Trung Quốc có nắm được Quần đảo Solomon?

0
Manasseh Sogavare, Thủ tướng Quần đảo Solomon và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong lễ đón vào năm 2019 tại Bắc Kinh. (Mark Schiefelbein / AP)

Một quốc gia nhỏ trong vùng Thái Bình Dương có vẻ sắp rơi vào tay Trung Quốc, gây phức tạp cho kế hoạch Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Rộng Mở của Hoa Kỳ và ali trong khu vực.

Hôm thứ Ba, Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon cho biết ông đang nóng lòng ký với Trung Quốc một thỏa thuận an ninh đang được đề xuất, khiến phe đối lập tức giận, các nước láng giềng giật mình và đẩy đảo quốc có 700,000 dân ở Thái Bình Dương vào một cuộc tranh luận rộng lớn có liên quan đến kế hoạch an ninh của Hoa Kỳ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Trong bài phát biểu đầy thách thức trước Quốc hội, Thủ tướng Sogavare gọi những người phản ứng dữ dội đối với thỏa thuận là “rất xúc phạm” và khẳng định rằng thỏa thuận sẽ không dẫn đến việc Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự ở nước ông, quốc gia nằm cách bờ biển Úc 1.600 km.

Ông Sogavare đã ví quốc gia của mình với một “con chuột tuyệt vọng” bị bao quanh bởi “những con mèo hung ác” cho nên con chuột phải “làm bất cứ điều gì để tồn tại.” Ông nói rằng ông không hủy bỏ các thỏa thuận an ninh hiện có với Úc và New Zealand – hai nước cùng với Hoa Kỳ đã phản đối thỏa thuận này – mà chỉ tìm cách “đa dạng hóa”.

Phát biểu của ông được đưa ra vài ngày sau khi một bản dự thảo của thỏa thuận bí mật bị rò rỉ. Sogavare cho biết chính phủ của ông “không có ý định quanh co, không có kế hoạch bí mật”; tuy nhiên, ông đưa ra rất ít chi tiết về thỏa thuận vào thứ Ba, là lúc ông nói rằng nó đã “sẵn sàng để ký”.

Các nhà lãnh đạo đối lập đã cáo buộc Sogavare sử dụng thỏa thuận để củng cố quyền lực trước cuộc bầu cử năm tới, họ đòi phải thảo luận thêm trước khi ký.

Binh sĩ Úc trò chuyện với người dân trong khi tuần tra ở thủ đô Honiara, Quần đảo Solomon. (Ảnh Trung sĩ Brandon Grey/Bộ Quốc phòng Úc/AP)

Quần đảo Solomon nằm ở một khu vực chiến lược nhưng đầy biến động về chính trị, đã từng là tâm điểm của một cuộc giằng co kể từ khi nước này ngưng công nhận Đài Loan để chuyển sang Trung Quốc vào năm 2019, nêu bật tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Bắc Kinh trong khu vực mà theo truyền thống, nằm trong ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Úc.

Hành động bỏ Đài theo Trung – đi kèm với những cáo buộc hối lộ – đã khiến nhiều người trong quần đảo nổi giận và sẵn dịp có những bất bình âm ỉ từ lâu, đã dẫn đến bạo loạn vào tháng 11 năm ngoái khiến 4 người thiệt mạng và thiêu rụi phần lớn thủ đô Honiara.

Bản dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ, được yêu cầu giữ bí mật, cho biết “Quần đảo Solomon có thể, tùy theo nhu cầu của mình, yêu cầu Trung Quốc cử cảnh sát thường, cảnh sát vũ trang, quân nhân và các lực lượng thực thi pháp luật và vũ trang đến Quần đảo Solomon để hỗ trợ duy trì trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.”

Trong bài phát biểu, ông Sogavare đã trấn an Úc và New Zealand rằng ông sẽ không từ bỏ các thỏa thuận với họ, nhưng ông cũng trách móc rằng lẽ ra họ có thể giúp nhiều hơn cho đất nước ông và nói rằng thật là xúc phạm khi “bị coi là không thích hợp để bảo vệ chủ quyền của đất nước”.

Lãnh đạo phe đối lập Matthew Wale cho biết vào tháng 8 năm ngoái, ông đã cảnh báo các quan chức Úc về thỏa thuận này nhưng cảm thấy “bực bội” ​​khi Úc không ngăn được kế hoạch.

Các cửa hàng bị hư hại ở Honiara, Quần đảo Solomon, sau vụ bạo loạn hồi tháng 11. (Piringi Charley / AP)

Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết thỏa thuận là “mối quan tâm lớn” nhưng phủ nhận chuyện chính quyền của ông đã không hành động đủ nhanh. Ông Morrison đã thúc ép các nhà lãnh đạo của Fiji và Papua New Guinea – hai nước láng giềng của  Quần đảo Solomon – giúp thuyết phục Thủ tướng Sogavare từ bỏ thỏa thuận với Trung Quốc. Và vào sáng thứ Ba, ông Morrison đã thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand, bà này là người đã từng nói thỏa thuận có thể dẫn đến chuyện “quân sự hóa khu vực”.

Cho đến giờ này, ông Sogavare vẫn không tiết lộ chi tiết về thỏa thuận và phản pháo những người chỉ trích mình là đã lan truyền “thông tin sai lệch”. Ông gợi ý rằng thỏa thuận sẽ cho phép Bắc Kinh “bảo vệ” cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng, ý muốn nói các sân vận động mà Trung Quốc đang xây dựng để sử dụng cho Thế vận hội Thái Bình Dương 2023. 

Phần lớn các cuộc bạo động trong tháng 11 nhắm vào các cửa hàng và doanh nghiệp Trung Quốc ở thủ đô.

Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết thỏa thuận này sẽ tăng cường sự ổn định ở quần đảo Solomon và khu vực. Ông nói: “Các quốc gia có liên quan nên nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Quần đảo Solomon và các quyết định độc lập của quốc gia này, thay vì quyết định những gì người khác nên làm và không nên làm vì tự cho mình là quan trọng và kiêu ngạo cho rằng mình có một vị trí cao hơn.”

Rory Medcalf, hiệu trưởng trường Cao đẳng An ninh Quốc gia tại Đại học Quốc gia Úc, cảnh báo rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Solomon sẽ cho phép Trung Quốc gây rối hoặc ngăn chặn các tuyến đường biển giữa Úc và Hoa Kỳ.

(Theo Washington Post)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên