Về tượng đài Lone Sailor ở Guam

0
Anh chị Roger Quan, bên trái, ông Phạm Phú Nam và Phó Đề đốc Mark Heinrich (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Trong vài tháng qua ở San Jose đã có những sinh hoạt gây quỹ xây tượng đài Lone Sailor – Người lính thuỷ cô đơn – trên đảo Guam.

Dự án này là đóng góp của cộng đồng người Việt tại Mỹ để tri ân những người lính hải quân Hoa Kỳ đã giúp đỡ trong việc đón tiếp lớp người tị nạn đầu tiên, được di tản khỏi Việt Nam vào cuối tháng 4/1975. Trong số hơn 130 nghìn người rời Việt Nam khi đó, 111 nghìn người đã được đưa đến Guam để làm thủ tục nhập cư trước khi chuyển vào các trại tị nạn trong nội địa Hoa Kỳ.

Tháng Hai vừa qua đã có những sinh hoạt gây quỹ ở San Jose với sự hiện diện của Phó Đề đốc Hồi hưu Frank Thorp, CEO của US Navy Memorial Foundation, với kết quả thu được trên 140 nghìn đôla, gần một nửa kinh phí dự trù cho việc xây tượng đài là 300 nghìn đôla.

Tuần qua lại có gây quỹ ở Thung lũng Hoa vàng. Dịp này cô Phạm Thanh Nga, một người tiên phong yểm trợ dự án đã cho biết nhiều chi tiết đưa đến việc xây tượng đài Lone Sailor trên đảo Guam.

Hỏi vì cơ duyên nào và lý do khiến cô yểm trợ cho dự án, cô kể: Tôi vượt biển và định cư ở San Jose từ năm 1982, lúc đó có một mình, rồi dần dần đưa được những người thân qua đây, bây giờ đại gia đình của tôi có hơn 30 người sống tại Mỹ. Từ năm 2007 tôi đã quan tâm đến những người lính Mỹ gốc Việt trở về từ chiến trường Iraq. Năm 2009 Công ty QXQ của Roger Quan và Markangie LLC của vợ chồng tôi có tặng một xe Mercedes để tổ chức xổ số trong Hội chợ Tết Fairgrounds giúp cho cơ quan IRCC với dự án Bảo tàng Thuyền nhân Việt Nam Cộng hòa, giúp hội lính Mỹ gốc Việt VAFAA nay là VAUSA và Hội cựu Quân nhân VNCH tại San Jose”.

Năm 2016 cô Thanh Nga được Đại Tá Mi Phan bên ngành y tế công cộng, Đại tá Hải quân Huấn Nguyễn, hai sĩ quan gốc Việt, cùng bà Chuẩn tướng Hải quân dẫn đi thăm U.S. Navy Memorial và được tiếp kiến CEO của tổ chức này lúc bấy giờ là Phó Đô đốc John Totushek.

Cô kể về buổi gặp và chuyến thăm: “Khi biết được US Navy Memorial có dự án đặt những bức tượng Lone Sailor tại các nơi để ghi dấu ấn lịch sử thì Đại tá Huấn kể lại chuyến di tản của người Việt tháng 4 năm 1975 đến đảo Guam và đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Hải quân cùng các binh chủng khác trong quân đội Hoa Kỳ và nhất là vợ chồng Thống đốc đảo Guam. Đại tá Huấn đã đề nghị với Phó Đô đốc Totushek là nếu có thể cho phép người Việt đóng góp xây tượng đài Lone Sailor trên đảo Guam, để tỏ lòng biết ơn đến những người đã giúp đỡ chúng tôi, Phó Đô đốc Totushek rất vui mừng với lời đề nghị của Đại Tá Huấn và hứa sẽ đưa lời đề nghị này tới ban chấp hành của hội.

Sau đó một vài tháng Phó Đô đốc cho biết đã liên lạc với thống đốc Guam và dự án dựng tượng Lone Sailor tại đảo Guam đã được chấp thuận.

Khi Phó Đề đốc Frank Thorp, CEO của US Navy Memorial Foundation, trình bày thêm chi tiết về dự án, cô Thanh Nga và vợ chồng anh Roger Quan đã sẵn lòng ngay và đóng góp tiên khởi mỗi người 25 nghìn đôla cho dự án.

Sau khi biết chắc dự án xây dựng tượng đài Lone Sailor được chấp thuận tiến hành cô đã mời Phó Đề đốc Frank Thorp, Đại tá Huấn và bà Alexis Baker đến San Jose gặp ông Phạm Phú Nam, giám đốc Dân Sinh Media, nhờ giúp đỡ đưa thông tin đến cộng đồng người Việt tại Bắc California và cũng mời Phó Đề đốc Frank Thorp đến miền nam California gặp Roxanne Chow và cộng đồng người Việt tại Quận Cam để giúp gây quỹ cho dự án.

Trong buổi tiếp xúc sáng thứ Bảy 14/4 vừa qua tại San Jose, vợ chồng anh Roger Quan đã có mặt để gặp gỡ với Phó Đề đốc Hồi hưu Mark Heinrich, thành viên của hội đồng quản trị US Navy Memorial Foundation, đại diện cho Phó Đề đốc Frank Thorp.

Anh Roger đến Mỹ định cư năm 1986 qua diện ODP. Tuy là người Việt gốc Hoa, không ở Guam năm 1975 những anh cũng muốn đóng góp cho những dự án ghi dấu lịch sử của người tị nạn Việt trên đất Mỹ.

Cô Phạm Thanh Nga, bên phải, đang trò chuyện với Phó Đề đốc Mark Heinrich (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Hôm đó cô Thanh Nga cũng có mặt và cho người viết bài biết rằng ba cô là một người lính Biệt Động Quân. Cô luôn mang ơn những người đã và đang phục vụ trong quân đội để giữ gìn hoà bình cho thế giới. Cô và gia đình biết ơn nước Mỹ vì những giúp đỡ của họ dành cho người Việt tị nạn tháng 4 năm 1975, chính nhờ những người đi trước này mà gia đình cô mới đến được đây ngày hôm nay, mới có cộng đồng người Việt như bây giờ. Cô muốn những câu chuyện về người Việt đã đến Guam sẽ được kể lại, được lưu giữ trong đó là một phần lịch sử của cộng đồng người Việt.

Khoảng 30 người đã gặp gỡ Phó Đề đốc Mark Heinrich vào sáng ngày 14/4, trong đó có ông Nguyễn An Cường, cựu sĩ quan hải quân, và người con trai đang phục vụ Hải quân Hoa Kỳ. Có cựu Bộ trưởng Thương mại và Kỹ nghệ Nguyễn Đức Cường có người thân sắp tốt nghiệp Học viện Hải quân, có nghệ sĩ Kiều Loan, nha sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn, cựu Đại tá Vũ Văn Lộc.

Nhiều người đã phát biểu cảm tưởng. Trong lứa tuổi sinh viên như Vincent Phạm, Dominic Trần được sinh ralớn lên tại Mỹ, các em đã nói về những gì đã học được từ ông bà, cha mẹ qua chuyện học tập cải tạo, kinh tế mới, vượt biển và về nước Mỹ đã cho thế hệ đi trước cơ hội làm lại cuộc đời.

Cựu Thiếu tá Hải quân Vương Thế Tuấn, nguyên Hạm trưởng HQ 229, thành viên của Hội Bạch Đằng, kể lại đã ba lần được hải quân Mỹ giúp. Lần đầu khi đoàn tàu Hải quân Việt Nam Cộng hòa rời Côn Sơn với hai chục nghìn người được Hải quân Mỹ dẫn đường đến Subic Bay ở Philippines, lần hai được đưa đến Guam và lần thứ ba khi con tàu Việt Nam Thương Tín đưa ông và 1600 người hồi hương vào tháng 10/1975 cũng được Hải quân Mỹ giúp đỡ đưa về đến hải phận Việt Nam.

Về đến Việt Nam ông không được gặp người thân bị chính quyền cộng sản giam tù 6 năm. Sau đó ông vượt biển, được tàu buôn vớt đưa vào trại tị nạn Hồng Kông rồi định cư tại Mỹ từ năm 1982. Hôm nay ông có mặt để nói lên lòng cám ơn Hải quân Mỹ và đất nước Hoa Kỳ.

Người viết bài từng có những ngày sống trong trại tị nạn ở Guam đã đề nghị với Phó Đề đốc Heinrich là sau khi hoàn tất tượng đài, cũng nên có một bảo tàng nhỏ trong khuôn viên để trưng bày hình ảnh và những di vật người tị nạn đã mang theo.

Khách tham dự buổi gặp gỡ với Phó Đề đốc Mark Heinrich sáng thứ Bảy 14/4/18 ở San Jose (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Sau khi nghe những chuyện kể, Phó Đề đốc Heinrich phát biểu rằng ông đã cảm nhận được những gian nan và cố gắng vươn lên của người Việt và ông cũng đã có hiểu biết hơn về văn hoá Việt Nam.

Tối hôm trước đó, thứ Sáu 13/4/18, có bữa tiệc gây guỹ tại nhà hàng Dynasty do cô Tana Thái Hà và ông Phạm Phú Nam điều hợp tổ chức với 450 khách và sự hiện diện của Phó Đề đốc Mark Heinrich, Chuẩn tướng gốc Việt trong Lục Quân Hoa Kỳ là Lapthe Chau Flora.

Tham dự có các nhân vật cộng đồng như nhạc sĩ Nam Lộc, giám đốc California Waste Solution David Dương, ủy viên giáo dục Vân Lê, hoa hậu Chung Ngọc Nhi, chủ nhiệm báo Việt Tribune Trương-Gia Vy, luật sư Jenny Đỗ, luật sư Đỗ Quý Dân, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng, bà Lillian Đặng v.v… Phần văn nghệ có sự đóng góp của Don Hồ, Thanh Tuyền, Thiên Kim và những giọng ca cây nhà lá vườn.

Theo ông Phạm Phú Nam, kết quả sơ khởi trong các sinh hoạt gây quỹ vào tuần qua là 50 nghìn đôla, trong đó thu được tại chỗ 24.750 đôla và phần còn lại là hứa hẹn đóng góp.

Phó Đề đốc Frank Thorp trình bày về dự án Lone Sailor trong chuyến thăm San Jose tháng 2/2018 (Ảnh: Phạm Phú Nam)

Nhạc sĩ Nam Lộc cho biết sẽ tổ chức gây quỹ dưới miền Nam California vào thời gian tới. Trong khi đó tỉ phú Hoàng Kiều sẽ có buổi tiếp tân và gặp gỡ với Phó Đề đốc Frank Thorp vào chiều ngày 30/4 tới đây để bàn về việc yểm trợ cho dự án.

Trong buổi gặp gỡ với Phó Đề đốc Mark Heinrich cô Thanh Nga kêu gọi càng nhiều người đóng góp càng tốt, dù chỉ một vài đôla, vì tất cả người Việt đến đây đã được nước Mỹ giúp đỡ làm lại cuộc đời. Đây là cơ hội để cho cô và mọi người bày tỏ lòng cám ơn nước Mỹ.

Mọi người có lòng muốn đóng góp có thể ký chi phiếu thẳng cho US Navy Memorial (Memo : Lone Sailor in Guam). Các anh chị có kinh nghiệm tổ chức hãy liên lạc với văn phòng US Navy Memorial để biết những điều lệ trước khi giúp gây quỹ.

Lễ động thổ xây tượng đài Lone Sailor sẽ diễn ra tại đảo Guam vào dịp 30/4 này và dự trù dự án sẽ được hoàn tất trong năm nay.

Bùi Văn Phú

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên