Bản án đầu tiên cho tội phạm trong chiến tranh Syria

1
Ảnh The Independent

Tòa án Đức đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt, phạt một cựu sĩ quan tình báo Syria 4 năm rưỡi tù giam vì đã từng tiếp tay cho tội ác chống lại loài người thông qua tra tấn và tước đoạt tự do con người.

Phiên tòa xử Eyad al-Gharib, 44 tuổi, bắt đầu vào năm ngoái, cùng với một sĩ quan tình báo cấp cao hơn, Anwar Raslan, 57 tuổi, người đứng đầu một đơn vị điều tra của Tổng cục Tình báo Syria. Cả hai đều đã xin tị nạn ở Đức.

Một tòa án ở thị trấn Koblenz của Đức hôm thứ Tư tuyên bố Gharib phạm tội giam giữ ít nhất 30 nhà hoạt động đối lập Syria sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu vào năm 2011. Tòa án nói rằng Gharib đã chuyển những người biểu tình đến một trung tâm tình báo, nơi anh ta biết họ sẽ bị tra tấn. Raslan, bị cáo còn lại, vẫn đang chờ ra tòa.

Bản án mang tính lịch sử: phiên tòa đầu tiên trên thế giới về tra tấn được nhà nước bảo trợ dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad của Syria. Kể từ khi phiên tòa bắt đầu vào tháng 4, tòa đã nghe các lời khai từ các nạn nhân bị tra tấn và nhân chứng, trong đó có một lính gác của trại giam al-Khatib, còn được gọi là Trại 251. Hơn một chục người Syria gồm cả nam lẫn nữ đã đứng ra làm chứng.

Mặc dù Gharib có thể là một sĩ quan cấp thấp, nhưng phiên tòa làm lộ rõ cách bộ máy nhà nước Syria sử dụng tra tấn và tội ác chiến tranh để đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình đông người.

Tòa án cho biết họ phát hiện chính phủ Syria đã thực hiện “một cuộc tấn công quy mô và có hệ thống vào dân thường” kể từ ít ra là tháng 4 năm 2011, khi các cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn của Mùa xuân Ả Rập lan sang Syria.

“Hành vi ngược đãi tàn bạo về thể chất và tâm lý đã được sử dụng để buộc người ta phải thú tội, thu thập thông tin về phong trào đối lập và ngăn chặn các tù nhân có thêm các hành vi phản đối chính phủ“, theo một tuyên bố của tòa sau bản án.

Tại Trại 251, bản tuyên bố cho biết, đã xảy ra các vụ tra tấn bằng cách sử dụng điện giật, đánh đập và khủng bố tâm lý nghiêm trọng để buộc người khác phải thú tội. Các tù nhân không đủ thức ăn, không được chăm sóc y tế đúng mức, và bị giam giữ trong những điều kiện vô nhân đạo.

Gharib bị kết tội vây bắt người biểu tình sau khi có biểu tình ở thành phố Douma của Syria và đi cùng xe với người bị bắt đến Trại 251, và biết trước ở đó sẽ có ngược đãi.

Steve Kostas, nhân viên của Tổ chức Công lý Xã hội Cởi mở, đại diện cho các nạn nhân người Syria ra làm chứng tại phiên tòa, cho biết: “Phán quyết này chống lại một cá nhân duy nhất và anh ta được coi là một thủ phạm loại tép riêu. Nhưng các bằng chứng cho thấy tội ác chống lại loài người này có sự can dự của toàn bộ cơ quan tình báo chính phủ Syria ở cấp cao nhất.”

Trong phần biện hộ, luật sư của Gharib xin tòa khoan hồng vì Gharib đã làm chứng chống lại Raslan, thượng cấp của anh ta đang chờ xử. Ngoài ra anh ta đã tỏ ra hối hận bằng cách đào thoát khỏi Syria và có viết thư xin lỗi các nạn nhân sau khi được tỵ nạn ở Đức.

Luật sư còn nói rằng Gharib chỉ làm theo lệnh và đã thành thật khai báo tất cả những gì đã làm trong đơn xin tỵ nạn. Gharib đã bật khóc trong lúc luật sư hùng hồn biện hộ và cho tòa biết không có gì để nói thêm.

Mặc dù một số người chỉ trích bản án này tương đối nhẹ, chỉ có bốn năm rưỡi, nhưng quyết định này vẫn mang đến cho các nạn nhân Syria một hy vọng mới: Đôi khi, công lý sẽ thắng.

Wafa Mustafa, một nhà hoạt động Syria có trụ sở tại Berlin đang tham gia chiến dịch đòi trả tự do cho những người bị giam giữ ở Syria, cho biết: “Tôi tin rằng đây chỉ là một bước trên con đường dài và vất vả để đòi công lý cho đất nước và người dân Syria. Hy vọng quan trọng nhất và cũng là thông điệp quan trọng nhất của tôi là cả thế giới hãy nhìn vào vụ này . . . để làm nhiều hơn nữa, thay vì chỉ nói. Đây là cơ hội để cứu tất cả những người bị giam giữ trong lúc chúng ta còn cứu kịp”.

Mặc dù các quốc gia chỉ có thể xử các tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của mình, nhưng tòa án Đức sử dụng nguyên tắc quyền tài phán phổ quát, được quy định trong luật pháp Đức, cho phép xử những người bị buộc phạm các hành vi nghiêm trọng như diệt chủng hoặc tội ác chiến tranh ở nước ngoài.

Nguyên tắc này cũng cho phép Thụy Điển vào năm 2017 kết án một cựu binh sĩ Syria về tội ác chiến tranh, anh này đã chụp ảnh cạnh một xác người, có đôi giày nhà binh của anh đặt trên xác người chết.

Balkees Jarrah, nhân viên của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói rằng, “vụ án tại Đức không chỉ nói lên vai trò của hai nghi phạm mà còn cho thấy sự tra tấn có hệ thống và giết hại hàng chục nghìn người của chính phủ Syria.”

Vụ xử ông Raslan, bị cáo còn lại, dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là vào mùa thu năm nay. Ông ta bị cáo buộc về những tội ác diễn ra trước khi đào tẩu vào năm 2012. Hai năm sau đó, Raslan bị Anwar al-Bunni, một luật sư nhân quyền nổi tiếng của Syria, nhận ra trong trại tỵ nạn. Luật sư Anwar al-Bunni đã bị Raslan bắt vào năm 2006 và bị tù 5 năm.

Theo Washington Post

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên