TS Trần Công Trực: Ngày 20/1/1974 Hoàng Sa thất thủ, thác là thể phách còn là tinh anh

8

ĐCV: Trong vài năm trở lại đây, trận hải chiến Hoàng Sa và việc Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo này không còn là đề tài cấm kị trên các trang báo nhà nước nữa. Tuy chưa thật cởi mở, nhưng từng bước một, nhiều tin bài liên quan tới chủ đề này đã được chính báo chí trong nước đăng tải.

Quỹ hỗ trợ gia đình các quân nhân hy sinh ở Hoàng Sa cũng hoạt động mà không bi nhiều cản trở của chính quyền trong nước. Có lẽ, họ cũng nhận ra rằng, không công nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa là mất đi cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ lãnh hải của tổ quốc và chủ quyền với các đảo trên biển Đông.

Bài viết dưới đây nằm trong loạt bài được đăng tải bởi báo Giáo Dục. Chúng tôi xin trích đăng lại. Tờ báo cũng gọi những người đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa là “những người con đất Việt”
————————-

Sáng sớm ngày 20/1/1974, các chiến hạm Trung Quốc đã đến gần và bao vây các đảo do Việt Nam Cộng hoà phòng trú. Các sĩ quan trưởng toán trên đảo đã thiết lập hệ thống phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu nếu quân Trung Quốc đổ bộ.

Trên đảo Quang Ảnh, toán đổ bộ thuộc tàu HQ16 do Trung uý Liêm chỉ huy gồm 15 người đã dùng thuyền cao su đào thoát.

Toán này được ngư dân Bình Định cứu sống cách phía đông Quy Nhơn 40 hải lý, sau 10 ngày họ lênh đênh trên biển. Một nhân viên đã chết vì kiệt sức lúc đưa lên ghe, 14 người còn lại được chuyển đến điều trị tại Quân y viện Nguyễn Huệ (Quy Nhơn).

Trong buổi sáng ngày 20/1, các tàu HQ4, HQ5 và HQ16 về đến Đà Nẵng. Tất cả các nhân viên tử trận và bị thương được di chuyển ngay về Quân y viện Duy Tân.

Trung Quốc dùng không quân đánh phá, Hoàng Sa thất thủ

Ngày 20/1, bốn phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Hưu Nhật, Quang Ảnh và Hoàng Sa… Tiếp đó, binh lính Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hoà trên các đảo này, chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.

Trưa ngày 20/1 các chiến hạm Trung Quốc chạy quanh các đảo Hữu Nhật và đảo Hoàng Sa (Pattle), bắn súng dữ dội làm gãy cờ Việt Nam Cộng hoà cắm trên nóc nhà Trung đội địa phương quân.

Chiến đấu cơ Trung Quốc tuần tiễu bất hợp pháp sau khi cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng, Việt Nam năm 1974.

Sau 30 phút bắn phá, quân Trung Quốc hạ xuồng đổ bộ với lực lượng rất đông, ước chừng mỗi tiểu đoàn một đảo.

Ngay từ đầu, quân trú phòng Việt Nam Cộng hoà trên 2 đảo chống trả quyết liệt bằng súng M16 và M17, nhưng sau đó đành thúc thủ trước lực lượng đông đảo và hoả lực mạnh của quân xâm lược. Phía Trung Quốc bắt giữ tất cả quân trú phòng, tịch thu vũ khí.

Vào 4 giờ sáng ngày 22/1, một thương thuyền của Hà Lan vớt được 22 nhân viên của tàu HQ10 trên 4 bè cấp cứu tại toạ độ 16o10’ vĩ Bắc – 110o46’ kinh Đông.

Được tin, HQ6 và 2 VPB được điều động đến tiếp nhận và đưa về Đà Nẵng vào sáng ngày 23.1, các thương binh được chuyển ngay đến Quân y viện Duy Tân để điều trị.

Được biết khi đào thoát tất cả 28 nhân viên đi trên 4 xuồng nhưng khi trôi dạt có 6 người đã chết vì vết thương quá nặng, trong đó có Hạm phó tàu HQ10; 22 nhân viên còn lại được cứu thoát, nhưng có 1 sĩ quan chết vì kiệt sức khi được đưa sang tàu HQ6.

Kết thúc cuộc Hải chiến, phía Việt Nam Cộng hoà có 19 nhân viên tử trận, mất tích 55 quân nhân của HQ10, bị thương 35 quân nhân, 44 người bị bắt trên đảo Hoàng Sa (Pattle) và đảo Hữu Nhật (Robert).

Ngay trong ngày 20/1, Bộ tư lệnh Hải quân đã đề nghị Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Hội Chữ thập đỏ Quốc tế can thiệp với Trung Quốc trao trả các tù binh do Trung Quốc bắt giữ.

Kết quả, phía Trung Quốc đã trao trả 48 quân nhân vào 2 đợt: Đợt 1 gồm 5 quân nhân bị thương vào 31/1/1974 và Đợt 2 gồm 43 quân nhân vào ngày 17/2/1974.

Một chiến hạm (HQ10) bị chìm tại vùng giao tranh, 3 chiến hạm hư hại (đã trở về an toàn, trong đó HQ16 hư hại nặng, hai tàu HQ4, HQ5 hư hại nhẹ.

Thiệt hại về người của phía Trung Quốc không xác định được, 2 chiến hạm bị cháy và chìm (Kronstadt 274 và T.43 cải biến 396), 2 chiến hạm hư hại nặng (Kronstadt số 271 và T. 43 cải biến 389), 1 tàu đánh cá vũ trang hư hại nhẹ (Nam Ngư số 402).

Yếu tố vật chất (corpus) đã mất, nhưng yếu tố tinh thần (animus) không mất

Kết thúc trận hải chiến này, toàn bộ các đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hoà quản lý theo Hiệp định Geneva 1954 đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Ngay sau khi chiếm đóng, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt từ xưa đã chôn cất ở đó, xoá đi các di tích lịch sử, văn hóa hàng trăm năm của người Việt để áp đặt chủ quyền của họ trên quần đảo này.

Ngay lập tức, Chính quyền Việt Nam Cộng hoà ra Tuyên cáo về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trắng trợn các đảo của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 20/01/1974, Ngoại trưởng Chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũng đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo An cùng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.

Ngày 20/01/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra bản Tuyên bố nêu rõ lập trường trước hành động xâm chiếm của Trung Quốc tại Hoàng Sa:

“Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại.

Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng”.

Ngày 05/02/1974, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hoà ra Tuyên bố bác bỏ Tuyên bố ngày 04/2/1974 của Bắc Kinh vu cáo Quân đội Việt Nam Cộng hoà “ngang nhiên cho tàu chiến xâm chiếm đảo Nam Uy (tức đảo Trường Sa)…”

Ngày 14/02/1974, Chính phủ Việt Nam Cộng hoà ra Tuyên cáo xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo nguyên tắc của Luật pháp Quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ thì quyền chiếm hữu được xây dựng bằng hai tố tố cơ bản: corpus (tạm gọi là yếu tố vật chất) và animus (yếu tố tinh thần, ý chí).

Nếu cả 2 yếu tố này bị mất hết thì coi như nhà nước đó đã để mất chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ mà mình đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền từ trước.

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa mặc dù đã để mất chủ quyền trên thực tế do hành động cưỡng chiếm bằng sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc, nhưng đã kịp thời lên tiếng phản đối mạnh mẽ, công khai trên trường quốc tế, không chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của quân Trung Quốc.

Tiếp đến là Tuyên bố nêu rõ lập trường nguyên tắc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Công hòa niềm Nam Việt Nam, với tư cách là đại diện cho tiếng nói, ý chí của các tầng lớp nhân dân miền Nam Việt Nam, không chấp nhận sự chiếm đóng trái phép của quân đội Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Như vậy, Nhà nước Việt Nam mà chính thể Việt Nam Cộng hòa, kế tiếp là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, làm đại diện vào thời gian đó, vẫn luôn luôn thể hiện ý chí bảo vệ lãnh thổ của mình; không bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Hành động dùng vũ lực đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2 Khoản 4 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, nói rõ cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.

Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, là một nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên Hợp Quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ.

Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625, ngày 24 tháng 10 năm 1970, của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó quy định:

“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc gia hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe dọa hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.

Hai là, hành vi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (năm 1956) và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này (năm 1974) là hành động xâm lược lãnh thổ Việt Nam theo đúng nghĩa.

Ba là, theo Luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo của quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt.

Nghị quyết 2625, ngày 24/10/1970, của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ:

“Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những hành động như vậy đã, đang bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị Toà án Quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra nhằm minh chứng cho chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Báo Giaoduc.net

8 BÌNH LUẬN

  1. Quân y viện Nguyễn Huệ ơ Nha trang. Quân y Viện Quy Nhơn không có tên nào khác là Quân y viện Quy Nhơn thưa ông Trực và Tổng y viện Duy Tân tại Đà Nẵng , Tổng y viện lớn hơn Quân y viện ./

  2. Quân y viện Nguyễn Huệ ơ Nha trang. Quân y Viện Quy Nhơn không có tên nào khác là Quân y viện Quy Nhơn thưa ông Trực

  3. TRUYỆN XƯA TÍCH CŨ

    Hai mươi tháng một Bảy tư
    Hoàng Sa thất thủ quả như chuyện buồn
    Mất phần lãnh thổ vẹn toàn
    Bởi quân Trung Quốc dốc lòng tiến công

    Chúng dùng lực lượng rất đông
    Trong 30 phút tấn công đảo mình
    Quân ta chống trả tận tình
    Cuối cùng vỡ trận mới đành rút quân

    Thương vong kể cả trăm người
    Nên từ lúc ấy mất luôn đảo nhà
    Thật là bao nỗi xót xa
    Sau này lịch sử khó nhòa chuyện xưa

    Bởi khi Trung Quốc chiếm rồi
    Chúng bèn đào mả của người Việt Nam
    Hủy toàn di tích xưa còn
    Cả trăm năm trước của toàn dân ta

    Bạo tàn chúng chiếm Hoàng Sa
    Mặc dầu trước đó ba hoa chích chòe
    Ký vào Hiệp ước 54
    Chia đôi lãnh thổ của người Việt Nam

    Chiến tranh ”ý hệ” rõ ràng
    Sau này con cháu phải toàn thấy ra
    Miền Nam chế độ Cộng hòa
    Đã toàn bảo vệ Hoàng Sa tới cùng

    Trong khi Miền Bắc nhập nhùng
    Mê say ”ý hệ” mới toàn vô duyên
    Bao nhiêu luận điểm tuyên truyền
    Quả toàn phiêu lãng ngữa nghiêng nước nhà

    Ngàn năm đâu thể phôi pha
    Bởi bao luận điệu còn hoài khi xưa
    Mới thành lưu lại tội đồ
    Sau này con cháu dễ nào đâu quên

    SÓNG NGÀN
    (22/01/18)

  4. Trung tướng Zhu Chenghu- học viện quốc phòng Trung Quốc- phát biểu: “…Hoàng Sa thuộc Trung Quốc theo như công hàm của thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng viết cho thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1958, công nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc…” , tại hội thảo quốc tế vào ngày 13/3/2013 với chủ đề “Biển Đông: Nhân tố trung tâm của hòa bình và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương” do tổ chức Asia Society và đại diện Singapore đồng chủ trì ở Nữu Ước (Hoa Kỳ).

  5. Hai sử gia Trần Gia Phụng (hải ngoại) và Nguyễn Đình Đẩu ( ở Việt nam): Sau khi Hoàng sa bị Tàu cộng tấn công, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối, và đưa vấn đề Hoàng Sa ra quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có phản ứng gì.

    Tháng 5 năm 1976, báo Saigon Giải Phóng- cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam- trong bài bình luận về việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa năm 1974, đã viết: “Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi”.

    Năm 1988, khi đảo Gạc Ma bị Tàu cộng chiếm cứ, báo Sài Gòn Giải Phóng viết: “Hoàng Sa và Trường Sa dù cho có thuộc chủ quyền Trung quốc không có nghĩa là chủ quyền về lãnh thổ của ta bị mất, mà chỉ tạm thời do Trung quốc cùng phe xã hội chủ nghĩa anh em quản lý. Một ngày nào đó, chúng ta cần lấy lại, Trung quốc sẽ hoàn trả cho ta”.

  6. Thằng Mỹ nó bán đồng minh cho Tàu rồi.Đồng minh của Mỹ cũng chỉ là một món hàng để nó trao đổi.
    Tội nghiệp cho những người lính VNCH.Phải xã thân cho tổ quốc thôi.Không thể làm gì khác được.
    Thằng Mỹ nó nháy mắt cho Trung cọng đánh.Nó cản trở,hù doạ Tổng thống Thiệu khi ông quyết lấy lại lãnh thổ.
    Bởi thế,sau này Tổng thống Thiệu quá cay đắng mà huỵt toẹt:”Đời tôi có hai kẻ thù lớn nhất,đó là Cọng sản và Mỹ”.
    Tôi ngưỡng mộ Tổng thống Nguyễn văn Thiệu.

  7. Khi Hoàng Sa vừa thất thủ,Lê Duẩn đả nói với các quan chức VC của hắn:”thà mất vào tay các nước anh em ,còn hơn mất vào tay thằng ngụy !” Bọn CS hôm nay hảy nhớ đến lời nói đó,. Mau mau chưởi vào mặt Phú Trọng- và các ĐV cao cấp ,để bước ra khỏi cái Đảng bán nước nầy !!

  8. bài báo này tạm được. thông cáo của cái gọi là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam MTGP chằng nói gì gọi là phản đối trung cộng cả. còn VNDCCH thì tịt ngòi 100%. tác giả gọi VNCH là Nhà nước VN hoàn toàn đúng vì VNDCCH là chư hầu của thiên triều trung cộng – coi như không cần nhắc tới chi cho mệt.

Leave a Reply to Tran Van Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên