Bình đẳng giới tính trong sự phát triển xã hội tốt đẹp và bền vững

0

Thực tế cho thấy những quốc gia ngày một phát triển và xã hội càng văn minh (tức có đời sống kinh tế, văn hóa và kỹ thuật cao), thì càng tôn trọng sự bình đẳng giữa mọi thành phần xã hội: nam/nữ/chuyển giới, già/trẻ, khác chủng tộc/ngôn ngữ/địa dư/văn hóa/giai cấp xã hội/tôn giáo, khác khuynh hướng tình dục/chính trị, bình thường/khuyết tật, cao/thấp/béo/gầy …

Bình đẳng nghĩa là:

Được tôn trọng trên căn bản nhân vị, có nhân phẩm, không bị phân biệt đối xử vì những yếu tố đã nêu bên trên.

Được hưởng cùng cơ hội để thăng tiến/phát triển theo khả năng và ý thích, cơ hội tìm hạnh phúc cho mình và thực hiện những ước mơ riêng mà không tác hại đến người khác trong khuôn khổ của luật pháp (do chính người dân thiết lập theo nguyên tắc dân chủ để bảo vệ và phục vụ người dân).

Bình đẳng trong cơ hội được hưởng những thành quả chung trong xã hội (thí dụ không khí trong lành, mạch nước sạch …), hưởng những thành quả riêng do cá nhân đạt được một cách công bình, và được tự do đóng góp tích cực cho xã hội …

Nhân Ngày Phụ Nữ Quốc Tế – mồng 8 tháng 3, bài viết này muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bình đẳng giới tính trong phát triển, nhưng sẽ khai triển các yếu tố bình đẳng khác trong các bài tới.

So sánh các quốc gia trên thế giới thì thấy quốc gia nào càng tôn trọng sự bình đẳng giới tính, càng có điểm hạnh phúc cao và càng thành công về sự phát triển toàn diện. Dữ kiện cũng cho thấy, công ty nào càng tôn trọng bình đẳng giới tính thì dễ thu hút nhân tài, nhân viên làm việc hiệu quả hơn và công ty thành công hơn.

I-TẦM QUAN TRỌNG CỦA BÌNH ĐẲNG GIỚI TÍNH

Yếu tố bình đẳng giới tính đóng góp như thế nào cho sự phát triển quốc gia một cách tốt đẹp và bền vững?

Các ảnh hưởng tích cực mà bình đẳng giới tính đem đến cho xã hội bao gồm:

a/Giúp giảm thiểu và loại trừ tệ đoan xã hội

Tư duy sai lầm và lạc hậu “trong nam khinh nữ”, cùng những chính sách và hành xử kỳ thị nữ giới đã là nguyên ủy của rất nhiều những tệ đoan trong xã hội như: bạo hành trong gia đình, cưỡng bách và buôn bán tình dục đối với phụ nữ và con trẻ, tệ nạn mại dâm khi người phụ nữ không có cơ hội thăng tiến và phải bán mình nuôi thân.

Song song là hiện tượng chơi gái và “5 thê 7 thiếp” của nam giới được dung túng trong xã hội cũng khiến nhiều gia đình đổ vỡ và các bệnh tình dục (giang mai, lây nhiễm HIV, AIDS…) gia tăng. Ngày nay hiện tượng xách nhiễu tình dục nơi làm việc và ngay cả nơi công cộng, hiện tượng phá thai nhất là trong nữ giới trẻ, bị lừa đảo hay lạm dụng trong xuất cảng lao động và lấy chồng người nước ngoài cũng trở thành một vấn nạn lớn của xã hội.

Ngoài ra, khi người phụ nữ bị phân biệt đối xử, sự phẫn uất của họ có thể đưa đến những hành xử và quan niệm sai lầm như gia tăng hút thuốc, uống rượu, lăng nhăng trai gái … để chứng tỏ mình cũng “bình đẳng” với nam giới. Đây là sự bình đẳng trong hủy diệt.

b/Giúp khai mở tiềm năng đóng góp của phụ nữ

Nữ giới chiếm ít nhất 50% dân số trong mọi quốc gia. Khả năng của nữ giới trong mọi lãnh vực đã được chứng minh khắp thế giới là không khác gì nam giới khi họ được cơ hội học hỏi và thăng tiến. Phụ nữ ảnh hưởng lên con cái rất nhiều, do đó một người mẹ có kiến thức và khả năng kinh tế sẽ giúp cho sự phát triển của con em và thế hệ tương lai của đất nước.

Những bất công như ưu tiên đi học dành cho các bé trai trong những gia đình nghèo, giới hạn việc huấn luyện nữ giới trong các ngành nghề … càng khiến cho cán cân nam-nữ trong mọi lãnh vực chênh lệch một cách bất công, nguy hiểm, và bất lợi cho toàn xã hội. Ngược lại, khi nữ giới được phát triển và tham gia bình đẳng như nam giới trong mọi lãnh vực, họ có thể đóng góp những ý kiến và chính sách rất cụ thể cho xã hội cũng như mang tính hỗ tương cho các đóng góp của nam giới.

c/Giúp gia tăng sự phát triển hài hòa của xã hội

Do Nam-Nữ là hai thành phần chủ lực của xã hội và gia đình, sự thông cảm và tương kính giữa hai thành phần chủ lực này rất quan trọng trong việc phát triển hài hòa và bền vững của xã hội. Ngay cả sự khác biệt giữa Nam và Nữ cũng mang tính hỗ tương cần thiết trong tinh thần phục vụ chung cho toàn xã hội.

Gia đình hạnh phúc và phát triển hài hòa khi có sự tương kính giữa vợ chồng; con cái được đối xử bình đẳng – không trọng nam, khinh nữ. Công ty gia tăng năng xuất khi mọi người cảm thấy được tôn trọng và đối xử công bằng. Xã hội thăng tiến khi mọi nhân tố được cơ hội phát triển, phát huy tiềm năng của mình, được tự do sinh hoạt, đóng góp và làm việc bình đẳng như nhau (hưởng cùng mức lương cho cùng loại công việc).

II-ĐỂ GIA TĂNG BÌNH ĐẲNG GIỚI TÍNH

Trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới tính, cần có sự tham gia tích cực của cả nam lẫn nữ, cả chính phủ lẫn người dân, cả gia đình và xã hội, cả công sở lẫn các doanh vụ tư nhân.

a/Thay đổi tư duy qua giáo dục

Giáo dục đại chúng có thể thực hiện qua các cơ quan truyền thông, các văn phòng xã hội, môi trường học đường ngay từ lớp mẫu giáo … để giúp xóa đi những thành kiến sai lầm như: đàn ông là chủ gia đình và lãnh đạo xã hội; nam giỏi toán và khoa học hơn nữ; vị trí chính của người phụ nữ là tề gia nội trợ, sanh con và phụ giúp chồng; đàn bà nắm quyền lực là tan nát gia đình và xã hội; đàn ông mà thua vợ (về mức lương, vị trí xã hội, bằng cấp …) là quê, là nhục; v…v…

Các tổ chức xã hội do người dân thành lập và các tổ chức tôn giáo cũng là những môi trường quan trọng để quảng bá những nhận thức đúng đắn về giá trị và vai trò của nữ giới trong xã hội. Có những tôn giáo đã đưa ra những ảnh hưởng tiêu cực về vị trí của người phụ nữ như: chỉ là phụ hoặc đứng sau nam giới, không được quyền làm một số việc hay phụ trách một số vai trò dành cho đàn ông …

b/ Luật lệ và chính sách thích hợp để gia tăng bình đẳng giới tính

Ngay trong giai đoạn đầu, cần có những chính sách nâng cấp phụ nữ để giúp họ mau chóng thăng tiến, bắt kịp với nam giới và quân bình lại sự chênh lệch trong xã hội. Thí dụ những chính sách nâng đỡ về giáo dục, chăm sóc y tế, tiếp cận công việc, đào tạo và mức lương bình đẳng, giúp đỡ cho những bà mẹ đơn thân, bảo vệ người phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, các chính sách bảo vệ phụ nữ từ những tệ nạn như buôn bán tình dục/lao động, xách nhiễu tình dục hay hiếp dâm, ấu dâm …

Cần có luật lệ để buộc các công ty, doanh vụ phải đối xử bình đẳng nam-nữ trong chính sách nhận nhân viên, đào tạo người và mức lương. Luật nghỉ phép khi sanh con cho phụ nữ cần được đặt ra trên tiêu chuẩn vừa nhân bản, vừa thực tiễn vì bảo vệ con trẻ và đơn vị căn bản của xã hội là gia đình. Quy chế này cũng áp dụng bình đẳng cho nhân viên nam khi có con và cần nghỉ phép.

III-KẾT LUẬN

Bình đẳng giới tính là điều cần thiết để một quốc gia có thể phát triển nhanh chóng vì khai dụng được cả hai nguồn nhân lực Nam, Nữ, và tạo được sự phát triển lâu bền do đem đến hạnh phúc cho mọi người dân.

Việc thay đổi các quan niệm và hành xử lỗi thời thường không dễ dàng và nhanh chóng. Các trì lực đến từ thói quen lâu đời, nhưng cũng do một suy nghĩ sai lầm khác, đó là: “khi nâng cấp quyền lợi/quyền lực của nữ giới là nam giới sẽ tự động bị thua thiệt.”

Lối suy nghĩ lạc hậu này của nhiều thập kỷ trước được gọi là “tổng bằng không (zero sum mentality),” nghĩa là “có người thắng thì sẽ có kẻ thua.” Đời sống ngày nay đã cho thấy là khi chúng ta cùng cộng tác làm việc, nâng đỡ và tôn trọng lẫn nhau sẽ đạt được cơ hội “cùng thắng (win-win),” có lợi cho cả đôi bên.

Thái độ “tương tranh” cần thay thế bằng thái độ văn minh, nhân bản là “tương trợ và tương kính.” Điều này sẽ giúp cho mọi người, mọi giới được bảo đảm một cuộc sống thăng hoa và ý nghĩa.

Với sự quyết tâm của toàn xã hội – cả nam lẫn nữ, chúng ta mới có thể xóa đi những thành kiến lỗi thời đã kìm kẹp và gây đau khổ không ít cho những người vợ, người mẹ, người chị đã có công đóng góp lớn lao cho gia đình và xã hội.

Thiết lập Bình Đẳng Giới Tính không chỉ là một nghĩa vụ nhân bản mà còn là một việc làm thực tiễn để giúp xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội văn minh, tiến bộ, an lành và hạnh phúc.

Trần Diệu Chân (gửi đăng)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên