Đại dịch giúp các tỷ phú Mỹ giàu thêm

0

Tài sản của 9 người giàu nhất nước Mỹ đã tăng hơn 360 tỷ đô la trong năm qua, tất cả đều là những ông trùm công nghệ big tech, thể hiện sức mạnh của ngành này trong nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tài sản của Elon Musk, ông chủ Tesla đã tăng gấp bốn lần và đọ sức với Jeff Bezos của Amazon để giành danh hiệu người giàu nhất thế giới. Mark Zuckerberg của Facebook đã đạt 100 tỷ USD. Hai nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin đã bỏ thêm vào túi tổng cộng 65 tỷ USD.

Gần như tất cả sự tích lũy tài sản này đều gắn liền với giá cổ phiếu trong các công ty mà những người này đồng sáng lập hoặc lãnh đạo, trong đó họ vẫn là những cổ đông quan trọng.

Amazon được hưởng lợi nhờ người tiêu dùng mua sắm tại nhà, trong khi nhiều cửa hàng kiểu truyền thống ngoài đời thường phải loay hoay để tồn tại. Google, Facebook và Microsoft giúp tăng cường một kiểu xã hội hội mới, trong đó có nhiều người làm việc và học tập tại nhà.

Lợi nhuận gia tăng đáng kinh ngạc của các tỷ phú trái ngược với sự xuống dốc kinh tế của nhiều triệu người Mỹ, họ bị thất nghiệp hoặc bị chủ nợ đòi lại căn nhà trả góp, làm nổi cộm vấn đề bất bình đẳng và phân phối của cải. Khoảng cách được nới rộng giữa người nghèo và người giàu và giữa những người không cùng sắc tộc, màu da…

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders trả lời báo Washington Post: “Theo tôi, chúng ta không thể nào chấp nhận chuyện những tỷ phú như Jeff Bezos, Mark Zuckerberg và Elon Musk giàu thêm một cách kỳ quái vào thời điểm cả nước đứng trước một nền kinh tế đau đớn và thê thảm chưa từng có.” Tháng Tư 2020, nước Mỹ có 20 triệu rưỡi người thất nghiệp, tỷ lệ 14,7 phần trăm, cao nhất tính từ cuộc Đại Khủng Hoảng kinh tế thập niên 1930.

Mặc dù đã giàu thêm trong thời gian đại dịch, nhiều tỷ phú chẳng giúp gì để giảm bớt tác hại của đại dịch. Facebook và nhiều MXH khác trở thành nơi phổ biến tin giả về Covid-19 và vắc-xin, phá hoại nỗ lực khống chế virus. Nhà máy chế tạo xe hơi của Tesla tiếp tục mở cửa, coi thường lệnh đóng cửa của chính quyền California, khi tiểu bang có tỷ lệ lây nhiễm cao. Gần 20.000 nhân viên của Amazon trên khắp nước Mỹ xét nghiệm dương tính với Covid-19, nhưng bù lại, công ty này đã tuyển thêm nửa triệu nhân viên đóng gói, giao nhận hàng, bảo vệ nhà kho… trong năm 2020.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói rằng không còn nghi ngờ gì nữa, các đại công ty này đang kiểm soát tình hình kinh tế nước Mỹ, và chẳng mấy chốc, họ sẽ kiểm soát luôn tình hình chính trị, đe dọa các định chế dân chủ của Mỹ. Phải chăng đã đến lúc có biện pháp như tăng thuế đám tỷ phú này hoặc tách tập đoàn của họ thành những công ty nhỏ?

Nói đi thì phải nói lại. Trong lúc chính phủ của Tổng thống Trump loay hoay, xem thường tác hại của Covid-19 lúc đầu; các big tech đã có phản ứng nhanh chóng để thích ứng trước tình hình.

Facebook, Google và Microsoft đã tung ra các sáng kiến công nghệ để giúp công chúng và đi đầu trong việc cho phép nhân viên của họ làm việc tại nhà, trong lúc chính quyền liên bang và tiểu bang phải chờ một thời gian mới cho nhân viên làm như vậy. Chỉ trong vòng thời gian ngăn, các công cụ như hội nghị truyền hình, lớp học trực tuyến, các ứng dụng giao thức ăn, dịch vụ phát trực tuyến và mạng xã hội trở nên cần thiết để làm việc, học tập và giao lưu xã hội một cách an toàn.

Thậm chí, những người hoài nghi nhất cũng nghĩ rằng các công cụ này sẽ tồn tại lâu dài trong xã hội Mỹ, nơi có nhiều người yêu và nhiều người ghét cái cảnh phải ngồi nhiều giờ trước màn hinh.

(Theo Washington Post)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên