm tàn tích của chiến tranh tại Hiroshima, xem đó là một lời nhắc nhở về kết quả thảm khốc của chiến tranh. “Hiroshima là một loại biểu tượng của hòa bình”, Yoshikazu Kato, giám đốc của Trans-Pacific Group, công ty tư vấn và nghiên cứu địa chính trị và kinh tế có trụ sở tại Tokyo.

Những gì sẽ có trong chương trình nghị sự?

Dù cuộc chiến ở Ukraine sẽ trở thành tâm điểm, G7 cũng sẽ là dịp để các nước thành viên đoàn kết chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và ngăn chặn một cuộc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra.

Bloomberg đưa tin, các bộ trưởng tài chính G7 đã gặp nhau tại Niigata hôm thứ Năm đã mời các đại diện các nền kinh tế nghèo và mới nổi tham dự các cuộc họp để cố gắng cải thiện quan hệ kinh tế và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam bán cầu.  Các quan chức Nhật Bản và Mỹ cũng cho biết họ muốn sử dụng G7 để thúc đẩy hợp tác lớn hơn chống lại “sự ép buộc kinh tế” của Trung Quốc.

Những cải tiến nhanh chóng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh. Theo hãng tin Kyodo, ông Kishida cho biết, với tư cách chủ tịch G7, Nhật Bản muốn dẫn đầu trong việc tạo ra các quy tắc sử dụng AI. “AI có tiềm năng thay đổi tích cực nền kinh tế và xã hội, và nó cũng có những rủi ro”. Các bộ trưởng về kỹ thuật số của G7 đã gặp nhau vào tháng 4 và đồng ý áp dụng các chính sách AI “dựa trên rủi ro” và “lấy con người làm trung tâm”.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (thứ hai từ phải) vén màn logo hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 12. (Ảnh The Yomiuri Shimbun/AP)

2 BÌNH LUẬN

  1. Tổng thống Mỹ Biden hôm nay lên đường tới Nhật tham dự Hội Nghị G7, nhưng tại sao không ở Tokyo, mà lần này Nhật tổ chức ở Hiroshima là thành phố bị Mỹ ném bom nguyên tử trong thế chiến II có lẽ mang ý nghĩa nhắc nhở nhân loại về thảm họa nguyên tử khi chiến sự Nga và Ukraine ngày càng leo thang và Bắc Triều Tiên liên tục thử vũ khí nguyên tử bắn qua eo biển nước Nhật. Có lẽ là vì nước duy nhất trên thế giới bị bom nguyên tử nên nước Nhật ngày nay vẫn còn trong tâm trạng tránh không muốn có loại vũ khí này mặc dù cuộc diện địa chính trị thế giới đã thay đổi khác so với thế kỷ trước. Kẻ thù của Nhật lúc đó là Mỹ là một nước dân chủ, thắng Nhật nhưng giúp xây dựng lại nước Nhật. Nhưng nay kẻ thù của Nhật là những nước cộng sản và độc tài sát bên nước Nhật. Nhật không thể vẫn tiếp tục nép vào Mỹ để bảo vệ được đất nước khi Tàu Cộng và Bắc Hàn cũng như Nga tất cả đều có vũ khí nguyên tử và luôn đe dọa không tha cho nước Nhật. Có tin nổi thế kỷ trước nước Nhật mạnh như thế nào mà Tàu Hàn đều bị Nhật đô hộ, nay hai nước này có vũ khí nguyên tử đe dọa lại mà Nhật chỉ trông vào Mỹ. Nhật phải thay đổi chính sách, dứt khoát phải có vũ khí nguyên tử thì mới tồn tại.
    nv

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên