Phạm Hoài Vũ: Kinh Cựu ước

0

 

Ông Hai Vinh được báo, tối nay gặp người do Trên cử xuống để nghe một chỉ thị quan trọng. Từ thời hoạt động bí mật, mọi giao dịch đều phải giữ kín đáo. Người ta không gọi rõ tên cơ quan nào, mà đều gọi bằng những mật danh. Khi nói “Cấp trên”, hoặc thậm chí rất ngắn gọn, “Trên”, là khi cấp dưới muốn nói về cơ quan lãnh đạo thuộc các cấp cao hơn. Mỗi khi nói “Trên”, người ta thể hiện một thái độ cung kính như nhắc đến một ngôi vị bề trên tôn nghiêm ở nơi cao ngất. Cách nói “Trên” cũng đã xen vào cả lĩnh vực nghệ thuật, như lời bài hát: “Giải phóng miền Tây bộ đội ta đã mau trưởng thành thắng trận Điện Biên Phủ càng tin quyết tâm ở Trên 

Theo kinh nghiệm của ông, các chỉ thị truyền miệng không giấy tờ thường là những nhiệm vụ tối mật và rất quan trọng.

Đợi không lâu thì người của Trên đến. Ông chăm chú nghe từng việc. Cuối cùng người của Trên chốt lại ngắn gọn:

  • Đây là nhiệm vụ tối mật Trên giao cho đơn vị của anh.

  • Trên có chỉ đạo cụ thể cách thức hành động không? – Ông hỏi lại cho rõ.

  • Không, thưa anh. Tùy anh lựa chọn cách nào thích hợp.

  • Khi nào phải bắt đầu? Trên có yêu cầu chặt chẽ về thời gian không?

  • Cũng không, thưa anh. Nhưng tinh thần là rất cấp bách. Không thể trì hoãn. Càng sớm càng tốt.

Ông ngẫm nghĩ về nhiệm vụ trọng đại vừa được Trên giao. Điều lúng túng của ông, là không có ai để hỏi ý kiến về vụ này, cũng không có ai để chia sẻ kinh nghiệm. Chỉ biết đó là lệnh tối mật. Đã tối mật thường cũng là hết sức hệ trọng. Đã lệnh Trên thì không được hỏi tại sao, thế nào, mà chỉ biết tin tưởng tuyệt đối và thực hiện nghiêm chỉnh.

Nhưng câu chuyện lần này có nhiều uẩn khúc.

Đó là phải thủ tiêu Cụ Bá.

Cụ vốn được xem là bậc cách mạng tiền bối, mà bây giờ lại nói, đó là một phần tử phản động cỡ bự do địch cài cắm vào hang ngũ của ta. Sự tồn tại của nhân vật này có thể làm tổn hại việc lớn.

Bọn phản động có nhiều cách để luồn sâu leo cao. Kinh nghiệm đầy ra rồi. Trên nhận định, với tên tuổi của Cụ Bá, một lực lượng mới có thể xuất hiện, tạo thế đứng đối trọng, làm thay đổi tương quan lực lượng ở vùng này.

Trên có viễn kiến bao quát. Rất có thể đúng như vậy. Nhưng mạng người mà xử sự đơn giản như thế được chăng? Nhất là đối với một bậc vốn được xem là người sáng lập các tổ chức tiền thân của phong trào. Không. Chúng ta đang sống trong chiến tranh, không thể mỗi lúc có thể bầy ra tòa án, thẩm phán, luật sư như thời bình. Ông thật sự do dự.

Ông còn bận tâm một chuyện khác. Cụ Bá là thầy học của ông. Nhiều gia đình vùng này gửi con cái theo học Cụ. Cụ không lấy tiền của ai. Cụ chăm sóc lũ học trò như con cháu. Chẳng lẽ thằng học trò này lại bất nghĩa vậy sao?

Ông còn áy náy chuyện khác nữa. Ông cùng học với con trai của Cụ Bá ở Trường Thành Chung trên thành phố, cùng những người con của Cụ Bá tổ chức phong trào cách mạng trong thanh niên, học sinh. Bây giờ chính mình xuống tay thủ tiêu bố của bạn?

Chưa nói đến một việc làm ông hết đỗi phân vân, mấy người anh em và con cháu của cụ đều là những người hoạt động có tên tuổi, đều là người dìu dắt, hoặc là đồng chí của cái ông Trên. Làm sao ông Trên ấy nỡ hại cái người vừa cùng đồng đội, vừa là người thân với các đồng chí của mình?

Không thể được. Không thể như vậy được.

Ông sẽ bàn trong nhóm lãnh đạo để người khác tổ chức thủ tiêu Cụ Bá.

Nhưng ông dám thoái thác? Chẳng lẽ ông dám đẩy nhiệm vụ Trên giao lên vai người khác. Cũng không thể được. Tổ chức sẽ đặt nghi vấn về ông. Quá mạo hiểm. Sinh mệnh chính trị của ông. Toàn bộ sự hy sinh của ông từ ngày tham gia hoạt động. Công lao của ông đổ hết cả xuống sông xuống biển.

Nhưng mà thôi. Đây là nhiệm vụ Trên giao. Không thể để tình cảm che lấp lý trí. Tình là tình. Cách mạng là cách mạng. Không thể mủi lòng đặt tình riêng trên lợi ích của cách mạng.

Thế là Hai Vinh quyết định.

Hai Vinh cho gọi ba người đến nghe ông giao nhiệm vụ.

Người thứ nhất. Anh Tảo, cán bộ trừ gian1, hoạt động tại một địa phương gần đây. Điều động người từ nơi khác đến để Cụ Bá không nhận ra gương mặt quen thuộc của những anh em hay qua lại vùng này.

Người thứ hai. Anh Cận, cảnh vệ của chính cơ quan Hai Vinh. Anh này chưa bao giờ tiếp xúc với Cụ Bá. Anh thường đi bảo vệ Hai Vinh trong các chuyến công vụ. Bao giờ anh Cận cũng mang theo một khẩu xít-ten tháo rời giấu trong cái bị cói đeo trên vai như một anh lái buôn. Khi gặp tình huống bất trắc anh Cận chỉ cần mươi giây là lắp xong súng và hành động.

Người thứ ba. Anh Tiêu, chỉ huy du kích từ nơi khác được điều động đến.

Ba người đến gặp ông vào lúc đêm đã khuya để nhận nhiệm vụ.

Sau vài chuyện thăm hỏi thông thường, giọng ông trĩu hẳn xuống.

  • Đây là việc rất hệ trọng mà Trên giao cho chúng ta. Trong thời hạn ba bốn ngày, các chú cần làm xong một số công việc.

  • Vâng, thưa anh. Chúng em sẽ chuẩn bị chu tất. – Anh Cận tiếp lời.

  • Chú Tảo, lo một thư mời của Tỉnh trưởng gửi Cụ Bá.

  • Dạ vâng. Em sẽ cố gắng. Việc này không khó. Một người của ta trong Văn phòng Tỉnh trưởng sẽ lo liệu.

  • Chú Tiêu, lo kiếm bốn bộ quần áo của sĩ quan cảnh vệ Dinh tỉnh trưởng.

  • Dạ vâng. Cũng hơi khó, nhưng chắc chắn lo được.

  • Còn một việc rất quan trọng.

  • Dạ. Xin anh cho ý kiến.

  • Làm sao kiếm được chiếc xe jeep, có người lái thạo đường vùng này?

  • Dạ, thưa người lái thì đã có sẵn. – Anh Tiêu tiếp lời ông.

  • Ai? Tin cậy không? – Ông sáng mắt hỏi dồn.

  • Rất tin cậy. Anh ấy vốn là lái xe, làm thuê cho một nhà xe khách hồi trước chiến tranh, chuyên chạy đường từ vùng này lên thị xã. Bây giờ là đội viên du kích của ta.

  • Thế thì được rồi! Còn xe?

  • Em sẽ cho anh em dân quân phục kích để bắt cóc một xe jeep ngoài quốc lộ. Bọn sĩ quan thường tự lái xe jeep đi lại thản nhiên trên dường. Bắt mấy anh này không khó.

  • Nhưng rồi giấu xe ở đâu. Bọn nó sẽ cho càn quét lùng sục.

  • Anh khỏi lo. Vùng này có mấy xã là ATK2 của ta, từ đầu kháng chiến đến nay quân Pháp chưa cách nào vào được, nói chính xác là chỉ mới chiếm được ba bốn ngày thì đã bị du kích đánh bật khỏi địa phương.

  • Thôi được. Thế là tạm ổn. Nhưng đừng quên một can xăng dự trữ.

  • Thưa anh yên tâm. Xe jeep luôn có can xăng dự trữ. Em nói người của ta trong kho quân nhu của Pháp chuẩn bị thêm. – Anh Tảo đỡ lời.

  • Chú Cận giúp tôi phối hợp tác chiến giữa ba chú, với chú lái xe là bốn.

Nghĩ một lát, ông Hai Vinh nhắc thêm:

  • Nhớ bố trí mấy chú phục sẵn ở nơi hành sự đề phòng bất trắc. Tôi trực tại một gia đình cơ sở. Có cụ Ngãi giữ dây liên lạc với chú Cận. Nếu có thay đổi, cụ Ngãi sẽ báo cho chú Cận. Thôi. Chúc các chú thành công.

***

Trời vừa chạng vạng tối, một chiếc xe jeep kéo kín mui đỗ xịch trước cổng nhà Cụ Bá. Một anh trong trang phục sĩ quan cảnh vệ Dinh Tỉnh trưởng giật dây chuông cổng kêu leng keng. Có tiếng cụ bà sai thằng hầu ra mở cổng. Tiếp đó là tiếng một anh:

  • Chú vào bẩm Cụ Bá, có sĩ quan hầu cận Dinh tỉnh trưởng đến trình Cụ.

Một lát nghe có tiếng guốc đi lẹp kẹp trong sân. Rồi tiếng một anh:

  • Con lạy cụ. Thưa cụ chúng con là sĩ quan hầu cận ở Dinh tỉnh trưởng.

  • Chào các thầy. – Nghe giọng cụ bà.

  • Cụ Tỉnh trưởng sai chúng con đến đưa giấy mời và đón Cụ Bá đến cụ Tỉnh trưởng tối nay.

  • Về việc gì. – Cụ bà lên tiếng hỏi. Gia đình đã quen, thi thoảng có xe của Dinh Tỉnh trưởng đến đón Cụ Bá.

  • Dạ. Thưa cụ chúng con không được phép biết ạ.

  • Hay là cụ Tỉnh trưởng mời cụ tôi lên hầu cụ một ván mạt-chược?

  • Dạ thưa cụ. Chắc trong thư nói rõ.

  • Thôi được. Mời các thầy vào nhà đợi Cụ.

  • Dạ. Vô phép cụ. Chúng con xin đứng ở ngoài này còn trông xe.

Cụ bà sai thằng hầu đóng cổng rồi lại nghe tiếng guốc lẹp kẹp đi vào nhà, để mấy anh đứng phía ngoài cổng.

Đợi một lát, Cụ Bá ăn mặc chỉnh tề, quần trắng, áo dài đen, đội khăn đống bước ra cổng. Nghe tiếng Cụ:

  • Tôi đi bà nhá. Chắc tầm chín giờ là xong việc. Mọi lần đều thế mà.

Nghe tiếng đóng cổng ken két. Cửa xe đóng sập, kêu đánh rầm. Tiếng ai đó nói  như kiểu ra lệnh: “Nào đi”. Sau đó là tiếng xe jeep nổ máy. Trời tối hẳn. Xe chạy nhanh với ánh sáng đèn gầm.

***

Lên xe rồi Cụ Bá bỗng chột dạ. Linh cảm mách bảo cụ, hình như đây là vụ bắt cóc, cụ hấp tấp:

  • Ơ… ơ. Quay xe lại chút. Tôi để quên cái kính… – Cụ vừa nói vừa ngả người ra phía cửa xe, như muốn lao ra ngoài.

Cụ chưa nói xong thì hai người ngồi hai bên nách vội nắm siết tay cụ, vặn ngoặt về phía sau lưng, như muốn khóa tay cụ lại. Một anh dùng bàn tay bóp mồm cụ, rồi nhét một cái khăn vào miệng. Cụ Bá kịp giằng ra được một tay, kéo khăn ra khỏi miệng. Một anh dí súng côn vào thái dương Cụ Bá, dằn giọng:

  • Ngồi im. Không được chống cự.

Trên xe im bặt. Xe phóng lên đê, đi một đoạn rồi dừng lại dưới một lùm cây. Hai người xốc hai bên nách, người thứ ba mở cuộn dây thừng trói hai tay cụ về phía sau. Lôi ngược cụ xềnh xệch vào một thân cây ven mặt đê và trói cụ vào đó. Thêm hai người ôm súng từ bụi cây nhô ra phối hợp hành động.

Cụ Bá kịp nhận ra mấy người tuy đều mặc quần áo sĩ quan cận vệ Dinh tỉnh trưởng, nhưng nghe giọng nói của họ, cụ khẳng định họ đều là người ở các làng quanh đây.

Trong khi một người trói cụ vào gốc cây, hai người đứng chĩa súng chăm chăm về phía cụ như để canh chừng. Sau khi trói xong, người này lôi từ đâu ra một dải băng đen định buộc mắt cụ.

Cụ bình thản:

  • Không cần.

Anh ta đứng sững. Do dự. Vứt chiếc băng đen xuống đất. Lùi lại sát hai người cầm súng, rồi đứng nghiêm mặt tuyên bố:

  • Nhân danh cách mạng, chúng ta tuyên bố xử tử hình tên Việt gian

  • Các ông nhân danh ai? – Cụ Bá cướp lời.

  • Cách mạng. – Một người mặc đồ sĩ quan cảnh vệ nhắc lại.

  • … là ai? – Cụ Bá dõng dạc.

  • Là Trên.

  • Tôi hỏi các ông làm theo lệnh của ai. – Cụ dằn giọng.

  • Lệnh của Trên. – Một anh du kích trả lời giọng sẵng.

Nghe tiếng Cụ Bá cười, vẫn bình thản, trĩu hẳn giọng xuống.

  • Vậy thì bắn đi. – Cụ dằn giọng sau một phút im lặng.

Nghe rõ một loạt ba phát tiểu liên bắn tỉa. Đoàng … đoàng… đoàng.

Trong đêm tối nhập nhoạng, mấy anh du kích còn kịp nhận rõ, Cụ Bá khuỵu chân, tụt xuống lưng chừng gốc cây. Mấy anh quay lại bắn thủng lốp xe và chạy biến vào xóm khuất sau những lùm tre. 

Lệnh Trên được thực hiện nhanh gọn.

***

Suốt những năm dài, sau khi chiến tranh kết thúc, lí lịch Hai Vinh được bổ sung một đoạn đầy tự hào, đã góp phần trừ khử một tên phản động lợi hại cỡ bự. Ông ghi hai ba lần từ “cỡ bự” vào phần thành tích trong lí lịch với một ý thức đầy kiêu hãnh. Ông cũng đinh ninh viết tiếp, là đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng chung.

Sau này, trong các câu chuyện hàn huyên với con cháu, ông luôn kể lại sự tích của mình với một niềm tự hào chính đáng, rằng ông đã trực tiếp tham gia trừ khử tên phản động cỡ bự kia. Đó là một niềm hãnh diện của gia đình.

Bản lí lịch khai tiếp, tên phản động ấy đang được kẻ địch chuẩn bị để tạo dựng một lực lượng cũng gọi là cách mạng, nhưng đứng như một đối trọng với lực lượng kháng chiến của vùng này, tiếp tay cho giặc, làm suy yếu lực lượng kháng chiến. Hậu quả không thể lường hết được.

Những trang lí lịch sáng láng ấy luôn được nhắc đến khi người ta xem xét thành tích kháng chiến của ông. Một bằng khen rực rỡ vinh quang treo nơi trang trọng nhất trên tường nhà. Ông lồng bằng khen vào một khung kính lớn để họ hàng, xóm làng chiêm ngưỡng.

Bản lí lịch ấy cũng được nhắc đến khi người ta xem xét gắn các thứ huân chương, huy chương cho ông. Mỗi ngày đầu xuân họp mặt họ mạc, ông trưởng họ luôn nhắc đến công trạng của ông như một niềm vinh quang của cả họ. Mỗi dịp họp hành, các cụ trong hội hưu nhắc đến công tích của ông như một sự kiện tiêu biểu trong các câu chuyện công tích của các thế hệ đi trước.

Khi ông còn làm việc, thành tích ấy cũng được nhắc đến mỗi lần người ta xem xét cất nhắc. Và ông được đưa lên nắm giữ những chức vụ đầy trọng vọng. Mọi thứ hào quang lần lượt được gắn trên mình ông.

***

Đến một buổi chiều muộn, khi thành phố đã lên đèn, với một tâm trạng muốn thư giãn, Hai Vinh ngồi thu mình trong góc tối của một quán cà phê. Câu chuyện của hai người luống tuổi, tầm tuổi với ông, ngồi bàn bên cạnh, ngẫu nhiên lọt vào tai. Ông khuấy nhẹ li cà-phê. Lắng nghe từng lời của họ.

  • Cái chết của Cụ Bá nhà ông là một cái chết oan uổng.

  • Oan uổng nỗi gì. Người ta phải làm vậy để bảo vệ cách mạng.

  • Có lẽ chỉ là một chuyện được dàn dựng có bài bản.

  • Rất có thể có điều gì uẩn khúc?

  • Cụ nhà có mối hiềm khích nào với ai không?

  • Ông nói sao? Làm thế nào tôi biết được.

  • Rất có thể một kẻ nào đó đã lợi dụng.

  • Đúng. Rất có thể một kẻ nào đó.

  • Nhưng mà… lợi dụng cái gì mới được chứ?

  • Ư hừ. Một kẻ nào đó có tị hiềm với Cụ Bá, mà Hai Vinh chỉ là kẻ phải chấp hành thực hiện ở cấp dưới.

Hai Vinh chột dạ khi nghe nhắc đến tên mình. Ông nghe tiếp:

  • Chưa hẳn.

  • Rất có thể, một kẻ nào đó đã nhân danh một ông Trên mượn tay Hai Vinh trừ khử Cụ Bá. Hai Vinh chỉ là kẻ tuân lệnh thừa hành bất khả kháng.

  • Hay là Hai Vinh hoang tưởng tự ý hành động?

  • Hoang tưởng gì lạ vậy? Dù hoang tưởng cũng không dám làm cái chuyện tầy đình ấy!

  • Ông nhớ những vụ khủng bố hồi đầu khởi nghĩa chứ?

  • Rất có thể đây chỉ là một vụ khủng bố răn đe, như những vụ du kích vẫn làm hồi đó. Chẳng có gì ghê gớm.

  • Ư hừ. Có như vậy. Nhiều người bị thủ tiêu không giải thích được vì sao. Mấy cô mở hàng bán giải khát ở cổng đồn đóng quân của lính Pháp cũng bị kết tội hợp tác với giặc, rồi bị bắt cho buông sông. Có bà già mặc áo bông dệt chỉ màu xanh trắng đỏ, bị qui tội mang ám hiệu cờ tam tài làm gián điệp cho quân Pháp, cũng bị mang xử bắn…

  • Rất có thể. Vụ xử Cụ Bá chắc cũng chỉ đến thế là cùng. Nhưng rồi sự tích ấy được thổi phồng lên trong đầu óc hoang tưởng của nhiều người, trong đó có Hai Vinh.

***

Câu chuyện của hai người mà Hai Vinh nghe lỏm được tối hôm đó chỉ loanh quanh như thế, nhưng nó đã làm ông đau đầu cả tháng. Những lời bình luận của họ làm ông như sực tỉnh sau cơn mê sảng.

Ông chợt liên tưởng cả những chuyện đời điên đảo khác.

Đó là thời kì cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Người ta đã phát lệnh bắt khẩn cấp Hai Vinh, vì tình nghi là tay sai của giặc, đã sát hại một vị công thần cách mạng.

Thì ra mấy anh du kích đã tố giác Hai Vinh với đoàn công tác chỉnh đốn tổ chức. Hai Vinh sững sờ. Lũ phản chủ. Hai Vinh nâng đỡ, dìu dắt, cất nhắc họ từ những ngày đầu kháng chiến. Anh như chết đứng. Chẳng phải mình anh. Biết bao người trong cảnh ngộ này. Anh lặng lẽ cam chịu.

Khi bị tra vấn về vụ trừ khử Cụ Bá, Hai Vinh khai làm theo lệnh Trên. Người ta đòi anh xuất trình tờ lệnh của Trên về việc trừ khử Cụ Bá. Anh nghệt mặt ra. Làm sao xuất trình được giấy tờ văn bản nào. Thời chiến tranh các lệnh tối mật, chỉ được truyền miệng trong những đêm tối trời. Mà dù có văn bản giấy tờ chăng nữa, thì đã ngót nghét chục năm, làm sao tìm được.

Đến khi người ta lại hỏi anh, Trên là ai, thì anh ngớ người, khai ra một lô thằng Cam thằng Quýt, thằng Kèo thằng Cột ngớ ngẩn nào đó truyền lệnh của Trên. Trời ơi. Ai biết những thằng vô danh tiểu tốt ấy!

Người ta bắt cả một dây những người có liên quan đến vụ thủ tiêu Cụ Bá. Cuối cùng cũng xác minh được, đây không phải là vụ thủ tiêu tùy tiện của một mình Hai Vinh, mà có cả một dây. Đúng là có lệnh từ Trên, rất nhiều tầng nấc nối tiếp nhau. Và cái ông Trên kia, cuối cùng được chỉ ra rất rõ.

Đến lúc sửa sai thì cả dây đều được minh oan, trừ những người đã bị bắn bỏ, không có cách nào sửa từ chết làm cho sống lại.

***

Ba mươi năm sau. Hai Vinh ở tuổi ngấp nghé sáu mươi, là cái tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”3, đủ chín để suy xét mọi sự, ông về làm việc ở một cơ quan lưu trữ, có cơ hội lục tìm những hồ sơ từ thời chiến tranh và trước chiến tranh. Ngẫu nhiên được đọc những tài liệu khác nhau về Cụ Bá.

Cụ là một học giả uyên thâm, là người khởi xướng một trong những nhóm đầu tiên trong phong trào cách mạng.

Một điều hết sức đặc biệt, Hai Vinh sững sờ nhận ra, Cụ Bá chính là người đã dìu dắt cái ông Trên của Hai Vinh đi vào con đường cách mạng. Và chính cái ông Trên đã ra lệnh cho Hai Vinh thủ tiêu Cụ Bá ba mươi năm trước.

Nhưng vì sao cái ông Trên phải ra lệnh thủ tiêu Cụ Bá? Có đích thực Cụ Bá là tên “phản động cỡ bự” phải mang xử trước tòa án cách mạng? Đâu là căn nguyên đích thực khiến cái ông Trên phải ra lệnh cho Hai Vinh thủ tiêu Cụ Bá?

Quả thật đây là một nghi án. Cho đến nay vẫn tròn trịa là một nghi án.

Tạm thời không cách nào giúp mọi người hiểu được nghi án này. Chắc phải chờ thời gian. Thời gian sẽ làm rõ mọi sự. Hoặc cũng chính thời gian sẽ xóa nhòa mọi sự.

Tìm hiểu trong đống hồ sơ tài liệu, Hai Vinh thấy hé lộ những căn nguyên giật mình. Căn nguyên ấy đã hối thúc cái ông Trên phải thủ tiêu Cụ Bá.

Đó là, trước hết, Cụ Bá chính là người dìu dắt ông Trên đi vào con đường cách mạng. Mà cái ông Trên của Hai Vinh lại không muốn để mọi người hiểu rằng con đường cách mạng của ông là do có một ai đó dìu dắt. Mọi người phải hiểu, ông giống như đấng sáng thế. Chính ông. Tự ông. Chỉ có ông mầy mò con đường sáng tạo ra thế gian này.

Thứ hai, cái nguyên nhân này mới thực sự bí hiểm và là động lực ghê gớm thôi thúc ông Trên thủ tiêu Cụ Bá. Đó là việc Cụ Bá và ông Trên của Hai Vinh hình như cùng cộng tác với một sở mật vụ nước ngoài. Việc này liên quan một nghi án về việc có kẻ nào đó chỉ điểm cho mật thám bắt một số chí sĩ yêu nước.

Việc này các tài liệu rất mâu thuẫn nhau.

Những người có thiện cảm với Cụ Bá, những người muốn bênh vực Cụ Bá, những người thuộc giới nghiên cứu, … thì cho rằng chính ông Trên là thủ phạm chỉ điểm để mật thám bắt các vị chí sĩ.

Những người thân tín của ông Trên, các chính khách, … thì ra sức buộc tội Cụ Bá đã làm công việc chỉ điểm. Số bài phân tích theo quan điểm này cũng xếp thành một đống dầy ngang phân với những bài lên án ông Trên.

Còn số người khác thì buộc tội cả hai người. Số bài loại này cũng xếp dầy cả gang tay, không hề ít hơn cả hai loại trên cộng lại.

Rất có thể đó là nguyên nhân buộc ông Trên phải thủ tiêu Cụ Bá, triệt khẩu Cụ Bá, hòng chấm dứt một nghi án.

Câu chuyện cứ như thế trôi theo dòng chảy của thời gian.

***

Trong hồi kí của mình, Hai Vinh đã ghi những dòng đầy nước mắt.

Gia đình ông chịu quá nhiều oan trái. Phải chăng do ông đã đang tâm xuống tay làm hại Cụ Bá, thầy học của ông, không chỉ là một người vô tội, mà còn là một người có công với phong trào cách mạng.

Thằng con trai độc nhất của Hai Vinh bị bom chết không toàn thân thể, một mảnh bom hất văng nửa mảng ngực với toàn bộ bả vai bên trái. Vợ ông qua đời vì ung thư phổi, phải khoét gần nửa lá phổi mà vẫn không cứu được mạng sống. Họa vô đơn chí!

***

Nhưng rồi ông an ủi. Mình trừ khử Cụ Bá là theo lệnh của Trên. Ông Trời đã xử oan mình. Ông tâm niệm Trời có mắt. Mối họa này phải được hóa giải. Nó phải vận vào chính cái ông Trên và hậu thế của ông.

Ông tin vào thuyết quả báo. Quả báo tận hết đời này cho đến đời sau, và còn truyền đến mấy cõi nhân gian. Có nhân tất có quả. Nhà Phật đã chỉ ra cho phổ độ chúng sinh.

Từ cả ngàn năm trước, Kinh Cựu ước cũng ghi rành rẽ.

Oculum pro Oculo. Dentem pro Dente

Vâng, “Mắt đền Mắt. Răng đền Răng”. Nhưng thôi. Nói thế dài dòng văn tự quá. Có lẽ cứ phải hiểu như điều giản dị này:

Oan khổ đền Oan khổ”.

Mùa Đông 1998

_______________

Truyện ngắn được viết dựa theo bản Hồi ký của một vị nguyên là Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, người được giao nhiệm vụ thủ tiêu một bậc cách mạng tiền bối đã về ở ẩn.

1 Cán bộ trừ gian” thời kháng chiến chống Pháp nay gọi là “Công an.

2 ATK nói tắt, nghĩa là An toàn khu

3 Lời Khổng Tử: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên