Lê Lựu: Nhát cuốc đầu tiên khơi lại dòng văn học hiện thực phê phán

7
Nhà văn Lê Lựu

Kể từ khi xuất hiện Văn học hiện thực XHCN, thì không chỉ Văn học lãng mạn, mà cả dòng Văn học hiện thực phê phán cũng bị khai tử. Với văn thơ minh họa, tuyên truyền, định hướng tư tưởng xuyên suốt mấy chục năm như vậy, đã làm cho giá trị đạo đức, kinh tế, văn hóa xã hội đảo lộn tùng phèo. Cho nên, trước sự sống còn đó, buộc ông Nguyễn Văn Linh phải mở cửa kinh tế, và kêu gọi cởi trói cho các văn nghệ sĩ. Không biết cánh cửa mở thực hay hư, song ta có thể thấy, giai đoạn 1986 đến ngày bức tường Berlin sụp đổ, dường như có một luồng gió đã làm dịu cái không khí ngột ngạt của văn chương Việt. Ở giai đoạn này, tôi đánh giá cao sự xuất hiện trở lại của dòng văn học hiện thực phê phán. Bởi, ngoài những nhà văn tên tuổi, ta còn thấy sự xuất hiện một số tác giả trẻ với nhiều hình thức, thủ pháp nghệ thuật ở mức độ nông sâu khác nhau, song họ đã dám chọc thẳng vào cái ung nhọt của xã hội. Và có thể nói, cùng với nhà văn Dương Thu Hương, Lê Lựu đã bổ nhát cuốc đầu khai thông dòng văn học hiện thực phê phán đó, bằng những tác phẩm của mình.

Người đọc biết đến Lê Lựu từ rất sớm, khi ông còn làm báo Quân khu Ba, rồi đến phóng viên chiến trường với những tác phẩm, ở nhiều thể loại bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết như: Người cầm súng, Phía mặt trời, Mở Rừng, Ranh giới… Tuy nhiên, để làm nên chân dung Lê Lựu thật vạm vỡ, phải là những tác phẩm viết, in ấn từ sau lời kêu gọi cởi trói cho các văn nghệ sĩ. Thực ra, những tác phẩm này được Lê Lựu (hay các nhà văn) thai nghén từ trước đó. Điển hình là tiểu thuyết Thời xa vắng được Lê Lựu cho xuất bản năm 1986. Và hàng loạt tác phẩm Lê Lựu viết sau đó, góp phần tạo ra diện mạo mới đời sống văn học vốn dĩ đang èo uột: Đại tá không biết đùa (1990), Chuyện làng cuội (1993), Sóng ở đáy sông (1994), Hai nhà (2000), Thời loạn (2009), Chuyện quê ngày ấy …

Có thể nói, Thời xa vắng gắn liền với tên tuổi Lê Lựu. Bởi, đây là cuốn tiểu thuyết ra đời đúng thời điểm, đánh vào tâm lý khao khát cái mới, cái chân thiện của người đọc. Và tính chân thực ấy như lưỡi dao lóc dần vào sự áp đặt, đàn áp tư tưởng con người của cả một hệ thống chính trị xã hội. Tuy nhiên, nếu được phép chọn ra một tác phẩm tiêu biểu nhất cho sự nghiệp sáng tạo của Lê Lựu, với tôi phải là tiểu thuyết Làng Cuội. Đây là tác phẩm không chỉ toàn bích về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, mà còn cho ta thấy rõ sự can đảm, cũng như bút lực của Lê Lựu. Song trong khuôn khổ (phần 1) của bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào tác phẩm Thời xa vắng, với cái nhìn cá nhân mà thôi.

Nhà văn Lê lựu sinh năm 1938 tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Hưng Yên. Xuất thân từ người lính, rồi ông trở thành nhà văn đi sâu viết về đề tài nông thôn, với thân phận hẩm hiu của người nông dân. Ông mất bởi bệnh tật, và tuổi già vào tháng 11- 2022.

Lời văn tự sự với giọng điệu châm biếm, hài ước, cùng độc thoại nội tâm, đan xen những phân tích, bình luận, cài cắm tư tưởng tình cảm của mình là một trong những nghệ thuật làm nên nét đặc trưng tiểu thuyết, văn xuôi Lê Lựu.

Có lẽ, khốn nạn, đau khổ nhất của con người là phải sống dưới sự cai trị bằng chiếc bao tử, và bóp nặn cái tư tưởng của mình. Cho nên, ở đâu và thời điểm nào cũng vậy, luôn có sự phản kháng, khi âm thầm, lúc sôi động công khai. Sự kêu gọi cởi trói, chính là lúc các nhà văn tự tháo bỏ chiếc vòng kim cô siết chặt trên đầu từ mấy chục năm qua. Và trong cái nhập nhoạng ấy, Lê Lưu đã chuyển tải được cái tư tưởng, quan điểm mang tính hiện thực khách quan của văn chương đến với người đọc qua tác phẩm: Thời xa vắng và Chuyện làng cuội.

Có thể nói, Thời xa vắng là tác phẩm điển hình nhất về sự đàn áp, kìm kẹp cuộc sống tư tưởng con người đến tuyệt vọng, kể từ 1954 đến nay. Từ nhân vật Giang Minh Sài, nhà văn Lê Lựu khai thác cái bi kịch lớn của dân tộc. Xuyên suốt bi kịch này, Sài luôn phải sống theo ý nghĩ, định hướng: yêu ghét, ngủ, làm tình cũng theo sự chỉ đạo, sắp đặt của đảng. Sự áp đặt ấy, buộc con người phải nhẫn nhịn, chấp nhận cuộc sống giả dối, và lưu manh:“Thành ra, bất kể lúc nào, bất kỳ ai có hỏi: Sài có yêu vợ không? Sài sẵn sàng nói như cái máy: Có. Nhưng đêm đêm đi học, đi họp về, có ai cầm dao doạ giết cũng không thể bắt Sài leo lên cái giường ở buồng bên trái nhà”. (Thời xa vắng). Từ đó, nó làm đảo lộn cái giá trị đạo đức xã hội. Và trong màn đêm đen kín mít như vậy, dường như ta vọng nghe tiếng than đắng cay, chua chát của Giang Minh Sài, hay của cả một dân tộc:“Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có” (Thời xa vắng).     

Tưởng rằng, vào quân đội Giang Minh Sài sẽ thoát khỏi ràng buộc của những tập tục hủ lậu (tảo hôn), cùng sự áp chế cuộc sống, và tình yêu. Nhưng không, sự giám sát, truy bức tư tưởng còn tinh vi và nguy hiểm hơn thế nữa. Nhân danh đảng đoàn kiểm tra, quản lý từng giấc mơ, từng trang nhật ký của đồng chí, đồng loại. Vâng, đó là việc làm vô cùng bỉ ổi và đê tiện. Một sự chà đạp nhân phẩm, cũng như giết chết linh hồn, sự sống của con người.

Từ đó ta có thể thấy, nếu không phải trải qua những năm tháng hoang mang, và đớn đau, thì chắc chắn Lê Lựu không thể viết được những trang văn chân thực, và sâu sắc như vậy. Và cái đoạn trích sinh động dưới đây, Lê Lựu đã mượn Giang Minh Sài để bóc trần thủ đoạn khủng bố tư tưởng con người của cả một hệ thống chính trị, từ thấp đến cao rất rõ ràng. Đọc nó, có lẽ người Việt từ sau 1954 đến nay, ai cũng giật mình kinh sợ, bởi thấp thoáng có mình ở trong đó:

“Chiến sỹ Giang Minh Sài đã có vợ nhưng vẫn quan hệ bất chính với một phụ nữ, có ý định đào ngũ. Đã ghi nhật ký rất bậy bạ, khoác lác, có đoạn mang tư tưởng phản động. Đại đội đã thu cuốn nhật ký đó. Chi đoàn thanh niên đã tổ chức diễn đàn. Hầu hết đoàn viên phát biểu ý kiến phân tích sâu sắc, đả phá mạnh mẽ tư tưởng tiểu tư sản, tư tưởng phong kiến bóc lột…Chiến sỹ Sài đã nhận rõ lỗi lầm của mình, hứa sửa chữa, nhưng một tuần nay toàn báo cháo, không đi lao động. Đơn vị xác định là ốm “tư tưởng”. Tiểu đoàn 9 đã chỉ thị cho đại đội tiếp tục theo dõi diễn biến tư tưởng của chiến sỹ Sài”. (Thời xa vắng).    

Có thể nói, ở quê hương bản quán, những bóng ma chỉ chập chờn bủa vây quanh buồng ngủ Giang Minh Sài, nhưng khi vào quân đội, bóng ma chập chờn ấy len lỏi vào tận giường ngủ của anh. Thật vậy, thiếu úy Hiểu thay mặt đảng giám sát, canh chừng Giang Minh Sài buộc phải thực sự yêu vợ, phải thực sự làm tình, bởi bấy lâu nay anh (chán ghét, ghê sợ) chỉ giả vờ yêu, giả vờ sống mà thôi.

Với những tình tiết chân thực, giọng điệu giễu nhại, hài hước, Lê Lựu đã gây cho người đọc tiếng cười mỉa mai, chua xót. Và đoạn thoại dưới đây giữa phó chủ nhiệm và viên trợ lý với Giang Minh Sài, không chỉ chứng minh tài năng, giọng điệu nghệ thuật ấy của Lê Lựu, mà còn cho ta thấy cái sự quái đản, dường như họ (đảng đoàn) đang lùa cuộc sống tình yêu, khát vọng con người dần đến trại phối giống, chăn nuôi gia súc: 

“-Bây giờ với tư cách thủ trưởng trực tiếp, mình yêu cầu cậu phải yêu vợ cậu, có được không nào! – Dạ… được ạ – Có thế chứ lị. Nhưng mà phải thực sự đấy nhé!

– Bây giờ mình mới nói điều này. Khi đi phó chủ nhiệm dặn mình phải tìm mọi cách để các cậu yêu nhau. Yêu thực, chứ không phải yêu chung chung như trước đây. Đồng chí ấy bảo cậu đã hứa với đồng chí ấy rồi. Tớ về kiểm tra xem có đúng lời cậu hứa không. Mình thấy làm cái công việc này nó khó nói quá. Nhưng cậu thử nghĩ, nếu kết nạp (đảng) cậu xong, trong cơ quan trung đoàn người ta phát hiện ra cậu yêu vợ chỉ là đối phó, thì chi bộ ban chính trị này ăn nói thế nào!

– Vâng, tôi sẽ cố làm theo ý các thủ trưởng.” (Thời xa vắng).

Không chỉ dừng lại ở đó, Lê Lựu còn chọc ngoáy cả vào cái ung nhọt báo chí, tuyên truyền. Lời kể, hay sự tưởng tượng quá mức (dân chè chén vỉa hè gọi là nổ quá trời) trên Báo quân giải phóng của trung đội trưởng công binh Giang Minh Sài, khi đọc lần đầu, tôi ngỡ: Ngòi bút Lê Lựu vẫn chưa gột rửa hết cái bệnh tuyên truyền giả dối? Bởi, Thời xa vắng là tiểu thuyết thế sự xã hội, người đọc khó có thể chấp nhận những tình tiết tưởng tượng quá mức như vậy:

“Sau ba giờ độc lập chiến đấu với một lực lượng gấp hơn hai mươi lần có bom pháo yểm trợ trung đội của họ đã bắn rơi bảy máy bay và diệt hàng trăm tên lính. Họ giữ vững trận địa cho đến khi có lực lượng chi viện của “bãi khách”, của trạm và các chiến sĩ lái xe. Quân địch phải tháo chạy trước sự áp đảo của quân ta, bỏ lại mười hai máy bay lên thẳng và hai trăm bảy mươi ba xác chết. Người trung đội trưởng của Trung đội Anh hùng ấy trở thành chiến sĩ ưu tú và vinh dự đứng trong hành ngũ của Đảng nhân dân cách mạng ngay đêm chiến thắng”. (Thời xa vắng).

Từ những suy nghĩ ấy, do vậy tôi đã kopy những đoạn văn trên của Thời xa vắng, gửi cho hai bác nguyên chỉ huy cấp tiểu đoàn ở cả hai phía Bắc-Nam, có mặt ở chiến trường từ năm 1965. Rất may, hai bác đều trả lời tôi, với nội dung giống nhau: “Làm gì mà chỉ một trung đội công binh (thường không chuyên về chiến đấu) lại có khả năng (được tô vẽ) đến như thế? Cho dù trường hợp đơn vị của đối phương có tệ đến mức nào. Hơn nữa chuyện trung đội công binh bắn rơi 7 máy bay của đối phương thì quả là phóng đại đến mức quá ngu ngốc! Làm gì có chuyện chỉ đánh với 1 trung đội công binh mà đối phương phải dùng đến nhiều máy bay như vậy. Vả lại thời điểm ấy làm gì có nhiều máy bay như thế.” (trích thư). Tuy nhiên, tôi đã nhận ra mình sai lầm, khi đọc đến câu hỏi bỏ lửng của Hương (người yêu Giang Minh Sài) được chính Lê Lựu gài vào đó: “Anh (Giang Minh Sài) kể hay nhà báo bịa ra?”.

Vâng, với nghệ thuật mang tính giả định, một thủ thuật để Lê Lưu vạch trần sự tuyên truyền, dối trá của báo chí đến người đọc. Chiến công, chiến thắng của trung đội trưởng công binh Giang Minh Sài do báo chí tuyên truyền tự nhào nặn ra mà thôi. Phải chăng đây là một thủ thuật vượt “tường lửa”, dù ở thời điểm đó kiểm duyệt đã được nới lỏng hơn? Và hơn thế nữa, với thủ pháp này, buộc người đọc phải suy nghĩ, tính đa nghĩa trong văn thơ Lê Lựu.

Do vậy, ta có thể thấy, Giang Minh Sài chẳng hề có lý tưởng, hay căm thù đế quốc dân thực dân phong kiến gì cả, mà chỉ muốn trốn chạy cái hủ tục, và tránh xa các bác đảng đoàn mà thôi. Với Sài, thà chết ở nơi chiến trường còn hơn phải sống, phải yêu theo những suy nghĩ, dẫn dắt, và sắp đặt của kẻ khác. Nhưng tôi nghĩ, trong màn đêm đen ấy, Sài có chạy đằng trời, cũng không thoát khỏi rọ lưới tuyên huấn, tư tưởng: “Cái đêm trăng giữa ngày lụt ấy anh đã bảo em: anh sẽ đi bộ đội càng đi xa càng tốt, càng làm việc gì nguy hiểm càng tốt. Dù lao vào lửa vào bom mà chết còn hơn là phải sống với cô ta”. (Thời xa vắng).

Đi đi sâu vào nghiên cứu, ta có thấy văn của Thời xa vắng không được sáng và đẹp như trong tiểu thuyết Chuyện làng cuội. Có một số câu, đoạn còn lủng củng, tối nghĩa. Tuy nhiên, những dòng đầu Thời xa vắng có lời văn đẹp, với quan sát tỉ mỉ, miêu tả khá sâu sắc của Lê Lựu: “Làng bập bềnh như trôi trong đêm sương muối. Những cây cau thẳng đuột cao vóng như chỉ chực lao thẳng đến tận trời chìm ngập giữa âm thầm giá lạnh. Đã năm đêm nay sương làm táp đen những luống khoai làng và những cây đòn tay bằng tre ngâm nổ toang toác. Nhưng có lẽ đêm nay cái lạnh mới thấu từng khớp xương ông đồ Khang.” (Thời xa vắng).

Nếu Chuyện làng cuội sự lưu manh hóa cường quyền, hay những ông đội, ông phán, dẫn đến những bi kịch của con người, với cái chết bi thảm của bà cụ Đất, thì ở Thời xa vắng, đảng hóa, tập thể hóa đã giết chết tư tưởng tình yêu, khát vọng Giang Minh Sài. Điều đặc biệt cho ta thấy, tiểu thuyết, văn xuôi Lê Lựu thường được lồng ghép lời bình, phân tích của tác giả, khi trần thuật. Thời xa vắng là một trong những cuốn tiểu thuyết mang đậm nét như vậy. Và tôi cho đây là những cuốn tiểu thuyết phân tích, có lẽ cũng không ngoa tẹo nào. Không chỉ ở Chuyện làng cuội sau này (1993), mà khi viết Thời xa vắng (1986) Lê Lựu đã sử dụng khá nhiều lối nói khoa trương (nói quá). Một thủ pháp nghệ thuật mang tính đặc tính dân gian gần gũi, phong phú, đa dạng góp phần làm nên giọng văn độc đáo Lê Lựu.

Vâng, có thể nói, đọc Lê Lựu, ta không thể phân biệt được rạch ròi, nhân vật quẫy đạp, hay chính ông đang giãy giụa hòng thoát ra khỏi cái lưới vét tuyên truyền vây hãm. Dường như càng quẫy đạp, thì cái vòng kim cô (tư tưởng) trên đầu càng siết chặt hơn. Và cũng chính sự bất lực và tuyệt vọng ấy, là chất liệu sống để sau đó Lê Lựu viết nên những tác phẩm vạm vỡ, và chân thực này.

Leipzig 27-12-2022

Đỗ Trường

 

7 BÌNH LUẬN

  1. Trích:

    “Kể từ khi xuất hiện Văn học hiện thực XHCN, thì không chỉ Văn học lãng mạn, mà cả dòng Văn học hiện thực phê phán cũng bị khai tử. Với văn thơ minh họa, tuyên truyền, định hướng tư tưởng xuyên suốt mấy chục năm như vậy, đã làm cho giá trị đạo đức, kinh tế, văn hóa xã hội đảo lộn tùng phèo”

    Chính xác!!

  2. Nhát cuốc?

    Tên là Lựu (đạn) lại thêm nhát cuốc bổ xuống (đầu) nữa thì ghê bỏ mẹ !
    Đúng là Nê Nụ Đạn ! Ha ha ha !

  3. Thằng cha mịa rượt này mà nói công lao vực dậy văn hóa VNCH là do tay bá mớ này . Thiệt tình!

  4. “nhà văn Lê Lựu khai thác cái bi kịch lớn của dân tộc”

    Dân tộc nào ? Dân tộc VNCH thì … Đỗ Trường lộn chuồng gòi . Và nếu có thể gọi là “bi kịch lớn của dân tộc”, thì theo lời Gs Tai Ương Tương Lai, “đánh đổ Mỹ & tay sai để truyền bá cái dân chủ của Giang Minh Sài ra cho cả nước, và Lê Lựu đã có đóng góp 1 phần ở trỏng … Ờ, chuyện nhỏ như con thỏ i muh, phải hông Đỗ Trường ?

    Xít Cộng Sản, qua tay chế biến của Đỗ Trường chắc thơm cực kỳ

  5. Lê lưu ,nhà văn quân đôi ,cấp bậc Đai Tá,tham dư hôi nhà văn Cuu chiến binh Mỹ ở Boston năm 1986. Tất cả nhận xét của Đổ Trường về nhà văn Lê Lưu đều đúng ! ” Ba mươi năm,chúng tôi chuyên đi phá,nay bảo chúng tôi xây dưng lại làm sao đươc!” Lê Lưu trả lời với nhà báo Mỹ,khi đươc hỏi về kinh-tế-VN-thời -hâu chiến.! Chỉ chừng đó thôi,củng đủ nói lê tính chất phê-phán-hiên-thưc.Tôi đươc may mắn nghe trọn vẹn buổi họp báo của nhà văn Lê Lưu ,khi vừa từ Mỹ trở về,qua cuốn băng cassette ,mà người bạn cho mươn.TỪ đó tôi ít khi nghe Lê Lựu,tôi cứ nghĩ ,không chừng Lê Lưu bị thả-bao-bố.!Nay đươc biết tin tưc Ông vừa mới mất,thành thât chia buồn với gia đình nhà văn và cám ơn nhà văn Đổ Trương đả cho biết tin nầy ./

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên