Trung Quốc điều tra Tần Cương và Lý Thượng Phúc

2

Hôm thứ Tư, giám đốc cơ quan tình báo Đài Loan cho biết Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chính thức đối với hai người trước đây là đồng minh của Tập Cận Bình, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc.

Tin này chấm dứt mấy tuần lễ suy đoán và trích dẫn những nguồn tin không nêu tên sau khi hai ông này đột ngột biến mất khỏi công chúng vào mùa hẻ.

Ông Thái Minh Ngạn, người đứng đầu Tổng cục An ninh Quốc gia Đài Loan, đưa ra lời thừa nhận công khai đầu tiên của một chính phủ về số phận của hai người này, khi nói với các nhà lập pháp ở Đài Bắc rằng ông Tần Cương phải đối mặt với một cuộc điều tra kỷ luật liên quan đến một “tai tiếng tình ái”, trong khi ông Lý Thượng Phúc bị điều tra về tội tham nhũng xảy ra cách đây 5 năm.

Ông Tần chỉ làm bộ trưởng ngoại giao trong 7 tháng trước khi bị mất chức vào tháng Bảy bằng một thông báo chính phủ chỉ độc một câu. Ông Lý được thăng chức Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng Ba nhưng đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuối tháng Tám. Cả hai đã vươn lên các vị trí hàng đầu vì là đồng minh thân cận của Tập Cận Bình.

Ông Tần đã được đăng trên cổng thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là “đã kết hôn và có một con trai” và được cho là có quan hệ ngoài  hôn nhân với một phóng viên truyền thông nhà nước Trung Quốc, sau đó bà này có con ở Hoa Kỳ nhờ người mang thai hộ.

Cuộc điều tra của Bắc Kinh đối với ông Tần nhằm xác định xem liệu “có bí mật nào bị rò rỉ trong quá trình tai tiếng hay không”, Tổng cục trưởng Thái nói với các thành viên của Ủy ban Quốc phòng và Đối ngoại Đài Loan.

Cuộc điều tra về tham nhũng đối với ông Lý trở ngược vào tháng 10 năm 2017, khi ông này bắt đầu giữ chức Cục trưởng Phát triển Thiết bị thuộc Quân ủy Trung ương, trong vai trò này ông được giao nhiệm vụ mua sắm vũ khí và thiết bị tiên tiến cho các lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Vài tuần trước khi ông Lý mất tích, ông Tập đã thay thế hai tướng trong lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc, là những người có nhiều trách nhiệm kể cả quản lý kho vũ khí hạt nhân của đất nước. Hai viên tướng bị loại bỏ sau một bài phát biểu của ông Tập, kêu gọi có thêm kỷ luật trong giới quản lý nhà nước.

Khi được hỏi tại sao Bắc Kinh lại điều tra hồi tố ông Lý, vốn là một người trung thành được ông Tập “quy hoạch kỹ càng”, giám đốc tình báo Đài Loan trả lời rằng đảng CSTQ đã đầu tư rất nhiều vào các hợp đồng vũ khí do cục của ông Lý giám sát, do đó “Bất kỳ tham nhũng nào trong cơ quan chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lực lượng quân sự trong tương lai”.

Ông Thái cho biết ông không thể thảo luận về các nguồn tin của ông, và khi báo chí gọi điện thoại cho cơ quan ông vào thứ Năm, cơ quan này từ chối giải thích chi tiết.

Bryce Barros, một nhà phân tích độc lập về Trung Quốc đặt văn phòng tại Washington cho biết “Trong 10 năm qua, những đánh giá của chính phủ Đài Loan về những diễn biến chính trị và quân sự ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thu hút được phản ứng tích cực từ các cơ quan chính phủ và quan chức Mỹ”. Các cơ quan chính phủ và quan chức Hoa Kỳ cũng sẽ xác minh các tuyên bố của Đài Loan thông qua các nguồn và phương pháp riêng của họ, ông nói.

“Nếu được xác nhận, các tình huống mà Tần Cương và Lý Thượng Phúc phải đối mặt chứng tỏ rằng tham nhũng và chính trị nội bộ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc là kém so với các hệ thống chính trị dân chủ, lựa chọn và đề bạt các quan chức dựa trên năng lực và thành tích”, ông Barros nói thêm.

Alexander Huang, giám đốc các vấn đề quốc tế của Quốc Dân Đảng, đảng đối lập lớn nhất Đài Loan cho biết, các động thái của Bắc Kinh chống lại Lý và các tướng thuộc lực lượng tên lửa có thể là “một chiến dịch sửa sai để đạt kỷ luật nghiêm ngặt”.

Cả Tần và Lý vẫn còn là ủy viên trung ương đảng.

Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra lời giải thích chính thức. Bộ Ngoại giao chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Việc loại bỏ đến hai ông tướng trong một khung thời gian ngắn như vậy đã đặt ra câu hỏi về sự ổn định của hàng ngũ quân đội Trung Quốc vào thời điểm nước này đang nhanh chóng mở rộng quyền lực cứng của mình.

Câu chuyện này nhạy cảm đến mức có tin Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ đã cố gắng kiềm chế các phát biểu của Rahm Emanuel, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản. Ông này hay chế nhạo rằng danh sách các bộ trưởng mất tích của Trung Quốc ngày càng dài. Ông Emanuel nói ông không hề bị Tòa Bạch Ốc nhắc nhở.

Theo MSN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên