Ngày 7 Tháng Năm 2025, thông tin về việc nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương bị khởi tố lần thứ hai theo Điều 117 Bộ luật Hình sự (BLHS), trong khi đang thụ án 10 năm tù tại nhà tù An Điềm (Quảng Nam) đã gây xôn xao dư luận.
Lý do khởi tố xuất phát từ việc ông Phương đã ghi dòng chữ “Đả đảo Cộng sản” vào tờ giấy để biểu đạt sự phản đối Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
Vụ việc không chỉ phơi bày thực trạng đàn áp tù nhân chính trị tại Việt Nam mà còn đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về tính hợp pháp và hợp hiến của Điều 117 BLHS, vốn bị cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền liên tục yêu cầu bãi bỏ.
Trong bối cảnh gia đình ông, mẹ là bà Cấn Thị Thêu và em trai Trịnh Bá Tư cũng đang chịu án tù với cùng tội danh, vụ khởi tố này dường như báo hiệu một giai đoạn mới, khốc liệt hơn trong chính sách đàn áp chính kiến tại Việt Nam.
Hành động biểu đạt chính kiến của Trịnh Bá Phương
Trịnh Bá Phương, 41 tuổi, là một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi bật tại Việt Nam, đặc biệt liên quan đến các cuộc đấu tranh chống cưỡng chế đất đai bất công, như vụ Đồng Tâm năm 2020.
Ông bị bắt cùng mẹ, bà Cấn Thị Thêu, và em trai, Trịnh Bá Tư, vào Tháng Sáu 2020.
Tại phiên tòa sơ thẩm Tháng Mười Hai 2021, ông Phương bị kết án 10 năm tù và 5 năm quản chế, trong khi bà Thêu và ông Tư mỗi người nhận 8 năm tù cùng 3 năm quản chế, đều theo Điều 117 BLHS.
Các cáo buộc dựa trên những bài đăng trên mạng xã hội, trong đó họ lên tiếng về bất công xã hội và vụ công an tổ chức cuộc tấn công đẫm máu vào Đồng Tâm.
Trong tù, ông Phương tiếp tục thể hiện sự bất khuất bằng cách tạo tài liệu ghi “Đả đảo Cộng sản”. Hành động này, theo các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư, hoàn toàn nằm trong khuôn khổ quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp Việt Nam (Điều 25) và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) bảo vệ.
Đặc biệt, việc phản đối ĐCSVN, một tổ chức chính trị không thể đồng hóa với “chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (CHXHCNVN), như văn thức Điều 117 quy định.
Không có quy định pháp luật nào cho phép đồng hóa ĐCSVN với Nhà nước CHXHCNVN, khiến cáo buộc mới đối với ông Phương thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng vì vụ án khởi tố đặt trên sự nhầm lẫn về khách thể bị xâm phạm.
Điều 117 BLHS, một điều luật vi hiến và bị quốc tế lên án
Điều 117 BLHS quy định hình phạt từ 5 đến 12 năm tù cho hành vi “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCNVN”, với mức án tối đa lên đến 20 năm trong trường hợp nghiêm trọng. Cùng với Điều 331 BLHS (tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ”), điều luật này bị chỉ trích vì tính mơ hồ, tạo điều kiện cho chính quyền lạm dụng để đàn áp những tiếng nói bất đồng.
Theo Human Rights Watch, từ năm 2018 đến 2025, hàng trăm người, bao gồm các nhà báo, blogger, và nhà hoạt động như Phạm Đoan Trang, đã bị truy tố theo Điều 117.
Về phương diện pháp lý, Điều 117 vi phạm Hiến pháp Việt Nam, vốn đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tư tưởng (Điều 25).
Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên án Điều 117. Năm 2014, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Zeid Ra’ad Al Hussein gọi Điều 117 (và tiền thân là Điều 88 BLHS 1999) là “quá rộng, dễ dàng bị lạm dụng để dập tắt quan điểm trái chiều”.
Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm 2019 và các tổ chức như Amnesty International, ARTICLE 19, và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã yêu cầu Việt Nam bãi bỏ hoặc sửa đổi Điều 117 và 331 để tuân thủ chuẩn mực quốc tế.
Các chính phủ phương Tây, bao gồm Mỹ và Liên minh Châu Âu, cũng chỉ trích Việt Nam vì sử dụng các điều luật này để “bịt miệng” những người bất đồng chính kiến.
Vụ khởi tố, tạo dựng tiền lệ nguy hiểm cho tù nhân chính trị
Vụ khởi tố Trịnh Bá Phương lần thứ hai trong tù là một trường hợp chưa từng có tiền lệ, đánh dấu sự leo thang trong chính sách đàn áp tù nhân chính trị tại Việt Nam.
Theo các nguồn tin, đây là lần đầu tiên một tù nhân chính trị bị truy tố hình sự vì bày tỏ chính kiến trong thời gian thụ án. Hành động này không chỉ vi phạm quyền tự do ngôn luận mà còn đặt ra nguy cơ chính quyền sẽ lấy vụ việc làm tiền lệ để kéo dài thời gian giam giữ hoặc gia tăng hình hình phạt đối với những tù nhân không khuất phục.
So sánh lịch sử, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trước 1975, dù các tù nhân chính trị cộng sản bị giam giữ, chưa có ghi nhận trường hợp nào bị khởi tố hình sự vì bày tỏ chính kiến trong tù. Sự khác biệt này cho thấy mức độ nhân đạo của hệ thống nhà tù VNCH so với chế độ hiện nay, nơi các tù nhân như ông Phương phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt hơn vì tiếp tục lên tiếng.
Gia đình Trịnh Bá Phương, biểu tượng của sự bất khuất
Gia đình Trịnh Bá Phương là biểu tượng của sự kiên cường trước đàn áp. Bà Cấn Thị Thêu, 63 tuổi, là một nhà hoạt động đất đai nổi tiếng từ Dương Nội, Hà Nội, từng bị bắt nhiều lần vì đấu tranh chống cưỡng chế đất.
Ông Trịnh Bá Tư, 37 tuổi, cũng là một nhà hoạt động tích cực, từng tuyệt thực trong tù để phản đối điều kiện giam giữ.
Tại phiên tòa xét xử bà Thêu và ông Tư vào tháng 5/2021 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình, khi được hỏi “Bị cáo khai họ tên”, cả hai đồng thanh đáp: “Tên tôi là nạn nhân của Cộng sản”.
Câu trả lời gây bối rối cho thẩm phán và làm sốc những người dự khán, thể hiện tinh thần bất khuất của gia đình này.
Tiền lệ và tương lai tự do ngôn luận
Vụ khởi tố mới đối với Trịnh Bá Phương là một bước đi nguy hiểm, không chỉ nhắm vào cá nhân ông mà CSVN còn gửi thông điệp cảnh báo đến tất cả những ai dám bày tỏ chính kiến.
Bất chấp sự phản ứng của quốc tế và cam kết của chính mình, CSVN vẫn sẵn sàng lạm dụng Điều 117 BLHS đầy mơ hồ làm công cụ để đàn áp tự do ngôn luận.
Việc cộng đồng quốc tế, từ Liên Hợp Quốc đến các tổ chức NGO, liên tục yêu cầu bãi bỏ Điều 117 và 331 là minh chứng cho tính bất hợp pháp của chúng.
Để ngăn chặn một tiền lệ đàn áp khốc liệt hơn, các tổ chức quốc tế cần tiếp tục gây áp lực, từ ngoại giao đến trừng phạt các quan chức vi phạm nhân quyền.
Trong nước, tuy ít, nhưng người dân và các nhà hoạt động vẫn đang tiếp tục lên tiếng, đòi hỏi một hệ thống pháp luật tôn trọng các chuẩn mực về nhân quyền.
Nhưng liệu Việt Nam sẽ chọn lắng nghe hay tiếp tục đàn áp? Câu trả lời sẽ định hình tương lai của tự do ngôn luận, vốn có giá trị như phẩm giá con người tại đất nước này.
Trịnh Bá Phương, cùng gia đình ông đã chứng minh rằng chế độ có thể giam cầm thân xác, nhưng thể giam cầm tinh thần tự do.
Hoa Thịnh Đốn, ngày 8 Tháng Năm 2025
Đặng Đình Mạnh
(Nguồn Facebook)
Không có tự do thì đâu cần phải thứ bậc. Cứ nói thẳng CÓ và KHÔNG. Thứ bậc chỉ nói lên mức độ xấu và xấu hơn mà vẫn là KHÔNG.
Ấy vậy mà quốc tế hàng năm cứ cố tình xếp hạng các nước tự do và không có tự do đứng chung một bảng để lừa. Nước này tự do đứng nhất, nước kia đứng nhì, đứng ba… đứng chót. Cứ như là nước này tự do hơn nước kia và nước đó tự do xấu hơn nước này. Họ không phân biệt CÓ và KHÔNG mà cố tình xếp CÓ và KHÔNG cùng chung một bảng để đánh lừa thế giới và người dân nô lệ.
Giặc cộng Hà Nội không xếp thứ bậc tự do của người dân mà xếp chung vào một hạng nô lệ nhưng luôn tuyên truyền đất nước có tự do nhưng khi dân mở miệng nói lên chính kiến bất đồng thì nhà cầm quyền bắt bỏ tù.
Tốt quá, ô Đặng Đình Mạnh đã dẹp “luật sư” trước tên mình, makes sense với 2 chữ “tiền lệ”
Đúng là “tiền lệ” nhưng không nguy hiểm