Hay, chân thực, độc đáo…

1

 

(Đọc “trong chết, cười…ngặt nghẽo của Trần Khải Thanh Thủy. Nhà xuất bản Sao Khuê USA)

Viết hồi ký “Trong chết, cười…ngặt nghẽo”, Trần Khải Thanh Thủy chọn cho mình một đề tài tưởng bình thường, gần gũi với số đông người Việt (đặc biệt là tầng lớp sĩ quan Việt Nam cộng hòa – những người đã từng đi “học tập cải tạo” trong các nhà tù trá hình của cộng sản) song vẫn toát lên vẻ độc đáo, bi hài. Ngay từ cái tên tác giả chọn để đặt cho đứa con tinh thần của mình đã thể hiện rõ nét vẻ độc đáo có một không hai này. Trong sự chết, cái chết nơi nhà tù âm u lạnh lẽo của bộ công an Việt Nam vẫn cất cao tiếng cười…không phải cười buồn, cười nhạt, mà là cười ngặt nghẽo ( gập bụng, quặn ruột lại vì cười) trước những ung nhọt, tồi tệ, xấu xa (cũng là những thành quả cách mạng “quang vinh muôn năm, vĩ đại”) của đám lãnh đạo cộng sản trong Thiên Đường Mù, nơi người dân chỉ được ăn bánh vẽ và quả đấm.

Nhờ bản lĩnh vững vàng, có tầm nhìn và sự chiêm nghiệm sâu sa cùng nhãn quan chính trị sắc bén, tác giả đã hóa thân vào chính những người bạn tù của mình và viết được cuốn chuyện tù chân thực, sinh động sâu sắc và đặc biệt thành công này .

Cuốn sách lấy bối cảnh ở trại Tù B14( xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì Hà Nội) với các nhân vật trung tâm là những phạm nhân cùng chuồng, cùng dãy trong song sắt kiên cố của trại tù. Những người bị coi là phạm nhân lại phạm vào những tội hết sức ngớ ngẩn: “Lén lút đưa người ra nước ngoài làm việc, trái với quy định của nhà nước”, hoặc “Lừa đảo, dẫn dắt người lao động tới các công ty tư nhân để nhận tiền môi giới trái luật”. Người mắc tội “chống người thừa hành công vụ” chỉ bằng những lá đơn kêu oan, khi bị công an cướp đơn đã cố tình giằng lại, hai tay khươ khoắng lên trời thế là lọt vào ống kính của bọn công an, tạo thành bằng chứng kết tội(!) Người lợi dụng uy tín, chức vụ tống tiền doanh nghiệp không thành. Người…trốn thuế(!) Còn bản thân tác giả lại mắc trọng tội là “buôn lậu chữ nghĩa qua biên giới” thực chất là phơi mặt trái tấm huân chương đầy vệt máu và nước mắt, cùng hàng vạn các vết thủng lỗ chỗ vì đạn bom của lãnh đạo Việt Nam…qua hệ thống internet, tới các độc giả Hải ngoại, nên trở nên đặc biệt nguy hiểm…

Bằng sự phát hiện nhạy bén, phân tích tâm lý vững vàng, nhận thức tinh tế, sắc sảo, thậm chí tai quái của một nhà văn đối kháng, tác giả dẫn chúng ta thâm nhập vào thế giới nhà tù- của bộ công an Việt Nam, để tìm hiểu cặn kẽ về họ, từ lý lịch xuất thân, qúa trình công tác, nguyên nhân phạm tội. Cả cái tốt lẫn sự xấu xa đan cài. Từ những việc làm say sưa, mê mải ngoài xã hội đến phút yếu lòng sa xuống vực sâu đen ngòm của trại tù. Bản thân họ cũng như tác giả- nếu được sống trong một xã hội tự do dân chủ- đều là con người đúng nghĩa của nó: Ưa tìm tòi, học hỏi, có đam mê, sáng tạo và thành đạt. Tiếc thay trong xã hội cộng sản, chỉ cần thể hiện cái tôi của mình vượt quá tầm kiểm sóat và sự hiểu biết của nhà cầm quyền là trở thành kẻ xấu xa, tồi tệ đáng bị trừng phạt. Thay vì Nguyễn Du nhận định: “Chữ tài liền với chữ tai một vần” thì họ cũng “chữ tôi dính với tội danh một vần”

Ngòi bút Trần Khải Thanh Thủy thể hiện cái nhìn nghiêm khắc, thấu tình đạt lý. Chị mổ xẻ phân tích đúng sai, cân đong rõ ràng công tội của quan chức lãnh đạo đảng cũng như phía bạn tù. Trong lý lẽ chị khôn ngoan, sáng suốt bao nhiêu thì trong đời tù, trái tim chị thấm đượm tình người với những số phận không may mắn trong tù bấy nhiêu. Hàng chục nhân vật trong chuyện là hàng chục con người bằng xương, bằng thịt cụ thể, vừa sống động, đau khổ lại phức tạp và rối ren cùng cực. Mỗi người lâm nạn theo một kiểu trong những hoàn cảnh và tình huống khác nhau nhưng đều là nạn nhân của chế độ độc tài đảng trị, công an hành. Người là trưởng phòng kinh tế, người là giáo viên Đại học, Người là nhà báo, người buôn bán nhỏ lẻ, người là lão nông tri điền v.v …Một trại tù được coi là “nhân văn”, tốt nhất nước( chỉ giam giữ tội phạm có yếu tố nước ngoài) nên cánh anh em dân oan, dân chủ – có dính líu đến các “thế lực thù địch”, “lưu vong phản động” bên ngoài đều được cùm kẹp, chăn dắt, giam giữ ở đây (từ Võ Đại Tôn, Dương Thu Hương, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Đan Quế, Hà Sĩ Phu, Trần Dũng Tiến, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê Quốc Quân, Nguyễn Kim Nhàn vv)

Chỉ vì miếng cơm, manh áo dựa trên cơ sở đồng lương èo uột (bị đảng bóc lột kiệt quệ, lương tháng không bằng lương tuần ở các nước tư bản “giãy chết” )mà nhiều người phải mánh mung kiếm sống và không sớm thì muộn đều rơi vào cái bẫy của những kẻ thủ ác nhan nhản trong xã hội (đặc biệt là ban văn hóa tư tưởng trung ương và bộ chính trị).

Bên cạnh sự ấu trĩ, mông muội, hẹp hòi khó chấp nhận như Lão Thiện ( còn gọi là Thiện bí*), bà Lý (tức Lý Tiêm*) còn là sự uyên thâm sắc sảo, hài hước đến không ngờ của “ngũ tử chọc cười” gồm tác giả, Trí( nhà báo) anh Lịch( giáo viên) Sĩ (con một cựu quan chức, giám đốc ) Thăng( giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn)…v.v… khiến các chương, hồi dù dài vẫn không hề tẻ nhạt, ngược lại gây tác dụng, hiệu ứng ở mức xuất sắc, tối đa, không thể không cười.

Lão Thiện – nhà ở chân núi Lương Sơn cách cửa ngõ thủ đô chưa đầy 30 km …quanh năm chỉ biết trồng trọt, nuôi bò, thả dê, chăn lợn. Một người hết sức chân chỉ, hạt bột. Chỉ vì một chút ngộ nhận, nhẹ dạ cả tin mà cho hàng xóm mượn một mảnh đất ven sườn núi làm nhà nghỉ trá hình mà phải trả giá cho sự nhiệt tình ngây ngô, hết lòng của mình. Do trình độ hạn chế lại sống bằng dục vọng, bản năng nên ngộ nhận đến mức ấu trĩ: “Của nhà trồng được tội gì không sài”, dù chỉ là hưởng sái với đám gái chân dài, “bán trôn nuôi miệng”.

Cựu giáo viên Nguyễn Thanh Lịch – xuất thân trong một gia đình nghèo, nhưng hiếu học…Ì ạch, phấn đấu mãi mới leo lên được chức giảng viên Đại học (trường Đại học Kinh tế quốc dân). Bản chất là một thầy giáo vui tính, giỏi chuyên môn, luôn yêu đời, tin tưởng ở nghề mình chọn cũng như tin đồng nghiệp hết lòng. Chỉ vì đồng lương bèo bọt phải áp dụng phương pháp phổ biến quen thuộc của thời đại cộng sản “Chân ngoài dài hơn chân trong” mà vô tình sa vào đường dây lừa đảo, chuyên nhận tiền của người lao động nghèo, muốn ra nước ngoài làm việc, sinh sống mà bị người bạn giật hết tiền, bỏ chạy, làm thầy phải gánh chịu hậu quả với mức án 8 năm tù( dù đã được công an bảo kê, gợi ý: Vay mượn, bán nhà, chi đủ 80 triệu sẽ trắng án), nhưng đã can tội “lừa đảo” thì ai có thể cho vay cả núi tiền như vậy? Hơn nữa căn nhà là tài sản duy nhất có được sau bao nhiêu năm “cày sâu, cuốc bẫm” miệt mài làm việc, đồng thời là chỗ ăn ở, nghỉ ngơi duy nhất của vợ và hai con, làm sao có thể bán được? Đành tắc lưỡi đi tù.

Rồi cô bé Họa mi – vốn trẻ tuổi, xinh xắn, hát hay, xuất thân từ mảnh đất Lạng Sơn, chỉ vì ham vui, bỏ học chạy chợ, buôn bán từ năm 17 tuổi mà thành kẻ tự do trôi dạt khắp trong Nam, ngoài Bắc. Vì “chiều đời”mà phải làm đủ mọi nghề, từ lương thiện đến bất lương, gạt tình, gạt tiền của bạn hàng, đối tác nên sa chân vào tù, cũng là một nhân tố tích cực, làm nên sự sinh động, trẻ trung, hài hước trong tác phẩm, thông qua chuỗi ngày tù đày cùng tác giả .

Người cuối cùng không thể không nhắc đến chính là tác giả – nhân vật chính của cuốn chuyện tù dày cả 1000 trang. 47 tuổi , thông minh, can đảm, làm sáng lên hình ảnh người tù lương tâm với nhân cách, đạo đức tác phong điển hình của một người phụ nữ anh hùng trước bạo quyền cộng sản. Suốt hai tập sách, chị mang cái uy của một nhà tranh đấu trong giai đoạn tiếp theo các thế hệ “mở đường” như Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Dương Thu Hương, Bùi Tín vv. Một mình một máy ảnh, một computer, một điện thoại di động, quả cảm xông pha để viết bài phản ảnh về dân oan cũng như các phiên tòa xét xử của cánh anh em dân chủ…Trong khi công an luôn dè chừng, sợ hãi thì bạn tù lại quý trọng chị ở sự nhiệt tình “phản động” vì phẩm chất đấu tranh không khoan nhượng trước kẻ thù giấu mặt là lũ công an hung hiểm và lãnh đạo đảng cộng sản khi đó, đồng thời yêu mến chị ở đạo đức, tư cách, sự vui vẻ, hài hước, trong sáng. Từ 22 tuổi, theo tiếng gọi của đảng đã tình nguyện đi gieo chữ khắp các bản làng của đồng bào dân tộc. Ngoài 30 tuổi về Hà Nội làm báo, không lèo lá, luồn lách hoặc chịu làm bồi bút như đa phần các phóng viên báo Đảng nên phải đổi tòa soạn 4, 5 lần, chỉ vì quan điểm đặc biệt “nguy hiểm” của chị “Thà thẳng như ruột ngựa còn hơn là ruột ốc quanh co” hoặc “có sao nói vậy”, không thể “nói dzậy mà không phải dzậy” như cách phóng viên Miền Nam dè bửu, bôi bác lãnh đạo ngành.

Có thể nói Trần Khải Thanh Thủy đã xây dựng thành công chân dung sống, trần trụi, đời thường nhưng mãnh liệt, hấp dẫn đến mê hoặc về người tù hình sự trong chính tác phẩm của mình. Một điều mà hàng chục, hàng trăm tác giả khác viết về chuyện tù ở Việt Nam, ít ai làm được.

Phương Pháp tư duy của chị cũng hết sức sáng tạo, đậm chất miêu tả, so sánh, ví von, lại rất thích rắc nấm cười trong ngôn ngữ nên món ăn tinh thần chị đưa đến cho độc giả đặc biệt ấn tượng: Tươi mới, mơn mởn, sống động, góc cạnh, hài hước, châm biếm…

Ngôn ngữ chị sử dụng cũng hết sức đặc biệt: Từ nói lái, nói nghịu, nói trại, nói lóng, làm nổi lên cái nền tù ảm đạm quái đản trong bóng đêm xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng làm nổi lên cốt cách, uy tín đạo đức của chị: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tuy các phóng viên báo đảng (đặc biệt là phóng viên của hai ngành an ninh, quân đội, nơi chị là phóng viên trước đó) ra sức quấy bùn để bùn vấy lên những lá sen tâm hồn chị hết lần này lần khác. Nhưng như một phép nhiệm màu. Mùi bùn, lượng bùn dù đậm đặc vẫn không át nổi sắc hương cồn cào ngan ngát vây bọc tâm hồn chị. Giữa đầm lầy nước đọng, chị vẫn nở những đóa sen trắng muốt, mảnh mai, kiêu hãnh, tỏa sắc hương khắp khu vực đầm… cũng là khu vực tù của nhà tù lớn xã hội chủ nghĩa.

Pháo Đài Láng, Hà Nội đêm 28-6-2017.

Phạm Thu Hiền

————

*Cách đặt tên trong tù: Thiện (bí), Lý(tiêm) nói lái thành Bị thiến, liếm ti .

Mong Độc giả ủng hộ qua số điện thoại của tác giả:916-248-3414.Hoặc nhà xuất bản:Saokhuelaplanh07@gmail.com tại Mỹ.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chị Thủy thân mến:

    Tôi nghỉ một tuần lễ ở quận Cam, ghé nhà sách Văn Bút cạnh Phước Lộc Thọ, mua 2 quyển sách của chị. Tôi đã đọc quyển 1 trong 1 ngày, và sự trải nghỉệm rất lý thú (tiếng anh: REALLY ENJOYED your story.) Chị có rất nhiều kinh nghiệm sống với loài quỉ dữ của hành tinh này, mong chị tiếp tục đem ra công luận những hệ lụy thối tha của cái chế độ khốn nạn này ra dư luận. Dân chúng Việt Nam rất cần những người can đảm như chị, những nhà văn như Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên. Phải ở trong chăn đầy rận, mới biết để diễn tả được ngứa như thế nào. Người Việt Hải Ngoại cần phải biết những sự thật này.

    Thành thật mà nói, tôi sẽ chỉ sống được 1 ngày là ngủm trong cái phòng giam của chị, dưới cái nóng oi bức 40 độ C.

    Chị giỏi hơn tôi gấp triệu lần chỉ căn cứ vào việc chị chịu đựng được cho đến mãn hạn tù, trong khi người đầy những thứ bệnh hiểm nghèo.

    Chỉ 2 câu: “Thiên Kim mãi đắc tam phân nhục,

    “Lưỡng tộc nghênh hồi nhất bả mao”

    là đáng 20.00 USD mua sách rồi. Đây là 2 câu mà tôi phải vận dụng bộ nhớ để có dịp xài trong đám cưới nào đó.

    Mong chị được nhiều sức khỏe để sáng tác mạnh mẽ. Chị là Tư Mã Thiên của thời nay đó. Và nhất là có sao Khuê chiếu mạng.

    Thân,

    Phan Kỳ Anh

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên