Hai chuyện gián điệp trong tuần

0

Bên Úc

Các chính trị gia của Úc lo ngại sau khi tin tức báo chí nói rằng một người Trung Quốc ra trình diện với nhà chức trách, nhận mình là gián điệp của Bắc Kinh và muốn xin tỵ nạn tại Úc. Người này đã cung cấp các thông tin về cách Bắc Kinh lủng đoạn tình hình chính trị tại Úc, Hồng Kông và Đài Loan.

Đây là lần đâu tiên có một nhân viên tình báo Trung Quốc tự ý ra trình diện với nhà chức trách phương Tây.

Khi ra khai với cơ quan tình báo của Úc, ông Vương Lập Cường nhận mình là nhân viên tình báo cao cấp của Trung Quốc, có văn phòng tại Hồng Kông. Ông đã khai chi tiết về cách mà Bắc Kinh đã tài trợ và tiến hành các hoạt động lủng đoạn tại 3 nơi kể trên.

Núp dưới bình phong của một doanh nghiệp đầu tư tại Hồng Kông, nhiệm vụ của ông Vương là gây ảnh hưởng tới các trường đại học và giới truyền thông.

Năm 2018, ông đã sử dụng một hộ chiếu của Hàn Quốc để gây ảnh hưởng tại cuộc bầu cử cấp địa phương của Đài Loan. Ông cũng cho biết là đã có kế hoạch gây rối bầu cử tổng thống ở Đài Loan vào năm tới.

Ngoài ra, ông cũng khai chi tiết về vụ bắt cóc một nhà buôn sách ở Hồng Kông hồi năm 2015, đưa về lục địa đề điều tra về tội buôn bán những tài liệu chống đối nhà nước. Vụ này cũng là một trong những lý do châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở Hồng Kông hiện nay.

Ông Vương Lập Cường đang có mặt tại thành phố Sydney của Úc cùng với bà vợ và đứa con nhỏ, sử dụng visa du lịch. Ông xin được tỵ nạn chính trị tại Úc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh chưa thấy lên tiếng về vụ này, nhưng nhà chức trách Úc nói rằng ông Vương có lý do thuận lợi để được cấp quy chế tỵ nạn vì nếu bị trục xuất, ông có thể bị tù hoặc hành quyết.

Bên Mỹ

Một cựu nhân viên tình báo Mỹ CIA gốc Trung Quốc đã bị kêu án 19 năm tù vì đã cung cấp bí mật tình báo cho chính phủ Trung Quốc, một bước lùi quan trọng cho các hoạt động tình báo của Hoa Kỳ.

Jerry Lý Chân Thành, 55 tuổi, trước đây đã phục vụ CIA trong 13 năm, đã nghỉ làm từ năm 2007 và dọn sang Hồng Kông. Trong thời gian phục vụ cho CIA, ông đã công tác tại nhiều nước, kể cả Trung Quốc, và nắm nhiều tin tức về những người Trung Quốc làm cho CIA.

Ông Lý bị bắt cách nay 2 năm sau khi FBI tìm thấy một USB trong phòng khách sạn của ông có chứa tên của những người làm cho CIA, và ông đã bị buộc tội hồi tháng 5.

Ông nhìn nhận vào năm 2010, có hai nhân viên tình báo Trung Quốc gặp ông, trao cho ông 100.000 đô la và hứa sẽ lo cho ông “trọn đời” nếu ông chịu cung cấp thông tin mà họ yêu cầu.

Một tháng sau khi nhận tiền của 2 người Trung Quốc, ông Lý đã ký thác vào tài khoản ngân hàng của mình 17.000 đô la tiền mặt, mặc dù doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn của ông tại Hồng Kông rất vắng khách. Tổng cộng ông đã nhận được khoảng 840.000 đô la.

Cùng thời gian ông Lý bắt đầu nhận lời hợp tác với Trung Quốc, hệ thống thông tin liên lạc cho các hoạt động bí mật của CIA gặp trục trặc, không rõ đây là sự trùng hợp hoặc có vấn đề kỹ thuật.

Nếu tính luôn vụ ông Lý thì trong vong một năm qua, Hoa Kỳ đã xử ít nhất 3 công dân đã cung cấp các thông tin nhạy cảm cho Trung Quốc, điều đó cũng chứng tỏ hoạt động đánh cắp thông tin của Trung Quốc tại Hoa Kỳ cũng hết sức năng động.

Hồi tháng 5, Kevin Mallory của CIA lãnh 20 năm tù về tội chuyện các bí mật quốc phòng của Mỹ cho Trung Quốc.

Hồi tháng 9, Ron Hansen của Tình báo Quốc phòng DIA lãnh 10 năm tù về tội có ý định chuyển giao bí mật cho Trung Quốc để đổi lấy hàng trăm ngàn đô la.


Nguồn: CNBC, Channel News Asia

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên