Hung hăng và lú lẫn

3
Trịnh Xuân Thanh trên VTV1

Trong mấy ngày nay, chắc các mật vụ và những người chỉ đạo „chuyên án Trịnh Xuân Thanh” đang tụ tập, cùng nhau mở champagne, nâng cốc „zô! zô!!!” để mừng „thắng lợi bắt cóc”. Tôi không biết, còn có ai trong đám họ, có chút nhân cách và hiểu biểt, bình tĩnh lại để suy nghĩ hơn thiệt về những hậu quả tiêu cực của việc họ đã làm.

Theo cáo trạng,Trịnh Xuân Thanh đã mắc nhiều sai phạm về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho nhà nước 3.300 tỷ đồng. Có thể trong số tiền thất thoát lớn trên đây, một số do sai phạm về quản lý, một số Trịnh Xuân Thanh đã bỏ túi, một số đã dùng hối lộ các quan chức cấp trên để thực hiện cuộc thăng tiến „thần tốc”.

Với cáo trạng đã nêu, Trịnh Xuân Thanh phải bị khởi tố và xét xử theo trình tự pháp lý mà Việt Nam đã quy định. Đây không chỉ là quyết định của mấy người trong cái ban chống tham nhũng, mà mọi người dân Việt Nam đang sinh sống ở trong và ngoài nước đều đòi hỏi như vậy.

Nhưng Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài. Đây là một sự trớ trêu của bộ máy công quyền. Vì sao ngành công an tự ca ngợi mình là „giỏi nhất thế giới” lại để một đối tượng cần đưa ra tòa chạy thoát ra nước ngoài? Một người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, không hề vi phạm luật pháp thừơng bị công an lập chốt canh gác, bao vây theo dõi từng bước đi, bị cấm xuất cảnh, còn kẻ phạm pháp, tham nhũng thì được tự do đi lại?

Hãy gác lại sự việc và trách nhiệm trong vụ trốn chạy của Trịnh Xuân Thanh. Câu hỏi tiếp theo là chính quyền cần và nên làm gì sau khi Trịnh Xuân Thanh đã chạy trốn ra nước ngoài.

Chính quyền Việt Nam đã tiến hành những bước đi đầu tiên theo đúng thông lệ quốc tế : phát lệnh truy nã thông qua tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), đàm phán với Đức để dẫn độ hoặc trục suất Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.

Nhưng để trục suất công dân nước ngoài đang cư ngụ tại các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (E U), nhất là những người đang xin cư trú chính trị phải trải qua các thủ tục pháp lý rất chặt chẽ, cần nhiều thời gian. Đây không phải là thủ tục do quan liêu giấy tờ mà vì các nước trong EU là những nước có thể chế tự do dân chủ, họ rất tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền con người và giầu lòng nhân đạo.

Tôi nhớ lại trường hợp của một công dân Trung Quốc cách đây khoảng hơn 10 năm, thời gian này Sân Vận động Mười Năm Warszawa của Ba Lan đang còn là một chợ trời lớn nhất châu Âu. Người Trung Quốc trạc hơn 50 tuổi, ông cùng người vợ buôn bán các loại chăn và khăn mặt, kiot của ông đứng cạnh các kiot của những người Việt Nam. Ông buôn bán chăm chỉ nhưng ít giao tiếp với những người xung quanh, phần vì ông biết ít tiếng Ba Lan, nhưng có lẽ ông có điều gì đó lo âu, chờ đợi nên ngại giao tiếp. Ông hiếm khi cười và trong lúc đi đứng thường cúi mặt, không nhìn lên. Rồi đột nhiên không thấy ông ra chợ bán hàng, người thì đoán ông về nước, người đoán ông chuỳển chợ.

Thời gian trôi đi, không mấy ai còn nhắc đến ông. Rồi một hôm tình cờ tôi thấy ảnh ông cùng một bài viết về phiên tòa tòa xét xử ông trên tờ nhật báo có nhiều người đọc nhất Ba Lan. Bài báo kể tóm tắt lai lịch và phiên tòa xét xử ông. Ông bị cảnh sát Ba Lan bắt giam theo lệnh truy nã của Interpol. Chính quyền Trung Quốc cáo buộc ông tội tham nhũng một số tiền lớn rồi bỏ trốn. Nhưng qua điều tra xét xử, tòa đã tuyên án:

1)Những cáo buộc của của nhà nước Trung Quốc chưa đủ căn cứ pháp lý.

2)Nếu trục suất ông về Trung Quốc, ông sẽ không được xét xử công bằng vì Trung Quốc không có nền tư pháp độc lập, công minh.

3)Về Trung Quốc, nếu theo cáo trạng , ông có thể phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình.

Đó là hình phạt man rợ, đã bị cấm tuyệt đối tại Ba Lan và trong toàn EU.

Với những lý do trên, tòa tuyên án ông được tự do ngay sau khi phiên tòa kết thúc.

Ít ngày sau lại thấy ông ra chợ. Trông ông khác thường, vui vẻ và linh hoạt. Chắc ông đã trải qua những giờ phút tuyệt vọng cũng như hạnh phúc nhất của cuộc đời mình.

Trường hợp của Trịnh Xuân Thanh sẽ không giống hoàn toàn như câu chuyện kể trên, nhưng qua đó để thấy rằng, việc dẫn độ đối với những công dân nước ngoài có tội danh liên quan đến kinh tế, chính trị ở Đức là rất khó xẩy ra, nếu không muốn nói là không thể. Ngay cả khi đã có hiệp định dẫn độ và bà thủ tướng Angela Merkel ủng hộ yêu cầu của Viêt Nam, bà cũng không giúp gì được, vì cũng như mọi quốc gia trong EU, Đức có một nền tư pháp độc lập, không ai có quyền can thiệp, thay thế hay làm đảo lộn các quyết định của ngành tư pháp.

Chính quyền Việt Nam đã không làm gì để tiến đến hòa nhập tư pháp của Viêt Nam với nền tư pháp văn minh thế giới . Nền tư pháp của Việt Nam vẫn là nền tư pháp „của Đảng, do Đảng, vì Đảng”, các tội danh được quy định chung chung, tùy tiện, tòa án vẫn đang sử dụng các „bản án bỏ túi”, chính quyền coi thường luật pháp quốc tế và ngay cả luật pháp do chính mình đề ra…

Việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một minh chứng sống động cho những nhận xét trên. Nó còn là một hành động hung hăng, lú lẫn của một chính quyền không đủ năng lực để suy xét, cân nhắc những hậu quả trước khi hành động.

Chúng ta đều biết Đức là nền kinh tế thứ tư trên thế giới.Trong EU, Đức là nền kinh tế hàng đầu, là đầu tầu của con tầu kinh tế EU, có vai trò hết sức quan trọng trong các quyết định kinh tế, chính trị và ngoại giao. EU lại là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 của Việt Nam. Vì vậy Đức là một đối tác quan trọng về kinh tế, ngoại giao của Việt Nam. Bắt cóc là hành động khủng bố, vi phạm nghiêm trọng luật pháp và chủ quyền, xúc phạm đến danh dự của một quốc gia. Hậu quả như chúng ta đã thấy, gây nên cuộc khủng khoảng về ngoại giao với Đức. Đây mới chỉ là phản ứng bước đầu, những ảnh hưởng xấu trong tương lai mà Việt Nam phải trả giá sẽ còn tiếp diễn.

Màn kịch để Trịnh Xuân Thanh đầu thú thật dối trá và trơ trẽn. Liệu ai có thể tin được một kẻ chạy trốn, đang xin tỵ nạn, bỗng tự trở về đầu thú. Trong thời đại của truyền thông và internet, màn hài kịch này đã và sẽ lan truyền khắp thế giới, làm hoen ố hình ảnh của Việt Nam. Việt Nam một quốc gia với một chính quyền bất chấp luật pháp quốc tế, dối trá một cách trắng trợn, lật lọng đổi trắng thay đen.

Giờ đây ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, trưởng ban chống tham nhũng đã có „con bài Trịnh Xuân Thanh” trong tay, ông có thể hả hê mà nhắc lại cái luận điệu mị dân, đấy Đảng đã nói rồi nhé, Đảng quyết tâm chống tham nhũng, những kẻ tham nhũng dù có chạy đi đâu Đảng cũng bắt về trừng trị, như củi cho vào lò đang nóng. Nhưng ai cũng biết là đẻ ra tham nhũng cũng là Đảng, dung dưỡng tham nhũng cũng là Đảng, chống tham nhũng cũng là Đảng. Đảng sẽ thành công? Ông cũng có thể dùng con bài để dẹp bỏ phe chống lại ông mà trước đây ông chưa đủ thế và lực.

Nhưng trong hả hê ông đừng quên rằng, ông là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và những tổn hại về ngoại giao, chính trị, kinh tế và danh dự mà nó đã và sẽ mang đến cho đất nước và nhân dân.

Đinh Minh Đạo

 

3 BÌNH LUẬN

  1. Chính quyền nhà nước Vn họ hay có ”Thói ”…Nghĩ sao là ….Làm luôn, ai nói gì măc ai , và….họ còn nghĩ là Thiên Ha thì ….Biết gì mà bàn ….bởi từ lâu nay với ”chính sách mất dạy”…là Ngu Dân để Dễ Trị…nên họ không thấy , không biết và không Quan Tâm đến ….Xấu Hổ là gì ?….và Đảng còn nói những điều không thể Tin được nhưng Vẫn nói…..

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên