Ba Lan: Gánh nặng tị nạn, lợi ích kinh tế

0
Người tị nạn chờ tầu từ Przemysl ddi Warsaw. Ảnh Wojtek Radwanski/AFP via Getty Images

Làn sóng người Ukraine chạy trốn trước cuộc xâm lăng của Nga đã tạo gánh nặng cho các quốc gia miền đông EU, nhưng trường hợp của Ba Lan cho thấy việc tiếp nhận người tản cư cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế.

Trong quý một năm nay, Ba Lan – quốc gia có nền kinh tế lớn nhất phía đông EU – có  tốc độ tăng trưởng nhanh hơn Hungary và Romania – hai quốc gia từ bỏ cộng sản trong cùng thời gian – sau khi tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn từ Ukraine.

Hầu hết những người di cư Ukraine là phụ nữ, trẻ em và người già; họ mang theo ít đồ dùng cá nhân; do đó, thành phần này đã làm tăng doanh số bán hàng của nhiều thứ, từ giày dép đến quần áo và hàng tạp hóa. Điều đó đã giúp giảm bớt những khó khăn kinh tế khác do chiến tranh gây ra, trong đó có lạm phát tăng nhanh.

Trong quý đầu tiên của năm nay, nền kinh tế Ba Lan đã tăng 8,5% so với một năm trước đó, cao hơn dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế. Hungary tăng 8,2% và ở Romania, sản lượng tăng 6,5%, gần gấp 3 lần ước tính trung bình.

“Mặc dù dòng người tị nạn Ukraine đến Ba Lan sẽ dẫn đến chi phí tài chính đáng kể trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế về lâu dài có tiềm năng có lợi nhiều hơn là có hại,” Mateusz Urban, một nhà kinh tế của Oxford Economics, trụ sở tại Frankfurt, cho biết trong một tuyên bố  tuần trước.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan Adam Glapinski cho biết gần đây, nhu cầu của người mua sắm Ukraine chiếm gần một nửa trong mức tăng mua sắm tiêu dùng  – trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Ba Lan, lâu nay vẫn dựa vào sức mua của người tiêu dùng.

“Những người tiêu dùng này có tài sản  cá nhân mang đến từ Ukraine,” ông Glapinski cho biết vào ngày 6 tháng 5. “Họ cũng nhận được tiền trợ cấp của chúng tôi mà họ chi tiêu ngay lập tức, không để dành, họ chi tiêu ngay lập tức cho những sản phẩm cần thiết nhất.”

Các quốc gia khác trong khu vực cũng đã tiếp nhận ​​dòng người tị nạn, mặc dù với số lượng ít hơn nhiều so với Ba Lan.

Ở Romania, người Ukraine là nhóm người nước ngoài mua sắm lớn nhất vào tháng 3, dựa trên các vụ thanh toán bằng thẻ, theo tin của công ty công nghệ tài chính Global Payments. Họ đã chi 4,2 triệu lei (900.000 USD) cho gần 34.000 vụ giao dịch trong tháng đó, chủ yếu vào các sản phẩm mua trong siêu thị và hiệu thuốc. Dữ liệu của Global Payments cho thấy, nhom người này cũng chi cho nhiên liệu, nhớt máy, đồ dùng trong xe hơi, quần áo hoặc chỗ ở.

Mặt trái của việc gia tăng nhu cầu tiêu dùng mới và gia tăng chi tiêu khẩn cấp của chính phủ là áp lực lạm phát cũng tăng. Áp lực này vốn đã cao do hàng hóa tăng giá và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. 

Ngân hàng trung ương của Ba Lan đã tăng lãi suất trong 8 tháng liên tiếp để ngăn chặn lạm phát nhanh nhất trong gần 25 năm qua. Lạm phát của Romania đang ở mức cao nhất trong hai thập niên.

Các hiện tượng này khiến cho giới chủ nhân vốn đang thiếu lao động phải tăng lương cho người lao động; họ hy vọng dòng người tị nạn từ Ukraine có thể giúp giảm bớt sức ép này.

Pawel Dobrowolski, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu tư PFR của Ba Lan, ước tính rằng khoảng 300.000 người Ukraine có thể đã tìm được việc làm ở Ba Lan.

Đó là “một con số không hề nhỏ đối với một nền kinh tế tầm cỡ Ba Lan,” ông Dobrowolski nói trong một hội nghị ở Warsaw hôm thứ Hai.

(Theo Bloomberg)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên