Triều Tiên: Miền Nam gửi đồ cho miền Bắc sẽ bị khép tội hình sự

0
Bà Kim Yo Jong, đang phụ ông anh Kim Jong Un, ký một tuyên bố chung sau cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bình Nhưỡng ngày 19 tháng 9 năm 2018. (AP)

Đảng cầm quyền của Hàn Quốc đang vận động quốc hội thông qua một đạo luật nhằm hình sự hóa việc gửi truyền đơn, USB và tiền bạc cho Triều Tiên, một hành động mà phe đối lập gọi là “sự khuất phục đáng hổ thẹn” đối với Bình Nhưỡng, trong lúc các nhóm bênh vực nhân quyền cho rằng hành động này sẽ kìm hãm quyền tự do ngôn luận và hoạt động nhân đạo.

Trước đó, hồi tháng 6, bà Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un, đã gọi những người miền Bắc đào tẩu xuống miền Nam là bọn “cặn bã của loài người” và “chó dại” vì những người này đã tìm cách gửi các mặt hàng qua biên giới, nhằm phá hoại chế độ miền Bắc. Bà cảnh báo chính quyền Seoul sẽ phải đối mặt với “cái giá đắt” nếu không ngăn chặn được “hành động thù địch xấu xa và ghê tởm” này.

Ngay khi nhận được lời đe dọa này, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đang muốn cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng mở cuộc truy quét các nhóm đã gửi các mặt hàng nói trên ngang qua biên giới.

Theo dự luật đang được đảng cầm quyền vân động, những ai gửi tài liệu tuyên truyền, dụng cụ lưu trữ dữ liệu như USB, tiền bạc hoặc bất kỳ vật dụng nào có lợi ích tài chính sang miền Bắc mà không có phép của nhà chức trách sẽ bị khởi tố hình sự với mức án lên đến 3 năm tù.

Khi dự luật được một ủy ban quốc hội thông qua vào tuần trước, các nhà lập pháp đối lập đã tẩy chay bằng cách bỏ họp, gọi đó là “một sự khuất phục đáng hổ thẹn trước mệnh lệnh của Kim Yo Jong”. Một cuộc bỏ phiếu cuối cùng về dự luật, dự kiến diễn ra vào thứ Tư, đã bị Đảng Nhân Dân, một đảng đối lập quan trọng gây trở ngại, tuy nhiên, dư luận cho rằng dự luật này sẽ sớm được thông qua.

Dân biểu Song Young-gil, người bào trợ chính của dự luật, cho rằng cần phải cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên đang bị đóng băng. Nhưng các tổ chức phi chính phủ gọi dự luật là mối đe dọa đối với tự do ngôn luận, nhân quyền và công việc nhân đạo.

John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chính phủ Hàn Quốc nên từ bỏ chiến lược sai lầm là cố gắng chiếm được cảm tình của Kim Jong Un bằng cách đàn áp chính người dân của mình. Thúc đẩy nhân quyền không mâu thuẫn với chính sách đối ngoại hiệu quả.”

Những người đào tẩu Bắc Triều Tiên và các nhóm hoạt động có trụ sở ở miền Nam lâu nay vẫn gửi các tài liệu in ấn và dữ liệu kỹ thuật số qua biên giới, nội dung đủ loại, từ tài liệu tuyên truyền chính trị cho đến phim ảnh và các trò giải trí của miền Nam, vốn bị cấm ở miền Bắc.

 

Các nhóm này cũng gửi Thánh Kinh, thực phẩm và thuốc men bằng bong bóng bay, máy bay không người lái, chai lọ plastic lớn đựng hàng cho trôi nổi sang hướng Bắc, hy vọng chúng sẽ đến tay người dân miền Bắc để cho họ thấy rằng miền Bắc đã bị tụt hâu như thế nào.

Hiện vẫn chưa rõ Thánh Kinh và thuốc men có bị cấm theo dự luật đang được vận động hay không.

Ông Park Sang-hak, một người bỏ trốn khỏi miền Bắc đang dẫn đầu chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng từ 15 năm qua, cho biết từ tháng 6 ông đã được cảnh báo về việc gửi truyền đơn qua biên giới. Ông nói: “Trong suốt những năm qua, người dân miền Bắc đã bị tẩy não rằng Chiến tranh Triều Tiên đã nổ ra vì người Mỹ và người miền Nam xâm lăng. Bây giờ là một công dân tự do của Hàn Quốc, tôi có sứ mệnh giải phóng những người anh em của mình ở miền Bắc khỏi hố đen thông tin này”.

Chun Yung-woo, một cựu cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc, gọi lệnh cấm gửi tờ rơi là “vô đạo đức”. Ông nói trên YouTube: “Mục tiêu cuối cùng của việc giao tiếp với Triều Tiên là dẫn dắt nước đó mở cửa và thực hiện những cải cách tích cực. Có phải chính quyền Seoul đang cố phủ nhận quyền được cung cấp thông tin và ủng hộ chế độ áp bức người dân Triều Tiên không?”

Chính quyền của Tổng thống Moon biện minh cho lệnh cấm gửi tờ rơi, nói rằng đây là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân Hàn Quốc sống ở khu vực biên giới.

Một nhóm cư dân ở Gunnae-myeon, một làng biên giới, cho biết: “Chiến dịch phát tờ rơi vô trách nhiệm đã khiến Triều Tiên đe dọa nổ súng vào nơi xuất phát tờ rơi, khiến dân làng sợ hãi”.

Các nhà hoạt động nói rằng lý do này không đứng vững. Người đào tẩu Park cho biết: “Các nhà hoạt động chúng tôi đã gửi tờ rơi và USB tới miền Bắc trong nhiều năm mà không ảnh hưởng gì đến sự an toàn của cư dân biên giới. Chính quyền của ông Moon đột ngột ra lệnh cấm chỉ vì Kim Yo Jong phàn nàn”.

Nếu dự luật được thông qua trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng, bất chấp những phản đối đang diễn ra, Đảng Nhân Dân đối lập cho biết họ sẽ thách thức trước Tòa Bảo Hiến của Hàn Quốc.

https://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/north-korea-leaflets-defectors-kim/2020/12/10/9c6d7328-3a92-11eb-aad9-8959227280c4_story.html

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên