Nước Mỹ là của anh và của tôi

4
Nữ thần Tự Do là biểu tượng chào đón di dân đến Hoa Kỳ (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Từ khi Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ vào đầu năm 2017, rõ ràng là ông có chủ trương giới hạn di dân vào Hoa Kỳ, dù bất hợp pháp hay hợp pháp.

Vừa nhận chức một tuần, ngày 27/1/2017 ông ký sắc lệnh cấm không cho vào Mỹ công dân từ 7 quốc gia với đa số dân theo Hồi giáo là Sudan, Iran, Iraq, Yemen, Syria, Libya và Somalia.

Lệnh đó được thi hành ngay lập tức nên đã gây phản ứng mãnh liệt trong dư luận và đã bị nhiều tổ chức bảo vệ dân quyền cũng như cơ quan pháp lí tiểu bang khiếu kiện và sau đó đã không còn được thi hành vì không hợp hiến.

Tượng đài “Bàn tay hy vọng” là di tích còn trong Camp Pendleton ở miền Nam California, nơi đã đón tiếp 5 vạn người tị nạn vào năm 1975 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Mấy tháng sau Tổng thống Trump lại ký một sắc lệnh mới, cũng ngăn cấm không cho vào Mỹ công dân từ 6 quốc gia Hồi giáo, như sắc lệnh đầu tiên tuy có bớt khắc khe hơn và bỏ Iraq ra khỏi danh sách.

Trump cũng muốn hủy bỏ các chính sách về di dân trước đây, như DACA, là một sắc lệnh của Tổng thống Barack Obama cho trẻ em vào Mỹ không hợp pháp được gia hạn ở lại nếu đang theo đuổi con đường học vấn để hội nhập.

Cùng lúc Trump thúc đẩy các quốc gia nhận lại những công dân của họ đến Mỹ mà phạm luật, trong đó có Việt Nam, dù hai nước vào năm 2008 đã ký thoả thuận không trao trả những ai đến Mỹ sau ngày Washington và Hà Nội nối lại bang giao 12/7/1995. Trong thực tế một số người Việt có án hình sự, bất kể đến Mỹ vào lúc nào cũng bị trả về Việt Nam.

Chính sách giới hạn di dân vào Mỹ được chính quyền Trump triển khai nhiều mặt, từ xây tường biên giới, bỏ chương trình xổ số thẻ xanh cho đến cắt giảm số người tị nạn được nhận. Năm 2017 chỉ có 33 nghìn người và năm 2018 hơn 22 nghìn người được Mỹ nhận cho định cư theo qui chế tị nạn. So với những năm trước đó là khoảng 50 nghìn người mỗi năm.

Tiêu chuẩn để được vi-sa định cư ở Mỹ giờ được ưu tiên hơn cho những ai có trình độ học vấn cao, có nghề chuyên môn và khả năng Anh ngữ tốt.

Sự việc di dân vượt biên giới phía nam, từ Mexico vào Mỹ, trước đây có nhiều kẽ hở luật pháp để một người có thể bước qua biên giới, không bị giam giữ lâu và sau đó được tự do tạm ở Mỹ trong khi chờ cơ quan chức năng cứu xét hồ sơ. Nay việc này trở nên khắc khe hơn, ngay cả những trẻ em đi theo cha mẹ cũng bị tách khỏi gia đình, giam giữ riêng trong khi chờ cứu xét. Luật mới đã khiến nhiều gia đình có con nhỏ bị cách ly khỏi cha mẹ.

Chính sách mới liên quan đến cấp thẻ xanh vừa được ban hành và hiệu lực từ 15/10/2019, không có hiệu lực hồi tố, cũng muốn loại bỏ những ai đến Mỹ mà nhận trợ cấp như welfare (tiền mặt để sinh sống), food stamps (phiếu mua thực phẩm), trợ giúp chi phí thuê chỗ ở (housing voucher) và bảo hiểm y tế của chính phủ.

Tất cả những sắc lệnh của Tổng thống Trump hay đề xuất chính sách đều nhắm mục đích giới hạn di dân vào Hoa Kỳ.

Trong thời gian vận động tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đã công khai biểu lộ không có cảm tình với thành phần nhập cư Mỹ không giấy tờ hợp pháp, khoảng 10 triệu người. Nhiều lần Trump đã phát biểu với ngôn ngữ chê bai, mạt xát di dân bất hợp pháp, đa số đến từ Mexico, mà ông gọi là “đĩ điếm”, “tội phạm”, “băng đảng”, “buôn bán ma túy”.

Trong không khí tranh luận về chính sách di dân của Trump, người Việt cũng có đồng thuận và phản đối, chia thành hai phiá có quan điểm tương phản như cộng hoà và dân chủ trong dòng chính của sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ.

Phố Bolsa ở Little Saigon, thành phố Westminster, Quận Cam California là thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Với người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là những ai đến Hoa Kỳ trong cuộc di tản khỏi Sài Gòn vào tháng 4/1975, nhiều người còn nhớ dư luận Mỹ cũng không thiện cảm gì với người tị nạn Việt.

Khi đó lãnh đạo hành pháp là Tổng thống Gerald Ford, người của Đảng Cộng hoà, còn quốc hội do Đảng Dân chủ nắm đa số tại cả thượng viện và hạ viện.

Theo thăm dò của Harris Poll thực hiện trong tháng 5/1975 thì chỉ có 37% dân chúng Mỹ ủng hộ đón nhận người tị nạn Việt Nam, 49% không ủng hộ. Tại Quốc hội, chống đối mạnh mẽ nhất là dân cử thuộc Đảng Dân chủ, như Thượng Nghị sĩ Joe Biden, Thượng Nghị sĩ George McGovern, Dân biểu Joshua Eilberg. Thống đốc tiểu bang California lúc đó là Jerry Brown cũng không muốn đón nhận người tị nạn Việt đến tiểu bang này.

Triển lãm về lịch sử người tị nạn Việt Nam tại thủ phủ Santa Ana của Quận Cam (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Đáng chú ý là những người Việt bỏ quê hương ra đi được chính quyền cộng sản Hà Nội cho là thành phần ma-cô, đĩ điếm, lười biếng lao động, theo đế quốc Mỹ ăn bơ thừa sữa cặn. Luận điệu đó được lập lại bởi một số người Việt đến Mỹ trước năm 1975, là những sinh viên du học chống chiến tranh, chống Mỹ can dự vào Việt Nam.

Một sinh viên du học, sau khi vào thăm trại tị nạn Camp Pendleton ở miền Nam California đã viết trên nguyệt báo Thái Bình, tiếng nói của Hội Việt kiều Yêu nước và là một tổ chức ủng hộ chế độ Hà Nội, xuất bản ở California, ghi nhận đời sống trại tị nạn lúc đó [Nguyễn Nguyên Phong, Thái Bình số 23-24, tháng 4&5, 1975]:

“Những tệ nạn xã hội cũng được mang từ SG cũ theo vào trong cái “xã hội” nho nhỏ này. Từ việc tắm xong ra cố tình lấy lộn quần áo người khác cho đến việc ăn cắp, dí dao vào cổ cướp đồng hồ, nữ trang cho đến nạn đĩ điếm giữa Việt và Việt, giữa Việt và Mỹ, nạn tham nhũng ở các ban điều hành mà đồng bào không ngớt kêu ca…”

Nhiều người trong trại nói họ đang ở trong một cái nhà tù, những người thăm viếng nói họ đang thăm viếng 1 cái trại giam…”

“Cái viễn tượng của một đời sống tù túng về cả vật chất lẫn tinh thần không phải là cái gì xa vời. Háo hức bước ra khỏi “nhà tù” Pendleton, họ có biết đâu là họ sẽ vào 1 cái trại giam lớn hơn: Mỹ.”

Người Việt rời quê hương ra đi khi chiến tranh vừa chấm dứt, lòng đầy hoang mang không biết tương lai sẽ ra sao. Các sinh viên phản chiến chống Mỹ đã vào các trại tị nạn, mang theo báo Thái Bình cho đồng hương đọc. Không biết có ai bị ảnh hưởng bởi những bài viết như trên và đã đòi hồi hương.

Khi tôi được chuyển từ trại tị nạn ở Subic Bay, Philippines đến Orote Point ở đảo Guam, vào lều gặp nhạc sĩ Trường Sa, một sĩ quan hải quân ra đi bỏ lại vợ con, với đôi mắt đỏ hoe. Ông hỏi tôi có muốn hồi hương không, tôi trả lời không.

Nhạc sĩ Trường Sa đã viết trên báo Thái Bình [số 27-28, tháng 8&9/1975] về “Chiến dịch Đời Sống Mới” do chính phủ Hoa Kỳ khởi xướng:

“Nhân dân Hoa Kỳ có nên xét lại việc làm gọi là Nhân Đạo của chính phủ Mỹ trong kế hoạch di tản trên 130,000 người Việt ra khỏi nước Việt Nam hay không?

“Việc làm đó có thực sự nhân đạo hay không khi mà rất nhiều người ‘Tỵ nạn’ trong hoàn cảnh gia đình ly tán vô cùng đau thương vì bị tuyên truyền đầu độc hoang mang về chính sách của Chính phủ cách mạng cộng hòa miền Nam trong khi chính sách của chính phủ tại miền Nam Việt Nam hoàn toàn cởi mở và nhân đạo.”

Ông lên án chương trình định cư người tị nạn của chính phủ Mỹ:

“‘Operation New Life’ là một chiếc dù vĩ đại nhằm che dấu tội ác chiến tranh tại Việt Nam, là kết quả miễn cưỡng của chủ nghĩa đế quốc và chính sách tuyên truyền, giết chóc hoang mang để bảo vệ lập trường đem chiến tranh vào Việt Nam từ mấy chục năm qua…”

Con tàu Việt Nam Thương Tín đã đưa ông và 1600 người hồi hương vào tháng 10/1975, để rồi tất cả bị tống vào trại tù. Nhạc sĩ Trường Sa bị giam tù gần một thập niên, sau đó ông lại vượt biển và định cư ở Canada.

Thuyền nhân tị nạn trong trại Galang ở Indonesia năm 1986 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Người vượt biển, hay thường được gọi là “thuyền nhân” cũng không được dư luận Mỹ chào đón. Năm 1979, khi Tổng thống Jimmy Carter, người Đảng Dân chủ, muốn tăng số người tị nạn Đông Dương được nhận định cư tại Hoa Kỳ từ 7 lên 14 nghìn người mỗi tháng thì 62% dân chúng không ủng hộ, theo một thăm dò do CBS News/New York Times thực hiện vào tháng 6/1979.

Nhìn lại con đường đến Mỹ của người Việt trong hơn bốn thập niên qua, từ di tản 1975, làn sóng vượt biên vượt biển trong hai thập niên sau đó, rồi ODP đoàn tụ gia đình, đưa con lai trở về, HO định cư tù cải tạo và gia đình, ROVR định cư người vượt biển tự nguyện hồi hương, cho đến hiện tại là định cư theo diện đầu tư, du học rồi ở lại, kết hôn với công dân Mỹ.

Có mấy người Việt nào đến được nước Mỹ, có cơ hội định cư lại muốn trở về nguyên quán.

Số người Việt tại Mỹ khởi đầu với 130 nghìn, nay lên gần hai triệu và đã đóng góp cho đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của Hoa Kỳ. Hầu hết chúng ta đã “xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương” như một câu hát quen thuộc trước năm 1975 mà nhiều người Việt còn nhớ.

Mới đây đọc “tuýt” của Tổng thống Trump nói với mấy dân biểu Mỹ gốc da mầu thường chỉ trích ông, có người sinh ra ở đây, rằng nếu họ không thích đất nước này thì “go back”, cút về quê hương nguồn cội. Tôi cũng như nhiều người rất phẫn nộ vì đây là một câu nói mang đầy tính kỳ thị, biểu hiện tính thượng đẳng của người da trắng. Họ tưởng đất nước này là của riêng họ, trong khi lịch sử Mỹ cho thấy đây là đất nước đã được xây dựng nên nhờ di dân đến từ các châu lục.

Trong nếp sống Mỹ, hai câu nói “Go back” và “You speak good English” là mang đầy tính kỳ thị.

Khi mới qua Mỹ, trong giao tiếp nếu được một người bản xứ nhận xét mình nói tiếng Anh giỏi thì cảm thấy hãnh diện vì nó chứng tỏ mình đã học được ngôn ngữ mới khá nhanh.

Bây giờ nghe ai nói thế với mình là người đó đầu óc kỳ thị vì sau mấy thập niên ở Mỹ, trình độ ngôn ngữ và kiến thức của tôi có thể cao hơn nhiều người sinh đẻ ở đây.

Bực mình hơn nữa là khi nghe một người Mỹ thấy các con ở tuổi thành niên của mình sinh hoạt, vui đùa mà nói với chúng câu: “You speak good English”. Con cái mình sinh đẻ và lớn lên ở đây, cũng đi học như mọi người dân bản xứ thì lấy tư cách gì mà họ nói con mình giỏi tiếng Anh. Họ nhìn mầu da mà tưởng mình là di dân mới nói thế.

Đất nước này là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rún của các con tôi, của tất cả mọi người đang sống ở đây.

Ngày mới đến Mỹ, thật khó cho tôi cảm nhận được nơi này thuộc về mình, vì tiếng Anh còn kém, vì còn xa lạ với sinh hoạt đời sống, xã hội Mỹ, vì chưa hiểu nền chính trị ở đây.

Lâu dần, hội nhập vào đời sống, có nhiều hiểu biết hơn, rồi có bằng công dân, có hộ chiếu Mỹ để đi làm việc, du lịch nhiều vùng đất khác trên thế giới, khi đó mới nhận ra Hoa Kỳ là quê hương, là nơi sẽ trở về sau những chuyến đi, dù nói tiếng Anh còn lơ lớ giọng Việt, dù vẫn ăn cơm canh mùng tơi với cà dầm mắm nhưng cũng thích hamburger, speghetti, pizza, top dog.

Ngày mới qua Mỹ, ban ngày đi học ESL ở Berkeley Adults School, buổi tối ghi danh học “folk music” cho đỡ nhớ nhà. Có hai bài ca mà tôi còn nhờ mãi là “500 miles” nói lên tâm trạng một kẻ xa nhà và “This land is your land” nói về nước Mỹ của mọi người.

Khi Tổng thống Ronald Reagan lên làm lãnh đạo, ca khúc “God bless America” trở nên quen thuộc với tôi – có thể so sánh với “Việt Nam, Việt Nam” của Phạm Duy. Lúc đó tôi đã tốt nghiệp đại học, đã thành công dân Mỹ và hiểu biết hơn về những bổn phận và quyền lợi mà tôi đang có tất cả, chỉ không được ứng cử tổng thống Mỹ.

Nghe Trump nói “Go back”, như muốn đuổi những ai không thích nước Mỹ thì cút về nguyên quán, miệng tôi lại ngân nga câu dân ca quen thuộc học được từ hơn bốn mươi năm trước:

“This land is your land, this land is my land / From California to the New York island / From the Redwood Forest, to the gulf stream waters / This land was made for you and me…”

Và cảm thấy yêu đất nước này hơn qua ca từ bài “God bless America”:

“God, bless America, Land that I love / Stand beside her, and guide her / Through the night with a light from above / From the mountains / To the prairies / To the oceans white with foam / God, bless America. My home, sweet home.”

Tôi không ủng hộ Tổng thống Trump, chứ tôi yêu quê hương này và sẽ sống chết ở đây.

Bùi Văn Phú

Tác giả dạy đại học cộng đồng ở vùng Vịnh San Francisco. Ông có nhiều năm dạy học ở châu Phi và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn LHQ ở Đông Nam Á.

 

 

4 BÌNH LUẬN

  1. Người Đức và người Pháp đang đau đầu về việc người tị nạn Hồi Giáo…đã lỡ nhận vào…chưa biết nên xử lý ra sao….gây ra biết bao phiền toái và sự xáo trộn trong cuộc sống của người dân…
    Ông Trump đã có quyết định đúng…..là phải bảo vệ cuộc sống người dân Mỹ như đã hứa…
    Nước Mỹ nói chung…và các đời tổng thống nói riêng…luôn có những quyết sách bước ngoặt của từng thời kỳ…làm sao cho quyền lợi người dân trên hết….nước Mỹ trên hết…chúng ta không phải là lãnh đạo…không thể hiểu việc ông TT làm…không nên chỉ trích chính sách của ông ta….Hơn nữa…Nếu chính sách TT được thông qua…ta hiểu rằng…có số đông ủng hộ….TT không phải là vua….muốn làm gì thì làm….thể chế tam quyền phân lập…tạo ra thế chân vạc hoàn hảo…

  2. Trump không thích di dân đã thể hiện ngay từ lúc mới tranh cử. Trump nói rõ là phải làm hàng rào dọc biên giới Mỹ – Mexico. Trump đắc cử phản ảnh quan điểm đó. Vấn đề là khác biệt giữa tị nạn và di dân.

    Chỉ nói riêng về VN. Người miền Nam bị thua CS nên ồ ạt chạy trốn, bất chấp mọi nguy hiểm là tị nạn. Người miền Bắc, sau chiến thắng, ồ ạt Nam tiến là di dân. Vậy thì tị nạn thuộc chính trị. Di dân thuộc kinh tế. Vì là phe chiến thắng nên di dân Bắc biến thành cướp. Người phiá Nam là nạn nhân bị cướp. Theo luận điểm của Trump thì người Mỹ (phần nào đó) cũng đang là nạn nhân 🙁

    Dân Mỹ không ưa người tị nạn VN lúc ban đầu vì bị bọn phản chiến đầu độc dư luận. Đến lính Mỹ bại trận quay về còn bị khinh rẽ huống gì người tị nạn? Tui không chấp nhận lãnh đạo như Trump về tư cách cũng như ngôn ngữ. Nhưng tính quyết đoán cho mục đích bảo vệ quyền lợi dân Mỹ của Trump, tui tôn trọng. Còn cách bảo vệ đúng / sai là chuyện khác. Vì đúng hay sai thì phải chờ đợi kết quả và bầu cử năm tới là câu trả lời sơ khởi. Phải nói rõ như vậy kẻo không lại bị chụp mũ vô cớ “cuồng Trump” Hic! 🙁

    Về kỳ thị thì mỗi cá nhân đã có mầm mống từ nguyên thủy. Khác là nói hay không. Cụ thể hay không. Nhiều hay ít. Biết tự giới hạn hay không. Về luật pháp thì Mỹ có luật chống kỳ thị rất khắc khe. Việc áp dụng luật cũng rất chặt chẽ. Còn đòi hỏi hoàn hảo thì… vô phương!

    Trong đời sống chấp nhận cái tương đối là quý rùi!

  3. Anh Phú viết bài này cho phép Blackjack được phản đối. Tình hình tỵ nạn và di dân của Mỹ thời chúng ta mang thân phận bại trận đi tỵ nạn ở thập niên 70, 80 và 90, và bây giờ đã hoàn toàn khác. Thời đó, tất cả chúng ta chẳng ai muốn qua Mỹ cả nhưng vì sự phản bội đồng minh của Mỹ, chúng ta bại trận phải tỵ nạn.

    Còn bây giờ, di dân từ Việt Nam diều là con em cán cộng, chúng qua đây nhờ tiền của cướp bóc của dân lành, cho nên chính sách thắt chặt di dân của DJT sẽ khiến bọn vẹm khốn nạn khó di dân sang Mỹ hơn. Thân kính anh Phú!

  4. Tôi không biết điều mà ông Phú viết về nhạc sĩ Trường Sa có đúng không; Hay đó là đó dám phản chiến, theo cộng mượn tiếng ông Trường Sa viết để chống phá và gây hoang mang cho người ty nạn ( những lời ca ngợi vc và kết án Mỹ).>. Nhạc sĩ Trường Sa là một trung tá hải quân, một cấp bậc không lớn lắm, nhưng cũng không phải nhỏ ( nếu ở Bộ Binh , có thể làm trung đoàn trưởng); Phát ngôn bên ly rượu nó có thể bảy theo hơi men, nhưng ông ấy lại viết lên báo cho nhiều người đọc; Chắc phải có suy nghĩ đắn đo , để rồi ông phải trả giá bằng cả chục năm tù ( nếu các cấp chỉ huy mà cũng có cùng suy nghĩ như ông thì chiến tranh đã sớm chấm dứt, không phải kéo dài tới ). Nếu vc tốt thì vượt biên làm gì cho khổ.Bao nhiêu người Việt ở Campuchia đâu có được sống như con người, đó là họ không dám một lời chống lại chính quyền Campuchia đấy.Cám ơn ông Bùi văn Phú đã viết để người sau hiểu được người đi trước nghĩ gì.Tôi cũng đồng ý là những người đến đây mà vẫn hận thù người ở đây; và họ chỉ lợi dụng , gian dối để hưởng lợi thì nên mời họ về nơi họ sinh ra.!!!

Leave a Reply to Cu Tí Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên