Sức hấp dẫn của nước Mỹ

4
Chiếc bánh đón mừng người thân đến Mỹ định cư qua diện ODP sau 15 năm làm thủ tục (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Sống ở Mỹ rồi, chúng ta thường nói: “Đây là quê hương của di dân, đất nước của cơ hội.”

Nhiều thế kỷ trước di dân đã đến đây lập nghiệp, xây dựng nên đất nước này và cơ hội đã mở ra cho mọi người đến đây sinh sống, từ kinh doanh, giáo dục, phát triển tài năng cho đến những phúc lợi được hưởng.

Đó là điều khiến cho nước Mỹ trở nên hấp dẫn và lôi cuốn nhiều người, trong đó có hơn một triệu người gốc Việt.

Nói về hành trình đến Mỹ thì mỗi gia đình đều có câu chuyện riêng với những đau buồn cùng niềm vui.

Người vượt biển, gọi là thuyền nhân, khi quyết định ra đi là lao mình vào cửa tử. Hành trình đó gian nguy biết bao trước khi đến được các trại tị nạn ở Đông Nam Á.

Đời sống trong trại tị nạn là những ngày đợi mong, một vài tháng hay vài năm là thường tình. Đợi tin gia đình, tin bạn bè ở nước ngoài. Đợi được gặp phái đoàn các quốc gia nhận người tị nạn để phỏng vấn, mong được đi định cư ở một nước thứ ba.

Khi loa phát thanh trong trại truyền đi các bản tin buổi sáng, tin buổi chiều thì cả trại yên lặng nghe vì sau phần tin tức, thông tin về sinh hoạt trại là đọc danh sách kêu đi phỏng vấn, đi khám sức khoẻ, kêu bổ túc hồ sơ, kêu lên đường định cư hay báo tin có thư của người thân, của bạn bè từ nước ngoài.

Nghe tên mình hay tên gia đình, kèm theo với số tàu, vang lên trên loa là trong lòng tràn ngập niềm vui.

Sau làn sóng thuyền nhân, nhiều người Việt nữa đã đến Mỹ theo diện con lai và HO (cựu tù cải tạo). Đi theo những diện này tuy không phải đối phó với hiểm nguy trên biển, trong rừng nhưng cũng là một hành trình đầy lo âu mỗi khi bị trục trặc giấy tờ hay hồ sơ y tế có vấn đề.

Đến được Mỹ rồi làm sao sinh sống. Những thông tin liên hệ truyền đi qua các sóng phát thanh của VOA, BBC hay của người đi trước có khi bị suy diễn sai lạc.

Một bác HO sau khi đã đến Mỹ kể cho tôi nghe điều mà bác nghe ngóng được khi còn ở trong nước là chính phủ Hoa Kỳ sẽ trả tiền lương phục vụ trong quân đội kể từ ngày 30/4 cho đến hết thời gian bị giam trong trại học tập cải tạo.

Lúc tôi còn làm việc trong các trại tị nạn hồi cuối thập niên 1980, một buổi chiều có một chú ghé thăm và cũng hỏi tôi hư thực về chuyện này, tôi trả lời là không có chuyện trả lương và nói với chú rằng nếu được chính phủ trợ cấp thì đó là chính sách dành cho mọi người tị nạn vào Mỹ, dù là người Việt, người Afghanistan hay người Iran, Iraq đều được hưởng quyền lợi như nhau.

Tôi đưa thí dụ là một gia đình với hai vợ chồng và ba con nhỏ dưới 18 tuổi có thể lãnh tiền trợ cấp gồm cả phiếu mua thực phẩm là khoảng 2 nghìn đô một tháng. Chuyện này không có gì lạ ở Mỹ vì đó là chính sách giúp người có thu nhập thấp của chính phủ.

Nếu con cái đến tuổi vào đại học, 18 tuổi trở lên, đi học ESL, học chính qui ở các đại học hay học nghề cũng được chính phủ trợ cấp cho ăn học mà không phải tốn một đồng nào.

Nhiều người mới đặt chân đến Mỹ, chưa hiểu nếp sống mới và thường so sánh trợ cấp nhận được với đời sống ở Việt Nam thì là một số tiền quá lớn mà tự dưng nước Mỹ lại cho không như thế.

Đều đặn nhận được tiền trợ cấp mỗi tháng nên có diễn giải đó là cách Hoa Kỳ tiếp tục trả lương cho những người đã từng phục vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Không hiểu ngọn nguồn những lời đồn này từ đâu mà có.

Với những chính sách giúp người mới nhập cư ổn định cuộc sống, xây dựng lại cuộc đời và có nhiều cơ hội vươn lên nên nước Mỹ luôn thu hút di dân khắp nơi trên thế giới.

Số người được nhập cư vào Mỹ tăng giảm tùy theo chính trị nội bộ. Hoa Kỳ hân hoan đón nhận di dân nên mỗi năm cơ quan đặc trách còn tổ chức xổ số để nhận người từ những quốc gia có số ít dân sinh sống tại Mỹ.

Hoa Kỳ đúng là một quốc gia đa chủng, đa văn hóa. Số người được nhập cư chính thức mỗi năm là vài trăm nghìn, qua nhiều diện khác nhau, từ có tay nghề hay kiến thức chuyên môn được các hãng xưởng tuyển dụng, đến bỏ tiền vào đầu tư, hay qua diện đoàn tụ gia đình dành cho một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngày nay người Việt đến Mỹ không còn bằng con đường vượt biển như thuở ban đầu – mà người mình gọi là ô-đi-ghe, nay chuyển qua ô-đi-pi (ODP), dù là dưới dạng kết hôn, hay đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em thì cũng là ô-đi-pi.

Vì sao nước Mỹ hấp dẫn dân từ những quốc gia khác. Mỗi người chúng ta đều có câu trả lời khác nhau, từ người hầu bàn trong nhà hàng, chị giúp việc cắt rau trong chợ cho đến anh tài xế hay kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên tài chính, ngân hàng.

Nếu bạn còn đang sống và làm việc ở đây và không còn mơ tưởng trở về sống nơi cố hương, thì nước Mỹ đã có sức thu hút bạn, bằng một cách nào đó mà chỉ có bạn cảm nhận để quyết định sống chết ở đây.

Vì có nhiều hấp dẫn nên trong thập niên 1960 giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã chọn ở lại đây để học tập và giảng dạy. Đến thập niên 2000 giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã chọn Hoa Kỳ làm nơi sinh sống và nghiên cứu.

Ngày nay người Việt dù giầu hay nghèo, trí thức hay dân đen, thường dân hay con quan chức cũng muốn sang Mỹ, muốn có cơ hội tạo dựng cơ nghiệp ở đây, theo chân bao người Việt đi trước đã thành công.

Nếu không có gì hấp dẫn và thế giới nhiều nơi không thích Mỹ, tại sao du khách vẫn rủ nhau tham quan Hoa Kỳ vài tuần hay đôi ba tháng cho biết.

Theo số liệu của những cơ quan du lịch thì có đến 70 triệu du khách tham quan nước Mỹ năm qua, đông nhất từ láng giềng phía nam là Mexico với 19 triệu, kế đến là láng giềng Canada ở phía bắc với 12 triệu. Số du khách từ Anh quốc là 5 triệu, đứng thứ ba, Nhật 4 triệu. Brazil, Trung Quốc, Đức, Pháp và Nam Triều Tiên, mỗi nước với trên dưới 2 triệu.

Đa số du khách là công dân từ những quốc gia được miễn visa du lịch Mỹ.

Hoa Kỳ có chính sách miễn visa du lịch cho công dân từ 38 quốc gia, hầu hết các nước từ châu Âu và Nhật, Nam Hàn, Singapore, Đài Loan từ châu Á.

Du khách từ Việt Nam chỉ chừng một trăm nghìn trong tài khóa 2015, theo số liệu từ Bộ Nội an Mỹ.

Người Việt xin visa vào Mỹ đôi khi là chuyện cười ra nước mắt vì chẳng mấy ai xin mà biết chắc có được hay không.

Mới đây thày tôi mất. Hai cô em gái ở Việt Nam xin visa du lịch để qua Mỹ chịu tang và tiễn đưa ông cụ. Giấy tờ gia đình gửi về cho hai cô đầy đủ và như nhau. Lên gặp lãnh sự, người được đi lại là cô không có nghề nghiệp vững chắc, còn cô em có tài sản, cơ sở buôn bán làm ăn với sổ nọ sổ kia lại không được đi.

Theo số liệu từ bộ ngoại giao Mỹ thì số người Việt bị từ chối visa du lịch Mỹ là 24% trong năm nay, so với năm ngoái 29% và năm 2008 là 39%. Như thế mức cấp visa cho người Việt vào Mỹ du lịch cũng đã có tiến triển trong vòng một thập niên qua.

Chuyện xin visa vào Mỹ cũng có nhiều bất ngờ. Một bạn quen mời bố vợ qua thăm cháu, mấy lần lên tổng lãnh sự quán đều bị từ chối, tốn cũng bộn tiền vì mỗi lần điền đơn phỏng vấn là hơn 100 đô. Mức phí hiện thời là 160 đô. Lần sau cùng cũng không được, bực quá ông quăng hộ chiếu, nói với nhân viên lãnh sự là nước Mỹ làm khó qua, xin qua thăm cháu mà cũng không cho. Nghe vậy lãnh sự động lòng liền cho ông visa.

Lúc này dù nhãn quan thế giới đối với Hoa Kỳ không lấy gì làm thân thiện vì chính sách di dân có những giới hạn và cấm cửa người Hồi giáo, trong khi Mỹ đang can dự quân sự từ nhiều năm qua vào Afghanistan, Iraq. Nhưng nước Mỹ vẫn hấp dẫn công dân thế giới vì sức mạnh mềm của Hoa Kỳ lan toả nhanh. Văn hóa Mỹ đã một thời làm giới trẻ khắp thế giới say mê, từ nhạc Elvis, CCR, Lobos, Michael Jackson đến những phim sản xuất từ Hollywood, những chương trình giải trí trên truyền hình, những điếu thuốc lá Winston, Pall Mall, Salem, Carmel.

Nơi nào có dấu chân người Mỹ ở đó sẽ thấy cửa hàng McDonald’s, KFC, sẽ thấy bảng hiệu quảng cáo Coca-Cola, Coke, sẽ thấy xe hiệu Ford, GM hay Cadillac.

Thời đại này thì Google, Apple, Facebook là sức hút của nước Mỹ.

© 2017 Bùi Văn Phú

4 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thấy những gì đã viết trong bài này đều đúng sự thật. Đúng quá nên chẳng ai bàn cãi lôi thôi. Tôi cũng thế. Vì thầm nghĩ có góp ý cũng chỉ là thêm lời khen. Càng khen thì hậu duệ của bọn răng đen mã tấu càng nô nức chen chân chạy qua sống ở bên này. Xưa, tôi đã bỏ xứ trốn chạy bọn cướp này, gìờ này con cháu chúng mò theo qua ở chung, thử hỏi còn gì bực bội hơn?!

  2. Câu nói của nhà văn Nga tỵ nạn ở Anh : “.Nơi nào có hạnh phúc -nơi đó là quê hương” Hơn 3 triệu người Việt đả đi và hàng hàng -lớp lớp đang
    và sẽ đi …đó là những đoàn người đi tìm Quê-hương !.Những người Miền nam mất Quê hương từ sau 1975. Người mien Bắc mất quê hương
    kể từ sau 1954. Đó là sự thât !! Nước nào củng có ăn cướp-giết
    người..nhưng khi thành phần nầy lên Lảnh đạo thì quê hương không còn là quê hương nửa,vì thân phận con người thua một con chó !!

    • “Nơi nào có hạnh phúc – nơi đó là quê hương”
      Theo quan niệm của người Việt, Quê Hương là nơi mình sinh, lớn lên, đầy tình nghĩa láng giềng (có lẽ nhiều sắc dân trên thế giới cũng thế). Nhưng họ phải ra đi vì nơi đó họ không có hạnh phúc dù biết sẽ rất thương nhớ nơi chôn nhau cắt rún.
      Vì thế, nếu nói nước Mỹ thu hút di dân bởi Facebook, Google, Apple, Hollywood…để chọn làm quê hương thứ hai thì thiết nghĩ không chính xác lắm. Bởi những phương tiện kỷ thuật đó bất cứ nước nào hiện nay cũng có thể thụ hưởng được, chỉ cần có tiền. Nói vậy không có nghĩa những người nghèo khó mới muốn qua Mỹ, mà ngược lại đa số nếu không nói là hầu hết tầng lớp giàu có, rất giàu ở VN hiện nay đều muốn di cư qua Mỹ ở.
      Điều đó cho thấy những người VN mặc dù giàu có, với biệt thự lộng lẫy, xe hơi đắt tiền, nhưng sống dưới một nhà cầm quyền chơi luật rừng như CSVN họ không biết ngày mai số phận họ sẽ ra sao? Với sự bất an tâm như vậy thì làm sao có hạnh phúc với công sức mình tạo ra?

      Và đó là chưa kể ngay cả chính đám chóp bu CSVN đã chuyển không biết bao là tài sản mà chúng cướp được của người dân Việt, rồi đem ra nước ngoài cho con cháu chúng đi du học đứng tên hay đội lốt đầu tư để tìm “quê hương và hạnh phúc” sau nầy một khi mà chế độ chúng hết lời ca tụng sụp đổ.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên