Giờ N của Covid-19 tại California

0
Xếp hàng chích ngừa Covid-19 ở California (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy nước Mỹ có nhiều bất cập. Trước hết là một lãnh đạo không tin vào khoa học. Các phát biểu của Tổng thống Donald Trump nhằm đối phó với nạn dịch đã chứng tỏ điều đó.

Khi con siêu vi lây lan, số người chết tăng khiến dân ùn ùn tìm mua nước khử trùng rửa tay, mua khẩu trang mà nhiều nơi không có hàng. Cảnh dân chúng xếp hàng dài mua nhu yếu phẩm, đổ xăng, lãnh thực phẩm cứu trợ và cảnh bệnh viện quá tải, người chết không kịp chôn là hình ảnh nước Mỹ của những ngày dịch Covid bùng phát trong năm vừa qua.

Hệ lụy của không tin vào khoa học là số người chết vì Covid ở Mỹ cao nhất thế giới, 427 nghìn người trong năm cuối của nhiệm kỳ chính quyền Trump. Đến nay, sau gần 5 tháng với Tổng thống Joe Biden số tử vong lên 611 nghìn và 34 triệu người Mỹ nhiễm bệnh, theo số liệu từ Worldometer.info.

Số người chết vì Covid-19 ở Mỹ trong thời gian qua (Worldometer.info)

Vì là loại vi khuẩn gây chết người với nhiều ẩn số nên các dữ kiện, số liệu liên quan đến lây nhiễm, tử vong và các biến chứng hay cách chữa trị thay đổi từng tuần, có khi từng ngày. Cao điểm của lây lan và số tử vong là vào tháng 12/20 và 1/21 vừa qua, như các nhà khoa học đã tiên liệu, vì là giữa mùa đông ở Mỹ với thời tiết lạnh nhiều người thường ở trong nhà, nên nếu một người bị nhiễm sẽ dễ lây cho người khác trong gia đình.

California là tiểu bang có những quyết định sớm nhất, từ tháng 4/20 đã cho dân ở nhà, ra ngoài phải giãn cách xã hội, giới hạn giao tiếp với nhau. Trung tâm thương mại, nhà hàng, các dịch vụ giải trí, công viên, nơi thờ phương tôn giáo và hầu hết các dịch vụ không cần thiết cho cuộc sống đều đóng cửa. Trường học các cấp chuyển qua học trực tuyến.

Đỉnh điểm của dịch là vào đầu năm nay, tại Mỹ nói chung và California nói riêng. Tiểu bang California sau kỳ nghỉ Giáng Sinh với số lây nhiễm và tử vong tăng nhanh, có ngày số người chết vì Covid lên đến 600. Tính đến nay, theo số liệu từ California Department of Public Health, đã có 62 nghìn tử vong và 3 triệu 700 nghìn dân California bị nhiễm.

Trong ba tháng qua, nhờ có thuốc tiêm và số người được xét nghiệm tăng để cách ly nếu dương tính, nên số người bị nhiễm giảm nhanh và tình hình bệnh viện cũng không còn quá tải, số tử vong chỉ còn hơn 20 ca một ngày.

Từ đầu năm, hầu hết các quận hạt của California ở mức mầu đỏ, sang tháng 4 nhiều nơi chuyển xuống mầu cam, giờ đa số đang ở mức mầu vàng là dấu hiệu bệnh dịch đã giảm nhanh.

Sinh hoạt ở California đang trở lại bình thường (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ngày 15/6 tới đây Thống đốc Gavin Newsom sẽ công bố chính sách mở cửa toàn bộ tiểu bang, không còn những giới hạn trong sinh hoạt đời sống. Chỉ vấn đề có đeo khẩu trang hay không và đeo khi nào, ở những nơi đâu còn đang bàn luận.

Chính sách hiện nay của chính quyền Biden là khi người dân đến cơ quan liên bang hay xử dụng phương tiện di chuyển của liên bang thì phải đeo khẩu trang.

Những báo cáo y tế cho thấy trong mùa cúm vừa qua, nhờ đeo khẩu trang mà số người bị cúm thường niên trong năm qua dường như rất ít, chứng tỏ hiệu năng của khẩu trang trong việc ngăn ngừa lây lan các bệnh truyền nhiễm qua không khí, trong đó có Covid-19.

Nhiều tiểu bang có lệnh đeo khẩu trang nhưng chỉ trong ngắn hạn vài tháng. Hiện nay hai phần ba các tiểu bang đã bỏ lệnh đeo khẩu trang và chỉ còn giới hạn vào địa phương, trường học nếu cần.

Một địa điểm chích ngừa Covid-19 ở vùng Vịnh San Francisco (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Với dân Châu Á, như ở Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong thì đeo khẩu trang khi ra đường là việc bình thường người dân đã làm từ bao năm qua. Dân Mỹ không quen với nếp sống đó nên khẩu trang đã là vấn đề tranh cãi khi dịch đang lan tràn, dù tổng thống có ra lệnh thì thẩm quyền chỉ giới hạn trong khu vực liên bang. Xuống đến tiểu bang, từng thống đốc có quyền quyết định vì thế các chính sách phòng chống Covid của các thống đốc rất khác nhau do ảnh hưởng bởi quan điểm chính trị là cộng hoà hay dân chủ.

Như Texas, Florida với thống đốc cộng hoà và California, New York với thống đốc dân chủ. Florida và Texas đã hoàn toàn mở cửa, học sinh trở lại trường từ cuối năm ngoái, khi cần thì đóng lại. Cơ sở thương mại cũng mở cửa bình thường từ nhiều tháng trước nên kinh tế của hai tiểu bang này đã phục hồi.

Ở California, riêng vùng Vịnh San Francisco sinh hoạt thương mại tuy đã mở cửa lại nhưng vẫn còn giới hạn và nhiều người cũng chưa muốn đi làm trở lại.

Các thành phố San Jose, Berkeley, Oakland, San Francisco đang hồi sinh. Tuy nhiên vẫn còn hàng quán đóng cửa. Nếu mở cũng chỉ bán cho khách mang về. Nhà hàng cho vào bên trong, số khách được phép là 50% so với trước đây nên chủ cũng chưa cần người làm đông như trước.

Nhiều cư dân California vẫn đang được nhận trợ giúp thất nghiệp 450 đôla một tuần cho đến đầu tháng 9 này.

Quan trọng là người đi làm lo ngại bị lây nhiễm nếu chưa chích ngừa hay số người được chích chưa nhiều. Hiện nay mới có 44% cư dân California đã được chích hai mũi.

Thống đốc Gavin Newsom đang phải đối diện với cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm sẽ diễn ra trong vài tháng tới nên muốn đưa tiểu bang trở lại sinh hoạt bình thường vào ngày 15/6. Ông kêu gọi dân mau đi chích ngừa để đạt miễn nhiễm cộng đồng, nghĩa là ít nhất ba phần tư dân được tiêm.

Vì nhiều lý do khác nhau nhiều người không muốn chích ngừa Covid. Cho đến nay không còn thiếu thuốc như hai tháng trước, nhưng số người Mỹ trên toàn quốc đã chích đầy đủ mới đạt 42%, khoảng 136 triệu người.

Số liệu theo sắc tộc của cư dân California đã được chích ngừa (California Dept. of Public Health)

Tại California số người da trắng đã chích ngừa cao nhất với 35.9%, thấp nhất là người da đen với 3.8%, gốc Mỹ Latinh có 26.9% và gốc Á châu có 16.7%.

Để khuyến khích dân chúng tham gia chích ngừa, một số tiểu bang như Ohio, Virginia, Maryland, Oregon đã có phần thưởng bằng tiền mặt qua các kỳ xổ số.

Tác giả hy vọng có số hên trúng thưởng sau khi chích hai mũi thuốc ngừa Covid-19 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Tiểu bang California chi 116 triệu 500 nghìn đôla cho xổ số khuyến khích dân tiêm ngừa Covid. Bất cứ ai từ 12 tuổi trở lên và đã chích ngừa ít nhất một mũi đều được tham gia rút thăm trúng thưởng.

Từ ngày 27/5, đi chích ngừa có thể nhận thẻ tặng quà trị giá 50 đôla. Sáng thứ Sáu 4/6 đã có xổ số lần đầu, chọn 15 người đã tiêm chủng, mỗi người nhận 50 nghìn đô. Thứ Sáu tuần tới thêm một kỳ xổ số nữa cũng sẽ có 15 người được trúng giải.

Đến ngày 15/6, khi thống đốc công bố mở cửa, sẽ có rút thăm chọn 10 người dân đã chích ngừa, mỗi người sẽ nhận 1 triệu 500 nghìn đôla.

Thống đốc Gavin Newsom muốn nâng số dân được chích ngừa lên đến 75%, để đạt mức được coi là miễn nhiễm cộng đồng.

Ôi có nơi nào mà dân lại được chính phủ quan tâm, ưu đãi và nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa như ở California không?

Nhiều hàng quán vẫn chưa đón khách vào ăn mà chỉ bán cho khách mang về (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Khi vừa nhận chức, Tổng thống Joe Biden đã phát biểu rằng dân chúng Mỹ sẽ có thể tụ họp ăn mừng Lễ Độc lập 4/7 trong hè sắp tới.

Điều đó chắc sẽ xảy ra vì còn một tháng nữa là đến ngày 4/7, trong khi tiểu bang California là nơi đã có những giới hạn khắc khe nhất nước trong việc phòng chống Covid thì cũng đang mở cửa ra.

Nhiều trường phổ thông và đại học đang tổ chức lễ tốt nghiệp, trong giãn cách xã hội và giới hạn khách tham dự là dấu hiệu đáng mừng cho sinh viên học sinh.

Giờ N sắp điểm với Covid-19 ở California. Chiến thắng cơn đại dịch trên nước Mỹ cũng đã thật gần.

© 2021 Buivanphu

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên