Nhiều nước chuẩn bị nhận tỵ nạn Hong Kong

2
Nhiều người Hongkong sẽ mang quốc tịch Anh? (Ảnh Bloomberg)

 

Một ngày sau khi Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia nhằm siết chặt Hong Kong, nhiều nước trên thế giới đề nghị tạo cơ hội cho cư dân vùng đất này được đi định cư, trước tình hình thực tế Hong Kong sẽ không còn được như xưa.

Vương quốc Anh, Đài Loan, Úc và Hoa Kỳ nằm trong số các quốc gia tuyên bố sẽ tiếp nhận người Hong Kong đến nước họ với quy chế tỵ nạn. Một số quốc gia khác đang trong vòng chuẩn bị thu nhận, tạo ra một màn tranh cãi mới với Bắc Kinh, nơi đang lên án những nơi nào giúp đỡ cư dân Hong Kong muốn ra đi ồ ạt.

Đề nghị mạnh nhất là của Anh, Thủ tướng Boris Johnson hôm thứ Tư tuyên bố sẽ điều chỉnh luật lệ để người dân cựu thuộc địa của mình được nhập cư đến 3 triệu người và sau đó trở thành công dân.

Hôm thứ Năm, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói với báo chí chính phủ ông cũng “xúc tiến các thủ tục” để có quyết định “tương tự”, sau khi hoàn tất các chi tiết.

Trước đây, Đài Loan không có luật tỵ nạn và thường giải quyết người Hong Kong xin tỵ nạn theo từng trường hợp một; nhưng hôm thứ Tư,  Tổng thống Thái Anh Văn cho mở một văn phòng mới để giúp đỡ những nhà tranh đấu hoặc doanh nhân Hong Kong muốn xin tỵ nạn. Trong vòng 24 giờ qua, cơ quan này đã được hơn 180 người Hong Kong hỏi thăm về điều kiện của chương trình nhập cư để đầu tư.

Tuy nhiên, theo các tổ chức thiện nguyện quốc tế giúp đỡ người tỵ nạn, nhiều người Hong Kong ngần ngại đi định cư Đài Loan vì nghĩ rằng nếu Bắc Kinh siết chặt Hong Kong bây giờ thì nay mai họ cũng sẽ tìm cách siết chặt Đài Loan.

Tại Hoa Kỳ, hai ngành hành pháp và lập pháp muốn làm nhiều hơn ngoài chuyện nhận người tỵ nạn. Quốc hội đang chờ Tổng thống Trump ký dự luật về tự trị của Hong Kong, trong đó có khoản trừng phạt ngân hàng Hoa Kỳ nào làm ăn với một số thực thể của Trung Quốc.

Các nhà làm luật của hai đảng chuẩn bị luật buộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải xếp vào diện tỵ nạn người Hong Kong nào tổ chức biểu tình hoặc giúp đỡ y tế hoặc giúp đỡ truyền thông cho những cuộc chống đối. Người thuộc diện này có thể đến Mỹ để nhận thẻ xanh thường trú hoặc sau đó sẽ nhập quốc tịch.

Trong ngày đầu tiên kể từ khi luật an ninh có hiệu lực, cảnh sát Hong Kong đã bắt khoảng 370 người sau khi hàng vạn người xuống đường để phản đối. Nhiều người đã đánh nhau với cảnh sát, ngăn chận giao thông, đập phá các cửa hàng; là những tội mà luật mới xem là khủng bố và đòi ly khai.

Hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc giận dữ trước đề nghị của nước Anh nhận người Hong Kong và cảnh báo nước Úc rằng Úc đã chọn một quyết định sai lầm. Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của bộ này nói rằng khi trao trả Hong Kong vào năm 1997, nước Anh đã công khai hứa sẽ không cho người Hong Kong định cư và sẽ đối xử với người Hong Kong như công dân của Trung Quốc. Ông này còn nói, đây là một vi phạm luật pháp và quan hệ quốc tế và Bắc Kinh sẽ có các “biện pháp trả đũa”.

Cũng hôm thứ Năm, trước các tin đồn các chuyến bay ra khỏi Hong Kong đang bị hạn chế hoặc kiểm soát gắt gao, chính quyền Hong Kong nói rằng đây là tin giả.

Trước khi trao trả vào năm 1997, nước Anh có cấp quốc tịch cho khoảng 37.000 người Hong Kong, và xếp những người này vào diện BNO (Kiều dân Anh ở hải ngoại). Bộ trưởng Ngoại giao Anh nói rằng nếu Bắc Kinh trả đũa bằng cách cấm các BNO xuất cảnh thì chính phủ Anh thực sự cũng bó tay. Các cuộc thăm dò dư luận ở Anh cho thấy số người ủng hộ cho dân Hong Kong vào Anh đông gần gấp ba lần số người chống đối.

Đàn Chim Việt tổng hợp

2 BÌNH LUẬN

  1. Phong trào ô-dù của thanh niên Hong Kong đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, chính vì thế mà chính phủ Trung Cộng có lý do đưa ra luật an ninh được công bố 30-6-2020. Tất nhiên luật an ninh này là dấu chấm hết cho phong trào dòi dân chủ, tự do và mong muốn Hong Kong trở thành độc lập.
    Biểu tình phản đối ôn hòa thì chính phủ Hong Kong đã cho phép nhưng đi đến bạo động, đốt nhà, phá cửa hàng và cướp bóc, đâm cảnh sát, chống người thi hành công vụ như Wong dùng dao đâm 2 nhát vào cánh tay cảnh sát ngày 01-7-2020 (Wong ( Hoàng Chi Phong?) bị bắt tại phi trường Hong Kong khi định tẩu tán sang Anh trên chuyến bay Cathay Pacific và Tống Anh Kiệt đâm mô-tô làm 3 cảnh sát HK bị thương nặng) thì không một quốc gia nào trên thế giới cho phép và chấp nhận. Biểu tình chống quái vật, rồi chính người biểu tình trở thanh quái vật thì họ tự biến họ trở thành kẻ phạm pháp, người dân nước sở tại sẽ quay lưng lại với người biểu tình dù mục địch ban đầu của họ rất đúng, cần ủng hộ.
    Phong trào Back Lives Matter tại Mỹ, Anh, Pháp…. hiện nay xảy ra đúng như vậy và người dân đã bắt đầu quay lưng với những người quá khích này. Tất nhiên chính phủ My, Anh, Pháp … đang nghiên cứu nghiêm túc để xử lý những phần tử quá khích này một cách thích đáng. Luật pháp là luật pháp, không thể để những kẻ quá khích loạn loạn nhà nước được.
    Khi luật an ninh ra đời, tất nhiên chính phủ Anh và Hoa Kỳ sẽ là người lên tiếng phản đối đầu tiên. Đó là lẽ thương tình, nhưng sự phản đối ấy, có tác dụng ra sao lại là vấn đề cần xem xét một cách cụ thể về hiện tại và lâu dài.
    Thủ tương Boris Johnson tuyên bố mở cửa cho 3 triệu người Hong Kong có thể sang định cư ở UK theo quy chế tị nạn. Đây là vấn đề rất lớn, không phải chuyện “khơi khơi” ảnh hưởng đến đời sống, công ăn việc làm, nhà cửa của 58 triệu người dân UK đang gồng mình trong đại dịch Covid19.
    Nhắc lại chút lịch sử về người tỵ nạn để bạn đọc trẻ hiểu thêm về quy chế tỵ nạn tại UK.
    Năm 1978, Thủ tướng Anh Thatcher ủng hộ TT Reagan, nhận 19 ngàn người tỵ nạn Việt nam đang ở các trại tỵ nạn trên toàn thế giới. Từ năm 1978 đến 1990, số người Việt tỵ nạn (vẻn vẹn có 19 ngàn người) mà chính phủ Anh đã phải gồng mình để giải quyết. Từ sắp xếp nhà ở, tổ chức học Anh ngữ trên BBC2 qua chương trình “Speak for yourself” cho người lớn tuổi trong 1 năm tốn kém mà không hiệu quả, số người lĩnh trợ cấp người thất nghiệp lên đến 80%. Vì đa số người nhập cư đã có tuổi bất đồng ngôn ngữ, còn lớp con cháu họ lại còn quá bé chưa đủ tuổi đi làm. Người dân bản xứ Anh đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ Thathcher vì nhận tỵ nạn VN gây xáo trộn và nạn thất nghiệp tăng cao. Như vậy phải sau 20 năm, con số người tỵ nạn VN mới ổn định cuộc sống và chính phủ UK mới bớt gánh nặng.
    Nếu (nếu thôi chứ chưa chắc có thật) chính phủ HK và Trung Cộng cho phép, thì chỉ cần 1 triệu người Hoa Hong Kong sang Anh, 1 triệu sang Hoa Kỳ, 1 triệu sang Úc, Canada…. không biết người bản xứ ở UK, Hoa Kỳ, Canada, Uc… có xuống đường biểu tình và tẩy chay người Hoa HK hay không? Chưa biết chừng chỉ một thời gian ngăn lại có phong trào Chines Lives Matter… thì thôi rồi. Hết phát biểu!
    Lại nữa, chúng ta từng là người tỵ nạn, trước khi rời bỏ quê hương, xứ sở làm kẻ tha phương cầu thực chúng ta đã phải nhiều ngày tháng, suy nghĩ đi hay ở lại. Hầu hết chúng ta ra đi vì “ở lại thì chết” không có con đường nào khác nên phải ra đi. Vậy những phó thường dân HK không thuộc diện “ở lại thì chết” họ có bán hết tài sản rồi ôm đàn con chạy sang cái xứ mà không biết sẽ ra sao hay không? Hơn nữa, sang UK, Mỹ, Canada… bất đồng ngôn ngữ, vô nghề nghiệp. kiếm sống bằng gì hay sống trong trại tỵ nạn nhận trợ cấp suốt đời hay sao? Về hối đoái, £1 bảng Anh = #10 HK$, mang 1 triệu HK$ sang chỉ đổi được 100 ngàn Anh kim, số tiền này mua 1 chiếc nhà tắm ở London cũng không đủ . Nhà ở London rất đắt, một căn hộ 2 buồng ngủ tối thiểu 350 ngàn bảng trở lên (giá hiện tại, nếu số người Hoa sang Anh ồ ạt thì giá nhà sẽ tăng nhanh hơn tên lửa vượt đại châu của Hoa Kỳ).
    Hơn nữa, nếu chính phủ Trung cộng cấm không cho xuất cảnh thì…. “đi không được ở lại cũng không xong” vì nhà cửa, đồ đạc bán tống bán tháo ngang cho không, mua lại thì giá lại trên trời!
    Nếu bạn và tôi là phó thường dân Hong Kong bạn sẽ tính toán ra sao?
    Đôi lời phản loạn.

    • Vớ vẩn
      Muốn khoe khoang kiến thức thì viết mẹ nó một bài đăng báo, còn đã là cái thân đi đọc ké thì chỉ biết mình đọc ké
      Tâm lý chung Độc giả là đọc những còm ngắn, dễ hiểu, còn những còm dậy đời vớ vẩn chỉ coi sơ là ngấy đến tận cổ, ai mất thì giờ để đọc những cái còm vớ vẩn
      Anh cũng đọc ké như chúng tôi, anh hơn gì chúng tôi mà chúng tôi phải bỏ thì giờ đọc còm của anh?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên