Đức: Cuộc đua kế vị bà Merkel

0
Armin Laschet i Annalena Baerbock / PAP/EPA / RONALD WITTEK

Sau cuộc đấu đá nội bộ gay cấn, đảng của Thủ tướng Angela Merkel hôm thứ Ba đã đặt tương lai của đảng vào tay Armin Laschet, một chính trị gia kỳ cựu, người sẽ đứng ra cạnh tranh với các đảng khác để có thể kế nhiệm 16 năm cầm quyến của bà Merkel.

Trước đó một ngày, Đảng Xanh đã chọn Annalena Baerbock, một trong hai người đồng lãnh đạo của đảng, để ra tranh chức vụ chính trị hàng đầu của Đức trong cuộc bầu cử vào tháng 9.

Các quyết định của hai đảng đưa ra gần như cùng lúc cuối cùng đã mang lại sự rõ ràng để xác định ai sẽ là người sẽ ra tranh chiếc ghế của bà Merkel khi bà nghỉ hưu.

Sáu tháng trước, đảng của bà Merkel có vẻ sẽ nắm quyền thêm một lần nữa, nhưng sự thất vọng của người dân trước cách bà ứng phó với đại dịch, cộng thêm sự kiện ông Laschet không có nhiều fan, khiến cho giờ đây câu chuyện không còn đương nhiên, mặc định nữa.

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 9 sẽ đại diện cho một kỷ nguyên mới của Đức, và rộng hơn, của Liên minh Châu Âu EU vì Đức là nền kinh tế mạnh nhất của khối và là nước có tầm ảnh hưởng chính trị vào loại nặng ký.

Ông Laschet, 60 tuổi, được coi là hình ảnh thu nhỏ của đường lối chính trị truyền thống trong Liên minh Dân chủ Ky tô giáo của Thủ tướng Merkel. Bà Baerbock, 40 tuổi, là một ngôi sao đang lên trong đảng Xanh, nếu không nắm được vị trí thủ tướng thì ít nhất cũng sẽ tham gia chính phủ liên hiệp sau bầu cử.

Hai ứng cử viên này khác nhau chỗ nào? Peter Matuschek, nhà phân tích chính trị của tổ chức thăm dò ý kiến Forsa: “Sự tương phản là khá rõ ràng. Bà Baerbock năng động hơn nhiều.”

Ông Laschet là ai?

Laschet là thủ hiến của North Rhine-Westphalia, bang có 18 triệu người, đông dân nhất của Đức. Ông được bầu làm lãnh đạo của Đảng Dân chủ Ky tô giáo (CDU) vào tháng Giêng. Theo thông lệ, vị trí này giúp ông trở thành ứng cử viên của đảng cho chức thủ tướng.

Nhưng vì Laschet không được nhiều cử tri yêu thích, ông phải đấu tranh chống lại người đứng đầu đảng chị em với CDU có nhiều người biết đến hơn, và đến hôm thứ Ba, kết quả mới rõ ràng thuộc về ông. Về mặt chính trị, ông đã không giải quyết tốt diễn biến của đại dịch, nghiêng nhiều về việc mở cửa sớm trường học và doanh nghiệp.

Ông tuyên bố có thể xoay chuyển sự ủng hộ đang thấp của cử tri với mình bằng cách thể hiện mình là một ứng cử viên có thể tạo đồng thuận, có khả năng làm việc tốt với đảng Xanh. Về mặt chính sách, ông ấy được coi là sự tiếp nối của bà Merkel.

David McAllister, cùng đảng CDU với ông Laschet và là một thành viên của Nghị viện Châu Âu, gọi Laschet là một “người Châu Âu chân chính và có nhiều cố gắng”, cương quyết tham gia các liên minh giữa Hoa Kỳ và châu Âu.

Nhưng nhiều nhà phê bình miêu tả ông có thái độ mềm mỏng đối với Nga. Giống như bà Merkel, ông Laschet muốn giữ các vấn đề như vụ đầu độc Alexei Navalny tách biệt khỏi mối quan hệ năng lượng với Nga. Ông ủng hộ việc hoàn thiện Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt giữa Đức và Nga.

Bà Baerbock là ai?

Baerbock là đồng lãnh đạo của đảng Xanh từ năm 2018, khi đảng này chuyển đổi từ gốc gác là phong trào quần chúng chống hạt nhân, bảo vệ môi trường sang thành một đảng chính thống.

Bà nói việc ứng cử của mình giống như nhận được “một lời mời để lãnh đạo đất nước đa dạng, mạnh mẽ và giàu có.”

Nhiều phương tiện truyền thông Đức hoan nghênh việc bà ra tranh cử. Một bài xã luận trên tờ Stuttgarter Nachrichten gọi Baerbock là một “lựa chọn khôn ngoan” và “xứng tầm thời đại khi tin tưởng một người 40 tuổi không có kinh nghiệm điều hành chính phủ vào vai trò chính trị quan trọng nhất của quốc gia”. Volksstimme, một tờ báo ở Magdeburg, ca ngợi “phong cách tươi mới hơn” của bà sẽ đưa nước Đức thoát ra khỏi ảnh hưởng già cỗi lâu năm của CDU.

Về chính sách đối ngoại, đảng Xanh có lập trường phê phán nhiều hơn khi nói đến Nga, nhưng thật khó để biết điều đó có thể thay đổi hay không nếu đảng này không còn ở vị trí đối lập nữa, nhà phân tích chính trị Matuschek của tổ chức thăm dò ý kiến Forsa nói.

Ông nói tiếp, khi đảng Xanh giữ Bộ Ngoại giao trong chính phủ liên hiệp vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, đảng này phải loay hoay để dung hòa các nguyên tắc yêu hòa bình của đảng với chính sách mưu tìm hòa bình của chính phủ, đặc biệt là khi nói đến cuộc chiến ở Kosovo.

Tuy nhiên, từ giờ đến ngày bầu cử, bà Baerbock sẽ tiếp tục bị công chúng và phương tiện truyền thông soi mói về kinh nghiệm quản lý.

Theo Washington Post

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên