Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà hoạt động chính trị

6
GS Nguyễn Ngọc Huy

Nhân Lễ Tưởng Niệm Nhị vị Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Văn Bông được tổ chức ngày hôm nay 13/08/2023 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng tiểu bang Victoria Úc, Ban Tổ Chức có nhờ tôi chia sẻ đề tài “Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà hoạt động chính trị chân chính”, dưới đây là một số điều tôi được biết về cuộc đời chính trị của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

Từ một đảng cách mạng sang một đảng chống cộng…

Ông Huy gia nhập Đảng Đại Việt vào đầu năm 1945 ở tuổi 21, khi ấy Việt Nam đang chịu 2 gọng kềm là thực dân Pháp và quân phiệt Nhật nên đảng Đại Việt là một đảng cách mạng với mục tiêu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Theo ông Huy ưu điểm của Đảng Đại Việt là có Chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn làm căn bản triết lý. Chủ nghĩa này đặt quyền lợi dân tộc lên trên, nên Đảng Đại Việt rất quan tâm đến các vấn đề chính trị và xã hội. Nhưng nó cũng chính là nhược điểm vì quá đề cao dân tộc mà hướng đến một chế độ “độc tài sáng suốt”, một “chế độ quyền uy”, xây dựng một quốc gia, một dân tộc hùng cường, nên không thể phát huy tự do và dân chủ.

Cụ thể là Trong đảng Đại Việt theo lãnh tụ chế nghĩa là người lãnh đạo nắm hết mọi quyền hành trong tổ chức, như ở miền Nam, xứ ủy là người quyết định mọi việc. Nhưng người miền Nam vốn tính tình cởi mở và với ảnh hưởng của tự do, dân chủ từ thể chế thuộc địa Pháp, nên ngay từ năm 1947 đã có một cuộc “cách mạng nội bộ” về tư tưởng và phương cách sinh hoạt. Xứ bộ miền Nam từ đó hoạt động theo nguyên tắc đặt quyền lợi dân tộc lên trên, nhưng các đảng viên được sinh hoạt trong vòng tự do, dân chủ và có trật tự.

Theo ông Huy sau khi đảng Cộng Sản cướp chính quyền, đảng Đại Việt chuyển từ một đảng cách mạng sang một đảng chống cộng vì 2 lý do chính là (1) đảng Cộng Sản đặt quyền lợi dân tộc đằng sau quyền lợi quốc tế cộng sản và (2) đảng Cộng Sản là một đảng độc tài mục tiêu là tiêu diệt tất cả những đảng phái khác do đó để “sinh tồn” hay tồn tại đảng Đại Việt như hầu hết các đảng phái không cộng sản khác không có con đường khác hơn là chống lại cộng sản. Từ đó đảng Đại Việt chọn con đường cộng tác với Quốc Trưởng Bảo Đại để từng bước giành lại độc lập cho Việt Nam.

Trong thời gian từ 1946 đến 1955 ông Huy được đảng giao trách nhiệm nghiên cứu chính trị, viết tài liệu chính trị và viết các bài báo có liên quan đến chính trị. Ông được xem là một lý thuyết gia và người truyền bá tư tưởng chính trị cho đảng Đại Việt.

Học và dạy về chính trị

Năm 1955, ông Huy được đảng chỉ định đi Pháp vừa để phụ giúp cho ông Nguyễn Tôn Hoàn lãnh đạo Đại Việt, vừa để lánh nạn chính trị, vừa để đi học. Ông học trường Khoa Học Chính trị Paris và trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế Paris. Ông lấy Tiến Sĩ Chính Trị Học vào tháng 3 năm 1963.

Ngay sau cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm ông trở về Sài Gòn vào tháng 11-1963. Ông làm Đổng lý Văn phòng cho Phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn cho đến khi ông Hoàn từ chức vào tháng 9/1964.

Từ năm 1965, ông vào làm giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh dạy về chính trị và luật hiến pháp, đồng thời làm giảng viên ở nhiều trường đại học và các trường quân sự như trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị.

Nói chung, ông là 1 người có ảnh hưởng rất lớn với cả trí thức dân sự cũng như sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Lập đảng Tân Đại Việt…

Trong năm 1964, đảng Đại Việt lâm vào tình trạng phân hóa nặng nề, ông Hoàn và ông Huy bị khép tội “phản đảng” bị khai trừ khỏi đảng. Ông Huy cho rằng lãnh đạo đảng Đại Việt khi ấy rất độc tài họ chống lại bất cứ ai không theo họ.

Nhưng không phải vì thế mà ông Huy bỏ cuộc, ông thuyết phục Xứ bộ Nam Việt tách ra và thành lập đảng Tân Đại Việt theo đường lối dân chủ, thành thật hợp tác và đoàn kết với các đoàn thể quốc gia. Theo ông như thế thì mới giữ được miền Nam Việt Nam khỏi mất vào tay cộng sản.

Ông làm Tổng Bí Thư cho đảng Tân Đại Việt và sau đó ông thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến do ông làm Tổng Thư Ký.

Lập trường của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến là ủng hộ chính phủ đối phó với cộng sản, nhưng không tham dự chính quyền và đòi hỏi chính quyền phải áp dụng đúng quy tắc dân chủ, chấm dứt nạn tham nhũng, cũng như nạn bè phái đưa những người thiếu tài đức nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền.

Cộng tác với chính quyền

Từ năm 1968, ông tham dự Hòa đàm Paris giúp phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa xây dựng một hệ thống lý luận để có thể tranh cãi với cộng sản và ông đi các nước Âu châu để trình bày cho đồng hương tình hình chung và lập trường của Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1973, ông cùng phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tham dự hội nghị La Celle Saint Cloud.

Ông cũng là thành viên sáng lập và là đồng Chủ tịch của Liên minh Dân chủ Xã hội, một tổ chức gồm 6 chính đảng đối lập theo xu hướng dân chủ trên chính trường Việt Nam Cộng hòa.

Tị nạn cộng sản…

Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, ra hải ngoại ông vẫn không ngừng hoạt động chính trị như gầy dựng đảng Tân Đại Việt, vào năm 1981 ông thành lập Liên minh Dân chủ Việt Nam do ông làm Chủ tịch Ủy ban chấp hành Trung ương, đến năm 1986 ông sáng lập và làm Ủy viên danh dự của Ủy ban Quốc tế Yểm trợ Việt Nam Tự do năm. Ông hoạt động chính trị cho đến ngày ông qua đời ngày 28 tháng 7 năm 1990. Như vậy là cả cuộc đời ông đã dành cho những hoạt động chính trị Việt Nam.

Lý do thúc đẩy

Về lý do thúc đẩy Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy suốt đời hoạt động chính trị đã được ông Huy trả lời trong cuộc phỏng vấn do Hoàng Khởi Phong và Lê Đình Điểu thực hiện như sau:

“Nếu sanh ra trong một nước Việt Nam độc lập, tự do và thái bình, thì tôi đã theo hoài bảo lúc nhỏ của tôi là làm thi sĩ Đằng Phương chuyên viết thơ hùng tráng; có cần phải thêm một việc làm để mưu sinh thì tôi lấy bằng của Đại Học Văn Khoa và làm giáo sư văn khoa. Vì sanh trong một nước Việt Nam không độc lập, thiếu tự do và chìm đắm trong sự loạn lạc, nên tôi phải dấn thân vào cuộc tranh đấu chính trị và do đó mà phải học về chính trị, dạy về chính trị, và đứng ra lãnh đạo một đoàn thể chính trị. Dầu cho có được làm lại cuộc đời từ đầu mà hoàn cảnh Việt Nam không khác hoàn cảnh tôi đã trải qua, thì tôi cũng sẽ làm như tôi đã làm.”

Chính trị chân chính

Khó có thể kiếm được một nhà hoạt động chính trị có tài có đức, luôn đặt quyền lợi dân tộc Việt lên trên và suốt cuộc đời đã cống hiến cho các hoạt động chính trị Việt Nam như giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

Nhưng điều đáng nói là ông Huy không vì thế mà tự cho là một nhà hoạt động chính trị chân chính, mà ngược lại ông luôn nhìn vào tình hình Việt Nam và luôn thông cảm cho những nhà hoạt động chính trị khác.

Ông trả lời cuộc phỏng vấn của Giáo sư Chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng vào ngày 03/02/1987, nghĩa là trước khi ông Huy mất vài năm. Cuộc phỏng vấn được đăng trên “TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ” thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, viện Đại học Oregon, vào 24 Tháng Sáu, 2022.

“… Người Quốc Gia Việt Nam mà trong sạch đàng hoàng thì lại không được người ngoại quốc tin cậy. Bởi vì họ cho là cái thứ người trong sạch, đàng hoàng thì cứng đầu, cứng cổ và khi quyền lợi Việt Nam xung đột quyền lợi nước họ thì sẽ không nhân nhượng cho họ. Cho nên họ phải tìm những người dễ sai bảo…”

Sự chân chính của người làm chính trị là luôn thông cảm và đồng cảm với những người đang đồng hành trên con đường chính trị có chung một mục đích và một mục tiêu. Đó chính là bài học mà tôi đã học được từ giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

 Nguyễn Quang Duy

 13/8/2023, Melbourne Úc Đại Lợi.

Kính mời xem bài phỏng vấn GS Nguyễn Ngọc Huy được đăng trên TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ  

6 BÌNH LUẬN

  1. Nguyễn Ngọc Huy (NNH) (1924-1990). Tôi từng đọc một ít về NNH và rất cảm động về cuộc đời và chính nghĩa của ông. Thật ra tôi cũng không rõ nhiều. Tuy nhiên miền nam mất 1975 là nỗi đau chung.

    Bạn có thể tìm đọc thêm từ: Gs. Nguyễn Ngọc Huy & Lm Cao Văn Luận tiết lộ Bí Ẩn 30.4.1975.
    “Đối với đa số người Việt đã từng sống trải qua, ngày 30.04.1975 là một biến cố khó quên nhứt của đời người. Trong khi đó dư luân quốc tế nhận định cho rằng sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh vào ngày 9.11.1989 là biến cố lịch sử quan trọng nhứt của thế kỷ 20.”
    Trong bài này có phân tích Ai làm sụp đổ tường Bá Linh mà “phía Hoa Kỳ cho rằng nhờ Cố Tổng Thống Reagan hành xử cứng rắn đối phó với Liên Xô và quan trọng nhứt tại Bức Tường Bá Linh vào ngày 12.6.1987 đã lên tiếng “khích tướng” kêu gọi Tân Tổng Bí Thư Gorbachev muốn chứng minh thực tâm cởi mở thì nên mở cửa và phá sụp bức tường này (nguyên văn: “Come here to this gate! Mr. Gorbachev, open this gate! Mr. Gorbachev, tear down this wall!“) Duy nhứt về phía Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã tiên đoán rất sớm và trình bày rất cặn kẽ ngay trong tác phẩm “Perestroika” ( viết bằng Anh ngữ, dày 402 trang với trên 200 dẫn chứng tài liệu ) cho rằng ông Gorbachev bắt buộc phải cởi mở thay đổi chính sách cai trị để đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Reagan đang trên đà leo thang võ trang quân sự, điển hình là kế hoạch phòng thủ chống hỏa tiễn SDI ( Strategic Defense Initiative ).”

    NNH mất 28.07.1989. Và đúng thế Soviet cộng sản đã sụp đổ sau khi NNH qua đời.
    “Chỉ trong lúc đi thuyết trình cho đồng bào Việt Nam, Giáo sư Huy mới kín đáo tiết lộ đưa ra một cái nhìn độc đáo rằng dân Nga có truyền thống chơi cờ vua ( Chess ) nên có thói quen suy nghĩ đa nghi nhiều, còn dân Mỹ thích chơi bài phé ( Poker ) nên thường phải ” tháu cáy “với cây bài xấu nhưng vẫn có thể ” tố ” cho địch thủ bỏ chạy.

    “Theo Giáo sư Huy thì Tổng Thống Hoa Kỳ Reagan đang dùng kế hoạch SDI để ” hù ” Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev với bản chất đa nghi buộc phải cải tổ nền tảng chính trị và kinh tế để có đủ thực lực đương đầu lại với Hoa Kỳ. Quả nhiên ông Gorbachev đã xúc tiến cải tổ, trước hết về kinh tế ( Perestroika ), và sau đó về chính trị ( Glasnost ). Nhưng chính vì sự cải tổ chính trị đã khiến làn sóng đòi hỏi tự do dân chủ dâng cao, kiểm soát không nổi và vuột ra khỏi tầm tay. Bức Tường Bá Linh sụp đổ, Đông Âu thoát khỏi sự chi phối của Mạc Tư Khoa và Liên Xô tan rã vào ngày 21.12.1991 là hậu quả tất nhiên đó. Chính vì vậy, bên ngoài Liên Xô ông Gorbachev được vinh danh là nhân vật có công với cuộc cách mạng dân chủ hóa Đông Âu, nhưng ở trong nước thì trái lại không có chút uy tín gì vì bị chỉ trích là không có khả năng lãnh đạo làm cho Liên Xô tan vỡ và nước Nga không còn sức mạnh gì trên bàn cờ thế giới.

    “Cái nhìn độc đáo của Giáo sư Huy được chứng thực là rất đúng, vì kế hoạch SDI của Mỹ sau đó đã được Mỹ âm thầm hủy bỏ khi mục tiêu đã xí gạt được Liên Xô rồi. Tương tự về biến cố 30.04.1975 của Việt Nam chúng ta, Giáo sư Huy cũng có câu trả lời độc đáo với lời giải thích bất ngờ sau đây.”

    Viết về: Ai đã gây ra biến cố 30.04.1975? “biến cố 30.04.1975 đã xảy ra, nguyên nhân chính là Hoa Kỳ có chính sách bỏ rơi miền Nam VNCH và thế lực Do Thái thúc đẩy chính sách đó được thực hiện qua bè đảng Kissinger.”

    Tôi nghĩ rằng các bạn hiểu rõ lịch sử hơn tôi.

    Có những chuyện cá nhân mà tôi hay day dứt về NNH là gs đã hiến cả cuộc đời hy sinh tranh đấu cho VN mà chính cá nhân ông, gia đình ông cũng chịu nhiều khổ đau.

    “Nhưng bỗng một ngày tháng 4, năm 1982, Giáo sư rầu rĩ báo cho tôi biết là người con trai út Nguyễn Ngọc Khánh Thụy, mà giáo sư gửi ở nhà một gia đình Mỹ ở Larchmont, New York, cháu đã được nhận vào và sẽ đi học đại học Princeton, bỗng nhiên tự tử. Cậu dẫn con chó ra khỏi ga-ra đậu xe, đóng cửa ga-ra lại, mở máy xe để tự vận bằng hơi thán khí xe tỏa ra. Ngày đó là ngày giỗ bà mẹ cậu mất tại Việt Nam năm 1974. Giáo sư đoán là cậu nhớ bà mẹ vào ngày đó, vì cậu vẫn thường than phiền là thiếu sự gần gũi với Ba Má, và mỗi lần giáo sư Huy sắp rời nhà gia đình Mỹ ấy để ra đi các tiểu bang ở Mỹ hay các nước khác để hoạt động chính trị thì cậu vô trong giường đắp chăn chùm lên mặt, nhớ Ba đi xa, nhớ Má đã qua đời.

    “Những tháng năm sau đó, Giáo sư thỉnh thoảng lại tâm sự thêm với tôi. Tôi ngồi làm việc ở bàn bên cạnh Giáo sư trong cùng văn phòng và nói chuyện tâm giao với Giáo sư trong nhiều năm, vả lại tôi không phải là đoàn viên trong Liên Minh Dân Chủ của ông, giữa chúng tôi không có nhu cầu giữ sự xa cách cần thiết giữa một người đóng vai lãnh tụ chính trị và một người đi theo, cho nên Giáo sư không cần giữ kẽ với tôi, và đã mô tả những đau khổ trong đời ông, một cách rất người. Ông tâm sự rằng đời tranh đấu chính trị của ông đòi hỏi nhiều hy sinh thời giờ và sức lực cho việc chung, không thể lo nhiều cho gia đình. Những năm còn ở Việt Nam, bà vợ đảm đang của Giáo sư lo hết cho con cái, từ lúc còn nghèo, đến khi cuộc sống vật chất đỡ vất vả một chút sau khi Ông từ hòa đàm tại Paris đi về nước và đi dạy học nhiều trường đại học ở Việt Nam, và có ngôi nhà tươm tất trong cư xá Cao Thắng do chính phủ cấp, để gia đình xum họp vui vẻ, thì thời gian hạnh phúc này, theo Giáo sư, “quá ngắn ngủi”, vì chẳng bao lâu, bà Huy tử nạn tại bãi biển Vũng Tầu năm 1974. Ông nói thêm: liền sau khi vợ mất ít lâu thì nước mất, phải ra đi bôn ba hải ngọai. Ông nói với tôi: “Tôi luôn luôn lo việc đoàn thể và đất nước, nhưng đời riêng của tôi gặp nhiều malheurs”[ đau khổ].

    “Vì việc nước, sau khi ngưòi con trai út mất, Giáo sư lại càng rong ruổi nay đây mai đó lo việc đoàn thể. Nỗi buồn trong đời riêng, trong tâm tư chắc hẳn rất mênh mông, lại kèm theo căn bệnh hiểm nghẻo bắt đầu tàn phá cơ thể, nhưng bên ngoài, Giáo sư vẫn giữ được ý chí kiên cường để giữ vững tinh thần các chiến hữu, như Giáo sư đã tả trong bái thơ Nhớ Thu (bà vợ):
    “Công viêc thường xuyên vẫn chẳng rời.
    Nụ cười vẫn phải nở trên môi
    Để cho các bạn đồng tâm chí
    Vẫn giữ niềm tin rạng sáng ngời”
    GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC HUY ĐÃ ĐỂ LẠI NHỮNG DI SẢN GÌ CHO CÁC THẾ HỆ ĐI SAU?
    GS.Tạ Văn Tài

    • Rất thương cảm sự mất mát vợ, con của GS Nguyễn Ngọc Huy!
      Vậy mà Ông vẫn gác lại nỗi đau buồn riêng và tiếp tục cống hiến công sức cho chính nghĩa quốc gia đến hơi thở cuối cùng. Ông quả là tấm gương sáng chói cho thế hệ trẻ tranh đấu hôm nay và ngày mai.
      Thật cảm phục gs NNH!
      Cảm ơn Bison cho thông tin.

  2. “điều đáng nói là ông Huy không vì thế mà tự cho là một nhà hoạt động chính trị chân chính, mà ngược lại ông luôn nhìn vào tình hình Việt Nam và luôn thông cảm cho những nhà hoạt động chính trị khác.” (Nguyễn Quang Duy)

    Xin cảm ơn t/g Nguyễn Quang Duy, ĐCV, cắc còm sĩ và bạn đọc đã tưởng nhớ Nguyễn Ngọc Huy.
    Xin cùng Tưởng Niệm.
    Link của bài phỏng vấn GS Nguyễn Ngọc Huy được đăng trên TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ mang rất nhiều dữ kiện lịch sử VN.

    Anh hùng vô danh (Bài thơ này được sử dụng trong sách giáo khoa tại miền Nam Việt Nam những thập niên 50, 60.). Nguồn: Đằng Phương (Nguyễn Ngọc Huy) Hồn Việt, NXB Đuốc Việt, Sài Gòn, 1950

    Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tổ quốc

    Họ là những anh hùng không tên tuổi
    Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
    Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
    Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

    Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
    Ðã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
    Và làm cho những đất cát hoang vu
    Biến thành một giải sơn hà gấm vóc

    Họ là kẻ không nài đường hiểm hóc,
    Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn
    Ðể âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
    Cuộc Nam Tiến mở giang sơn lớn rộng

    Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
    Dưới gót giầy của những kẻ xăm lăng,
    Ðã xông vào khói lửa, quyết liều thân
    Ðể bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,

    Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc,
    Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan,
    Người thất cơ đành thịt nát xương tan
    Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.

    Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,
    Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,
    Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
    Ðể sống lại cuộc đời trong bóng tối

    Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
    Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
    Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
    Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

    Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách,
    Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
    Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
    Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,

    Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
    Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
    Và anh hồn chung với tấm tinh trung
    Ðã hoà hợp làm linh hồn giống Việt.

  3. Trích đoạn:
    …đảng Đại Việt là một đảng cách mạng với mục tiêu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

    … Đảng Đại Việt là có Chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn làm căn bản triết lý. Chủ nghĩa này đặt quyền lợi dân tộc lên trên, nên Đảng Đại Việt rất quan tâm đến các vấn đề chính trị và xã hội. Nhưng nó cũng chính là nhược điểm vì quá đề cao dân tộc mà hướng đến một chế độ “độc tài sáng suốt”, một “chế độ quyền uy”, xây dựng một quốc gia, một dân tộc hùng cường, nên không thể phát huy tự do và dân chủ.

    Mục tiêu giành lại tự do cho dân tộc nhưng không hiểu tại sao quá đề cao dân tộc mà không thể phát huy tự do và dân chủ? Bó tay. Hay là kiểu dân tộc như cộng sản luôn kêu gọi nhưng người dân vẫn không được có tự do như ngày nay?

    • “Bảo Đại cũng bị cái sự tuyên truyền nói là Việt Minh nó đi với Đồng Minh. Mà lúc đó ai cũng biết là OSS ủng hộ cho tụi nó. Thành ra mình, mọi người đều cho là bây giờ Đồng Minh thắng thì tụi này đi với Đồng Minh thì nó đứng ra nó lãnh đạo mình được dễ hơn. Có thể nói là, nó là cái mà sai lầm của hầu hết người Việt Nam trong lúc đó.” (NNH)

      Tình trạng VN lúc nào cũng rất phức tạp, rất khó phân tích.

      Đọc kỹ bào phỏng vấn từ link, NNH cho biết tại sao Việt Minh được hổ trợ. HCM được Bảo Đại trao quyền và ai cũng nghĩ HCM theo Đồng Minh.

      Thế thì Đồng Minh Tự Do Dân Chủ có bảo vệ VN không hay cuối cùng thì Mỹ giao thiệp với Trung Cộng để VN vào tay cộng sản.

      Làm thế nào để phát huy tự do dân chủ trong tình trạng loạn xạ khó hiểu như thế này.

      Xin phép trích chỉ một chút, xin đọc kỹ cả bài phỏng vấn và nghiên cứu thêm.

      NMH: Nhưng mà cũng có người nói là tại sao, sở dĩ nó được Bảo Đại trao quyền là nó làm áp lực Bảo Đại trao quyền?

      NNH: Không phải là vì…

      NMH: Thế tại sao chính đảng Việt Nam không…

      NNH: Bởi vì, bởi vì Bảo Đại lúc đó là ông ta đánh điện cho ông Tưởng Giới Thạnh, cho ông Truman, cho ông De Gaulle, cho ông Stalin, yêu cầu các nước nhìn nhận độc lập thì không ai trả lời. Bảo Đại cho là các nước không nhìn nhận Bảo Đại và lúc đó Bảo Đại cũng bị cái sự tuyên truyền nói là Việt Minh nó đi với Đồng Minh. Mà lúc đó ai cũng biết là OSS ủng hộ cho tụi nó. Thành ra mình, mọi người đều cho là bây giờ Đồng Minh thắng thì tụi này đi với Đồng Minh thì nó đứng ra nó lãnh đạo mình được dễ hơn. Có thể nói là, nó là cái mà sai lầm của hầu hết người Việt Nam trong lúc đó.

      NMH: Nhưng anh nghĩ là, như vậy, sự liên hệ của nó với OSS là một cái điểm thuận lợi cho nó, ưu điểm hẳn đấy.

      NNH: Tại sao bởi vì anh anh nhớ là cái bài, bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh bắt đầu bằng câu của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ mà.

      NMH: Vâng, đúng.

      NNH: Thì lúc đó là Hồ Chí Minh đã chấp nhận, đã đã cố tình làm như vậy, để mà lấy thế của Mỹ đó.

      Kính bạn. ANd have a great day.

      • Thank you Bison góp ý.
        Tôi không có ý tranh luận về đề tài lịch sử vì không có dữ kiện. Mọi chuyện không thể thay đổi hay đảo ngược mà nó đã đi vào lịch sử, và đúng hay sai, hãy để các nhà sử học nghiên cứu viết lại mai sau, nhưng có điều đáng buồn là các nhà đấu tranh làm chính trị lúc đó không hiểu gì về cộng sản, đặc biệt về con người Hồ Chí Minh đầy mưu mô và xảo trá. Hơn thế nữa, làm chính trị cứu nguy đất nước và dân tộc lại dựa vào ngoại bang nhưng lại thiếu hiểu biết về địa chính trị thế giới và lợi ích của ngoại bang, với chỉ một số người ít ỏi, không biết huy động vào sức mạnh toàn dân, nên mới không được sự ủng hộ mà thậm chí còn bị ngoại bang phản bội. Nếu so sánh thì rõ ràng người quốc gia có chính nghĩa, có chính quyền, có sức mạnh dân tộc, hoàn toàn có lợi thế hơn hẳn nhưng lại thua cộng sản về mặt chính trị và tuyên truyền.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên