Câu chuyện Nam Tư

1

Thiên đường XHCN

Sau bài về „Cà vạt Croatia“, có một số bạn thắc mắc về sự tan rã của Liên bang XHCN Nam Tư. Tôi xin mạo muội viết tiếp để những ai quan tâm hiểu rõ. Tôi e rằng, con cháu chúng ta sẽ không biết đến một quốc gia có tên Nam Tư (hay Yugoslavia, Jugoslavien…), đã từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20, đã có quan hệ đặc biệt với Việt Nam.

Hiệp ước hòa bình Versailles 1918 đã giải phóng một loạt các dân tộc Nam Slavia khỏi đế quốc Áo-Hung, chấm dứt thời kỳ đô hộ triền miên hàng trăm năm từ thời đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ kỳ. Do đó Vương quốc Nam tư ra đời ngày 1.12.1918 thỏa mãn giấc mơ lập quốc của các dân tộc Nam Slavia(1). Nhưng nó cũng đánh dấu sự đô hộ của người Slavia đối với các sắc dân Albani và Hungari tại đó. (Điều này tương tự như việc LHQ giúp người Israel lập quốc tại Palestine, đồng thời đẩy người Palestine vào cảnh bị áp bức. Hiện nay những cố gắng thành lập một nước Kurdistan cũng đang gây lo ngại cho người Thổ và người Ả-Rập ở Irak và Syria.)

Nhưng khác với người Do Thái hay người Kurd có chung một tôn giáo, các dân tộc Nam-Slavia có ba tôn giáo khác nhau: Đạo thiên chúa (Catholic), đạo thiên chúa chính thống (Orthodox) và đạo hồi (Muslim) cùng nhau tranh giành ảnh hưởng. Các xung đột chủng tộc, tôn giáo cộng với sự tham tàn của các lãnh chúa bán nước đã dẫn đến việc Hitler và Mussolini chia nhau thôn tính cả vùng Balkan tháng 3.1941. Giấc mơ ngắn ngủi tan biến sau 22 năm.

Nạn mất nước đã gắn bó các dân tộc lại với nhau dưới ngọn cờ kháng chiến của tướng Tito. Nếu nhìn vào con số 800.000 quân du kích cộng sản, con em của khoảng 18 triệu dân và 1,7 triệu người hy sinh thì chúng ta biết là họ thà chết, không chịu làm nô lệ. (2)

Từ đó (1941) cho tới ngày nội chiến (1991) Tito đã biến Nam Tư trở thành môt quốc gia có địa vị trên thế giới:

Từ 1941-1945, 52 sư đoàn du kích của Tito đã làm chủ sườn phía nam của liên minh chống phát xít, cầm chân hàng trăm ngàn quân Đức, Italia và Rumani. Do đó Nam Tư luôn chủ động đàm phán với tứ cường về số phận của mình. Tito luôn nói chuyện ngang tầm với Stalin hay Churchill và đạt được sự mở rộng Liên bang Nam Tư sau 1945.

Nhìn lại Việt nam, sau tháng 8.1945, việc quân Tưởng, quân Anh, Ấn vào giải giáp quân Nhật, việc quân Pháp trở lại Đông Dương hoàn toàn do Đồng minh áp đặt. Việt Minh không có tiếng nói gì. Nhìn sang châu Âu, việc chia cắt nước Đức, nước Áo, chia 4 thành phố Berlin trong lòng đông Đức đều do 4 ông tứ cường mặc cả với nhau trên lưng các dân tộc này.

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ ngu: với một lãnh đạo như Tito, Việt Nam sẽ không chấp nhận chia cắt đất nước theo hiệp định Geneve 1954, từ đó sẽ không có Hoàng Sa 1974, không có Gac-Ma 1988 và sẽ không có Thành Đô 1990 ?

Tito là người sáng lập ra phong trào các nước không liên kết cùng Nasser (Ai-Cập) và Zuharto (Indonexia). Khối này đã giúp các nước nghèo bỗng có tiếng nói đối trọng với khối các nước giàu trên mọi lĩnh vực mà xưa nay họ bị lép vế. Uy tín quốc tế của Tito vô cùng lớn. Đám tang của ông tháng 5.1980 được coi là có nhiều nguyên thủ nhất đến dự.

Trong phong trào Cộng sản Quốc tế, Liên Đoàn những người CS Nam Tư (LCY) có tiếng nói khác hẳn các đảng ăn theo Liên Xô hoặc a dua với Trung Quốc. LCY chủ trương kinh tế XHCN tự quản, chống quản lý kế hoạch hóa quan liêu. Khi Stalin còn sống, có lẽ chỉ có đảng LCY dám công khai lên án Stalin. Chủ trương các dân tộc tự quyết đã khiến Nam Tư luôn phản đối các cuộc can thiệp của Liên Xô vào Đức (1953), Hungary (1956) và nhất là vụ quân đội các nước Warzava đè bẹp mùa xuân Tiệp Khắc (1968).

Sau vụ Tiệp Khắc, đài báo Việt Nam lên án Nam Tư là phản bội. Thế hệ tôi được giáo dục phải coi Nam-Tư nguy hiểm như Mỹ-Anh-Pháp. Nhưng tháng 9-1969, khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Tito nhớ người bạn cũ nên vẫn cử một phái đoàn cao cấp sang viếng. Đài báo ở Việt Nam đăng danh sách khách viếng không nêu tên Nam Tư, chỉ ghi là phái đoàn Du-Cốt-Sờ-La-Vi-A, bên cạnh các phái đoàn Ac-Hen-Ti- Na, An-Ge Ri-A. Dân ta chẳng biết ai với ai.

Đáng nói là Nam Tư của Tito có thể chế cởi mở nhất trong các nước XHCN thời bấy giờ. Tito không dùng bức màn thép để ngăn chặn dân chúng đi sang phương tây cũng như các hàng rào văn hóa khác. Nam tư có quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước XHCN và các nước TBCN. Thời kỳ tôi ở Đông Đức 1967-1971, nhiều người dân Đông Âu (có cả người Việt) thường chạy trốn vào sứ quán Nam Tư để từ đó đi Belgrad rồi sang phương Tây.

Hơn thế nữa, chính sách kinh tế XHCN tự quản, tự hoạch toán lỗ lãi từng xí nghiệp cũng giúp giải phóng sức lao động ở Nam Tư trong thời gian dài từ 1945 đến giữa những năm 70. Từ một xứ nghèo nhất châu Âu, Nam Tư đã có những bước phát triển ngoạn mục. Cùng một xuất phát điểm, kinh tế Nam Tư không những bỏ xa Albani theo Trung Quốc, vượt qua Bulgari, Rumani, những nước đi theo mô hình XHCN bao cấp tập trung của Liên Xô, mà còn qua mặt các nền kinh tế TBCN như Hy-Lạp, Thổ Nhĩ kỳ. Thành công của thế vận hội mùa đông 1984 tại thành phố hồi giáo Sarajevo là một vết son của Nam Tư.

Trước cuộc nội chiến 1991, Nam Tư có khoảng 23 triệu dân, trong đó người Serbia chiếm 9 triệu, khoảng 3,5 triệu người Croate, 2 triệu người Albania, 3 triệu người Bosnia….Trừ người Albani và người Hung, các cộng đồng còn lại có cùng huyết thống slavic nên dù viết chữ Kirilic hay chữ La tinh, dù theo đạo orthodox hay đạo thiên chúa, họ đều hiểu nhau, như người Nga hiểu người Ucraine, hay người Czech hiểu người Slovakia. Vì thế các mối tình croatian với serbian hay slovenian là bình thường, có khi còn bình thường hơn ông “Xứ bọ quê choa“ cưới cô „Quảng Nôm” hay “Quảng Ngữa“.

Sự hài hòa này chỉ tồn tại chừng nào kinh tế phát triển và xã hội ổn định.Tuy là một nhà độc tài có bàn tay sắt, nhưng Tito là một người cộng sản theo chủ nghĩa quốc tế, luôn có tầm nhìn bao dung về chủng tộc. Là con của một ông bố Croatia và bà mẹ Slovenia nên ông luôn đảm bảo sự bình đẳng của các sắc tộc Slavia trong liên bang. Ông cắt một phần nước Serbia thành Cộng hòa Montenegro để giảm sự lấn át của nó. Đối với người Albania và Hungary ông giao cho họ quyền tự trị tại hai đặc khu. Cho đến hôm nay, uy tín của ông trong các nước cộng hòa tách ra vẫn rất cao.

Một số người Việt đến Nam-Tư thời Tito, cũng như nhiều người dân Nam Tư, từng coi nơi đó là thiên đường XHCN. Nhưng……

Bi kịch của Tito

Nhưng Tito đã mắc một sai lầm có tính định mệnh. Trong hoài bão đưa Vương quốc Nam Tư thành một nhà nước liên bang hiện đại, ông đã chọn thể chế độc đảng, phi dân chủ.

Đảng LCY (League of Communists of Yougoslavia (1) là chính đảng duy nhất „được phép tự nhận“ là „nhân dân giao sứ mệnh lãnh đạo“ đất nước. Mọi ý kiến đối lập đều bị bóp chết từ trong trứng.

Con số nạn nhân của chế độ Tito là vấn đề còn tranh cãi, vì Tito hành quyết không chỉ những người đối lập trong những năm hòa bình, mà còn xử tử tất cả những người theo Hitler, những người bảo hoàng hoặc theo Stalin ngay sau khi chiến thắng. Dù sao, một nguyên thủ tự thay đổi hiến pháp để cho mình làm tổng thống trọn đời chắc chắn là kẻ độc tài. Nạn sùng bái cá nhân biến Tito thành ông thánh. Khi ông thánh qua đời thì sự hỗn loạn coi như đã được lập trình từ trước.

Tháng 3.1980, Tito bị bệnh nặng. Như có linh tính, ông rời thủ đô Belgrade về quê mẹ ở Ljubliana điều trị. Các bác sỹ Nam Tư cùng hai phái đoàn y tế từ Mỹ và Liên Xô với các máy móc hiện đại nhất thời bấy giờ phải bó tay. Tito qua đời ngày 4.5.1980, ba ngày trước khi ông tròn 88 tuổi.

Người ta lập một tấm bảng bên ngoài bệnh viện “Cuộc đấu tranh giải phóng loài người là một con đường dài, nhưng nó sẽ dài hơn nếu như không có Tito” (Pot do osvoboditve človeka bo še dolga, a bila bi daljša da ni živel Tito). Về sau tấm biển này bị dẹp đi. Người ta cho là ông đã giải phóng các dân tộc Nam Tư khỏi chủ nghĩa phát xít, nhưng lại chụp lên đầu họ một nền chuyên chế khác.

Trong số 23 triệu dân Nam Tư, 9 triệu người Serbia sống rải rác trên toàn bộ 6 nước cộng hòa và hai tỉnh tự tri luôn muốn giữ vai trò thống trị. Trước 1991, 1,8 triệu người Albania trong tỉnh tự trị Kosovo chịu sự lãnh đạo của 200.000 người Serbia. Điều tương tự xảy ra ở Novi Sad, thủ phủ của người Hungary. Vì thế trong số 8 phiếu của hội đồng liên bang, người Serbia chiếm 4 phiếu. Sau Tito, không ai cản được chủ nghĩa “Đại Serbia”.

Sau khi nước Albania láng giềng rời bỏ chế độ XHCN năm 1990 thì chủ nghĩa “Đại Albania”, chủ trương sát nhập vùng Kosovo phát triển hơn vào nước Albania nghèo đói, bỗng sống dậy trong cộng đồng gần 2 triệu dân Albania ở Nam Tư. Một đội quân mang tên Quân Giải phóng Kosovo (KLA) bỗng qua đêm xuất hiện, khủng bố khắp nơi.

Nam Tư nằm gọn trong gọng kìm của các chủ nghĩa dân tộc cực đoan!

Mô hình kinh tế XHCN tự quản của Tito đã gặt hái được thành tích trong những năm đầu, đưa Nam Tư trở thành một quốc gia công nghiệp. Nhưng khi cuộc cách mạng KHKT lần thứ ba nổ ra vào cuối những năm 70 với kỹ thuật tin học, tự động hóa thì các xí nghiêp quốc doanh công nghiệp nặng bỗng trở nên lạc hậu. Nền kinh tế nhà nước không thể tạo ra các doanh nghiệp tư nhân năng động và sáng tạo, theo kịp thời đại.

Năm 1986, Slobodan Milošević, người Serbia, nắm chức tổng bí thư LCY vào lúc nền kinh tế Nam Tư đã ngập trong khủng hoảng. Trong hai năm 1989-1990, hơn một ngàn xí nghiệp Nam Tư đóng cửa, đẩy ra đường 2,7 triệu người lao động, bên cạnh nửa triệu công nhân làm việc cầm hơi không lương. Thiên đường bắt đầu sụp đổ!

Khi thiếu ăn thì xung đột xã hội bùng nổ. Từ tranh chấp kinh tế, người ta bắt đầu chê nhau về tôn giáo, đả kích nhau về văn hóa rồi thậm chí kể công, dân tộc nào đã cứu dân tộc nào thời Hitler….

Tito gặp thủ tướng Anh Churchill năm 1944 tai Neaple (Italia) sau khi đồng minh đánh tan chế độ phát xít Italia

Khi không khí bắt đầu có mùi thì giống như ở ta, ông bố vợ bắt đầu thậm thụt khuyên con gái coi chừng thằng chồng „Bắc kỳ“. Thằng rể thì chửi „ Sư cha thằng già Nam kỳ, máu chúng ông đổ để giờ tụi bay chia nhau…“. Thế là cơm hết ngon, canh hết ngọt.

Milošević với cương vị là tổng bí thư LCY, kiêm thủ tướng Cộng hòa Serbia đã dùng quyền lực đảng để qua mặt các nước cộng hòa khác trong hội đồng liên bang. Tháng 6. 1991, các nước Croatia, Slovenia, Bosnia Herzegovina mất hết kiên nhẫn, lần lượt rút ra khỏi liên bang. Quân đội Nhân dân Nam Tư (3), được chỉ đạo bởi bộ chính trị LCY, đã nổ súng đàn áp, mở màn cuộc nội chiến đẫm máu.

Thành phố hồi giáo Sarajevo, một biểu tượng của tình đoàn kết giữa các dân tộc và tôn giáo Nam Tư, bị quân Serbia bao vây 4 năm liền, trở thành “Thung lũng thịt băm” lớn nhất trong lịch sử (3).

May mắn cho Nam Tư là ngày đó gấu Nga đang yếu, được lãnh đạo bởi ông già nát rượu Jelzin, còn Bin-Laden đang lo chăm 4 bà vợ và đàn con nhỏ, do vậy kich bản Syria hay Lybia đã không xảy ra. NATO độc quyền dùng bom và quân đặc nhiệm để đè bẹp chủ nghĩa Đại Serbia vào cuối năm 1995.

Lúc đầu cuộc chiến chỉ là: Serbia chống lại tất cả, nhưng về sau cuộc chiến trở thành: Mỗi người chống mọi người! Tất cả các bên tham chiến đều phạm tội ác chống loài người. Cuộc chiến của người Albania ở Kosovo và Makedonia còn kéo dài đến tháng 3. 2001, khi tỉnh tự trị Kosovo được tách ra khỏi nước Serbia, chịu sự ủy trị của LHQ.

Chiến tranh Nam Tư với những vụ hãm hiếp tập thể, những cuộc thảm sát mang tính diệt chủng gây chấn động lương tri nhân loại không phải ở những con số mà là ở một sự thật: Nền văn minh châu Âu vào cuối thế kỷ 20 đã khuất phục trước sự kích động hận thù! Câu chuyện về những người hàng xóm ném lưu đạn vào nhà nhau để giết cả trẻ thơ và đàn bà, về vụ hãm hiếp một cô gái bởi những thanh niên cùng phố, cùng học đã vượt qua giới hạn của mọi sự tưởng tượng.

Hận thù kinh tởm này, có thể cũng chỉ bắt đầu bằng những câu miệt thị “Thằng Bắc kỳ” hay “Lũ bò đỏ”. Nhưng khi có mùi máu và thuốc súng, nó sẽ làm con người bị cuồng say và mất đi nhân tính.

Ngày nay người ta đổ tội cho Milošević hoặc cho tổng thống Croatia Tudjman, cho quân đội KLA của người Albani… đã gây ra tia lửa chiến tranh.

Vô lý! Ở châu Âu, những quốc gia đa tôn giáo, đa chủng tộc như Nam Tư không ít.

Nước Bỉ có 3 cộng đồng dân tộc. Người gốc Pháp vùng Wallonie và dân Vlaam vùng Brabant luôn cãi nhau, ai thiệt, ai lợi trong đóng góp kinh tế, trong khi dân Đức ở Eupen thì rung đùi cười ruồi. Nước Tây Ban nha với các phong trào đòi độc lập của xứ Basque, xứ Catalonia, khiến mấy ông bầu đội Barcelona lo sốt vó, không biết nếu tách ra thì mình theo liên đoàn bóng đá nào. Liên hiệp Anh với các xứ Wales, Scottland, England và Bắc-Ireland đang như gà mắc tóc. Trong bối cảnh ra khỏi liên Âu, có cả những kịch bản Scottland hoặc Bắc Ireland quyết ở lại EU.

Đó đây luôn có căng thẳng sắc tộc hoặc tôn giáo, đan xen với tranh chấp kinh tế. Thậm chí các phong trào khủng bố IRA ở Bắc Ireland hay ETA ở Tây Ban Nha đã từng gây sợ hãi hàng chục năm cho dân chúng.

Nhưng thể chế dân chủ ở các nước này luôn đảm bảo quyền tự quyết của người dân. Các khả năng đối thoại bên trong nghị viện và ra ngoài xã hội dân sự luôn giảm thiểu sự đối đầu. Đa nguyên và Tam quyền phân lập đã không cho phép đảng phái nào tiếm quyền quốc hội. Việc quân đội và công an chỉ được bảo vệ hiến pháp và tổ quốc đã khiến cho các công cụ này không bị lợi dụng.

Chủ nghĩa dân túy luôn tìm cách đục nước béo cò từ các mâu thuẩn chủng tộc và tôn giáo. Nhưng trong thể chế dân chủ, vũ khí chúng muốn hướng tới là hỗn loạn và chiến tranh luôn bị vô hiệu hóa.

Các nhóm khủng bố ETA và IRA đều đã tự giải giáp và đầu hàng xã hội dân sự là hai ví dụ.

Rõ ràng: Nguyên nhân chính của cuộc chiến tranh phá hủy Liên Bang XHCN Nam Tư, ngôi nhà chung của các dân tộc Nam Slavia, là thể chế độc tài, phi dân chủ, sùng bạo lực!

Thể chế đó được sáng lập bởi người cộng sản yêu nước Tito. Nhưng nhà độc tài Tito đã khiến con đường đến thiên đường XHCN của nhân dân Nam Tư dừng lại ở địa ngục của nội chiến.

Đó chính là tấn bi kịch mang tên ông.

Köln 16.07.2018

Xuân Thọ (Facebook)

(Bài viết sử dụng các tư liệu từ Wikipedia trong các chú thích 1-2-3)

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to Tung Phung Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên