Nghề chính khách

1
Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh VnExpress
Chuyện anh Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ công tác trước kỳ đại hội đã bổ sung thêm danh sách kéo dài các cán bộ chủ chốt của ba thành phố lớn trong cả nước là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng bị rớt đài khi cuộc đấu vào các ghế đang hồi gay cấn.
Hơn thế các anh rời chính trường khi tuổi đời, tuổi cống hiến còn dài và tương lai vẫn còn nhiều hứa hẹn.
Điều này là minh chứng sinh động cho quy trình công tác dàn xếp cán bộ trở nên quá cũ kỹ, lỗi thời và tụt hậu quá xa so với thế giới. Khi người dân đủ khôn ngoan, cách bầu cử trực tiếp không chỉ thu hút họ tham gia vào việc chính trường mà hơn thế, đây cũng là cách để có thể chọn được cán bộ do dân vì dân và gắn bó với dân, đối tượng mà họ phải kiếm phiếu.
Hiện tượng anh Chung, anh Hải, anh Xuân Anh hay anh Thăng chỉ là phần nổi bộc lộ sự yếu kém của “Tổng công ty” Nhà nước có tên là Ban tổ chức, nơi dàn xếp các ghế danh giá mà ở đó, Quyền gắn liền với Lợi. Có quyền ắt có lợi, quyền đi liền với lợi, quyền đi liền với lộc…
Trong các kỳ họp của Quốc hội tôi thường theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Mỗi phiên điều trần liên quan đến việc hỏi và trả lời trong hoạt động của Quốc hội. Tại đây, năng lực nhận thức, năng lực xử lý công việc và năng lực thu hút dân chúng bộc lộ sinh động nhất.
Với các nước dân chủ, những ai yêu thích chính trị đều có cơ hội trải nghiệm và rèn luyện thông qua các cuộc vận động tranh cử, các hội, đoàn độc lập. Tại đó, những nhà lãnh đạo tiềm năng được trau dồi những kỹ năng căn bản như: Quản lý sự khủng hoảng; Truyền cảm hứng và trao quyền; Ứng xử và giao tiếp; Truyền thông; Xử lý thông tin; Năng lực tư duy…
Điều này giải thích vì sao ở những nước đó hầu như chính khách nào cũng biết diễn thuyết trước công chúng, có ngữ điệu, diễn giải có logic, nói đúng, rõ ràng bản chất sự việc, nguyên nhân các vấn đề và các giải pháp khắc phục, khiến cho người dân “tâm phục- khẩu phục”. Điều này với Việt Nam rất hiếm. Nhiều chính khách trả lời lòng vòng, rối rắm, phi luật, tiền hậu bất nhất mà tôi không tiện nêu ra đây.
Với các chính khách, muốn làm tốt công tác quản lý, muốn động viên được công chúng phải hội tụ cả ba khả năng: Làm tốt, viết tốt, và nói tốt và truyền cảm hứng tốt. Là người của công chúng, muốn giao tiếp tốt và động viên được quần chúng, khả năng nói đúng, đủ thông tin, chính xác và sinh động là rất quan trọng. Đương nhiên muốn nói tốt và viết tốt thì trước hết phải làm tốt đã.
Có cảm giác ở ta kỹ năng nói ở nhiều người, kể cả lãnh đạo và chính khách chưa tốt! Nhiều vị nói năng lủng củng, rối rắm, sai cả ý lẫn ngữ pháp. Không ít lần xuất hiện trước công chúng, nhiều chính khách cầm tờ giấy do người khác chuẩn bị sẵn và đọc như cái máy, rất hiếm khi thấy họ trả lời trực tiếp. Người dân rất cần nghe lời nói mà mình đã bỏ phiếu cho họ, đó là lời mà họ sy nghĩ, xuất phát từ trái tim, điều này khác hẳn với những lời mà họ đọc từ các trang văn bản được ai đó chuẩn bị cho họ.
Khi suy ngẫm nhiều về chuyện làm tốt, nói tốt, viết tốt hẳn họ sẽ cẩn trọng hơn trong cách ứng xử, không làm bừa, làm ẩu để vướng vào lao lý. Quan chức cao cấp xa dân, xem thường dân, đứng trên luật, chuyện họ phạm chỉ là vấn đề thời gian. Có lẽ không nước nào mà tỷ lệ quan chức nhận quà cáp hối lộ nhiều như nước ta. Thậm chí không ít người hồn nhiên coi đó là chuyện thường ngày.
Mấy chục năm về trước, chúng ta đã có một số chính khách làm tốt việc này, theo đúng nghĩa “Vừa hồng vừa chuyên”. Ngoài lãnh tụ Hồ Chí Minh thì các ông như Lê Duẫn, Trường Chinh, Võ Văn Kiệt đều là những người hội tụ được nhiều kỹ năng của chính khách. Gần đây thôi, một số người ở cấp thành viên Chính phủ cũng có khả năng như thế, nhưng rất tiếc là họ không thể đi được xa hơn, không hiểu nguyên nhân vì sao. Có người bảo: Trong thế giới những người gù, kẻ thẳng lưng bị coi là khuyết tật nên bị loại.
Theo dõi diễn biến nhân sự trên chính trường, các vị đứng đầu nhà nước đều theo xu thế đi xuống, không chỉ về năng lực mà còn cả về phẩm chất đạo đức. Điều này cũng minh chứng cho quy trình tuyển dụng và đào tạo cán bộ theo kiểu dàn xếp, hầu hết là trong bóng tối trở nên bất cập và lạc hậu. Hơn nửa thế kỷ qua, cùng với sự thay đổi của khoa học công nghệ, của thế giới, trình độ dân chủ của người Việt đã được nâng cao rất nhiều, nhưng điều kỳ lạ là quy trình tổ chức cán bộ vẫn theo cách làm cũ kỹ như thời kỳ rừng rú, đâu là nguyên nhân?
Thật khó lấy lòng tin của người dân khi những người đứng đầu vẫn khư khư giữ lấy quy trình ấy vì lợi ích của một nhóm cầm quyền. Hàng trăm quan chức cao cấp vướng vào lao lý mà Ban tổ chức vẫn vô can, chuyện này chỉ có ở Việt Nam.
Phan Thế Hải
(Facebook)

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to dân SG Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên