Gánh nặng của Messi trước giờ lăn bóng

3
Messi. Photo Carl Recine / Reuters

Khi Lionel Messi ra sân trong trận chung kết World Cup ngày Chủ nhật với Pháp, anh mang theo ước vọng của 47 triệu người dân Argentina sau hơn 30 năm chờ đợi, kể từ lần cuối cùng họ giành được giải thưởng danh giá nhất của bóng đá, có cả tỷ người theo dõi.

Cả nước đang chờ chiếc cúp thứ 3. Lần đầu tiên khi Argentina giữ vai tổ chức vào năm 1978 và lần thứ nhì sau đó 8 năm, nhờ Maradona. Nếu lần này hụt thì không biết đến bao giờ, vì Messi sẽ về hưu và chưa thấy ai có thể thay thế.

Đối với Messi, chiến thắng trước đội Pháp vào Chủ nhật là cơ hội chót để đặt được bàn tay trên chiếc cúp đã lẩn tránh anh trong suốt cuộc đời đá banh.

Làm được chuyện đó, anh sẽ qua mặt Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha trong cuộc đua dài ngày giữa hai cầu thủ lừng danh thuộc cùng thế hệ.

Đối với người đồng hương, Messi cần phải bắt kịp Maradona, người  đã dẫn dắt đội tuyển quốc gia chiếm chức vô địch World Cup ở Mexico 1986.

Vào năm 2010, Argentina hy vọng rất nhiều khi hai tay kiếm Maradona (huấn luyện viên) và Messi (cầu thủ mũi nhọn của đội) hợp nhất ở World Cup Nam Phi, nhưng quả bóng bị xì ở vòng tứ kết khi Argentina thua Đức 0-4.

Năm 2014, Argentina lọt vào chung kết ở Brazil. Một lần nữa lại đối mặt với Đức. Một lần nữa Messi lại đứng về bên thua cuộc, bị đánh bại 1-0 trong hiệp phụ.

Giờ đây, ở tuổi 35, tuổi về hưu của bộ môn, Messi biết đây có lẽ là những cú sút cuối cùng của mình tại World Cup; lần này, anh phải cạnh tranh với tiền đạo Mbappé vẫn còn rất sung của Pháp.

Với cái tuổi này, Messi không còn là con ngựa bất kham, không thể tả xung hữu đột trong suốt 90 phút nữa; thay vào đó, nếu không dứt điểm được thì ít nhất anh cũng mớm được nhiều lần để các bạn làm bàn; có nghĩa là anh là người quyết định các trận đấu vào những thời điểm quan trọng. Lần này, anh không còn năng động như những năm còn trẻ, nhưng vẫn giữ ảnh hưởng lớn hơn hết so với những kỳ World Cup trước đây.

Cái phao của Argentina

Một đất nước đầy nợ nần, dự trữ ngoại hối cạn kiệt, đang trên bờ vực siêu lạm phát, các quan chức kinh tế tài chính gõ cửa Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhiều lần để thương lượng một gói cứu nguy.

Lạm phát dường như không giảm tốc và gần 40% dân số của đất nước đang sống dưới mức nghèo khổ. Theo tờ Economist, “lạm phát sẽ gần 100% trong năm nay và trên thị trường chợ đen, đồng peso có giá trị chưa bằng một phần tư giá trị của ba năm trước. Các cơ quan chính phủ Argentina sống lây lất từ tuần này sang tuần khác”.

Thế rồi World Cup đến hẹn lại lên. Giống như một cứu rỗi.

Trong tháng qua, người Argentina đã sống từng tuần, từng ngày, từng giờ với đội tuyển quốc gia yêu quý của họ đang có mặt ở Qatar. Câu chuyện hằng ngày của họ là Qatar chứ không còn thứ gì khác. Ước mơ vô địch vào Chủ nhật lại càng làm cả nước lên cơn sốt, dù họ sống cách xa tiểu quốc vùng Vịnh hàng ngàn cây số. Họ tràn ngập sân vận động với màu xanh trắng, họ ồn ào trên các đường phố Qatar, nhiều người đã xả láng số tiền dành dụm từ nhiều năm qua để bay sang Qatar ăn mừng với đội nhà một chuyến cho biết mùi đời.

Trước ngày World Cup khai mạc, José Abadi, một bác sĩ tâm thần ở Buenos Aires, nói rằng “World Cup là cơ hội để lấy lại khí thế cho một đất nước vô cùng chán nản và bao trùm bởi một cảm giác thất bại.” Theo ông, chiến thắng World Cup là cơ hội để thế giới nhắc đến Argentina như một cường quốc bóng đá, thay vì là một đất nước nợ như chúa chổm. Nghe quen quen.

Trở lại với Messi, huấn luyện viên Lionel Scaloni nói. “Có điều gì đó về anh ấy mà mọi người thích, không phải chỉ riêng người Argentina chúng tôi. Mỗi lần Messi ra sân, chúng tôi và các cầu thủ cảm thấy điều gì đó đặc biệt, chúng tôi cảm thấy may mắn và vinh dự khi được anh ấy mặc chiếc áo của chúng tôi.”

Liệu Messi có phải là cầu thủ số Một của mọi thời đại? Scaloni trả lời chắc nịch: “Tôi nghĩ không có gì để nghi ngờ cả.”

Một chị bạn ở Paris vừa cho biết: “Người Á Căn Đình đang chờ đến giờ để đưa Messi vào chùa ngồi chung với mấy tượng Phật.”

Messi (số 10) và các fan trong trận bán kết World Cup. (Ảnh Carl Recine/Reuters)

3 BÌNH LUẬN

  1. Thay vì viết bình luận, tôi xin copy lại nguyên văn bài viết FB của Đặng Chí Hùng ( ĐCH ) được Việt Nhân post lại ở Trang Thơ Nhạc…. 115 của Diễn Đàn Tự Do :

    Chung kết.
    Mình trung lập hoàn toàn với Pháp và Argentina. Kỳ WC trước khối người tin Croatia thắng Pháp, mình post trên fb trước trận đó: Pháp sẽ thắng…
    Kỳ này, mình tin Argentina sẽ thắng dù đội hình Argentina không đều bằng Pháp. Lý do:
    1. Giải Nam Mỹ đáng lẽ 4 năm một lần nhưng vì Messi sắp giải nghệ nên đổi qua 2 năm một…
    2. Các trận Argentina đều có sự giúp đỡ ở một số mặt trực tiếp và gián tiếp từ Fifa.
    3. Năm ngoái dù thi đấu dưới cơ Lewandowski và không danh hiệu lớn nhưng Messi vẫn có QBV. Mình luôn coi trọng tài năng Messi và coi thường 7 Vạ. Mình không phải fans hay ghét bỏ Messi. Nhưng ở khía cạnh nào đó Fifa thiên vị Messi là rõ ràng.
    4. Không tự nhiên mà có trận check var, có trận trong tài không thèm check luôn
    5. Không tự nhiên Jorginho đá hỏng 3 quả Pen giup cho Thụy Sĩ (quê của chủ tich Fifa) đứng đầu bảng và Ý sút 18 qủa để thua 1 qủa từ North Marcedonia phút cuối đâu. Bồ và Thụy sĩ không thể cản Argentina. Các bạn có thể không tin nhưng mình xem mafia bóng đá sắp đặt lâu rồi…
    6. Lịch sử chỉ có Ý 34,38 và Brazil 58,62 là 2 lần liên tiếp đoạt WC. Có lẽ Fifa không muốn nó tái hiện đâu.
    Pháp dù mạnh hơn Arg nhưng hơi khó vì yếu tố khách quan…
    ĐCH ”
    .

    Còn khoảng 2 giờ nữa, mới diễn ra trận chung kết WC, nên tôi cho đăng lại để Bạn đọc ” suy gẫm “. Riêng tôi, rất BỰC MÌNH vì ĐCH viết những điều sau đây :

    1- Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ, thì do Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ quyết định, có liên quan gì đến FIFA và trận chung kết WC 2022.

    2- FIFA giúp đở Trực tiếp và gián tiếp Argentina ( ĐCH không đưa ra bằng chứng )

    3- FIFA thiên vị Messi là RÕ RÀNG ( Cũng không đưa bằng chứng

    4_- FIFA KHÔNG muốn Pháp vô địch 2 lần liên tiếp ( Không đưa bằng chứng ).

    Nếu Bạn nào, trước đây theo dõi DLB, đều biết ĐCH nổi đình, nổi đám … và được phần đông còm sĩ tâng bốc lên tận mây xanh. Nếu tôi đọc trực tiếp FB của ĐCH, tôi không bao giờ post bài VÔ DUYÊN này lên ĐCV ( vì là trang cá nhân nên ĐCH có quyền viết theo ý của mình ).

    Nhưng khổ nổi Việt Nhân ( được nhiều còm sĩ tôn là GS, kiến thức cực kỳ uyên bác ) đọc và hiểu như thế nào, lại cho post lên Diễn Đàn Tự Do, không 1 ai phê bình, lại nhận được nhiều likes ( tức là KHEN, đồng ý ).

    Nếu Bạn đọc đã xem trận bán kết Argentina- Croatien, các bạn thấy cầu thủ Argentina đá rất hay ( nhất là Messi và tiền đạo mang áo số 9- Martinez- nếu tôi nhớ không lầm ) Argentina thắng 3 bàn tuyệt đẹp và các bạn sẽ thấy bài viết của ĐCH là không thuyết phục ( vì nói bừa, không đưa ra bằng chứng ) và RẤT TẦM BẬY.

    LCL

    • Khi xem trận chung kết, tôi biết bị nhầm. Tiền đạo mang áo số 9 của Argentina là J. Alvarez chứ không phải là Martinez.

      Một trận chung kết rất hay, hồi hộp đến phút cuối. Tôi tin, sau khi xem trận này, ĐCH sẽ NGƯỢNG, vì đã viết rất TẦM BẬY trước trận đấu và Việt Nhân nên xem lại chức ” GS ” của mình ( có giống Bùi Hiền, Đoàn thị Hương…. hay không ? )

      LCL.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên