Văn nghệ tháng Ba ở San Francisco

0
Ban văn nghệ Trung tâm Văn hóa Âu Cơ (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Thỉnh thoảng tôi đi xem văn nghệ, thích chọn những chương trình mang tính cộng đồng như hát du ca hay văn nghệ sinh viên hơn các chương trình ca nhạc thương mại.

Văn nghệ thương mại thường chỉ có một số ca sĩ, mỗi người lên hát vài bài là chương trình đã dài bốn, năm giờ đồng hồ. Thế là hết. Phong phú hơn là chương trình Thúy Nga Paris by Night hay của trung tâm Asia với đoàn vũ làm nền hay một vài nhạc cảnh hoành tráng với liên khúc. Hai trung tâm này cũng cố gắng dàn dựng những vở kịch vui phản ánh sinh hoạt xã hội Việt Nam hay sinh hoạt cộng đồng người Việt hải ngoại, chủ yếu là ở Hoa Kỳ, nhắm vào khán giả người Việt vì chương trình hoàn toàn bằng tiếng Việt. Những chương trình này nếu không tham dự, sau đó có thể mua DVD về xem.

Christopher Hùng Lâm với đàn bầu, bên trái, Vân-Ánh chơi trống và hai em của đoàn văn nghệ Âu Cơ biểu diễn đàn tranh (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Còn văn nghệ sinh viên hay của cộng đồng, nếu không thể đến dự sẽ không có dịp xem lại.

So với văn nghệ thương mại, các chương trình của giới trẻ, đặc biệt là của sinh viên, thì đa dạng hơn, tuy không chuyên nghiệp nhưng đem được những nét đẹp của quê hương đến cho sinh viên gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai và giới thiệu văn hóa Việt cho người bản xứ.

Trong tinh thần bảo tồn và phát huy văn hóa Việt tại hải ngoại, Trung tâm Văn hóa Âu Cơ ở San Francisco đã tổ chức chương trình Thi ca Sử Việt lần thứ 6 vào chiều Chủ Nhật 18/3 vừa qua tại thính đường của Bảo tàng Legion of Honor ở San Francisco.

Chương trình dài hai giờ đồng hồ và chỉ với 6 tiết mục, có trình diễn đàn tranh của nhóm Âu Cơ, dưới sự hướng dẫn của Vanessa Vân-Ánh Võ, một nghệ sĩ chuyên về các nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam; có biểu diễn của đội trống Lasan, có tân cổ giao duyên, ca nhạc cảnh về Mậu Thân ở Huế.

Đã nhiều lần xem, nghe các em Âu Cơ và Vân-Ánh biểu diễn đàn tranh, cùng với nhạc cụ cổ truyền khác như đàn t’rưng, trống từ nhiều năm qua thì trong chương trình này, Vân-Ánh chơi giàn trống bỏi [không rõ gọi tên nhạc cụ này như thế có đúng không?], với những âm thanh mới lạ, hấp dẫn hơn những bản đàn tranh mà cô hay trình diễn trước đây. Phần mở đầu của chương trình với “Trống cơm” và “La Paloma” do Vân-Ánh soạn, cùng hòa chung với đàn tranh và keyboard đã thể hiện được tài nghệ chơi trống của cô.

Tình khúc đêm trăng – Love song under the moonlight” cũng là một tiết mục được Vân-Ánh biên soạn dành cho đàn bầu, kết hợp với trống, đàn tranh và keyboard đã được khán giả vỗ tay khen nồng nhiệt. Đàn bầu một dây được em Christopher Hùng Lâm thể hiện là một thành công trong việc đưa văn hóa Việt đến với thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại.

Đem nét nhạc tây phương hòa chung với nhạc Việt là điều mà ban tổ chức muốn thực hiện, qua các chương trình sinh hoạt, học tập và trình diễn văn nghệ của Trung tâm Văn hóa Âu Cơ từ hơn một thập niên qua.

Cô Tô Lệ-Hằng, giám đốc điều hành của trung tâm, cho biết những sinh hoạt văn hóa là để khuyến khích các em tìm về nguồn cội Việt. Cô nói: “Chương trình văn nghệ được thực hiện với nội dung làm sao cho những người chỉ biết tiếng Việt 20%, những người chỉ biết tiếng Anh 20%, hay chỉ biết Việt ngữ hoặc Anh ngữ không thôi cùng ngồi chung với nhau để thưởng thức. Cho các em ý thức được bản sắc Việt luôn tiềm ẩn trong tâm hồn các em.”

Khoảng 300 khán giả, gồm các cụ, các chú bác, nhiều bạn trẻ và thân hữu đã đến với Thi ca Sử Việt lần thứ 6. Chương trình được giới thiệu bằng song ngữ bởi hai MC với giọng duyên dáng là Kevin Khoa Nguyễn, tiếng Anh, và tiếng Việt với Hạ Vi nên khách tham dự có thể hiểu được ý nghĩa của từng tiết mục.

Qua những giới thiệu của các tiết mục, gọn gàng và mạch lạc đi vào chủ điểm thì phần giới thiệu ban nhạc tổng hợp Asian Improv aRts hơi dài. Tuy nhiên đây là màn trình diễn nhạc jazz với phong cách Á đông, có diễn viên múa theo tiếng nhạc đông, tây hòa hợp với ghi-ta, kèn đồng, chiêng, đàn bầu, đàn tranh, đàn yangqin của Trung Hoa. Nhóm này đã biểu diễn ba bài: “Shanghai Story” của Francis Wong, “River and Bloom” của Christopher Lam và Jacqueline Lam và “Lý ngựa ô”.

Trong hai khúc dân ca Việt, “Trống cơm” và “Lý ngựa ô” thì bài trước mở đầu chương trình, do Vân-Ánh soạn và biểu diễn với trống bỏi, đàn tranh làm nổi bật nét dân ca Việt hơn là bài sau do ban Asian Improv aRts hợp tấu cùng đàn bầu, đàn tranh.

Hoạt cảnh và tân cổ giao duyên Hòn Vọng Phu với Hồng Hạnh (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Màn tân cổ giao duyên “Hòn vọng phu”, với Khôi Nguyễn và Hồng Hạnh, kèm vũ lụa, hoạt cảnh cũng là tiết mục đặc sắc giới thiệu chút ít về một nét văn hóa Việt là cải lương nam bộ rất ít khi trình diễn ở hải ngoại.

Phần biểu diễn của Đội trống Lasan, với 15 em, vì sân khấu nhỏ, nên không toát lên được những hồi trống rộn ràng hay tiếng trống thúc giục mà thường khi cả đoàn với gần 100 thành viên đã trình diễn trong các sinh hoạt cộng đồng. Cũng như tiếng trống taiko của người Nhật, Đội trống Lasan cần một sân khấu lớn hơn, một thính đường rộng hơn để phô diễn mới thích hợp.

Chương trình kết thúc với hai ca khúc của Trịnh Công Sơn, do Duy Hải thể hiện với nhóm Asia Improv aRts và các vũ công Christopher Lam, Jacqueline Lam. Nhạc cảnh được trình diễn để khán giả hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam, với chịu đựng, mất mát nhiều nhất chính là những người dân lành vô tội, như nhiều nghìn người đã bị cộng sản thảm sát tại Huế vào Tết Mậu Thân 1968, đúng 50 năm trước.

Ca khúc “Đại bác ru đêm” đưa khán giả trở lại miền Nam, thời điểm 1967, qua hình ảnh người phu quyét đường, nữ sinh trong áo dài trắng tung tăng khi chiến tranh chưa vào thành thị, chỉ có âm vang tiếng đạn pháo từ xa vọng về.

Nhạc cảnh về biến cố Tết Mậu Thân qua hai ca khúc của Trịnh Công Sơn do Duy Hải thể hiện (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Một năm sau, chiến tranh đã ùa vào thành phố với cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Chiến trận đã xảy ra ngay giữa thủ đô Sài Gòn. Việt Cộng đã chiếm cố đô Huế gần một tháng, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang có mặt ở đó và ông đã viết lên ca khúc “Bài ca dành cho những xác người” khi chứng kiến những cái chết của người dân vô tội: “Xác người nằm quanh đây trong mưa lạnh này / bên xác người già yếu có xác còn thơ ngây…”

Màn sân khấu đóng lại. Khán giả ra về đem theo trong lòng một vài nét đẹp cùng cảm nhận về văn hoá Việt, về lịch sử và về cuộc chiến tranh qua đi đã lâu trong tiềm thức.

© 2018 Buivanphu

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên