Nguyên Sa của một đời và của một thời

6
Nhà thơ Nguyên Sa cùng vợ

 

Về một cõi thơ tình đột sáng chất ngất.

Nguyên Sa là một tên tuổi quá quen thuộc. Nhất là trong lãnh vực thơ tình  kéo dài cả hơn 10 năm. Trước ông và sau ông, có nhiều thi sỹ thế hệ tiền chiến. Như Nguyến Bính ( 1918-1966) Với những  mối tình vu vơ và đầy lãng mạn. Và những đàn anh  như Đinh Hùng với Đường vào tình sử ; Hoặc cao sang như Vũ Hoàng Chương trong tập Mây.

Tiếp đến là thế hệ thi sĩ đồng thời, ngồi cùng chiếu với ông như Quách Thoại(mất sớm, ngay từ những ngà đầu của báo Sáng tạo. NVL) Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Diễm Châu, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng. Và nhiều thi sĩ khác.

Và có thể nói, mỗi người một phong cách thơ. Mỗi người  một vũ trụ thơ như một cõi riêng.

Thật vậy, cùng làm thơ Tự do, đều là  « thơ hôm nay » nhưng có điều gì khác  giữa Nguyên Sa và Thanh Tâm Tuyền?

Phải nói một lần là số người  khởi nghiệp cầm bút ở Việt Nam thường bắt đầu làm thơ nên con số hàng trăm thi sĩ đủ loại. Nhưng được nhìn nhận và mến mộ thì không nhiều như Trần Long Hồ( bác sĩ y khoa) đã nhận xét.

Tác giả Trần Long Hồ trong bài viết : Nguyên Sa, Thơ Tình giữa hai đầu thế kỷ cho rằng :  «  Từ cổ chí kim, không có thơ nào như thơ Nguyên Sa được lứa tuổi học trò yêu thích đến mức độ gần như đâm mê. Họ trân quý chép thơ Nguyên Sa, ghi khắc trong tim, chuyền tay nhau đọc và tha hồ mơ mộng, rồi thả hồn bay khỏi lớp, phiêu diêu khắp bốn phương. »  Và tác giả kết luận : «  Nếu thơ tình Việt Nam như một dòng sông, Nguyên Sa không ở đầu sông, mà ông chẳng ở cuối sông , thơ tình Nguyên Sa chính là cả một dòng sông chảy suốt hơn bốn thập niên. »

(Trần Long Hồ. 05-/98)

Giải thích hiện tượng Thơ Tình của Nguyên Sa có thể có nhiều lẽ lắm.

Về hình thức, có thể là phong cách tự sự, nghiêng về văn xuôi, như một thứ văn vần, thường dùng thể thơ lục bát- một thứ «  lục bát Nguyên Sa », hay đầy âm hưởng ca dao. Hoặc nó đầy nhạc điệu. Hoặc  nó còn được  người ta gọi là thơ phá thể. Thơ ấy, còn dùng nhiều điệp khúc, láy đi láy lai mà không nhàm chán

Về nội dung, Thơ Nguyên Sa  gần gũi, mới, lạ lùng, hấp dẫn, ngôn từ tuôn chảy tự nhiên mà không gò ép, mà  cũng không có những tiếng khóc than, tiếng thở dài với nước mắt hoặc day dứt đứt gánh,  hoặc tuyệt vọng, gẫy đổ.

Nó quen thuộc mà lạ quá như thể lần đầu tinh khôi, chưa một lần được nghe đến.

Nói đúng ra là sự sáng tạo không giả tạo, không bắt chước. Nó cũng không làm dáng trí thức với từ ngữ triết lý bởi vì ông vốn là giáo sư Triết. Ông thong dong trong cõi thơ mà không bị luẩn quẩn trong các từ ngữ triết học như một số người thường làm.

Nói đến Nguyên Sa, thơ ông đắt giá là ở chỗ ây nên người ta không thể không nhắc đến :

Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát

 Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

 Anh vẫn thương màu áo ấy vô cùng

Nhắc đến áo lụa Hà Đông thì có gì mới lạ ? Nhưng trong ngữ cảnh toàn bài thơ thì nó trở thành quyến rũ, say mê lòng người. Tôi cũng  muốn nhấn mạnh là Thơ Tình Nguyên Sa- dù ở Paris – thì bối cảnh vẫn là khung trời Sài gòn. Nắng Sàigon, tháng sáu trời mưa Sàigòn, áo Sàigòn, em Sàigòn. Ông vẫn quay quắt với Sài gòn theo cái kiểu «  Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi..)

Vì thế trong một trong vài bài thơ tình nổi tiếng của Nguyên Sa đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc. Thơ và nhạc như  có cơ duyên cùng cất cánh bay lên. Đó là các bài Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em. Tuổi mười ba, Tháng sáu Trời mưa

Chỉ trừ một lần. Một lần thôi :Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng (Áo lụa Hà Đông). Hay  «  Paris có gì lạ không em » .

Thơ ấy nó như bắt chợt, như khởi đầu. Như một khối tinh nguyên, tinh vẹn hình hài. Nó vượt trên tất cả. Nó ới gọi tuổi trẻ mà không phải như một khích động. Mà như một tiếng thì thầm êm dịu. Mặc dầu vậy- một mâu thuẫn nội tại- Tôi chưa từng nghe rôn rang một cô gái nào, dù yêu thơ Nguyên Sa lại là người tình của thi sĩ ?

Cuối cùng thì nói bao nhiêu cũng không vừa. Càng biện biệt, phân tích, càng phân lìa. Có khi ta chỉ đọc và ta cảm nghiệm thôi.

Nhưng có lẽ hay hơn cả là hãy để Nguyên Sa tự giãi bầy về thơ ông. Trong cuốn sách Hành Trình Đức Tin. Những trường hợp về Đạo Chúa, 2014. Ông lý luận như sau :

  • Về phép làm thơ – Vần thơ có vần chính, vần thông, vần cưỡng áp và lạc vận. Vần chính không cần sự hỗ trợ, không cần sự phối âm, nhưng việc xử dụng những nền âm thanh khác biệt có khả năng làm cho vần thông thành vần chính. Vần cưỡng áp ngay cả vần lạc vận cũng được nắm tay giữ được trong khoảng không gian giữa trời đất mênh mông. » ( sách Nguyễn ĐỨc Tuyên đã dẫn, trang 247).
  • Chủ đề Tình yêu- Đề tài tình yêu thường thay đổi theo thời gian. Trước năm 1963, tình yêu đó thuần túy những cảm xúc, những đam mê. Đó là niềm đam mê lúc tin tưởng mạnh mẽ, lúc rụt rè hãi sợ, lúc ngỏ lời, lúc không dám ngỏ. Nhưng về sau, lúc người ta 50, 60 tuổi, đam mê tình ái không còn nữa, như xao xuyến về một vạt áo trong sân trường, như bồi hồi vì một mái tóc xõa ngang vai không còn nữa. Thời gian xóa bỏ nhiều thứ. ( sách Nguyễn Đức Tuyên đã dẫn, trang 248)

Cuộc đời và nhân thân của Nguyên Sa

Có một chi tiết cần viết thêm ở đây là. Trong cuốn Hành Trình Đức Tin của tác giả Nguyễn Đức Tuyên có ghi chú theo lời kể của Nguyên Sa thì ông không phải người gốc Bắc chính hiệu, dù sinh đẻ ở Hà Nội. Ông cố Nội ông là Thượng Thư Trần Trạc, giữ chức Hiệp tá Đại Học Sĩ trong triều đình Tự Đức. Đời ông nội mới ra Hà Nội.  Năm chiến tranh 1946, gia đình ông tản cư về Hà Đông, ông bị Việt Minh bắt cóc lúc 15 tuổi.

Ông có kể lại chi tiết việc bắt giam này như sau : Ông bị  giam tại trại Văn Đình. Trại giam Hòa  Bình, rồi trại giam Sơn Tây. Ông phải vào rừng ăn trộm củ sắn và được phép cán bộ cho ăn cùng bạn tù. Khi máy bay Pháp tới oanh tạc, mỗi toán ba người trói tay vào nhau do lính cộng sản dắt đi, súng kề vào đầu phòng hờ khi phi cơ Pháp thả dù xuống nơi đó là bắn bỏ các tù nhân trước khi rút lui. ( Trích bài Kính mừng Maria in ở hải ngoại).

Hồi cư về Hà Nội, ông mới được gia đình gửi sang Pháp, học Trung Học năm 1949. 1953, đậu tú tài Pháp. Ông ghi danh học đại học Sorbonne về triết học. Hầu hết các bài thơ Tình đều làm trong thời gian này. Năm 1955, ông lập gia đình với Trịnh Thúy Nga.  Được biết đám cưới cực đơn giản.- Không ai cưới. không nhà hàng. Không bố mẹ đôi bên. Chỉ một nhóm nhỏ bạn bè rủ nhau ra quán cà phê.

Vợ chồng Nguyên Sa – Trịnh Thúy Nga tại Paris

Vậy mà họ đã nên vợ chồng, sống trọn đời bên nhau.

Đầu năm 1956, hai người mới về Việt Nam.

Ông sinh ra ngày 1-3- 1932, tại Hà nội trong một gia đình khá giả. Có đến 6 người con. Ông là anh cả. Còn lại là gái và trừ người em út là em trai. Lần lượt là các em ông là Trần Thị Kim Thoa, Trần Thị An, Trần Thị Kim Cang, Trần Thị Kim Anh  và Trần Văn Chang.

Phần ông  bà có ba người con hai nam, một nữ. Trần Minh Triết, Trần Văn Học, Trần Nương Thơ.( Triết-Học-Thơ. Quả là khéo đặt tên).

Ông mất ngày 18-4-1998 tại California với tên nhà thơ Nguyên Sa. Giuse Trần Bích Lan.

Xin ghi lại đôi lời tạm biệt trước giờ hạ huyệt ngày 22-04- 1998 của người em kết nghĩa Trần Dạ Từ- Nhã Ca.

Là đứa em trong tinh thần gia đình và đời sống văn học của nhà thơ Nguyên Sa, tôi xin có đôi lời về người anh lớn của tôi.

Thi sĩ có tài phân thân thành muôn mảnh. Chàng phân thân vào hạt cát vào giọt nước, hợp lại thành núi non, sông biển. Chàng phân thân vào hơi gió, vào nắng, vào mưa, hòa tan cùng lòng người.

 Muôn mảnh phân thân của nhà thơ hôm nay, gom lại đôi bờ.

Âm dương hai ngã. Như thơ Phân thân của Nguyên Sa:

“ Này đây, tả ngạn làm thơ

Còn kia hữu ngạn ngồi chờ tin em

Cái người năm ấy em quen.

Phân thân nửa ở bên em, nửa về”

Nửa về của nhà thơ là thể phách, chúng ta đang đưa tiễn.

Thưa chị Nga và các anh chị em.

“ Nửa ở bên em” của nhà thơ là tinh anh, là tình yêu, ở mãi bên chị, ở mãi cùng chúng ta, ở mãi cùng sự sống.

Thưa anh Nguyên Sa,

Cám ơn anh đã tới trong đời em, như người thầy, người bạn, người anh..

Xin tạ ơn trên cho gia đình chúng ta có anh, và thời đại chúng ta có Nguyên Sa thi sĩ.

Trần Dạ Từ   

Phải nói sống đẹp và chết đẹp. Nguyên Sa của một đời và của một thời

Đôi dòng khép lại và tiếp tục hành trình Nguyên Sa của cả một thời

Hành trình thơ cũng như trí thức của Nguyên Sa là một đoạn đường dài. Bắt đầu từ ngoài nước đến về về Việt Nam cho đến 1975. Sau đó chặng đường cuối là tại hải ngoại.

Mỗi chặng đường là một cột mốc, đánh dấu một thời kỳ dựa trên các câu hỏi: Viết ở đâu, viết lúc nào, viết cho ai, viết để làm gì và tại sao viết.

Nắm bắt được những tiêu chí đó sẽ giúp giải đáp được một phần sự đóng góp cũng như đánh giá công bằng về tác giả.

Cứ cho rằng, ông bắt đầu làm thơ trong những năm du học trung học, rồi đại học Sorbonne. Và cuộc gặp gỡ bà Nga, một sinh viên theo ngành toán học, còn ông triết học. Mối tình đầu đã nở hoa và với vô số bài thơ viết riêng cho Nga mà không đăng như kỷ niệm giữ riêng cho mình. Và chỉ phổ biến sau này khi đã kết đôi lứa.

Đây là những bài thơ tình tưởng chỉ dành cho hai người, trở thành một thứ hiện tượng văn học muôn thuở đi vào văn học bằng cửa chính mở toang.

Thơ ấy Mỗ thời điểm là mỗi khác biệt len lỏi vào tâm tư, tình cảm của lớp người trẻ. Cái chính là đọc thơ Nguyên Sa, người trẻ thấy mình trong đó, một gia tài chung mà lại riêng cho từng người.

Nó như thể đốn ngã và lấp kín một cách ngoài ý muốn các nẻo đường  văn học khác theo cái nghĩa “vượt trội”  hay thì người ta tìm đọc của đám đông.

Chẳng hạn Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng vẫn có chỗ đáng kính dành cho các ông. Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại, Cung Trầm Tưởng cũng vậy.  Mỗi người là một đặc sản.

Và điều đó cũng là cá tính làm nên văn học, nghệ thuật miền Nam. Sự đa dạng và sự cá biệt bao hàm tự do. Và thơ Nguyên Sa là biểu tượng cho một thời miền Nam khó phủ nhận. Và khó quên đối với mọi người.

 Thơ ông đi vào lòng người và ở lại như chốn quê nhà mà không là quán trọ.

Và đã có lần Nguyên Sa tự nhận mình một cách “hài ước” là Công tử Nguyên Sa. Bài thơ ý lạ, hiếm mà ít người biết đến nên tôi ghi lại ( Hoàng Hải Thủy có danh hiệu là “ công tử Hà Đông” cũng cùng một lẽ chăng?)

Ta là công tử đời xưa

Nàng xuống ngựa đứng chờ rất ngoan

Tay cầm chiếc lọng vua ban

Vai mang võng tía có nàng nằm trên

Ta đi giữ phố Sài gòn

 Với thơ với nhạc với làng mạc quen

Với trăng trên áo hoa vàng

Với chim thần thoại chỗ gần cuối môi

Ban mai ở chỗ nàng ngồi

Buổi chiều bên suối đêm dài dưới chân

 Chín lần ở dưới gót chân

Chín con rồng đỏ có hình dáng ta

Nhẹ nhàng áo gấm hòa hoa

Xin trời biển với chiều tà chút mây. »

 ( Bài thơ này nhiều người không hay, trích trong trang bìa Nguyên Sa (1956-1975). Nxb Nam Sơn. Montréal, Juillet 2004)

Và cứ thế, cứ thế, ông nhẹ đi vào đời với những bài thơ như «  Tháng sáu trời mưa » trong tập thơ Nguyên Sa một. những năm 1950. Tỏ tình ngọt « như uống ly chanh đường ». Với những điệp khúc láy đi láy lại trong mỗi dòng mà không thừa, nhàm chán. Nó có vẻ như phảng phất trong ngôn từ của họ nhạc sĩ họ Trịnh. Phải chăng các đấng thiên tài có một điểm đồng quy. Giống mà khác ?

Tháng sáu trời mưa không ngớt

Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa

Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về

 Và đêm ơi xin cứ dài vô tận.

Và một bài thơ  vỏn vẹn có chữ «Nga», làm tại Pháp năm 1954.

«Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Đôi mứt cá ươn như sắp sửa se mình

Để anh giận sao chả là nước biển

Tại sao Nga ơi, tại sao..

Đôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến

 Hơi thở trũng như sợi chỉ không căng.

Bước chân không đều như thước kẻ làm cong

Ai dám để ngoài mưa, ngoài nắng!»

Đọc một đoạn khác trong bài « Tuổi mười ba » mà bất cứ ai cũng phải thuộc

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường

Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương

Tôi thay mực cho vừa mầu áo tím..

 Thôi thì nói sao cho vừa. Ví người yêu như con chó ốm, như con mèo ngái ngủ thì chỉ Nguyên Sa làm được. Dễ thương chi lạ. Thơ Nguyên Sa như một dòng sông mà bao giờ chúng ta múc cạn được một dòng sông đang tuôn chảy?

Tuy nhiên Viết lúc nào, viết cho ai, vì sao viết đã có những câu trả lời thích đáng cho từng thời kỳ.

Nguyên Sa từng thời điểm đã được ghi dấu những khác biệt.

Nguyên Sa những năm 1950 không giống với Nguyên Sa thập niên 1960.

Nguyên Sa khi cộng tác với Sáng Tạo đã hẳn không giống với Nguyên Sa trên tờ Đất Nuớc, nhất là tờ Trình Bày.

Nó xác định một cách công khai và rõ rệt một thái độ trí thức của người cầm bút trước hiện tình đất nước.

Nó cũng cho thấy những khác biệt riêng của một Nguyên Sa thời kỳ VNCH đến 1975 và  thời kỳ sau 1975 khi ở hải ngoại.

Ở Hải ngoại Nguyên Sa viết được gì?

Ngay  trong thời kỳ 1954-1975 cũng phải phân định hai thời kỳ.: thời kỳ Đệ I và Đệ II Cộng Hòa.

Thời kỳ Đệ I tương đối thanh bình, an lạc ý hướng viết khác. Thời kỳ Đệ II chiến tranh lan rộng, bản thân nhà thơ phải nhập ngũ, ý hướng sáng tác mang tính cách dấn thân, nhập cuộc. Tập thơ “Những năm 60” đã bị chính quyền kiểm duyệt, không cho xuất bản. Thế Nguyên, chủ nhân nxb Trình Bày đã buộc lòng in ronéo 200 bản gửi bạn bè làm kỷ niệm. Vì thế mà hiện nay những bài thơ đó còn được giữ lại.

 Nhưng chính vì thế, người đọc thơ Nguyên Sa thời VNCH những năm 1954 ít biết đến thơ văn này như thể “ngoài văn chương” nếu họ không có cơ hội đọc 18 số Đất Nước, 42 số Trình Bày, 25 số Nghiên cứu Văn Học.

 Và đó là sự khác biệt. Người ta không thể đòi hòi một sự thuần nhấ và liên tục trong thơ ông; Thơ trước là thơ Tình, lãng mạn, mang tính cách tiểu tư sản thành thị trong một xã hội an bình.

Chiến tranh ngày một lan rộng, tiếng đại bác dội về thành phố, tâm trạng con người bất an.. Thái độ sống chuyển động. Và đã đến lúc đòi hỏi nhà thơ phải có một thái độ nào đó trước thời cuộc.

 Nhiều khi phải thú thực, tôi không đồng ý với Mai Thảo năm 1954 cũng là Mai Thảo những năm 1969, rồi 1975. Rồi Mai Thảo hải ngoại.

 Mai Thảo hầu như suốt cả đời vẫn là Mai Thảo.

Rời bỏ nền văn chương trú ẩn

Bài viết này của Nguyên Sa, đăng trên Tạp chí Đất nước số 2, tháng 12 năm 1967.( xin ghi tóm tắt và sơ lược. Độc giả cẩn trọng, có thể tìm bản chính, vì nó cũng không dễ đọc)

Có thể nói nó như một tuyên ngôn văn học của tác giả và những người bạn đồng hành.

Thường ý tưởng sáng tạo trong nghệ thuật là một thái độ khẳng định nói không với dĩ vãng. Nghĩa là nói không  với cái đi trước, nói không với những tác phẩm đã có và nói không với cả chính mình. Nói không để chứng tỏ là mình mới để chứng tỏ ta đây đổi mới.

Nhưng đôi khi đó chỉ là thái độ tự lừa dối chính mình, chưa chắc đã sáng tạo được gì. Chẳng hạn khi TLVĐ thành lập đã khước từ cái cũ, chủ trương cái mới. Nhưng cái mới là cái gì? Hình như nó chưa định hình?

Đến thập niên 1960, Khước từ cái cũ trở nên ồn ào, rộn ràng hơn lại phủ nhận văn nghệ tiền chiến.. Những tiếng không dõng dạc, những đứng dạy, những chối bỏ, xét lại là những cựa mình ghê gớm chẳng khác gì dã thú ngủ suốt mùa đông thức dạy.( Đây là trường hợp của Sáng Tạo với Mai Thảo, theo vết chân TLVĐ phủ nhận Tiền chiến,  lại đi theo vết xe đổ của TLVĐ.  NVL)

Nhưng thật ra văn nghệ là sự làm lại liên tục đó. Cái cũ cái mới đan xen nhau. Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân , Khái Hưng, Nhất Linh vẫn là gia tài để lại êm dịu lắm. Nó cũng đem lại những cảm hứng sảng khoái khi gõ cửa những tùy bút của Mai Thảo, bùng cháy với tình yêu của Chu Tử hay khu vườn tuổi nhỏ của Duyên Anh.

 Nghĩa là nó có chỗ đứng của nó, xác định từng thời kỳ không thể chối bỏ.

Nhưng ngày hôm nay, bắt buộc vẫn phải cựa mình, rời bỏ cái động ấm áp ấy đi tới một cuộc phiêu lưu mới. Vẫn phải nói không với dĩ vãng, không thể chấp nhận nơi trú ẩn an toàn đó. Và phải nhìn nhận ngay trong cái mới của ta đã có mầm mống của cái sáng tạo ra rồi trong một hình thức mới.

Theo Nguyên Sa, khi tờ tập san Đất Nước số một ra đời.. Chúng tôi cũng đã ngồi lại với nhau bẻ gẫy nó trước khi chấp nhận nó. Và chúng ta cùng nhau tìm kiếm ra những giải đáp cho những thắc mắc lớn nhỏ đặt ra cho thời đại chúng ta.. Chúng tôi cũng có những tâm trạng hoài nghi, hân hoan cũng như thống khổ..

Và phóng ra những cái nhìn bốn phía, những tiếp xúc  tứ phía, ý thức về những tương quan chính trị và không thể nào đi vào chủ nghĩa  “sô vanh”.( ý nói chủ nghĩa độc tôn, một mình, một chiếu văn học. NVL)

Trong cái hoàn cảnh chính trị vệ tinh chia cực mà chúng tôi chỉ là chầu rìa này,  như hoàn cảnh viện trợ, hoàn cảnh phân chia này để tìm một lối thoát.

Chúng tôi có một dân tộc và chúng tôi yêu lắm chứ. Biết cầm bút, chúng tôi biết nỗi nhục, biết mơ ước dân tộc đang ước mơ, biết hãnh diện về một niềm kiêu hãnh chưa đạt tới.

Rời bỏ nền văn chương trú ẩn, khuôn thước, rời bỏ động đá vững vàng. Hay khởi đi về trước mặt. Đi đâu? Chưa biết.

Đó là một cuộc phiêu lưu. Cơ thể là một khám phá, có thể là sự gục ngã trong dại khờ còn hơn trong khôn ngoan. Chết ở chân trời thử thách, chết trong cuộc phiêu lưu còn hơn sống mãi trong tầm gửi trong động đá trú ẩn êm ấm.

Nguyên Sa

  • Trong cái tinh thần ấy ra đời những bài như : Lời cầu siêu thoát cho Nguyên Quang Đại ở Khe Sanh. Nguyên Sa. Đất Nước số 5. Tháng 6-7- 1968.

Tiếp theo là : Cắt tóc ăn thề

Cắt  cho ta, hãy cắt cho ta

Cắt cho ta sợi dài,

 Cắt cho ta sợi ngắn

Cắt cái sợi an gian

Cắt cái sợi nói dối

Sợi ăn cắp trên đầu

 Sợi vu oan dưới gáy

Sợi bè phái đâm ngang

Sợi ghen tuông đứng dọc

 Sợi xích chiến  xa, sợi dây thòng lọng

Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi hận thù buộc chặt.

Sợi nấp trong hầm

Sợi ngồi trong hố

Sợi đau sót như giây dù chẳng mở

Sợi treo cổ tình yêu, sợi trói tay hy vọng

(…) Hãy cắt cho anh,

Hãy cắt cho em

Hãy cắt cho vợ

Hãy cắt cho chồng

Hãy cắt cho con(…)

Cho cả những  thằng sa đích văn nghệ rẻ tiền

 Cho cả những thằng xẻo thịt non sông

Cho cả những thằng băm vằm tổ quốc

Hãy cắt tóc

Hãy cắt tóc và nhìn

Mặt quê hương đổi mới.

Nguyên Sa. Tạp chí Đất Nước. Tháng 9-10- 1968

Lối làm thơ bây giờ có khác.

Không phải thơ phá thể, không phải lục bát «  Nguyên Sa », cũng chẳng phải thơ tự do.. Không một giọt tình. Sự lặp đi lặp lại mà không nhàm chán mà như một thúc bách, đòi hỏi. Ngôn từ như lệnh truyền. Sự chuyển tải nội dung thơ có phần sống sượng, đốp chát. Nhưng nó đáp ứng được nững khát vọng thời đại của giới thanh niên trước thời cuộc.

Cái hay quyến rũ của thơ có thể để dành một bên để nói lên được cái khát vọng chua chát, cái mất mát hao hụt tuổi trẻ, mà cái sống và cái chết gần kề mà sống đôi khi chưa kịp ra lời..

Hiểu được tâm tư ấy, liệu chăng mới chia xẻ được bài thơ : Giã từ đàn anh của tác giả

  • Xin mở đầu bài viết với bài:  “Giã từ khóa đàn anh ». Bài này sau đó được đăng lại ở Hải ngoại kèm theo chú thích về nguồn gốc bài thơ. (Cũng đăng lại trên tờ Đất NướC số 7 Chỉ đăng bài thơ mà thôi. Đất nước có tất cả các bài thơ  của Nguyên Sa trong thời chiến. NVL).

Cũng theo tác giả, trong thời gian thụ huấn ở quân Trường Thủ Đức, Khóa động viên 24. Vị chỉ huy trưởng biết ông là nhà thơ, giáo sư Triết nổi tiếng nên đã nhờ sĩ quan Tâm lý chiến tiếp xúc với ông, yêu cầu ông viết một bài để đăng trong báo của Quân trường.

Tôi thấy cần thiết phải viết tóm tắt lại giai thoại văn chương lý thú này, vì nó quá đẹp đối với lời yêu cầu của vị sĩ quan với sự trân trọng thi sĩ.

«  Sĩ quan chỉ huy chiến tranh tâm lý của trường võ bị Thủ Đức cho giấy mời tôi lên. Người sĩ quan có cấp bậc hàng tá xua tay ngay khi khi tôi vừa khởi đầu chào kính, chưa kịp đọc tên họ và số quân tám số, xua tay nói thôi thôi, anh đứng dậy rời bàn làm việc tiến ra phía tôi, xiết chặt tay nói anh em cả mà, anh mời  tôi ngồi xuống ghế xa lông, hỏi han về sự thích ứng của tôi với quân trường, hỏi thăm việc quản trị trường Văn học thời gian tôi đi xa này (…)Anh đưa tặng tôi tạp chí nội san của trường Võ Bị Thủ Đức. Sau chót anh nói lên điều anh muốn.

  • Chúng tôi muốn xin anh Nguyên Sa một bài thơ..
  • Cho tờ tập san của trường?
  • Vâng cho tập san của trường…

Anh thận trọng nhấn mạnh đây là chúng tôi xin thi sĩ, không phải một mệnh lệnh, xin anh thông cảm cho…

Tôi nhận lời. Tôi vẫn được đối xử như một thi sĩ, một thầy giáo dạy Triết trong trường học rất võ mà rất văn này, nơi tôi đã trở thành một người học trò đầy hào hứng tìm lại được bản chất học trò tưởng đánh mất đến ngàn năm. Không có miếng đỉnh chung gì cả.. Nhưng quý hơn ngàn lần miếng đỉnh chung, những lời nói chân thành đầy tình tự anh em bằng hữu, văn nghệ, giang hồ..

Tôi nhận lời. Trần Sơn Hà và Nguyễn Đức Năng thu xếp cho tôi lên nằm bệnh xá một ngày. Bác sĩ Bao  (Tên đầy đủ là Trần Văn Lâm Bao. NVL), trưởng khu bệnh xá của quân trường thân ái nói anh cứ lên đây. Chưa đầy một ngày tôi đã có bài thơ cho tờ tập san của trường. (…). Tôi không trở lại bệnh xá của người bác sĩ quân y rất văn nghệ này lần nào.

Tôi có bài thơ cho tờ tập san của trường rồi “Giã Từ Khóa Đàn Anh” là bài đầu tiên tôi làm trong cuộc đời đổi khác, thời gian trước khi gắn alpha, thời gian từ một tháng rưỡi đến hai tháng sau khi nhập ngũ.

Giã từ Khóa Đàn Anh

Các ngươi là đàn anh của ta

C ác ngươi đúng là đàn anh của ta,

Đàn anh tác xạ

Đàn anh vũ khí mìn

Đàn anh cơ bản thao diễn.

Hãy quỳ xuống

Và hãy đứng dậy

Hãy quỳ xuống trong đêm quân trường

Hãy đứng dạy trong ngày từ giã

Hãy đứng dậy khi nghe ta gọi

Các ngươi là đàn anh của ta.

Các ngươi là đàn anh của ta

Đàn anh địa hình

Đàn anh chiến thuật

 Đàn anh gác ngày

 Đàn anh kích đêm

Đàn anh cười

Đàn anh khóc

Đàn anh nhớ vợ nhớ con

Đàn anh khóc trên đồng ruộng quê hương

Đàn anh buông tay mẹ già tóc trắng

Đàn anh

Các ngươi

Hãy đứng lên

Hãy nhìn về trước mặt

Hãy đằng sau quay Hãy bước đi

 Và hãy nghe ta Trong bước đi

Gọi thầm Hỡi đồng hành

Dồng hành

Trong cõi chết.

Bài thơ được in ra, tập san của trường phổ biến đến các đại đội khóa sinh. Hà nói tôi không hiểu tại sao các ông ấy lại đăng bài thơ này của cụ. Kim nói không bị củ là may rồi. Không tôi không bị « củ ». Cũng không bị khiển trách gì.(…)

Tôi muốn mô tả, tôi muốn chia xẻ.. (… ) Tôi muốn giãi bày những cảm nghĩ, xúc động trong cõi sâu, những khía cạnh nhân bản và nhiều khi bi thảm mà những ngăn cách khóa đàn anh, khóa đàn em không xóa bỏ đi được.

 Nhưng bài thơ có thể mang lại ngộ nhận..(…)

Gọi các bạn khóa đồng ngũ khóa đàn anh là «  Ngươi »  xưng  « Ta » có thể là những ngộ nhận khác.

Vị sĩ quan phụ trách tâm lý chiến ở Thủ Đức đã đăng Giã Từ coi như chọn lựa bất trắc. Tôi nghĩ tôi có nợ anh. Tôi nghĩ nếu như tôi gặp lại, tôi phải nói với anh lời cám ơn.

Sơ lược về lai lịch của Nguyên Sa thời du học bên Pháp

Xin mở một dấu ngoặc cuộc vào đời Nguyên Sa- như chuẩn bị cho một hành trình thi ca lừng lẫy và một trí thức tranh đấu dấn thân của ông cho những nghịch cảnh sau này. Một sự chuẩn bị báo trước một thiên tài, một người đấu tranh cho lẽ phải, cho quê hương đã bị cày rách nát vì bom đạn.

Đây cũng là một giai đoạn ít người lưu tâm tới.

Chúng tôi xin ghi lại bài nói chuyện của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch về nhà thơ Nguyên sa do nhà thơ, nhà báo Nguyễn Mạnh Trinh ghi lại (1949-1921) như một lời  tri ân kỷ niệm NMT.

  • Nguyễn Mạnh Trinh. Thưa thầy chắc thầy có nhiều kỷ niệm với nhà ừ lúc du học ở bên Pháp ? thơ Nguyên Sa

Theo giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, lúc đó đang học ở Sorbonne cùng với gs. Bùi Xuân Bào. Ông nói : Nguyên Sa với tôi có sự cách biệt về tuổi tác, hơn nhau đến tám chín tuổi nên ở bên Pháp cũng không có tiếp xúc gì nhiều. Tôi biết lúc đó có một nhóm anh em trẻ đang học những năm cuối cùng của bậc trung học ở thành phố Provins, gần thủ đô Ba Lê.  Theo tôi biết, họ là một nhóm gồm Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Viết Thành, Đỗ Long Vân. Tôi cũng nghe là nhóm trẻ ấy rất ham mê văn nghệ, trong hoạt động của họ có nỗ lực tìm tòi những điều mới lạ cho nghệ thuật nên tôi có cảm tình với các anh em trẻ đó.( Tên Nguyên Sa có nghĩa chỉ là như hạt cát. Hoàng Anh Tuấn, nhà thơ, học về điện ảnh, sau làm Quản đốc đài phát thanh Đà Lạt. Trịnh Viết Thành, con trai lớn của chủ nhà in Nam Sơn, có thời là em rể của Nguyên Sa, nhưng chết sớm,  sau đến Trịnh Viết Đức, em Trịnh Viết Thành đảm nhiệm việc in ấn thay anh in Hành Trình, Đất Nước. Đỗ Long Vân xuất sắc với bài viết : Ngô Kỵ giữa chúng ta và vài bài nhận xét về thơ Thanh Tâm Tuyền như «  Khuôn Mặt hay là tâm sự tiểu tư sản trong Thanh Tâm Tuyền– Rất tiếc, tác giả  Đỗ Long Vân- nhân tài cũng mất sớm » NVL).( ….)

  • Nguyễn Mạnh Trinh. Thầy có nghĩ rằng những người làm văn chương từ Pháp về đã mang theo những khí hậu mới mẻ cho văn học lúc ấy ? Những tác giả như Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Viết Thành, Cung Trầm Tưởng, Đỗ Long Vân đã mang về nước nhà những ảnh hình thời thượng, lãng mạn như ga Lyon đèn vàng, như dòng sông Seine thao thiết, như khuôn viên sang cả và đặc biệt những đại học ở Paris .. Và đối với giới trẻ lúc ấy, chịu ảnh hưởng rất nặng những mơ mộng ước mơ bắt đầu từ những điều kể trên ?
  • Nguyễn Khắc Hoạch. Tôi nghĩ dù sao những hình ảnh ấy chỉ là ước lệ mà thôi, còn cái thực chất mà mình tiếp thu được ở nước ngoài một cách sâu sắc là thái độ tinh thần, là kiến thức mới mẻ áp dụng vào đời sống Việt Nam. Như tôi đã nói, do sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, những điều mình dã học hỏi có tác động tinh thần ngược lại để mình hiểu chính mình một cách thấu đáo triệt để hơn. (…)
  • Theo thầy, ảnh hưởng thơ Nguyên Sa ra sao, đặ biệt trong giới thanh niên trí thức ?
  • Chưa nói đến phần thi ca của Nguyên sa, giới sinh viên lúc ấy rất tán thưởng các giáo sư giảng dạy về triết học trong đó tôi có thể kể đến các anh Nguyễn văn trung, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, Nguyên Sa.. là những người đã mang triết học Tây phương vào giới làm văn hóa Việt Nam. Họ thổi một luồng gió mới vào nếp suy nghĩ của sinh viên. Mỗi người mỗi vẻ, những đóng góp đã làm thành yếu tố để gây dựng một nền học thuật vững vàng và nhiều chất bác học. Đặc biệt, chúng ta phải coi họ là những người đã « nhập cảng » tư tưởng triết học Tây Phương vào văn học Việt Nam. Đó là một đóng góp rất lớn. Riêng Nguyên Sa, với ngôn ngữ sáng sảu, lãng mạn, ý tưởng tân kỳ, tình yêu trẻ trung, làm thơ anh có sức hấp dẫn đặc biệt.
  • Như vậy triết học có ảnh hưởng gì đến thơ Nguyên Sa ?
  • Đây là một nét độc đáo của anh. Nguyên Sa là một giáo sư triết học, quen lý luận, nhưng có thể nói anh không hề bị triết học gò bó. Anh không hề bị coi như một « con tin » của triết học. Thi ca của anh thoải mái, phóng khoáng và ta cũng hiểu triết học đây, nếu có, chính là phong thái sống và nếp cảm nghĩ của tác giả và chỉ thế thôi.

Nguyên Sa có lẽ không bao giờ nói đến triết học trong thơ của anh, nhưng triết học lại luôn luôn hiện diện với các hình thái «  đời sống con người » và rất tự nhiên như hơi thở của chúng ta vậy.

Đó là điểm đáng khen của Nguyên Sa, theo tôi. (Xin tạm ngừng bài phỏng vấn ở đây.

 

Phạm Việt Tuyền. Đọc Những năng năm sáu mươi của Nguyên Sa trong sự phân tích về khuôn phép, vạn làm thơ như thể một nguoif ngoài cuộc.

 

Có thể  chia cuộc đời làm văn học tóm lược trong hai giai đoạn : Giai đọan làm thơ tình và giai đọan làm dấn thân, đấu tranh. Giai đoạn thơ tình thời trẻ đã đem lại cho ông rất nhiều hương vị ngọt bùi và lòng say mê cảm mến của nhiều giới trẻ.

Giai đoạn với tập thơ Những năm sáu mươi, mang màu sắc chính trị không nhận được sự đón tiếp nồng hậu của giới trẻ nữa. Đã hết rồi. Vì thế,  xin giới thiệu nhà báo báo Phạm Việt Tuyền có những nhận xét về tập thơ này.

Theo ông Phạm Việt Tuyền, trong một phiên họp nhằm tục bản tập san Nghiên cứu Văn học, anh em chọn chủ đề : Văn Nghệ Đen cho số tái ngộ này. Và tập thơ Những năm 60 của Nguyên Sa được coi như một tập thơ đen theo mọi nghĩa. Đen theo nghĩa nhà Trình Bày đưa tập thơ lên Bộ Thông Tin, yêu cầu kiểm duyệt từ tháng 5-1970. Nhưng cho mãi đến tháng giêng năm 1971 cubngx chưa được kiểm duyệt.

Cuối cùng theo lời đề nghị của tác giả nên đã in ra 200 bản để đề tặng anh em cùng nhau đọc chơi.

Tập thơ này gồm 29 bài thơ đại lọai như : Săn Bắn, Nhìn em, nhìn thành phố nhìn quê hương, Tắm, Đám tang Nguyễn Duy Diễn, Cắt tóc ăn tết, Dặn vợ sắp cưới, Bao giờ, Xin lỗi về những lầm lỗi dĩ vãng, Vết sẹo, Nhìn thấy mình trong quân trường nhắn bạn, Cầu siwwu cho Nguyễn Qaung Đại chết ở Khe Sanh, Thàng Sỹ chết, Chào nhau, Tám phố Sài gòn, Hỏi bạn, Building, Định mệnh chân dài, Lời năn nỉ, Hỏi thăm Saifgonf,, Giã từ khóa đàn anh, Chim, Vẽ, Nguyền rủa ngày, Ném Đá, Hỏa Châu và Huyền thoại, Chỗ nằm của ta, Lời dặn bản thân, Tóc và Điểm danh..

Theo Phạm Việt Tuyền, đó là 29 sợi suy tư, 29 miếng cảm xúc, 29  trường hợp viết của Nguyên Sa.

Bài Sân bắn mở màn với bài Điểm Danh kết thúc, nhà thơ Nguyên Sa đã vẽ ra một hình ảnh của một tên lính ngơ ngác và lạc lõng của những người lính bất đắc dĩ phải cầm súng.

«  Bia lên ta thấy thân người

Thấy ta thấy địch thấy  đời lãng du

 Thấy tay dư, tghaasy chân thừa

Thấy tai nghễnh ngãng mắt mù óc không »

Bài Điểm Danh có vẻ lạc lõng

«  Đứng dậy nghe gọi điểm danh

Chiêm bao mở mắt thân hình mộng du.. »

Theo tác giả Phạm Việt Tuyền. Bài Điểm Danh  nghe gượng ép, cảm xúc nghèo nàn, lời lẽ nhạt nhẽo.

Chưa kể, có những bài thơ làm theo Thể lục bát với nhiều phen lạc vận.

Với bài cắt tóc ăn tết với kỹ thuật trùng điệp, lập đi lập lại có thểr đến nhàm chán.

Nói chung, phải nhìn nhận những nhận xét của Phạm Việt Tuyền có cái lý của nó. Cái đúng trong một hoàn cảnh bình thường mà có thể không đúng trong thời chiến tranh, có bom đạn, có chết chóc chia lìa.

( Trích dẫn Phạm Việt Tuyền Sài gòn đêm 25- 2- 1971,  trên Tạp chí Văn Học, số 1 tháng 3/1971)

Thật không dễ dàng gì với thơ đấu tranh. Phải chăng đó là những lỗ lưới thủng trong thơ Nguyên Sa ? và cũng phải chăng may ra chỉ có  thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đạt mức trần của loại thơ đấu tranh. Kiệm lời và gọn ý, biểu tượng, tạo ra được một ấn tượng sâu sắc khó ai đạt được ?

Và để bù lại những thiếu sót này, Nguyên Sa trong ban Biên Tập tờ Đất Nước đảm nhiệm một mục Thế..đó trong suốt dọc dài nhiều số báo bên cạnh những cây bút chủ lực như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan với những bài về đường lối, chính sách, về lập trường   chính trị.

Hay nói như Pascal trong sự đối đầu, người Quốc Gia và người cộng sản ở vào một thời điểm nào đó đã cùng xuống thuyền mà vận mệnh dân tộc đả đẩy họ cuống. vấn đề là ngày hôm nay, chúng ta phải làm gì ? Và đã làm gi ?

Họ là đủ mọi lớp người như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Thảo Trường, Diễm Châu, Thế Nguyên, Hương Khê, Trương Cẩm Xuyên, Đỗ Phùng Khoan, Trần Văn Toàn, Đỗ Hồng Ngự, Nguyễn Khắc Ngữ, Thế Uyên, Nguyễn Đông Ngạc, Nguyễn Trọng Văn. Họ là Nguyễn Ngọc Lan, Trương Đình Hòe, Trương Bá Cần. Họ là Đỗ Long Vân. Họ là Nguyên Sa

Họ là linh mục, họ là lính, họ là nhà văn, họ là giáo sư, họ là nhà thơ. Họ là tất cả đều đã xuống thuyền và họ phải tự hỏi xem, họ phải làm gì ? Như Nguyên Sa phải làm gì ? Không lẽ cứ làm thơ ?

Nguyên Sa đã không có mặt trên tờ Hành Trình trong 10 số. Ông chỉ thực sự có mật trên tờ Đất Nước. Chắc là có sự mời mọc của Nguyễn văn Trung.

Tờ Đất Nước là một vùng «  xôi đậu », lẫn lộn Quốc gia, cộng sản. Cộng sản thật cũng có, cảm tình cũng có. Thế Nguyên, Trương Bá Cần, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Tôn Thất Lập lộ diện rõ hơn.

Giữa Hành Trình và Đất Nước, cộng sản như thể đang ở ngoài nhà, nay đã vào đến trong nhà, vào đến tận buồng ngủ của tờ báo. Điều đó nó cũng chứng tỏ miền Nam đã mất nửa phần và trên đà suy sụp toàn diện.

Gần như số Đất Nước nào cũng có bài thơ của Nguyên Sa ở trang đầu như một trang trọng.. Sau đó có mục Thế..Đó, đánh đông, dẹp Bắc. Bằng nhũng trích dẫn báo chí ngoại quốc. Tỉ dụ, ông trích dẫn lời ký giả Charles Favrel, đặ phái viên của báo Le Monde đã viết : «  Rất nhiều phi công Mỹ chỉ thấy trong công tác chiến tranh của họ như một hoạt động thể thao và họ nói. Hôm nay chúng tôi « màn ăn » khá, và thực sự chỉ  yêu cầu họ mần ăn khá  như thế mà thôi.(Trich dẫn Charles Favrel, báo Le Monde, ngày 30-1-1951)

Biểu họ « khéo léo » thì còn được, nhưng biểu họ «  thương xót » thì thương xót ai, thương xót cái gì ? Một người phi công Mỹ, nếu sống trong một căn cứ tại Việt Nam, lâu lâu còn trông thấy một người Việt Nam, dầu cho đó chỉ là một anh bồi, một tên ma cạo, một con đĩ. Nhừng sống trên Hàng Không mẫu Hạm hoặc một căn cứ ngoại quốc thì nước Việt Nam, người Việt Nam đối với họ là cái gì ?

Nguyên Sa cũng trích dẫn báo Chính Luận có đăng bản dịch của báo Time trong đó có lời tuyên bố của Eddie Rickenberker «  anh hùng không quân dân tộc Hoa Kỳ ». Vị anh hùng  không quân này đã nói » Hoa Kỳ phải ném bom xuống những hải cảng, đập nước và dân chúng Bắc Việt. Chúng ta không chiến đấu với những con người ở đó, chúng ta đang đánh nhau với những con vật có hai chân. Dân chúng ở đó chỉ là những kẻ nô lệ.( Chính Luận ngay 8-11- 1967).

 

 

Câu chuyện Nguyên Sa còn kể rất nhiều những giai thoại như thế trong mỗi số báo như tố cáo cái dơ bẩn , tồi tệ của chiến tranh với cái mặt trái của nó..( Trích Đất Nước số 12- 1967, Nguyên Sa, Thế.. đó trang 147).

Sau tờ Đất Nước đến tờ Trình Bày, vai trò của Nguyên Sa không còn mấy quan trọng nữa, bởi vì đây là tờ báo cộng sản thứ thiệt do cộng sản giật giây.. Thế Nguyên ( 1942- 1989.- tên Trần Gia Thoại, sau 1975, cộng sản không dùng, bị bỏ rơi, chết lãng sẹt vì bị  bệnh sài uốn ván . Ông là con một nhà giàu, lấy một người vợ lai Tầu. Chị vợ đã móc nối với em rể đưa vào MTGPMN, thập niên 1960. Tiền tài trợ một nhà in có thể do Việt cộng cung cấp để Thế Nguyên có thể ấn hành sách báo..

Nay chỗ của ông không còn nữa.

Nguyên Sa, nhà thơ, nhà báo ở Hải ngoại

Tôi xin mạn phép không viết về Nguyên Sa trong thời kỳ ở Hải ngoại, vì như ngôi sao văn học nơi ông đã tắt. Viết ở đâu. Viết lúc nào, tại sao viết đã trở thành dòng sông nghẽn mạch của chính sự nghiệp của ông..Vấn đề cơm áo gạo tiền ở xứ người, hoàn cảnh sống thay đổi hầu như không có chỗ đất đứng, nhiều nhà văn cũng đã cạn nguồn sáng tác.

Đây là dấu kết thúc chẳng những Nguyên Sa, nhà thơ và còn là nhà báo văn học đúng nghĩa. Xin giã từ Nguyên Sa trong niềm nuối tiếc một thời đã qua của miền Nam một thời.

Nguyên Sa và tình bạn

Cái dấu ấn để lại nơi tôi và nhiều người- nhất là Nguyễn Văn Trung-bạn ông- là cái tính bình dị, xuề xòa, « lè phè » theo ngôn ngữ của học trò ông, dễ quý mến ở nơi ông. Nội cách ăn mặc, áo bốn túi, bỏ ra ngoài, cái mũ phở, đi đôi dép nó như thể hiện nơi ông. Một nghệ sĩ hơn là một ông giáo nghiêm nghị.

Ông xuề xòa, nhếch nhác với bạn bè, nhưng lại nghiêm khắc với chính mình. Vợ con là trên hết. Giờ cơm là bỏ bạn bè  thói la cà như Mai Thảo. Mai Thảo thường thích la cà ở phòng trà Văn Cảnh.

Mặc dầu giữa Mai Thảo và Nguyên Sa khác biệt nhau nhiều chẳng những dưới góc cạnh văn học như quan điểm của Sáng Tạo là loại trừ Tiền chiến. Nhưng  trong quan hệ bạn bè, Trần Bích Lan, Nguyên Sa vẫn là những bạn bè. Nguyên Sa vẫn dùng chiếc xe hơi con cóc của mình chở Mai Thảo chỗ này chỗ kia. Tôi thật ngạc nhiên khi biết Nguyên Sa từng đón Mai Thảo đến chỗ trọ của của nữ sĩ Cẩm Nhung, chờ Cẩm Nhung thay quần áo đến quán nhảy. Và một lần, khi Cẩm Nhung bị bà Trung tá Thức, vợ một sĩ quan ghen tuông một cách vô lý, tạt át xít.. rồi phải ngồi ăn xin ở lề đường.

Nguyên Sa lại một lần nữa chở Mai Thảo đến đó. Mai Thảo lặng lẽ bỏ một gói tiền vào nón của Cẩm Nhung. Cẩm Nhung qua đôi mắt mù lòa vẫn cảm nhận được người đó là ai.

Thật cảm dộng giữa nỗi nỗi thống khổ của một mối tình bất hạnh và lặng câm, nhưng vẫn đậm đà tình người và tình bạn sâu xa giữa hai nhà văn. Thật không dễ cho bất cứ ai làm được điều đó. Không dễ tý nào.

Trong chỗ riêng tư,  Nguyên Sa đối với đàn em đồng nghiệp như bạn bè, chia xẻ và chỉ bảo. Cũng không dễ tý nào trên thực tế.

Và sau đây, xin nhường lời cho Nguyễn Văn Trung trong Nhận Định X : Nguyên Sa một người bạn.

« Nguyên Sa vừa nằm xuống, từ giã vĩnh viễn bạn bè trong nước, ngoài nước. Chúng tôi là bạn khi về nước cùng dạy Triết ở trung Học, Đại học. Tôi viết bài cho những tạp chí do Nguyên Sa phụ trách như Hiện Đại, Gió Mới. Nguyên Sa viết cho những tạp chí Đất Nước, Trình Bày..

Hoặc cả hai cùng cộng tác với Mai Thảo đặc biệt những số đầu của Tạp chí Sáng Tạo. Mai Thảo cũng vừa nằm xuống vài tháng trước Nguyên Sa. (…)

Nghĩ đến Nguyên Sa, kỷ niệm sâu đậm nhất, tiêu biểu phong cách của Nguyên Sa hơn cả là thái độ của Nguyên Sa đối với bạn hữu, tôi không dùng từ ngữ bạn bè cố ý nhấn mạnh vào tính cách không bè phái trong quan hệ giữa Nguyên Sa và các bạn văn, nhà giáo của anh… (..) Trong sinh hoạt viết sách báo, cố gắng tránh đề cao, xưng tụng lẫn nhau. Ngay cả dè dặt thận trọng giới thiệu tác phẩm của nhau..(..) Nguyên Sa không gây sự với ai. Nhưng nếu ai gây sự với anh, với những người anh coi là bạn  và nếu anh thấy những người đó bày tỏ thái độ phê phán, đả kích với những ý đồ đen tối, bất chính, bằng một lối chụp mũ, vu khống, mạ lỵ hạ cấp, anh phản ứng.

(…)Tôi nói chuyện với đề tài : Luân Lý vă văn học. Tờ Văn Đàn lên tiếng tố cáo tôi chủ trương một văn học phi luân. Nguyên Sa lên tiếng trong «  Hiện Đại » số 6 tháng 9/1960 ở trang bìa. Nguyên Sa làm như Francois Mauriac, một nhà văn nổi tiếng lúc đó thường bày tỏ quan điểm của mình ở trang cuối tuần báo Express ở Pháp. Nguyên Sa viết trong «  Khuôn mặt thời gian » trang 6. : «  Vào một buổi tối tháng 7 trời mưa. Nguyễn Văn Trung đã nói chuyện tại một câu lạc bộ. Tôi không tường thuật buổi nói chuyện ấy trên mặt bìa này. Cũng không phê bình. Tôi chỉ muốn nói đến ý nghĩ : Cuộc nói chuyện đã ném vào tôi một xúc động lớn. Nguyễn văn Trung thuộc vào số người ít ỏi của thế giới này dám nói lên ý nghĩ chân thành của lương tâm, nói lên điều cần nói, điều phải nói. Nói lên dù biết chắc chắn sẽ gặp áp lực trở ngại, dù sẽ vị xuyên tạc, phỉ báng, lăng mạ, đâm vào lưng bởi một loại bò sát quen trốn tránh sự thật..

Gần 10 năm sau, xảy ra vụ khủng hoảng trường đại học văn khoa Saigon trở thành một biến cố thời sự được phản ánh rộng rãi cả tháng trên các tạp chí, báo hàng ngày thời đó.. Tôi là bị cáo chính trong vụ này bắt nguồn từ ý định cải tổ một trường Đại Học bị nhiều mâu thuẫn chi phối : tiến bộ/bảo thủ, thân cộng/chống cộng, công giáo/ Phật giáo. Nam/Bắc và Khoa bảng/học giả.

Nguyên Sa được giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch mời dạy và ở trong ban Triết học do tôi làm trưởng ban. Khi tôi thay giáo sư Hoạch, dĩ nhiên tôi vẫn tín nhiệm Nguyên Sa..(…) Đơn giản chỉ thế thôi. (..) Nguyên Sa cũng bị tố cáo là không đủ bằng cấp để dạy đại học. Và Nguyên Sa đã lên tiếng.. Anh gửi một thư từ chức cho Khoa Trưởng ĐHVK Sài gòn đăng trong báo Hòa Bình 2/12/1969 trong mục do Kiều Phong phụ trách..

( Bản thân, tôi còn giữ được bản đánh máy của Kiều Phong trên báo Hòa Bình đề ngày 2-12-1969 với nhan đề : Buồn vui với bạn đọc. Cuối trang có ghi chú Lời tòa soạn : 9/10 Gs Văn Khoa không có bằng tiến sĩ. TD. Ông Bửu Cầm, nhà văn Vũ Khắc Khoan, thi sĩ Đông Hồ.

Đó là những dòng chữ để lại về tình bạn của Nguyên Sa. Xin ghi nhận lại như thế. Trích trong Tuyển tập Nguyên Sa ( 1956-1975. Rời bỏ nền Văn chương trú ẩn không tiện đăng hết)

Hành trình tới đạo Thiên Chúa giáo của Nguyên Sa từ một chứng từ trong bài viết : Kính mừng Maria

Bản thân người viết bài này có thể không mấy khó khăn khi viết về văn học, báo chí, triết lý của Nguyên Sa. Nhưng viết về tín ngưỡng tôn giáo- dù là thân thuộc- cũng thấy quả là không dễ.

Vì nó thuộc niềm tin của một người.

Và trong nhiều năm trời, kẻ viết bài này cũng không hề lưu tâm tới vấn đề này. Và tự thâm tâm thấy không là điều thiết yếu trong việc tìm hiểu. Nhưng nghĩ cho cùng, nghĩ tới cuộc đời tác giả  thì phải chăng nó lại là điều căn thiết nhất ?

Trong bài viết của Nguyên Sa nhan đề : Kính mừng Maria. Ông viết nửa như dỡn đùa, nghịch ngợm thời nhỏ đi học, thập niên 1940, ở Hà Nội. Nó cho ta có cảm tưởng như từ vô thức trở thành ý thức. Từ bên ngoài mà từ lúc nào đó thẩm nhập vào bên trong. Và từ những kinh nghiệm bản thân qua những chuỗi khó khăn của cuộc đời, nó trở thành niềm xác tín không hay. Tôi không giải lý và cũng không biết được điều gì của chính tác giả đi từ điểm A đến điểm B.

Chỉ xin ghi lại một mảnh trong kiếp phù sinh của tác giả. Và nhất là cả bà Nga, phu nhân của tác giả nay cũng trở thành tín đồ  nhiệt thành.

Phải chăng đó là những kinh nghiệm siêu hình bắt chợt được trong cuộc hành trình dương thế ?

Câu hỏi như thế đã ngầm ý câu trả lời.

Hồi đó, ông học lớp nhì A, trường Việt với các Sư Huynh «  Đờ Ni »( Denis),ông này có một miếng vải trắng đeo trước ngực,  bị gọi đùa là cái yếm. Sư huynh dùng thước kẻ để phạt. Ông bắt úp tay xuống đàng hoàng rồi mới khõ. Không thuộc bài, ba quả. Không thuộc giáo lý, năm quả. Đánh nhau, 10 quả. Ông còn kể lại : Bố ông xin cho ông vào trường Puginier vì  « vì mày cứ đánh nhau suốt ngày, phải cho vào trường «  phe » để các ông «  phe » các ông ấy trị.

Trước đó, ông học trường Việt, ông kể : Khi đồng minh bỏ bom, sư huynh dẫn các học sinh dắt nhau ra hầm trú ẩn. Bên đối diện là phe trường Tây. Thứ sáu nào, buổi trưa, « phe » cũng giữ Nguyên Sa lại, cũng kể «  chuyện Thánh ».. Mà nếu có mặt Duyên Anh sẽ kêu lên là « hay tuyệt cú mèo ». Như chuyện ông Môi-Xe dẫn đoàn lưu vong về đất hứa, ông làm ra mưa, ngăn đôi dòng sông chảy xiết. Chuyện bà thánh Ma đơ len bị ném đá. Chuyện Ba vua.. «  Phe » nhắm mắt kinh khủng khi nói về Lu ci phe. Nhưng ông cười rạng rỡ khi kể các chiến thắng của các thiên thần..

Ông tâm sự về :  Câu chuyện về Kinh Kính Mừng do “ phe” kể ghi những vết sâu đậm nét trong tâm hồn tôi. Đó là chuyện một anh chàng bê tha, hư hỏng, cờ bạc trai gái tội lỗi đầy đầu, mà toàn tội trọng, nhưng anh chàng tội lỗi này tối nào đi ngủ cũng đọc ba kinh Kính Mừng. Bạn của chàng này cũng hư hỏng không kém. Kinh Kính mừng không đọc bao giờ. Còn anh thứ nhất, sau những cuộc truy hoan trở về nhà, dù mệt mỏi đến đâu, anh cũng mắt nhắm, mắt mở đọc xong ba kinh Kính Mừng rồi mới đi ngủ. Cả hai bị nạn và ngắc ngoải. Anh tội lỗi không đọc kinh chết ngay ít phút sau đó, không kịp cha đến làm lễ giải tội cuối cùng. Anh đọc kinh Kính Mừng được ơn lành cửa Đức mẹ đồng trinh nên khi Cha đến giải tội anh còn sống. Anh lên thiên đường đương nhiên. Còn anh kia hỏa ngục đời đời.  Sư huynh Denis ngồi với tôi trưa thứ sáu, khi các bạn đã về hết, ông cầm lấy tay tôi, ông đọc trước, tôi lập lại : «  Kính mừng Maria đầy ơn..  phước » ông đọc Đức Chúa Lời ở cùng bà.. «  Tôi đọc lại : «  Đức Chúa Lời ở cùng Bà.. »

Sau này, sư huynh Denis  “xuất” năm 1945, rồi đi vào Nam trong đoàn quân Nam tiến để tổ chức “chống” Pháp. Khi về hưu, “phe”( Chữ frère) lúc đó đã già lắm, tóc rụng gần hết, gần như liệt, về sống ở Hạnh Thông Tây và qua đời tại đây. Trước đó, một anh bạn học cũ lớp Nhì A, trường Puginier Hà nội vào năm 1960 thường quyên góp tiền bạn bè cũ để giúp đỡ “phe”.  Tôi cũng đóng góp vui vẻ.

Ông nhớ lại,  chính “phe Denis dạy Trần Bích Lan ( Nguyên Sa) kinh Kính mừng. Và khi biết tin  “phe “ qua đời, Nguyên Sa đã tìm một góc tối đọc ba Kinh Kính mừng cầu xin  Ơn trên cho “phe”.

Ông nhớ lại, khi chuyến bay C141 bắt đầu lăn khỏi phi đạo Tân Sơn Nhứt cách đây hơn 8 năm.  (Tôi còn nhớ gặp Nguyên Sa một hai Tuần trước 1975. Sau đó lần sau đến trường Văn Học, trường vắng hoe..Người gác trường cho biết, ông Lan và gia đình đã rời VN rồi. NVL)

Tiếng động cơ vang động, những rứt bỏ đứt ruột, tôi cất tiếng “ Kính Mừng Maria”. Khi chiếc phi cơ di tản đã ở trên trời cao, vợ tôi cầm tay tôi hỏi: “ Hồi nãy , anh đọc cái gì thế?”. Tôi trả lời: “ Anh đọc kinh” “ Kinh gì thế?” Kinh Kính Mừng.. Vợ tôi trợn tròn mắt kinh ngạc hỏi : Kinh đó anh học từ bao giờ. Tôi không trả lời những câu hỏi lặng câm. Tôi chậm rãi đọc: “ Kính mừng Maria đầy ơn phước.. “ Đức Chúa Lời ở cùng Bà..” “ Đức Chúa Lời ở cùng Bà.” Vợ tôi nhắc lại, với ngạc nhiên, mỗi lúc lắng xuống;’ Kính mừng Maria đầy ơn phước..”

“ Đức Chúa Lời ở cùng Bà…” “ Đức Chúa Lời ở Cùng Bà..”

 Khi tôi ngó xuống, đảo Guam đã hiện ra phía dưới. (Gia đình Nguyên Sa ghé qua đảo Guam, sau đó chọn lựa đến Pháp. Ông ở lại Pháp 3 năm, sau đó quyết định dọn về ở California cho đến cuối đời. NVL)

Câu chuyện Nguyên Sa chỉ là những cảm nghiệm riêng mà người Thiên Chúa giáo có thể dễ dàng chia xẻ. Sau đây, xin ghi lại ít dòng về cảm nghiệm tôn giáo của Nguyên Sa, trích trong cuốn sách của tác giả Nguyễn Đức Tuyên: Hành Trình Đức tin. Những trường hợp vô đạo Chúa. 2014.

Trong một bài thơ có tên Mật Khẩu mà nội dung có vẻ như Nhân cách hóa Thượng đế thường đến với ông bất chợt.

Ngày nào Thượng Đế cũng tới

Giờ khắc bất định

Nhưng ngày nào ông cũng tới ít nhất một lần

Ngày nào ông cũng mở banh lồng ngực tôi ra

Thản nhiên bước vào trong

Tôi không biết ông đi vào tim

Hay ông đi vào phổi..

Nhận xét: Cảm thức về Thượng đế như thế một con người quyền uy chợt đến, chợt đi.. Đó là cảm nghiệm của riêng từng người.. Mỗi người chia xẻ một cảm nghiệm con đường dẫn đưa tới Chúa. Tuy nhiên, từ lúc làm bài thơ này đến lúc ông quyết định chịu phép Thánh tẩy, thời gian kéo dài trong bao lâu?

Chỉ biết rằng, theo lời kể lại của linh mục Phạm Ngọc Hùng, cha xứ tại thánh đường Polycarp, Orange, California. Cha nhớ lại, vào buổi tối khuya, một thanh niên đến gõ cửa xin linh mục đi làm phép Thánh Tẩy cho một bệnh nhân muốn tin nhận đạo Chúa. Sau đó, vị linh mục được biết đó là con trai của Nguyên Sa, một bác sĩ.

Khi đến nơi, nhìn thấy họ hàng, bạn bè quây quần chung quanh. Linh mục đã nói với Nguyên Sa:

“Thưa bác, bác còn đang yếu, xin bác cứ ngời trên ghế để con cử hành nghi thức Thánh Tẩy cho bác.

Nhà thơ trả lời: Để tỏ sự kính trọng đối với một bi tích, xin cha cứ để con quỳ xuống, không sao.

Trong lễ nghi an táng nhà thơ Nguyên Sa, có linh mục Thomas Đỗ Thanh Hà và linh mục Vincent Phạm Ngọc Hùng cùng các quý cha, quý nam nữ tu sĩ , các Ban chasp hành cộng đoàn, các đoàn thể, các ca đoàn, các quý quan khách, quý vị văn nghệ sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Phải nói, cuộc đời thi sĩ Nguyên Sa là một đời sống trọn vẹn. trọn vẹn với gia đình, với vợ con, với bạn bè trong suốt cuộc đời làm đẹp cho đời và tranh đáu dán thân cho xã hội, cho đất nước.

Bài này như một tưởng nhớ của một thế hệ đàn em đối với ông, một thế hệ đàn anh mà sau này trở thành mẫu mực cho cả một đời và cho cả một thời.

Nguyên Sa của một đời  và của một thời

6 BÌNH LUẬN

  1. Bây giờ áo thụng vái lạy nhau/ Nguyên văn Trung rồi đén Bịch Lan/ phóng bút bi bon chen trang giấy /mong tên được ké vào sử xanh.
    VC bây giờ cung nổ Triết/Bóc tận trời cao một Mác Lê/ Hữu Liêm di theo chân công sản /vôi tái khẳng định mình , triết gia
    Cơm áo đời thường lo không đủ / Còn đâu nghỉ đén chuyện cao sang/ văn chương triết học thôi dành đó /cho người chữ nghĩa đầy tài năng
    Bao nhiêu năm tháng rời quê mẹ /luu vong như kẻ bị lưu đày./Triết học van chương nào giét công/ thì thôi ta xin cạn chén say !
    ….
    (ghi chép…)

  2. Xin cảm ơn t/g Nguyễn Văn Lục vơi bài viết về Nguyên Sa, như ôn lại những ngày Nắng Sài Gòn, như ôn sử Việt Nam của một Việt Nam Cộng Hòa mà những người chúng ta đã một thời tự do có quyền dùng “Lời” diễn đạt cho: văn chương, tư tưởng, tôn giáo, v.v. đã phải bỏ Việt Cộng mà ra đi.

    “Người yêu thơ thời trước cũng như ngày nay đều xem Nguyên Sa như một nhà thơ tình. Có thể đây là “lỗi” của các tác giả phổ nhạc từ những bài thơ Áo Lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em quá hay chăng? Nếu nhìn lại một chặng đường sáng tác của ông, người ta sẽ thấy ông là một nhà triết học ( với Decartes nhìn từ phương đông), một nhà lý luận phê bình văn nghệ ( với Một bông Hồng Cho Văn Nghệ -Một Mình Một Ngựa) và sau cùng là một nhà văn (với Giấc Mơ, Vài Ngày Ở Chung Sự Vụ) . Có một giai đoạn sáng tác quan trọng trong đời ông, một bước ngoặt khi ông phải thụ huấn ở quân trường Thủ Đức vào năm 66 mà GS Nguyễn Văn Trung trong quyển “Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua” nhận định “Rất tiếc là khi Nguyên Sa qua đời , hầu hết các bài viết về Nguyên Sa đều không đả động đến khúc quặt quan trọng , rất có ý nghĩa giá trị trong sự nghiệp thơ văn của Nguyên Sa viết vào thời kỳ làm lính. Nếu bây giờ đọc lại thơ văn thời kỳ đó, sẽ thấy thơ văn Nguyên Sa không phải chỉ là mà còn là Giã Từ Khóa Đàn Anh, Giã từ nền văn chương trú ẩn”

    “TẬP THƠ BỊ KIỂM DUYỆT

    “Thật vậy, ông đã có một tập thơ nhưng không được trình làng với bạn đọc. Đó là tập thơ “Những năm Sáu Mươi” với những bài thơ viết về chiến tranh như “Giã từ Khóa Đàn Anh”. Và đặc biệt là bài “Sân Bắn”: Bia lên ta thấy thân người/Thấy ta thấy địch, thấy đời lãng du. /Thấy tay dư, thấy chân thừa./Thấy tay nghễnh ngãng, mắt mù óc không/Một đời phơ phất hình nhân, Thấy còn thấy hết, sau cùng thấy đau/Bia lên thấy mẹ u sầu/Giấy bồi tơi tả cúi đầu trong ta…/Trời cao ngó xuốt thịt da/Bia lên trông cũng vật vờ cỏ xanh,?Bia lên tìm chỗ ta nằm/Non cao đuối cẳng em còn thấy đâu…?Hầm bia buồn đến mộ sâu/Nghìn cây nên thắp trên đầu đạn bay.”

    “Những bài thơ chiến tranh là những bài thơ từ chiêm nghiệm thực tế, chứ không phải từ những tháp ngà của tình yêu, những đêm vũ trường cùng với Mai Thảo.Ông đã ghi trong hồi ký về hoàn cảnh ra đời bài thơ nầy như sau: “…không khí của sân bắn còn mang lại những ấn tượng thật đặc biệt. Có những buổi tập bắn, mục tiêu ở trước mặt cố định. Những buổi tập bắn, khác với đối tượng di động. Khi huấn luyện viên tác xạ hô lớn “bia lên”, nhiều chục tấm bia từ một con đường hầm dài ở phía xa trước mặt được nhất loạt đưa lên. Người SV sĩ quan thụ huấn phải bắn trúng mục tiêu dành cho mình trong thời gian ngắn trước khi tiêng hô “hạ bia” vang lên.

    ” Bia là những tấm hình đầu và thân người, nhưng không có cánh tay nào cả. Tiếng động cơ nổ đều, độ rung của chiếc xe, kỷ niệm vang vọng những tiếng hô “bia lên”, những tiếng nổ chát chúa kế tiếp, những tiếng reo vui “trúng hồng tâm”, tiếng reo vui “có bằng thiện xạ rồi”, âm thanh nào trở thành sợi giây liên tưởng mang lại cho tôi “bia lên ta thấy thân người, thấy ta thấy địch thấy đời lãng du…”

    “Tập thơ gồm bốn chục bài thơ nầy tác giả đưa cho nhà xuất bản Trình Bầy vào năm 1970 không được Bộ Thông Tin giấy phép xuất bản. Năm 1971, NXB Trình Bầy cho in lậu tập thơ nầy trên giấy ronéo dành cho tác giả và bằng hữu. Nguyên Sa trong bài “Bài tựa cho tập thơ bị Kiểm Duyệt” (Trình Bầy- xuân Tân Hợi) viết “ Cho nên làm xong tập thơ của 10 năm thì phải in nó ra. Thông Tin không cho in trên nền long ly quy phụng thì in ronéo như một phân định rõ rệt hoài niệm, về hạnh phúc và cái thuộc về một nguồn gốc và chính nó và cũng là sự chia xẻ phân định tìm thấy với bằng hữu.”
    (Nguyên Sa – Không Chỉ Có Thơ Tình Lê Văn Nghĩa Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-9-19)

    Thơ tình hay không thơ tình thì chọn lựa sống chết trong một thế giới tự do để những “Lời” của lòng yêu thương con người được luôn giữ mãi là một quyết định khôn ngoan.

    Trích: “Tôi chậm rãi đọc: “ Kính mừng Maria đầy ơn phước.. “ Đức Chúa Lời ở cùng Bà..” “ Đức Chúa Lời ở cùng Bà.” Vợ tôi nhắc lại, với ngạc nhiên, mỗi lúc lắng xuống;’ Kính mừng Maria đầy ơn phước..”

    “ Đức Chúa Lời ở cùng Bà…” “ Đức Chúa Lời ở Cùng Bà..” “ Đức Chúa Lời ở cùng Bà…” . (Nguyễn Văn Lục)

    “Nguyên Sa tự ví mình chỉ là một con số không, là một hạt cát nguyên sơ trong trời đất. Trong bài thơ “Sợi tóc”, dường như Ông đã tiên đoán nơi mình sẽ nằm, chốn mình sẽ đến khi viết lên những câu thơ:

    Nằm chơi ở góc rừng này
    Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
    Xin em một sợi tóc vàng
    Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
    Biết đâu thảo mộc bớt đau
    Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?’

    “Và bài thơ này đã được gia đình khắc lên bia mộ của Nguyên Sa ngày 18 tháng tư năm 1998.” (Trịnh gia Mỹ Tháng 4 năm 2021)

    Kính chúc quý bạn một ngày an lành.

  3. Nhìn phu nhân của Nguyên Sa cẳt tỏc ngẳn,tôi lại nhở vài câu của NS:”
    Em ngồi đây,, người em tóc ngẳn.Mà mùa Xuân quanh quẩn ở bên anh.
    Ai củng biết NS dạy học ở trường Nữ Nhưng ông vẩn làm thơ ca ngợi tĩnh-học-trò:”không cỏ anh,lấy ai viết thư cho em đem vào lởp học.Những lúc em cười trong đêm khuya-Lấy ai nhìn những đường răng Em trắng..’ .Quả thật Nguyên Sa là vì sao Bẳc đẩu trong Văn học thơ Tình hiên đại .Cảm ơn NVL đả cho tôi nhở lại NS./

  4. Một nhà thơ cảm nghiẹm về hiện hũu của thuợng đế qua cảm tính chủ quan của bản thân mình . Mọt bên khác ,nhà khoa học vật lý và vũ trụ hoc Stephen Hawking giải thích sụ hình thành vủ trụ duói lăng kinh khoa học thực nghiệm thì bên nào khả dĩ thuyet phục đuọc nguoi đọc .

    Chúa Phật chi là những câu chuyện phiém cho những kẻ sợ bóng tối. Tin vào đời sau chỉ là những uóc muốn hão huyền.

    “I regard the brain as a computer which will stop working when its components fail,” he told the Guardian. “There is no heaven or afterlife for broken down computers; that is a fairy story for people afraid of the dark.”

    “God is the name people give to the reason we are here,” he said. “But I think that reason is the laws of physics rather than someone with whom one can have a personal relationship. An impersonal God.”

    Hawking considered himself an atheist

    “Before we understand science, it is natural to believe that God created the universe. But now science offers a more convincing explanation,” he said. “What I meant by ‘we would know the mind of God’ is, we would know everything that God would know, if there were a God, which there isn’t. I’m an atheist.”

  5. Đọc thơ Nguyên Sa thì hay tuyệt,nhưng ở ngoài thì trông ông giống như…anh bản phở ! Lúc ông làm hiệu trưởng trường Văn Học (một trường trung học tư thục ở đường Phan Thanh Giản),ông đi lùng những tên học “lậu” không đóng tiền học thì nhìn ông…chán lắm,không nghĩ ông là tác giá những vần thơ tình”hết sảy”…trong giờ Triết,học sinh phải nghe ông luôn hăng hái chửi bới những tên “sa-đích văn nghệ” nào đó dám đụng chạm đến ông.

Leave a Reply to Ngụy Van Phét Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên