30 tháng Tư sắp đến với người Hong Kong

0
Biểu tình liên tiếp ở hongkong. Ảnh Bloomberg

Trong những năm cuối 1960 và đầu 1970, nhiều người Hoa ở lục địa bỏ chạy sang Hong Kong sau khi Mao Trạch Đông phát đông cuộc Cách mạng Văn hóa. Năm nay, những người đó và gia đình lại chuẩn bị khăn gói đi khỏi Hong Kong.

Năm 1954, nhiều người miền Bắc Việt Nam di cư xuống miền Nam để tránh nạn Cộng sản. Năm 1975, họ lại hốt hoảng bung ra tứ phương sau khi được Cộng sản “giải phóng”.

Năm 1997, khi Vương quốc Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc theo đúng điều ước quốc tế, Bắc Kinh có hứa sẽ để cho Hong Kong được tự quản theo mô hình “một quốc gia, hai thể chế” cho đến năm 2047. Năm nay, lời hứa đó đã được “gửi gió cho mây ngàn bay” bằng dự luật siết chặt an ninh.

Năm 1973, Hiệp định Paris muốn các phe phái tranh chấp tại Việt Nam giải quyết chuyện thống nhất bằng các biện pháp hòa bình, cụ thể là bầu cử tự do có quốc tế giám sát. Hai năm sau, phe miền Bắc thể hiện chuyện này bằng cách tiến về Sài Gòn, “người đi như trong đêm mơ”, đúng là giấc mơ vì không thể nào trở thành hiện thực nếu Mỹ còn chi viện cho miền Nam, như đã thấy trong Mậu Thân hoặc Mùa Hè Đỏ Lửa, vì thế mới có “vui sao nước mắt lại trào”, mừng muốn khóc.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi những người miền Nam bỏ chạy ra nước ngoài là bọn phản quốc, tay sai đế quốc và có nợ máu với nhân dân. Các thủ tướng kế tiếp gọi thành phần này là khúc ruột ngàn dặm, mỗi năm gửi về cả chục tỷ đô la.

Năm nay, bà Carrie Lam, lãnh đạo Hong Kong có Bắc Kinh chống lưng, cũng gọi những kẻ chống đối dự luật an ninh là những kẻ phản quốc. Khi thành phần bỏ chạy này gửi kiều hối về, không biết những người kế vị bà Lam tính sao?

Luật an ninh mới sẽ cho phép công an từ lục đại đến hoạt động tại Hong Kong, mở màn cho những đợt truy quét và hù dọa các “thế lực phản động”. Không ai biết mình sẽ được mời lên làm việc ở đồn công an lúc nào, sẽ bị khép vào tội gì.

Nhiều người Hong Kong có song tịch. Thăm dò cho biết, trong giới có nghề chuyên môn, cứ 10 người thì hết 9 người muốn ra đi.

Anh Lương, một người Hong Kong 36 tuổi cũng đang tính ra đi. Anh cho biết, khi cha anh chịu không thấu với Cách mạng Văn hóa, tìm cách đưa gia đình chạy sang Hong Kong vào năm 1973 thì anh vẫn chưa chào đời. Nhưng anh cũng không ngờ có ngày anh cũng phải nối gót người cha, qua đời cách nay 17 năm.

Anh Lương lo ngại rồi đây con cái anh sẽ được học lịch sử bị bóp méo, nội dung được chỉnh sửa theo ý đảng.

Trước tình hình các quyền tự do căn bản sẽ xuống cấp, giới luật sư, bác sĩ, y tá, doanh nhân, lao động có tay nghề đang xếp hàng để xin giấy tờ di tản sang Anh, Úc, Canada, hoặc Đài Loan. Cũng có người nộp đơn đi Đức, Hà Lan và Hoa Kỳ.

Hội Bảo vệ Động vật cho biết số người đến gửi hội giúp nuôi chó ngày càng đông, vì chủ chó sắp ra đi.

Trước mắt, Thủ tướng Boris Johnson hứa sẽ xét cấp đến 3 triệu quốc tịch Anh cho người Hong Kong.

Nhưng lãnh tụ tranh đấu Joshua Wong và hàng triệu người đi biểu tình theo lời kêu gọi của anh đâu muốn di tản. Họ chỉ muốn nước Anh, và cộng đồng quốc tế, giúp họ cách này cách khác để Bắc Kinh giữ lời hứa để yên cho Hong Kong ít ra cho tới 2047.

Nhiều người Hong Kong hối tiếc thời kỳ vùng đất này còn trong vòng tay quản lý của người Anh, cũng giống như nhiều người Việt Nam cho rằng thực dân Pháp khi xưa tốt hơn đảng Cộng sản ngày nay.

Nhưng Vương quốc Anh, trước Covid-19 và Brexit, phản ứng một cách uể oải, dù họ đã cam kết với Bắc Kinh khi trao trả.

Nước Anh cũng không đoàn kết với các nước mạnh khác của châu Âu, và châu Âu cũng không đoàn kết với Hoa Kỳ. Bà Merkel từ chối lời mời sang Washington họp G-7 với ông Trump, thế là Trump bèn dọa rút bớt quân Mỹ bên Đức về.

Joshua Wong và các bạn của anh dường như trong thế tuyệt vọng. Nhiều người đang xin giấy tờ di tản nói rằng họ cảm thấy hối hận, giống như đã phản bội Joshua, nhưng họ rất lo lắng cho tương lai họ và con cái.

Thời cơ quá tốt cho Tập Cận Bình, người đã hạ quyết tâm phải siết chặt Hong Kong cho bằng được. Trước lo ngại làm như vậy Hong Kong sẽ mất đi vai trò trung tâm tài chính quan trọng của thế giới, họ Tập tỏ ra bất cần, và dọa sẽ biến đảo Hải Nam trở thành một Hong Kong khác. Không chừng ông ta còn thừa thắng xông lên tái chiếm nốt Đài Loan biết đâu?

Ông Vincent Law, một người Hong Kong 40 tuổi nói với tờ Washington Post  rằng gia đình ông sẽ đi định cư tại thành phố Đài Trung của Đài Loan một khi tình hình Covid-19 lắng dịu, lệnh cấm du hành được giải tỏa.

Ông nói: “Chuyện ra đi này quả là điều không vui vẻ tí nào. Không phải là dịp để mở party ăn mừng. Tối thấy hơi xấu hổ, giống như đã phản bội những người biểu tình. Trong thâm tâm, tôi nghĩ mình là người ích kỷ. Cái được duy nhất của tôi sau khi định cư tại Đài Loan là được nuôi con trong khung cảnh tự do dân chủ. Tôi hy vọng các con tôi sau này sẽ nhớ cái gốc Hong Kong của mình, cho dù chúng có trở về hay không.”

Ngày 30 tháng Tư đã gần kề cho Hong Kong.

Đàn Chim Việt

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên