Trường thành chuồng, trò thành bày, nhà thành hầm

1
Căn nhà nằm lọt thỏm dưới chân đường. Ảnh: Duy Trần

Vốn là dân dạy học, lại sinh trưởng ở đất Bắc, cả 50 năm trời, vợ chồng tôi chả lạ gì câu truyền khẩu của người dân trong lĩnh vực giáo dục:“Trường thành chuồng, trò thành đàn”. Hồi nhỏ thì còn bảo là:“Đất nước đang trong cảnh chiến tranh, cả nước phải dồn sức vào việc đánh thắng Đế Quốc Mỹ, giải phóng Miền Nam”

Ấy thế, sau khi đất nước thống nhất rồi, tưởng theo lời đảng , bác: “Còn non còn nước còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười lần xưa”.

Vậy mà vẫn là cảnh cũ người xưa: “Trường thành chuồng, trò thành bày”.

Nhờ nhận rõ âm mưu đầu độc của bác phỉnh và chú phỉnh( nói lái), cả gia đình tôi được chính phủ Mỹ giang tay đón nhận, mà không khỏi cảm ơn số phận đã chỉ lối đưa đường cho mình được làm người đúng với khái niệm người. Đặc biệt là hai cô con gái, được học ở những trường danh giá nổi tiếng, không chỉ trên đất Mỹ mà còn cả thế giới. Chỉ riêng học bổng (toàn phần) một năm đã là 50.000 USD, khuôn viên rộng vài chục nghìn mét. Ngay chỗ đậu xe cũng lớn gấp 2, gấp 3 các trường Đại học sư phạm , Y khoa, tổng hợp v.v ở Việt Nam.

Trở về “nguồn” lần này , ông chồng xã hội chủ nghĩa của tôi còn phát hiện ra một điều nghịch lý, “thú vị” ở thành phố mang tên bác, mà thời chưa bị cưỡng chiếm được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông . Đó là nhà thành…hầm.

Sau đây là câu chuyện của anh mà tôi vì “ bất bình” nên ghi lại để mọi người cùng biết .

————

Vào thăm bà cô ruột, người em út của mẹ anh, năm nay tuổi tròm trèm 75 ở Sài Gòn, dù lăm lăm địa chỉ trên tay cùng số điện thoại “nằm” ở nhà cũng như số điện thoại “chạy” của cô em họ, anh vẫn ngẩn ngơ trước tấm bảng “Bán nhà” treo lủng lẳng trước cửa.

Gõ mấy tiếng lên tấm cửa gỗ bạc thếch vì mưa nắng, anh không khỏi ái ngại vì cô anh – vốn được coi là giàu có nhất trong số 8 anh chị em trong nhà, nay sao sa cơ lỡ vận đến thế? Dù là nhà mặt đường, nơi trước đó có giá cả trăm cây vàng, và không ít người đã ngỏ ý mua để làm nơi buôn bán, giao tiếp hay mở cửa hàng ăn uống, nhưng bà thẳng thừng từ chối:

– “Nhà tôi ở hơn nửa thế kỷ rồi, từ ngày bố mẹ chồng chạy trốn cải cách ruộng đất đến nay, rồi các em chồng ra ở riêng. Khi con trai không may tử trận năm 1972, rồi ông ấy mất trong trại tù năm 1980, tôi một mình ở vậy nuôi con. Bao nhiêu là kỷ niệm, sao bán được?” Vậy mà không hiểu sao, chót đời rồi, bà lại treo biển bán nhà, túng quẫn qúa chăng, hay…

Khom người trèo lên ghế nhựa rồi gắng hết sức để có đà bước ra ngoài, bà ngỡ ngàng nhận ra anh:

Trời – Nghe con Thảo nói con ở Mỹ về, cô mừng qúa, nhưng không nghĩ là con thu xếp vào đây sớm vậy.

Đứng ngoài đường không tiện, bà hướng dẫn để anh vào nhà theo cách riêng của bà. Bây giờ anh mới nhận ra ngôi nhà khang trang đẹp đẽ hôm nào nay đã biến thành cái hầm rộng thênh thang vì nhà đã thấp hơn mặt đường khoảng 1,5 mét, nên cửa chính chỉ còn một ô hình vuông, diện tích cả chiều cao lẫn chiều rộng khoảng một mét. Vì thế mỗi lần ra vào phải cúi đầu khom người, thật vô cùng khó nhọc

Bày vài thứ lên bàn gọi là quà Mỹ, anh cố lấy lại thái độ thân mật vui vẻ:

– May cho cháu qúa, về chậm ít hôm chắc cô bán nhà đi chỗ khác, tha hồ mà tìm.

Bà cười như mếu:

– Nhà treo biển bán cả năm rồi, có ai mua đâu con, bất đắc dĩ mới phải bán thôi, nhưng bán với giá rẻ như cho người ta cũng ngại vì nhà thành hầm như thế này, ở sao được, thiếu dưỡng khí, mất vệ sinh chết.

Anh bày tỏ sự ngạc nhiên :

– Lần trước cháu vào nghỉ hè cả tháng, ở lại nhà mình với cô và em Thảo, đâu có đến mức này ?

– Ôi bà cười như mếu, những nếp nhăn ràn rạt trên khuôn mặt khắc khổ, thô lậu, chẳng còn đâu nét quý phái của một quý bà sống tại hòn ngọc Viễn đông này từ khi còn là thiếu nữ 16, 17 tuổi.

– Vài chục năm trước, Sài Gòn đâu có cảnh này. Chả hiểu mấy ông cán bộ Miền Bắc vào giải phóng được gì cho dân mà chỉ thấy kéo hết vợ con vào chiếm nhà, rồi xây nhà nhan nhản??? Chẳng có quy hoạch thiết kế gì cả. Rồi bão lũ, triều cường, càng ngày các điểm úng lụt càng lan rộng thêm. Nhà cô cũng như cả dãy phố này trước đây nền nhà cao hơn nền đường cả nửa mét, bây giờ hễ động mưa là ngập, phố biến thành dòng sông uốn quanh hết. Cả người và xe cùng nhau bơi trên đường như vịt cả lượt. Vì thế các ông chính quyền mới quyết định tôn đường lên, hết lần này rồi lần khác. Cứ đoạn này ngập, lại nâng, vài tháng sau lại đến đoạn kia ngập, lại nâng tiếp. Cứ nâng xong bên này, lại ngập bên kia. Không lẽ để đường biến thành ao nuôi tôm, nuôi cá? Còn người không hóa vịt để bơi được nên nâng tiếp. Làm vài vòng như vậy, hỏi sao nhà dân không thấp cho được?

Rồi bà chép miệng:

– Khổ! Cô sống ngần này tuổi rồi, suốt chế độ Mỹ Ngụy có bao giờ nghĩ đời mình phải khổ đến mức này đâu? Già rồi mà không có nổi một chỗ ở tử tế? Nếu không vì phận làm em, mong ngóng các anh chị ở ngoài Bắc vô , chắc cô vượt biên từ 1975 rồi con à.

Đưa mắt ngắm nhìn căn nhà, anh không khỏi ái ngại. Nếu tính từ nền nhà lên cửa sổ thì nhà cô anh chỉ cách một gang tay, nghĩa là khoảng 20 cen ti mét. Trần nhà thấp, người thấp bé nhẹ cân như cô còn phải gù lưng mới bước được, thì dân dạy thể dục thể thao như anh, cao cả 1 mét 7, làm sao tránh khỏi cảnh đụng vào xà ngang, cột dọc v.v

Câu chuyện xem chừng không ra khỏi tầm suy nghĩ của bà về căn hầm ẩm thấp, tối om của mình, nên bà cứ thủng thẳng gióng một, than nghèo, kể khổ chẳng có vẻ gì muốn tiếp đón anh cả:

-Trời mưa, nước trên đường đổ dồn vào nhà cả tuần liền mới rút hết con à. Còn khi trời nắng thì ngột ngạt, nóng bức kinh khủng vì ẩm thấp. Ngày trước cô có phải nằm màn, mùng gì đâu, vậy mà giờ đây muỗi, rĩn nhiều kinh khủng, Con Thảo cứ hôm nào lười mắc màn là sáng hôm sau, muỗi đốt đỏ mặt, đỏ tay.

Vốn là dân miền bắc xã hội chủ nghĩa nghèo kiết xác, sau năm 1975 chỉ nhờ bà mà 6 anh em anh mới có quần áo lành lặn, mới mua nổi cái xe đạp mà đi. Suốt quãng đời thơ ấu, anh luôn biết ơn và quý mến bà, nên bây giờ trước cảnh bà như thế này, trong khi mẹ anh đã khuất núi cả chục năm nay, nên anh đón ý bà:

– Cháu mới sang định cư ở Mỹ, vẫn trông vào trợ cấp của chính phủ, cũng nghèo lắm, nhưng nhờ cô con gái sang Pháp du học từ 2009 , giờ sang Mỹ được làm tại công ty lớn của chính phủ nên cũng có ít tiền cho bố, cô xem nếu cần nâng trần hay sửa chữa gì cháu phụ thêm.

Bà cười đắng đót:

– Nâng gì nữa, có bao nhiêu tiền giành dụm được thì đổ vào nâng nền hết rồi, có thế trần nhà mới thấp lè tè thế này chứ, bạn bè con Thảo tới chơi, toàn ôm đầu xuýt xoa vì cộc, vì vướng. Giờ chỉ còn một cách duy nhất là bán nhà cho người ta đập đi xây mới thôi, mình già cả nghèo nàn, hết khả năng rồi.

Trông ra ngoài, anh giật mình khi thấy so với mặt đường Phạm văn Đồng, nóc nhà cô anh chỉ nhô cao hơn một mét.

Loanh quanh chuyện nọ, chuyện kia mãi, cuối cùng, bà cô bảo:

– Thôi anh đi nghỉ đi, từ sáng đi máy bay, ngồi chơi mãi chắc cũng mệt lắm rồi, giờ cô đi chợ, đợi em về, tối nói chuyện.

Nằm trong giường, trằn trọc, loay hoay mãi vẫn không chợp mắt được, anh thực sự cám cảnh. Không ngờ cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân, nơi thành phố mang tên bác lại xuống cấp một cách tồi tệ đến mức này. Không chỉ một mình nhà cô anh, mà khắp các tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), hay Phạm Văn Chí (quận 6), đường Phạm Thế Hiển (quận 8) v.v cả vài chục nhà treo bảng bán nhà như thế. Đơn giản vì mặt đường cao hơn nền nhà gần 2 mét, cầu thang dốc đứng, mọi sinh hoạt, đi lại đều khó khăn, trong khi không còn tiền để nâng nền, sửa chữa, cơi nới, họ đành treo biển bán nhà để hy vọng đến một chỗ xa hơn, dù là tranh tre nứa lá, nhưng sạch sẽ, cao ráo.

Từ chợ về, bà kéo theo hai người hàng xóm, giới thiệu anh với họ rồi ngán ngẩm bảo :

– Đấy con xem, toàn những người gần đất xa trời rồi, phải tìm chỗ khác mà sống chứ ở kiểu này có ngày té gãy tay chân, chỉ làm khổ con cháu thôi .

Nghe cô anh nói vậy , người hàng xóm tên Thành nói rõ hơn:

– Chúng tôi cũng chiến đấu tới cùng rồi đấy anh ạ. Cả con phố Phạm Văn Đồng này (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) đều đổ mỗi nhà mấy trăm triệu đồng để nâng nền rồi chứ ít đâu. Nhưng sức người có hạn, đấu tranh với thiên tai địch họa đã khổ mà đấu tranh với ông nhà nước thời cộng sản này cũng khổ. Đồng lương hưu chẳng đủ sống, con cái cũng trong cảnh bị bóc lột đến tàn tệ, nên đành bỏ lại cơ ngơi cả tỷ bạc mà vớt vát chút đỉnh thôi.

– Nhà ông đã ăn thua gì ? Bà Thúy chỉ tay về phía ngôi nhà mình ở, nóc nhà ngang với mặt đường, lối ra trước nhà bị đường bịt kín( lại còn bắt chước hàng xóm xung quanh trổ cửa hậu rồi đục tường, mở lối đi qua nhà hàng xóm), kể:

– Nhà ông làm cách đây hơn 10 năm, đang trong giai đoạn “bóc trinh”, nên nền nhà khi ấy còn cao hơn khối nhà chúng tôi ở đây cả mấy chục năm.. Tôi với bà Tình đây này, không dưới 20 lần nâng nền đâu, mà nhà vẫn lụt , nền vẫn úng. Nhà ông chỉ là hang, còn khô ráo, chui ra chui vào được, chứ nhà tôi với bà Tình thì đúng là hầm để gánh thiên tai trong ngày mưa bão còn gì. Hễ mưa là ngập, bao nhiêu đồ đạc, xoong nồi nổi lềnh bềnh tha hồ mà vớt

– Chả lẽ, anh băn khoăn hỏi một câu chẳng ăn nhập vào đâu:- Trước hiện trạng thê thảm này, chính quyền quận, thành phố không có phản ứng gì ạ?

Ôi dào bà bạn phẩy tay:

– Chính quyền gì, chỉ báo hại dân thôi. Cứ sống chết mặc dân, nếu cần thì dần dân thành cám để bỏ vào bao bố, đổ vào cổ họng ăn dần .Tôi kêu rát cổ, bỏng họng rồi mà họ bảo lỗi thuộc về chúng tôi. Sao khi làm thủ tục xây nhà hoặc sửa nhà, chẳng chịu hỏi han kỹ lưỡng để cán bộ biết còn nhắc nhở hay khuyến cáo? Giờ còn kêu ai, trách ai ?

Ông Thành bực tức :

-Xét về tuổi tác cũng như tuổi nhà, ở đây tôi kém nhất. Hơn 10 năm trước khi làm nhà, tôi cũng phải đóng tiền theo quy định mới được phép xây, mà họ có cho tôi xem bản quy hoạch đường phố để dự tính xây cốt nền cao đâu? Cứ nghĩ xây nền nhà cao hơn mặt đường nửa mét là yên tâm rồi. Ai ngờ, tiền cứ phải “chôn”, mà khốn đốn vẫn hoàn khốn đốn, bao giờ bán được nhà đây?

Nghe tiếng người xì xào, từ bên ngoài, một người hàng xóm te tái chạy ra: góp “vui”:

– Tôi có người nhà làm ở quận đây này, họ bảo khu vực này thường xuyên chịu ngập, gặp bão lũ triều cường nên phải nâng đường, hẻm lên cao để người dân có chỗ lưu thông đi lại.  Ủy ban nhân dân Quận đang tiến hành khảo sát toàn bộ những tuyến đường biến nhà dân thành hầm, hố, hang động, rồi xem xét sử dụng các nguồn vốn vay, hoặc các quỹ phúc lợi hỗ trợ cho người dân sửa nhà, ổn định cuộc sống… nhưng cả mấy năm nay rồi đã thấy gì đâu?

Ông Thành bảo:

– Ôi dào, trông vào “chú phỉnh” với “bác phỉnh” từ ngày giải phóng đến nay rồi mà các bà chưa trắng mắt ra à. Hôm 7/9 vừa rồi, tôi cũng nghe ti vi thông báo Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành chỉ thị đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải khảo sát kỹ các phương án thiết kế để mặt đường không cao hơn nhà dân, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như tình hình giao thông, nhưng tôi đoán chỉ là đầu môi chót lưỡi thôi chứ bao nhiêu vốn ODA giành cho việc làm đường , cầu cống vay của Nhật Bản bao nhiêu năm qua chả thành “ông đây ăn”, “ông đảng ăn” hết ấy à.

Đang đầy tâm trạng, anh cũng phải phì cười trước cách ví von chính xác của ông. Xoẹt qua óc anh một ý nghĩ :

– Ước gì có phép lạ đời thường để toàn bộ các chú phỉnh, bác phỉnh và 500 đại biểu quốc …hợi chui vào trong những căn nhà hầm hố, hang động này ở nhỉ? Chắc được 3, 7, 21 ngày chúng lại phải bỏ vào rừng rú hoặc lên “cứ” làm “cách mạng” thôi .

II- “Đường lông” hay đường chết?

Cả buổi chiều ngồi chơi, anh cứ ngọ nguậy như sâu đo trên ghế, phần tò mò quan sát căn nhà, phần mong cô em họ về gặp mặt, kẻo đã hai mấy năm rồi, hai anh em chỉ thỉnh thoảng trao đổi qua điện thoại mà chưa hề gặp lại.

Tiếng va đập ở phía cửa mỗi lúc một rõ, anh ngoái cổ ra nhìn và trong cảnh tranh tối tranh sáng “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” khó khăn lắm anh mới nhận ra cô em họ đã về.

– Trời ơi! Anh kêu lên: – Định “đai-et” ( ăn kiêng) hay sao mà ốm dữ vậy?

Làm ở công ty Top One, chắc cũng võ vẽ tiếng Anh nên nó đáp:

– Chưa “die” (chết) là may rồi, ét iếc gì đâu anh?

Thay vì sự ngớ ngẩn của anh, bà lom khom đứng dạy, vồn vã :

-Về sớm thế con.

Nó cằn nhằn :

– Gần 7 giờ rồi, sớm gì nữa má: Anh Hải vào, má đã làm gì cho ảnh ăn chưa?

Anh đỡ lời:

– Ồ, cả má và anh chờ em về rồi đi tiệm mà, khỏi nấu nướng bày vẽ gì.

– Ôi nó kêu, vẻ thán phục: – Anh ở bển về mà không lo ngộ độc thực phẩm chết người sao? Lại bày đặt đi ăn tiệm với nhà hàng?

Anh giả bộ làm nghiêm:

– Nguy hiểm thế cơ à?

Gần 40, ưa thích sách vở, lại qua một đời chồng, chưa con cái gì, nó bảo:

– Ôi dào, ngày trước em cứ thích câu “chúng ta ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”. Thế mà bây giờ chỉ muốn đổi thành “chúng ta ăn để mà chết, vì thuốc độc khắp mọi nơi”

…Bỏ vào bếp lịch kịch nấu nướng, bà cô bảo:

– Ăn tùng tiệm, đơn giản, coi như gặp bữa nha con. Cô với em ở trong này cũng sợ lắm, ăn gì cũng thích, nhìn gì cũng ưng mà sợ ngộ độc nên chỉ có rau, lạc, trứng chiên thôi. Mà rau cô cũng phải chọn mua loại sâu sia, rồi về sục nước ôzon mới dám ăn đấy con ạ. Hoa quả cũng vậy, cả nửa năm trời nay, cô không dám ăn chuối, ăn mít rồi, ấy vậy mà nhiều khi vẫn bị lừa đấy.

– Lừa là sao hả cô? Anh tò mò.

-Thì mình thấy có con sâu nghoe nguẩy trên bó rau liền nhặt luôn bó đó, trả tiền xong bỏ đi rồi, con bé nhìn xuôi nhìn ngược, nhìn trên rổ rau rồi lại nhìn xuống đất, cuối cùng không thấy gì mới tất tả chạy theo, nghẹo đầu nghẹo cổ hỏi;

-Dạ bà cho con xin lại con sâu ạ, con cứ tưởng nó rơi xuống rổ rau của con rồi, không ngờ nó bám chắc thế?

Anh phì cười, thật chẳng bù cho xứ Mỹ, vườn nhà anh rộng cả 10 nghìn square feet, vợ chồng anh tranh thủ trồng rau mà ăn không xuể, hễ có ý định đem cho ai, phải ngồi nhặt hết những lá bị sên hoặc sâu ăn lỗ chỗ, nếu không chẳng ai dám dùng.

Bữa ăn nghèo nàn, đạm bạc qua đi nhưng vui vẻ đầm ấm, hỏi về cuộc sống gia đình anh ở Mỹ, Thảo ao ước:

– Anh xem có ông Việt Kiều nào vợ bỏ hoặc vợ chết làm mai cho em đi, ở Việt Nam chán sống lắm rồi.

Anh thật thà đáp:

– Sang đấy không có việc làm đâu em ơi, anh mới 50 tuổi đầu cũng phải sống dựa vào tài trợ của chính phủ và con gái đây này. Em sang đấy chỉ làm nail thôi.

– Ôi, nó gạt đi, làm móng tay móng chân gì em cũng ok hết, miễn là được đi, chứ anh bảo cuộc sống của má con em như địa ngục thế này

Anh từ tốn hỏi:

– Em làm ở công ty nước ngoài cơ mà, đồng lương cũng khá chứ ?

Nó rảu mỏ đáp:

– Không phải đường lông( đồng lương) đâu anh ơi, mà là đường chết đấy.

Anh ngơ ngác không hiểu:

– Thì đấy nó đáp- bọn em được hơn 3 triệu một tháng, nhưng theo ca, theo kíp suốt. Một ngày phải làm 12 đến 16 giờ là chuyện bình thường.

– Khiếp anh kêu lên:- Ở Mỹ, con gái anh làm full time, chỉ 40 giờ một tuần , một ngày em làm 16 tiếng thì gấp hai lần quy định à.

-80 tiếng đã ăn thua gì anh, có khi cả 120 tiếng một tuần ấy chứ.

– Chết chết thế thì bóc lột sức lao động của công nhân à? Vi phạm luật lao động chết.

– Ôi dào, nó cằn nhằn : – Hôm nay biết anh vào, em phá lệ, chấp nhận trừ lương để về sớm, chứ tháng trước em phải làm từ 7 giờ đến 2, 3 giờ sáng, không dám về nhà với má vì sợ đêm hôm, sợ cướp, mất thời gian, nên phải đem quần áo đến công ty ngủ lại 3,4 tiếng. Sáng hôm sau lại cày tiếp.

– Trời đất anh làm một phép tính : Ở Mỹ cao nhất chỉ 200 giờ một tháng, em làm một tuần bằng nửa tháng thì chịu sao thấu.

Đầy từng trải, hiểu biết, nó đáp:

– Pháp luật về lao động quy định: “ Chủ doanh nghiệp được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được người lao động đồng ý. Còn tổng số giờ làm thêm không được quá 200 giờ/năm. Thế mà lãnh đạo công ty em ép công nhân làm đến kiệt cùng mà chế độ lương lậu chẳng bao nhiêu. Cực lắm.

Chả lẽ” – anh nghĩ: “ vì cực mà nó teo tóp, ốm nheo ốm nhóc thế này? “

Suốt buổi tối, vừa nhâm nhi kẹo sô cô la, chà là, nho khô, do anh mang về, nó vừa kể:

– Giám đốc công ty em yêu cầu công nhân phải tăng năng suất để kịp xuất hàng. Vì hưởng lương theo sản phẩm nên lúc đầu bọn em cũng “máu” lắm, ai cũng nghĩ mình sẽ có thêm thu nhập, dù vất vả một chút nhưng bộn tiền. Bình thường 7 giờ làm, đúng 12 giờ được nghỉ ăn trưa, 1 tiếng sau bắt đầu làm tiếp, 4 giờ chiều sẽ được về. Nghĩa là không kể một tiếng nghỉ trưa bọn em phải đảm bảo một ngày làm 8 tiếng, nhưng trên thực tế cả năm nay rồi không khi nào em được về với má trước 9 giờ cả. Thậm chí làm cả thứ 7 hoặc ngày lễ, ngày nghỉ luôn .

– Thế ăn luôn tại công ty à?

Vâng, làm như rồng leo, rồng cuốn mà ăn thì như…mèo mửa ấy cơm chỉ có rau muống luộc và vài miếng thịt bụng bèo nhèo thôi, gạo cũng chỉ là loại gạo rẻ tiền ăn cứng như đá răm ấy, anh bảo làm gì chả ốm tong ốm teo, có đứa còn ngất sỉu trên bàn may luôn.

– Ô hay ! Tăng hay không là quyền của mình cơ mà, nếu thấy sức khỏe không đảm bảo thì phải xin nghỉ chứ ?

– Ối giời! Nó đay đả:- Anh nói cứ như người Mỹ, bao nhiêu người không chịu nổi việc tăng ca thường xuyên, xin giảm thì lãnh đạo hất hàm bảo: Tùy: hoặc là tất cả, hoặc là không. Em cũng vậy, má xót em gầy yếu, đi làm chẳng có thời gian mà tìm hiểu yêu thương ai nữa, nên cứ bảo: “làm đủ 8 tiếng thôi con à, còn về với má, kiếm chồng cho má có chút cháu bế, anh hai mày đã không may thiệt mạng rồi. Thế mà quản đốc cũng bảo “hoặc là chị nghỉ việc luôn để chúng tôi nhận người mới, hoặc là giữ nguyên hiện trạng như cũ, nghĩa là tăng ca theo yêu cầu của công ty”.

– Trời ơi! Làm để sống chứ đâu phải làm để chết?

cười ngặt nghẽo:

– Thì thế em mới bảo anh là em đi làm vì đường chết chứ không phải vì đường lông ( đồng lương)

Đúng là vừa bóc lột sức lao động, lại vừa đè đầu cưỡi cổ người lao động thật, anh nghĩ, cứ bảo xứ Tư bản bóc lột, nhưng luật lệ đàng hoàng, cả vài trăm năm nay rồi có ai “giãy chết” vì bị chủ bóc lột đâu?

Còn nhớ, lần anh vừa chân ướt chân ráo xuống phi trường, vợ con anh ra đón, con bé láu táu hỏi:

– Con đố bố này: Ở Mỹ này điều gì khó nhất nào?

Anh ngơ ngác chưa hiểu: “Học tiếng Anh, mua nhà, tìm việc , xin quốc tịch v.v “nó đã cười trối chết:

– Điều khó nhất ở nước Mỹ là tìm được một người chết đói bố ạ

Suốt cả chặng đường từ sân bay San-fransisco về nhà, nó tíu tít khoe:

– Con được nhà trường cho ăn hai bữa sáng và trưa miễn phí ,có cả món ăn Châu Á do người Tàu làm, cả thức ăn của Mễ hay người Mỹ nấu…Tuy không mất tiền nhưng cũng xót ruột lắm…

– Sao con? Anh không hiểu ý con bé, hỏi lại :

– Vì thức ăn thừa nhiều lắm . Trường con vài nghìn học sinh, số thức ăn thừa mỗi ngày cũng đủ nuôi cả làng Thủy Xuân Tiên mình ở quê bố ạ.

Vậy mà, nén một tiếng thở dài, anh đưa mắt nhìn bà cô già đang lúi húi mắc màn cho anh, khẽ khàng bảo:

– Thôi em đi nghỉ đi, thức đêm mãi rồi. Mai nghỉ làm một buổi rồi cùng anh với ma đi tham quan, du lịch chút nhé.

– Vâng , nó uể oải đáp, ý tứ quay mặt, che miệng ngáp…

Sài Gòn – Sacramento Hè 2017

T.K.T.T

1 BÌNH LUẬN

  1. Cống nghẹt gây ngập lụt thì nâng đường lên. Nhà dân biến thành ao thì mặc kệ.
    Chỉ có những bộ óc đất sét trong chế độ cộng sản mới nghĩ ra được “sáng kiến” như thế !

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên