Bước thụt lùi của nhà nước trong việc dựa vào dân để đấu tranh với Tầu cộng

0
Bức hình năm 2014, mít tinh chống TQ trong hội trường

Rất nhiều bạn bè của tui trong đó có nhiều facebooker nổi tiếng đã đăng lại tấm ảnh về cuộc mít tinh trong hội trường chống Trung Quốc vào năm 2014 với những lời bình tiêu cực và thiếu thiện cảm.

Đó là tấm ảnh chụp các đoàn thể và nhân sĩ trí thức được phép biểu tình tại hội trường nhà văn hóa Thanh Niên TP HCM vào ngày 10/5/ 2014 (mà cũng có thể là tấm hình chụp tại bất cứ hội trường nào đó trên toàn quốc) sau việc Tàu cộng hạ dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế VN cách đảo Lý Sơn 120 hải lý vào ngày 2/5/2014. Hôm đó tui có mặt trong cuộc mít tinh nầy để quan sát.

Đó là lần đầu tiên kể từ sau hội nghị Thành Đô 1990, nhà cầm quyền cộng sản VN công khai cho phép các đoàn thể quần chúng của đảng đứng ra mít tinh phản đối Tàu cộng và ngấm ngầm bật đèn xanh cho quần chúng nhân dân xuống đường biểu tình. Tui đánh giá đây là bước tiến rất lớn của nhà cầm quyền khi biết dựa vào nhân dân để gây áp lực đấu tranh với Tàu cộng.

Tuy nhiên trong nội bộ đảng vẫn có thế lực bảo thủ không đồng tình với cách làm này, và vì thế những sự việc tiếp diễn về sau rất phức tạp. Thể hiện qua việc, chỗ này khuyến khích biểu tình chỗ khác ngăn chặn và đưa người vào khiêu khích quấy phá.
Tui trải qua những ngày sôi động của các sự kiện đó từ đầu đến cuối nên còn nhớ như in, và nay đủ độ lùi để tỉnh táo nhìn nhận lại sự việc.

Sau cuộc mít tinh ngày 10/5 đó thì qua sáng ngày hôm sau, chủ nhật ngày 11/5, nổ ra hàng loạt cuôc biểu tình tự phát của người dân ở khắp mọi miền đất nước, lớn nhất là tại Sài Gòn, theo lời kêu gọi trước đó của nhiều tổ chức XHDS.

Tại Sài Gòn sáng ngày 11/5, cuộc mít tinh do nhóm nhân sĩ trí thức đại diện là giáo sư Tương Lai đứng ra kêu gọi và tổ chức tại nhà hát lớn thành phố đã bị phá hoại do hầu hết những người chủ chốt bị ngăn chặn ở nhà (tui phải dạt vòm trước một ngày mới đến được chỗ biểu tình), và một nhóm an ninh khác đã cướp diễn đàn ngay tại nhà hát.

Do cuộc mít tinh bị phá, nên nhóm quần chúng tự phát tập trung tại đó đã biến thành cuôc biểu tình tuần hành. Gần 10 ngàn người đã tham gia vào cuộc biểu tình, kéo dài từ sáng đến chiều và không hề bị công an ngăn chặn, thậm chí qua ngày hôm sau hàng loạt báo đảng đưa tin lên trang nhất với nhiều hình ảnh hoành tráng.

Nhiều nơi khác trên cả nước cũng diễn ra biểu tình ôn hòa chống dàn khoan 981 vào sáng 11/5. Đà Nẵng vào ngày đó, lần đầu tiên nổ ra biểu tình, do một nhóm bạn của tui tổ chức (Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, nhà báo Lê Hải, nhà văn Trung Tran Ky…). Sau đó, theo lời kể của nhà báo Lê Hải, nhóm nhà hoạt động nầy còn được ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng mời vào uống trà.

Áp lực tranh chấp ngoài khơi càng lên cao, khí thế người dân trong bờ cũng trào dâng. Khắp nơi, các tổ chức XHDS lên tiếng kêu gọi và chuẩn bị cho một cuộc biểu tình quy mô lớn tại các thành phố lớn trên toàn quốc vào chủ nhật tiếp theo. ngày 18/5.

Tuy nhiên vào ngay ngày hôm sau, 12/5, bất ngờ nổ ra cuôc biểu tình của hàng vạn công nhân tại các khu công nghiệp Bình Dương, sau đó kéo dài qua các ngày 13,14 và lan rộng ra các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bà Rịa, Bình Chánh, Long An và Tây Ninh.

Như chúng ta đã biết các cuộc biểu tình trong ba ngày đó đã bị dẫn dắt qua bạo động, hàng trăm nhà máy của Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và kể cả Nhật Bản bị tấn công và đốt phá, ban lãnh đạo và chuyên gia Trung Quốc bị hành hung, gần cả ngàn người phải trốn về Sài Gòn hoặc lánh qua Kampuchia.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã có mặt tại Bình Dương vào các ngày đó đã có những bài ghi nhận rất chuẩn xác về diễn biến tình hình tại đó.

Tui trong nhóm với các anh Huỳnh KIm Báu, Hạ Đình Nguyên, Kha Lương Ngãi và nhà báo trẻ Bảo Ân Phạm có mặt tại Bình Dương vào sáng ngày 13 và sau đó qua các khu công nghiệp ở Biên Hòa để quan sát. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều nhóm người quá khích trèo cổng tràn vào tấn công một số nhà máy của Trung quốc và một nhà máy của Nhật, mặc dù nhà máy nầy treo bảng “Chúng tôi là Nhật Bản ủng hộ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”…

Tui đã phỏng vấn một số công nhân ở Bình Dương vào ngày đó, thì được biết, vào sáng ngày 12/5 có một nhóm người lạ mặt vào tận nhà máy kêu gọi công nhân nghỉ việc, đi biểu tình. Các công nhân nầy còn cho biết chính những người nầy đã tấn công và đốt phá các nhà máy chứ không phải công nhân. Đặc biệt trong lúc bạo động xảy ra, có mặt các lực lượng công an nhưng họ không hề can thiệp. Qua đến ngày 15, 16 công an mới trấn áp và chấm dứt bạo động.

Tiếp theo đó qua ngày 14/5 lại nổ ra cuộc biểu tình bạo động ở khu kinh tế Vũng Áng nơi đặt nhà máy Formosa với hàng ngàn công nhân Trung quốc làm việc. Xô xát đã diễn ra làm nhiều người Trung Quốc lẫn VN bị chết và bị thương. Tàu cộng phải đưa tàu qua chở công nhân của họ về.

Vì những lý do bạo động đó, cuộc biểu tình quy mô lớn vào ngày 18/5 do các tổ chức XHDS kêu gọi và tổ chức đã không diễn ra thành công.

Tại Sài Gòn, tui có mặt trong nhóm đông anh em tụ tập tại khu vực nhà văn hóa Thanh Niên vào sáng 18/5. Tại đây, tui đã gặp kỹ sư cựu chiến binh Trần Bang, nhà hoạt động Trần Thu Nguyệt, Quang Tuyen Dinh và đặc biệt Nguyễn Thúy Hạnh từ Hà Nội bay vào, nhiều người bị bắt nguội, trong đó có tui bị khống chế đưa về tận nhà. Tuy nhiên ngay sau đó cuộc biểu tình vẫn nổ ra có sự tham gia của các nhà hoạt động tui vừa kể cùng với một nhóm người trong đó có nhiều thanh niên và sinh viên trẻ. Sau 5 phút, cuộc biểu tình bị đàn áp tàn khốc, rất nhiều người bị đánh và bị bắt đi.

Từ đó, các cuộc biểu tình chống Tàu cộng thưa dần và mất hẳn cho đến tận ngày hôm nay.

Thời đó, tình hình ngoại giao giữa VN và Tàu cộng rất căng thẳng. Tui nhớ ông Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo VN duy nhất lên tiếng phản đối hành động xâm phạm chủ quyền VN của Tàu cộng. Ngày 11 tháng 5 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, ông Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Có lẽ câu nói nổi tiếng “không đánh đổi chủ quyền để lấy tình hữu nghị viễn vông” của ông Dũng cũng phát ra với báo chí vào dịp sau đó.
So với việc các lãnh đạo lúc này im thin thít, thậm chí còn bay qua chầu và vuốt ve Tập Cận Bình, tui rất trân trọng những phát ngôn của ông Dũng vào thời điềm đó.

Nhớ không lầm, cũng thời điểm đó ông Dũng lên tiếng về việc quốc hội phải thông qua luật biểu tình.
Tuy nhiên luật biểu tình đến mãi tận bây giờ vẫn chưa ra đời.

Rồi sau đó, trong đại hội 12, ông Dũng phải giải trình về nhiều nội dung tố cáo, trong đó có nội dung kích động biểu tình đưa đến bạo loạn. Thế lực nào đưa xã hội đen vào kích động bạo lực để tạo cớ đàn áp dẹp bỏ biểu tình ôn hòa là một bí mật, nhưng không phải không dễ đoán ra.

Tui phải kể lại khá dài dòng, để thấy rằng tấm ảnh chụp vào năm 2014 mà mọi người đưa lên để phê phán lại là tấm ảnh ghi dấu một bước thay đổi khá ngoạn mục của nhà cầm quyền về việc dựa vào quần chúng nhân dân để gây áp lực đấu tranh với Tàu cộng.
Nhờ vào đó mà có cuộc biểu tình ôn hòa quy mô lớn nổ ra vào ngày 11/5/2014 ở nhiều nơi, và nhờ vào đó hàng loạt khuôn mặt trẻ dấn thân xuất hiện, hàng vạn người dân giác ngộ về nguy cơ xâm lược của Tàu cộng để bước qua nỗi sợ, phong trào XHSD lan rộng, là tiền đề quan trọng để nổ ra các cuôc biểu tình cây xanh, biểu tình chống Formosa, biểu tình chống luật đặc khu vang dội sau nầy.

Tình hình diễn biến ở bãi Tư Chính hiện nay lặp lại như hồi dàn khoan 981. Nhưng liệu nhà nước toàn quyền dưới tay ông Nguyễn Phú Trọng có dám dựa vào nhân dân như trước đây hay không?

Huỳnh Ngọc Chênh (Facebook)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên