Dohamide giấc mơ Chàm và Bangsa Champa (1)

2
từ trái, cây bút chuyên khảo văn minh Champa trên tạp chí Bách Khoa Dohamide, chủ nhiệm Bách Khoa Lê Ngộ Châu, Ngô Thế Vinh, nhà văn Võ Phiến. [hình chụp  1994 tại Little Saigon, tư liệu Ngô Thế Vinh]

TIỂU SỬ

Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau:

“Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng  Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]

Lời Toà Soạn của chủ nhiệm Lê Ngộ Châu giới thiệu Dohamide, tác giả bài viết đầu tiên “Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” trên tạp chí Bách Khoa, số 135, 15/8/1962.

 

Dohamide và người em Dorohiêm, cả hai “đã sanh ra và lớn lên tại một thôn ấp người Chăm theo tôn giáo Islam hệ Sunni Imam Shafi’y, vốn là hậu duệ của Vương quốc Champa lưu vong từ miền Trung Việt Nam ngày nay. Do vào thời vua Minh Mạng áp dụng một chánh sách đối xử khắc nghiệt tàn sát người Chàm, họ phải đào thoát sang định cư bên đất Kampuchea và mãi về sau này, do có chính sách chiêu dụ của nhà Nguyễn, một số đã trở về tái định cư tại vùng Tây Nam Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trên vùng đất mới này, 7 làng Chăm đã được thành lập, (con số 7 có ý nghĩa thiêng liêng với người Chàm), trong đó, ngôi làng chúng tôi từ thời thuộc Pháp, lấy tên là làng Katambong tức Koh Taboong thuộc tỉnh Châu Đốc.

Koh tiếng Chàm có nghĩa là cồn hay cù lao, Ta-boong là cây gậy, ngụ ý hình dáng cù lao này giống như một cây gậy.”  Koh Ta-boong nguyên là một cồn cát, do phù sa từ sông Mekong tạo nên dọc theo một bên bờ sông Hậu, hàng năm đều có lụt với mùa “nước nổi, nước giựt” và hiện tượng bên lở bên bồi. Làng Katambong nằm phía bên bồi, nay là một ấp lấy tên Việt Nam là Khánh Mỹ thuộc xã Khánh Hoà, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Ngoài ra còn có 6 làng người Chăm khác là Mat Chruk, Koh Kaboak, Plây Kênh, Plao Ba, Koh Ghoi, Koh Kaghia, Sabâu, với địa danh Việt tương ứng là Châu Giang, Đa Phước, Châu Phong, La Ma hoặc Vĩnh Trường, Bún Lớn hoặc Bún Bình Thiên, Đồng Cô Kỵ… với địa thế không liền nhau.[1]

Làng Katambong là một xã hội Chăm thu nhỏ và khép kín. Người Việt bên kia sông thì quen gọi họ là Chà Châu Giang, trong khi người Chàm thì vẫn gọi người Việt là “Yuôn”, tuy sống kế cận nhưng họ thuộc hai nền văn minh khác nhau: một bên là nền văn minh cầm đũa (civilisation de la baguette), một bên là nền văn minh ăn bốc.

Thân phụ anh Dohamide là một trong hai vị giáo làng trong 7 làng Chăm địa phương, một mình ông phải phụ trách luôn cả ba lớp: đồng ấu / cours enfantin, dự bị / cours préparatoire và sơ đẳng / cours élémentaire, học đến đó là hết lớp; muốn tiếp tục học thêm thì phải ra  trường tỉnh nhưng hầu hết các học sinh Chăm trong làng Katambong đều nghỉ học và sau đó chỉ đến trường để được dạy thêm kinh sách giáo lý Islam.

Qua sông thăm Cồn Tơ Lụa làng Đa Phước:

trái, Người viết đến thăm giáo đường Mubarak (có nghĩa là được ban ân phước) của người Chăm Islam ở làng Đa Phước Châu Đốc; công trình kiến trúc nguy nga này được hoàn tất từ 1992 do tiền từ các cộng đồng Chăm hải ngoại gửi về, cả được hậu thuẫn rất mạnh từ các nước Hồi giáo nhất là Mã Lai; phải, ngôi nhà sàn ngói đỏ của người Chàm, trên Cồn Tơ Lụa An Giang, Châu Đốc, mùa lũ nước có thể ngập tới sàn nhà. [photo by Nguyễn Kỳ Hùng]
Năm 1943, đã 9 tuổi, như một trường hợp hiếm hoi, Dohamide được thân phụ khuyến khích ra trường tỉnh học tiếp lớp nhì / cours moyen. Đi học hàng ngày, phải qua sông bằng xuồng. Ra tỉnh, được tiếp xúc với một xã hội xa lạ giữa những người Yuôn / Kinh, cũng là lúc Dohamide bắt đầu có những thắc mắc về cội nguồn của mình. Bangsa Champa, tìm về cội nguồn, có lẽ bắt đầu từ đây.

trái, Người viết đứng bên một khung dệt lụa cổ truyền, nghề này  vẫn được duy trì, và đã gắn bó những người phụ nữ Chàm với gia đình trong một xã hội khép kín; phải, Tác giả bế em bé Chàm tên Karim từ tay mẹ của em. [photo by Nguyễn Kỳ Hùng]
Năm 1948, sau bậc tiểu học, Dohamide lại được cha mẹ thu xếp cho đi tàu sông rời quê nhà lên Sài Gòn học tiếp bậc trung học. Tại Hòn Ngọc Viễn Đông, Dohamide được tiếp cận với một xã hội mở rộng gồm nhiều sắc tộc, không phải chỉ có người Việt, người Pháp, người Hoa mà còn có cả người Ấn Độ, người Mã Lai theo đạo Islam, họ làm ăn rất thành công và giàu có.

Nhưng cảnh sống đạm bạc của Dohamide vẫn thu hẹp trong một khu xóm lao động Nancy nghèo nàn, gồm những căn nhà cây vách ván lụp xụp thuộc quận 2. Dohamide sống chung với mấy gia đình Chăm cũng đến từ Châu Đốc, họ lên Sài Gòn kiếm sống bằng cách làm thuê, buôn bán nhỏ rải rác nhưng vẫn tìm đến với nhau để gần gũi nương tựa, lâu dần cũng hình thành được một mô thức jam’ah / cộng đồng. Để duy trì đức tin,  họ tạo được riêng một giáo đường / masjid khởi đầu chỉ là căn nhà gỗ nhỏ thô sơ nhưng đó vẫn là nơi để  duy trì những sinh hoạt xã hội tôn giáo y khuôn như tại quê nhà khiến chàng trai Dohamide tuy sống thiếu thốn nhưng vẫn cảm thấy được ấm lòng.

Năm 1953, xảy ra một trận hoả hoạn tại khu Nancy đã khiến cho cộng đồng người Chăm đang sinh sống ở đây bị trắng tay. Cố gắng xây dựng lại, chưa được bao lâu lại xảy ra vụ Bình Xuyên 1955, xóm Nancy một lần nữa lại bị thiêu rụi. Điều tiếc nuối nhất với Dohamide là bao nhiêu ghi chép về lịch sử Champa từ Thư viện Việt Nam cũng thành tro than. Dohamide viết: “Nhưng dầu sao, qua quá trình lần mò ghi chép, ít nhất tôi cũng có được trong đầu một ý niệm tổng quát sơ khởi về Bangsa Champa gốc nguồn và biết được những sự kiện căn bản bao quanh người Chăm Châu Đốc, trong đó có bản thân tôi.” [1]

 Tuy nghèo xác xơ, nhưng những người Chăm này vẫn cố bám đất, từng bước xây dựng lại đời sống mới. Do thấy rõ được nhu cầu phải liên hệ với xã hội bên ngoài, Dohamide được mấy vị trưởng thượng đề nghị anh mở lớp dạy chữ Việt cho các đồng tộc Chăm. Qua lớp học này, qua ngôn ngữ Việt, ý niệm về cội nguồn Bangsa Champa được đánh thức dậy. Số người Chăm Châu Đốc lên sống ở Sài Gòn ngày càng nhiều, không phải chỉ ở khu xóm Nancy, nay lan ra các xóm lao động khác như Hoà Hưng, Phú Nhuận… dần dà họ kết nối lại được thành những jam’ah / cộng đồng nhỏ, nhưng xóm Nancy vẫn là khu sinh hoạt trung tâm. Và nơi  đây cũng là cái nôi cho Hiệp hội Hồi giáo Việt Nam được hình thành vào năm 1959.

Xong chương trình Tú tài I, Dohamide chọn thi vào học Ban Tham sự Đặc biệt Cao Nguyên chương trình 2 năm (dành cho người sắc tộc thiểu số) thuộc Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và cũng là lần đầu tiên trong đời Dohamide được gặp một số bạn đồng khoá thuộc các sắc tộc Tây nguyên như Ê-đê, Churu, Jarai, Bahnar… và cả những người thiểu số Thái, Tày, Nùng di cư từ miền Bắc vào. Và đặc biệt hơn nữa, Dohamide còn có được hai người bạn Chăm tới từ Phan Rang, nhưng với cảm giác đau xót là họ đã không thể hiểu nhau bằng ngôn ngữ Chăm, vốn gốc là tiếng mẹ đẻ của mình, và cả ba không có cách nào khác hơn là phải dùng tiếng Việt pha với tiếng Pháp để trao đổi chuyện trò.

Dohamide tốt nghiệp Thủ khoa Ban Cao Nguyên (1958). Khi có thêm Tú tài II, Dohamide được học tiếp lên Ban Đốc sự Hành chánh Khoá 7 chương trình 3 năm, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (1959-1962). Sau khi tốt nghiệp, Dohamide được bổ nhiệm làm việc trong ngạch  hành chánh công quyền.

Từ năm 1956, do chánh sách có từ thời Đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, quy định Việt Nam hoá tên họ các sắc dân thiểu số; theo anh Nguyễn Đắc Điều (Đốc sự Khoá 6), thì anh Dohamide không tự chuyển tên mình sang tiếng Việt, nhưng khi danh sách tốt nghiệp Đốc sự Khoá 7 (1962) trình lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì tên Dohamide đã trở thành “Đỗ Hải Minh”. [Nghị định bổ nhiệm đính kèm]

trái, Nghị định của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà hợp thức hoá việc bổ dụng 56 sinh viên tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Khoá VII năm 1962, tên Dohamide đã chính thức đổi thành Đỗ Hải Minh qua Nghị định này. [tư liệu Nguyễn Đắc Điều]; phải, Dohamide nay có tên Đỗ Hải Minh (người đứng ngoài cùng từ trái) tốt nghiệp Khoá VII Ban Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh 1962. [album gia đình anh chị Dohamide]
 Năm 1964, Dohamide lập gia đình với cô giáo người gốc Việt Phan Thị Hoàng Hoa, lúc đó đang dạy học ở một trường trung học Gia Định. Cũng khi đó Dohamide được một vài bô lão Chăm có tinh thần Bangsa cực đoan nhắc nhở anh, việc vua Chăm Pô Rômê ngày xưa đã chết vì cưới vợ Việt.

Sau đại đăng khoa là tiểu đăng khoa: chú rể Chăm Dohamide với chiếc áo the đen, trao nhẫn cưới trong đám cưới với cô giáo Việt Phan Thị Hoàng Hoa, ngày 24.5.1964 trước khi đi Mỹ du học. [album gia đình anh chị Dohamide]
Là người Chăm, không thể không bị xúc động thấm thía khi được đọc về câu chuyện – dù biết rõ nội dung mang nặng tính huyền thoại dân gian – vị vua Champa đã say mê sắc đẹp mỹ nhân Yuôn (là tên  người Chàm và người Khmer gọi người Việt), để rồi chính nàng Yuôn đã ra tay đốn cây Krêk vốn là tiêu biểu linh hồn Vương quốc Champa khiến phải bị địch bắt đi và chết thảm.

Nhưng rồi một đám cưới Chăm-Việt vẫn cứ diễn ra.  Chú rể Chăm Dohamide và cô dâu Yuôn Phan Thị Hoàng Hoa  sau này đã có một cuộc sống lứa đôi rất hạnh phúc, họ có được ba con: hai trai, một gái là con út đều thành đạt khi tới tuổi trưởng thành. [Hình 6]

Vào giai đoạn đó, trên Cao Nguyên Trung Phần đang dấy lên cuộc đấu tranh đòi ly khai của phong trào BAJARAKA (là chữ viết tắt của 4 sắc tộc Thượng lớn: BAhnar, JArai, RhAdé và KAho), họ phản đối chính sách phân biệt đối xử người Thượng của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. BAJARAKA được coi là tiền thân của tổ chức FULRO về sau này.

Mặt Trận FULRO (tiếng Pháp: Front Unifié de Lutte des Races Opprimées) không chỉ bao gồm các sắc dân Thượng Tây Nguyên, mà được mở rộng kết hợp thêm với: (1) Mặt trận Giải phóng Champa (Front de Libération du Champa, FLC) tức FULRO Chăm, do Les Kosem (một tướng nhảy dù người Khmer gốc Chăm) lãnh đạo. (2)  Mặt trận Giải phóng Kampuchea Krom của nhóm người Việt gốc Miên sống ở vùng Tây Nam Nam bộ (Front de Libération du Kampuchea Krom, FLKK) tức FULRO Khmer, do Chau Dera làm đại diện, để thành lập một tổ chức thống nhất gọi là FULRO: Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức

Do những biến động trên, Bộ Nội vụ VNCH lúc đó đã không bổ nhiệm những khoá sinh sắc tộc tốt nghiệp vào các nhiệm sở trên vùng Tây Nguyên. Dohamide ra trường được bổ nhiệm vào chức vụ không liên hệ gì tới Nha Thượng Vụ, riêng Dorohiêm, thì bị đưa ra vùng địa đầu Quảng Trị một thời gian 5 năm trước khi được về Sài Gòn làm chuyên viên văn hoá giáo dục các sắc tộc thiểu số.

Do Dohamide là thành phần người Chăm hiếm hoi có học, anh đã vận động và thành lập được một  Hiệp Hội Chàm Hồi giáo Việt Nam từ 1959. Năm 1964, Dohamide được đề cử là Đại biểu Islam Việt Nam đầu tiên tham dự Hội nghị các nước Islam Đông Nam Á và Viễn Đông tại Kuala Lumpur, Malaysia. [Hình 11]

Năm 1972, anh đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Islam Thế giới tại Thánh địa Mecca, Ả Rập Saudi. Và cũng từ đây, Dohamide đã xây dựng được mối quan hệ chính thức giữa cộng đồng Chăm Islam nhỏ bé ở Việt Nam với Liên Minh Islam Thế Giới.

Ngày 13.4.1974, cộng đồng Chăm nồng nhiệt chào đón Dohamide trở về Sài Gòn sau một Hội nghị Quốc tế Hồi giáo tại thánh địa Mecca. [album gia đình anh chị Dohamide]
MỐI DUYÊN BÁCH KHOA

Và rồi không ai khác hơn, cũng chính là chủ nhiệm Lê Ngộ Châu,  người có mắt xanh đã tìm ra và giới thiệu Dohamide trên báo Bách Khoa, và có thể nói Dohamide là người Chăm đầu tiên trở thành một tên tuổi quen thuộc với độc giả Bách Khoa từ thập niên 1960s, do loạt bài chuyên khảo về lịch sử và văn minh Champa.

Buổi đầu, Dohamide chập chững cầm bút tập viết các bài phóng sự tiếng Việt về người Chàm được chủ nhiệm Tam Mộc cho đăng trên nhật báo Buổi Sáng, tuần báo Thế Giới tại Sài Gòn. Dohamide khai thác đề tài “nghề chài rà của người Chàm Châu Đốc” do truyền thống của dân tộc Champa thời cổ rất giỏi nghề đi biển và chài lưới. Loạt bài được đón nhận hào hứng, Dohamide còn được đám độc giả Chăm bình dân yêu cầu khai thác thêm về đề tài “bùa ngải Chà Châu giang”.  Đây cũng là dịp để cộng đồng nhỏ bé Chàm Châu Đốc trong khu xóm nghèo Nancy mới vừa học tiếng Việt đua nhau mua báo để được hiểu thêm về sinh hoạt nơi quê nhà.

Trong thời gian học chương trình Đốc sự tại Học Viện Quốc gia Hành Chánh, Dohamide có dịp được làm việc với GS Phó Viện trưởng Nghiêm Đằng và sau đó anh được giới thiệu với Giáo sư Nghiêm Thẩm là bào đệ của ông. GS Nghiêm Thẩm lúc đó là Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn, cũng là Giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học Văn Khoa. Nhờ cơ duyên ấy Dohamide được dịp  tham khảo thêm các tài liệu của Viện Khảo cổ và Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises).

Vào cuối năm 1962, Dohamide đã hệ thống hoá được các ghi chép và viết loạt bài “Người Chàm tại Việt Nam ngày nay”. Loạt bài này tình cờ được ông Nguyễn Ngọc Nê, là một chuyên viên trong đoàn cố vấn Đại học Michigan đọc và lấy làm thích thú nên đề nghị chuyển tới tạp chí Bách Khoa, nơi anh Lê Ngộ Châu đang là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Lê Ngộ Châu rất bén nhạy, thấy ngay đây là một “viên ngọc ẩn thạch”, nên đã mời ngay Dohamide tới gặp tại toà soạn Bách Khoa, 160 Phan Đình Phùng, Sài Gòn. Chẳng mấy chốc, hai người trở thành đôi bạn tâm giao. Bách Khoa cũng là nơi tạo điều kiện cho Dohamide gặp gỡ trao đổi với các cây bút nổi tiếng khác như nhà văn Bình Nguyên Lộc tác giả một cuốn sách gây nhiều tranh cãi “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam”, học giả Nguyễn Văn Hầu nổi tiếng với các bài chuyên khảo về Nam kỳ lục tỉnh, vùng Thất Sơn Châu Đốc và cả học giả Nguyễn Hiến Lê về sau này.

Tiếp tục được sự khuyến khích và gợi ý các đề tài từ chủ nhiệm Lê Ngộ Châu, Dohamide đã viết được một loạt 36 bài trong bộ báo Bách Khoa 426 số, [cộng thêm hai bài trao đổi của hai học giả Nguyễn Văn Hầu và nhà văn Bình Nguyên Lộc]. Dohamide trở thành nổi tiếng như là một nhà văn hoá Chăm của tạp chí Bách Khoa. 

Toàn bộ 426 số báo Bách Khoa nay đã được số hóa  (digitized) và hoàn tất ngày 15/10/2017. Đây là công trình sưu tập của chị Phạm Lệ Hương một thủ thư lâu năm và anh Phạm Phú Minh chủ bút Diễn Đàn Thế Kỷ, nay được lưu trữ và phổ biến miễn phí trên Thư Viện Người Việt Online và độc giả có thể đọc tất cả các bài viết của anh Dohamide trên tạp chí Bách Khoa với link: https://www.nguoi-viet.com/ThuVienNguoiViet/BachKhoa.php

Bìa số báo Bách Khoa 138 (1/10/1062) và bài viết “tang lễ và hôn nhân Chàm” tr.19-21 của Dohamide. [nguồn: thư viện Người Việt Online]

1/ Người Chàm tại Việt Nam ngày nay. Dohamide. Bách Khoa, số 135 (15/8/1962), tr.27-32

2/ Giới lãnh đạo thôn ấp Chàm ở Việt Nam. Dohamide. Bách Khoa, số 136 (1/9/1962), tr.9-13

 3/ Cuộc sống gia đình của người Chàm. Dohamide. Bách Khoa 137 (15/9/1962), tr.11-16

 4/ Tang lễ và hôn nhân Chàm. Dohamide. Bách Khoa 138 (1/10/1962), tr.19-21 

 5/ Người Chàm Châu Đốc. Dohamide. Bách Khoa 139 (15/10/1962), tr.15-18

 6/ Sinh hoạt xã hội của người Chàm Châu Đốc. Dohamide. Bách Khoa 140 (1/11/1962), tr.17-22

7/ Sự trưởng thành của thanh thiếu nữ Chàm. Dohamide. Bách Khoa 141 (15/11/1962), tr.17-24

8/ Đời sống gia đình của người Chàm Châu Đốc. Dohamide. Bách Khoa 142 (1/12/1962), tr.31-34

9/ Tang lễ và tín ngưỡng của người Chàm Châu Đốc. Dohamide. Bách Khoa 143 (15/12/1962), tr. 21-26

10/ Tín ngưỡng của người Chàm Châu Đốc. Dohamide. Bách Khoa 144 (1/1/1963), tr. 25-28

11/ Một vài nhận xét về người Chàm tại Việt Nam ngày nay: Sự hiện tồn của ngôn ngữ Chàm. Dohamide. Bách Khoa 145 (15/1/1963), tr. 63-69

 12/ Một vài nhận xét về người Chàm tại Việt Nam ngày nay: Viễn ảnh cuộc sống xã hội. Dohamide. Bách Khoa 146 (1/2/1963), tr. 19-23

13/ Vài vấn đề của cộng đồng người Chàm tại Việt Nam. Dohamide. Bách Khoa 147 (15/2/1963), tr.15-20

[13b — Nhân loạt bài người Chàm tại Việt Nam hiện nay của ông Dohamide, góp ý về: Bước phiêu lưu của người Chàm Châu Đốc. Nguyễn Văn Hầu. Bách Khoa 153 (15/3/1963), tr.33-39 ]

 14/ Kỷ nguyên Hồi giáo. Dohamide. Bách Khoa 181 (15/7/1964), tr.13-17

 15/ Hồi giáo trong buổi sơ khai. Dohamide. Bách Khoa 182 (1/8/1964), tr. 19-27

 16/ Kinh Cu-ran trong sinh hoạt của người Hồi giáo. Dohamide. Bách Khoa 183 (15/8/1964), tr. 31-38

 17/ Nguyên tắc hành đạo của Hồi giáo. Dohamide. Bách Khoa 184 (1/9/1964), tr.53-57

 18/ Nguyên tắc hành đạo của Hồi giáo / cầu nguyện: sgo-lab. Dohamide. Bách Khoa 185 (15/9/1964), tr. 21-29

 19/ Nguyên tắc hành đạo của Hồi giáo: Hành hương Mecca. Dohamide. Bách Khoa 186 (1/10/1964), tr.29-35

20/ Tập tục của người Hồi giáo 1. Dohamide. Bách Khoa 187 (15/10/1964), tr.47-50

21/ Tập tục của người Hồi giáo 2. Dohamide. Bách Khoa 188 (1/11/1964), tr.25-33

 22/ Gia đình người Hồi giáo. Dohamide. Bách Khoa 189 (15/11/1964), tr.37-42

 23/ Nghĩa vợ chồng trong gia đình Hồi giáo. Dohamide. Bách Khoa 190  (1/12/1964), tr. 23-27

 24/ Giá thú Hồi giáo. Dohamide. Bách Khoa 191 (15/12/1964), tr. 25-30

 25/ Hồi giáo ở nước ngoài và ở Việt Nam. Dohamide. Bách Khoa 192  (1/1/1965), tr. 31-35

26/ Hồi giáo tại Việt Nam. Dohamide. Bách Khoa 193-194  (15/1/1965), tr.53-59

27/ Cuộc sống núi rừng Cao nguyên: sắc tộc Jeh, một năm tắm một lần. Dohamide. Bách Khoa 380 (1/11/1972), tr.19-22

 28/ Thân phận người sơ khai. Dohamide. Bách Khoa 387  (15/2/1972), tr.47-53

29/ Thảm trạng da đỏ. Dohamide. Bách Khoa 393  (23/6/1973), tr.23-31

 30/ Những khuôn mặt sầu chai đá của châu Mỹ la tinh. Dohamide. Bách Khoa 395  (8/8/1973), tr.35-41

 31/ Thử bàn lại với nhà văn Bình Nguyên Lộc về “người Châu giang”.  Dohamide. Bách Khoa 396  (30/8/1973), tr.23-30

[31b — Về người Châu Giang: trả lời ông Dohamide trên Bách Khoa 396. Bình Nguyên Lộc. Bách Khoa 398  (1/10/1973), tr.43-46]

 32/ Những hiện tượng huyền bí trong tập tục Chàm. Dohamide. Bách Khoa 405  (15/2/1974), tr.13-16, tr.83-86

 33/ Đi vào hội nghị Hồi giáo Mecca và kiểm điểm một chuyến đi. Dohamide. Bách Khoa 411 (1/7/1974), tr.43-54

 34/ Thế lực dầu lửa 1. Dohamide. Bách Khoa 418  (20/11/1974), tr.13-18

 35/ Thế lực dầu lửa 2. Dohamide. Bách Khoa 419  (15/12/1974), tr. 15-22

 36/  Sự thức tỉnh của các nước sản xuất dầu. Dohamide. Bách Khoa 420  (1/1/1975), tr.43-53

Loạt bài trên báo Bách Khoa là những tài liệu cơ bản cho tập sách “Dân tộc Chàm Lược Sử” xuất bản năm 1965 với lời tựa giới thiệu của giáo sư Nghiêm Thẩm, như “mở ra một cánh cửa sổ cho người Chăm có một tầm nhìn tổng hợp về lịch sử dân tộc gốc nguồn của mình”.

Do có được sự quan tâm của ông Sabarudine Cik, nguyên quyền Đại sứ Malaysia tại Việt Nam lúc đó, cuốn sách này cũng đã được dịch sang tiếng Anh “A Condensed History of Cham People” xuất bản ở Malaysia năm 1969. [1]

DU HỌC MỸ: DIỆN KIẾN CỰU TỔNG THỐNG TRUMAN    

Với thành tích học vấn xuất sắc, Dohamide nhận được học bổng đi du học Mỹ, lấy bằng Cao học M.A. về Chánh trị tại học Đại học Kansas, Hoa Kỳ (1967).

 Điều cực kỳ lý thú và không bao giờ quên đối với chàng sinh viên người Chăm Dohamide khi được gặp vị cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Harry S. Truman, sinh quán tại Kansas  mà ai cũng biết là vị Tổng Thống đã chấm dứt cuộc Thế Chiến thứ Hai năm 1945  bằng quyết định ném hai trái bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

Dohamide được diện kiến cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Harry S. Truman tại Kansas City 1966. [album gia đình anh chị Dohamide]Sau đây là những dòng chữ của chính Dohamide ghi lại cuộc gặp gỡ đầy xúc cảm và nhớ đời với vị cựu Tổng Thống lừng lẫy của lịch sử Hoa Kỳ: [Hình 9]

“Có một sự việc khiến tôi – Dohamide, vô cùng phấn khởi đồng thời cũng rất hồi hộp. Đó là dịp duy nhứt trong đời tôi đột nhiên được mời, với tánh cách là một đại biểu sinh viên Việt Nam đến một khách sạn sang trọng ở thành phố Kansas tham dự buổi tiếp xúc của cựu Tổng Thống Harry S. Truman.

Để buổi gặp có ý nghĩa, mỗi sinh viên được dặn chào mừng vị cựu Tổng Thống bằng tiếng nói mẹ đẻ và tự giới thiệu tên họ, tên đất nước mình. Được mở cửa đưa vào phòng tiếp kiến, tôi đã mở lời chào mừng bằng tiếng Việt, và làm như lời nhắc của ban nghi lễ trong phần tự giới thiệu, nhưng không hiểu sao sau khi nói tên nước Việt Nam xong thì mường tượng như một bản năng chợt đến, tôi lại thêm “gốc Chàm”! Do đó đáp câu hỏi của Tổng Thống liền sau đó tôi đã phải cố gắng vận dụng tiếng Anh vốn hãy còn nặng giọng phát âm tiếng Pháp, lấy hết sức bình sinh làm rõ gốc nguồn Chàm này, và phương cách cho dễ hiểu nhứt không gì hơn là lấy trường hợp người da đỏ mà người Mỹ quen gọi là “Indian” có mặt tại các khu dành riêng (reservation) hiện có tại đất Kansas này, để so chiếu ra hình dung một người Chàm tại Việt Nam. Và quả nhiên, hiệu nghiệm, ông cựu Tổng Thống nói ngay là tại tiểu bang Kansas này có các nhóm người Indian cư ngụ và nhấn mạnh chánh phủ liên bang Hoa Kỳ  tôn trọng nền văn hoá cổ truyền của họ…

 Đi bách bộ trên con đường ngắn vào nhà trọ, tôi nôn nao ước phải chi có một đồng tộc Chăm bên cạnh ngay lúc đó, để cùng chia sẻ niềm xúc động đang dâng tràn trong người, sau buổi diện kiến có nói lên được từ “Champa” thân thương này…” [1]

Sau đó, Dohamide đã được một vị mạnh thường quân Mỹ giàu có bảo trợ cho về sống ở một nông trại mênh mông bát ngát của tiểu bang Kansas, và cả giúp cho Dohamide được đi thăm các khu dành riêng cho người da đỏ cùng các cơ sở dạy nghề dành cho các sắc dân thiểu số này tại một địa điểm lân cận.

Xem tiếp phần 2


THAM KHẢO:

1/ Dohamide, Dorohiêm. Dân tộc Chàm Lược sử. Saigon 1965. Bangsa Champa, SEACAEF & VIET Foundation 2004

2 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to Dohamide giấc mơ Chàm và Bangsa Champa (2) | Đàn Chim Việt Online - Thông tin - Chính trị - Nghị luận Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên