Từ kim tự tháp Giza đến thành cổ Jerusalem (Phần 1)

0
Khu kim tự tháp Giza, gần thủ đô Cairo (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Chủ Nhật 14/4 ở thành cổ Jerusalem có cuộc rước lá, như sinh hoạt hàng năm, với hàng vạn người tham dự. Ngày đó là Chúa Nhật Lễ Lá theo niên lịch phụng vụ của giáo hội Thiên Chúa giáo.

Những tín đồ là khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, là người Kitô giáo hiện đang sống trên vùng đất còn tranh chấp chủ quyền giữa Do Thái và Palestine. Trên tay cầm những cành lá dừa, đoàn tín hữu đổ về đây để bước theo con đường mà ngày xưa, cách đây hai nghìn năm, Giêsu đã đi qua với nhục hình và khổ đau.

Những ai tin vào Giêsu là đấng cứu chuộc, dù ở bất cứ nơi nào, cũng đều biết về sự kiện này vì tại nơi thờ phượng địa phương trong ngày Chủ Nhật đó cũng có nghi thức rước lá vào nhà thờ và trong thánh lễ, qua bài phúc âm, đã có thuật lại cảnh Giêsu trong những ngày gần cuối đời ở đó.

Cuộc đời Giêsu đã được ghi lại trong mấy quyển sách cổ, gọi là phúc âm, viết bởi môn đệ, những người đã đi theo ông rao giảng đức tin trong nhiều năm nơi miền đất Giuđêa.

Cuối năm vừa qua vợ chồng tôi có chuyến đi để biết thêm về một nền văn minh cổ đã học được trong sách vở trước đây và cũng đến những nơi mà Giêsu từng hiện diện, để chiêm nghiệm phúc âm, để được chạm tay vào lịch sử.

Điểm đến đầu tiên là Ai Cập. Máy bay đáp khi trời đã tối. Nhìn cảnh quan phi trường Cairo mà tưởng như vừa tới một quốc gia còn đang phát triển, nếu cần so sánh thì không được bằng Nam Hàn, Singapore hay Taipei, chứ chưa so sánh với Hoa Kỳ hay Tây Âu.

Vì hành lý thất lạc, phải làm thủ tục khai báo mà cách làm việc của nhân viên không theo thứ tự chờ đợi, nên đến gần 10 giờ đêm chúng tôi mới ra khỏi phi trường.

Ngoài cửa đông người đứng đón thân nhân, đón khách. Mấy người tiến đến mời chúng tôi đi taxi. Theo sách hướng dẫn du lịch đã đọc trước, mặc cả giá bắt đầu với tôi từ đây.

Từ phi trường về khách sạn ở khu Giza bên bờ sông Nile giá khoảng 200 EGP, tiền Ai Cập theo tỉ giá 1 Mỹ-kim đổi được 17.3 Egyptian Pound. Buổi tối giá cao hơn một chút. Vài tài xế mời gọi, đòi giá 300 hay 400 EGP. Tôi trả 200, không ai chịu, nên biết là phải cao hơn. Một người khác mời chào, đòi 300, tôi trả giá qua lại rồi đồng ý 250 EGP.

Nhưng đó không phải là tài xế của chúng tôi. Ông đưa qua cho một người khác dẫn chúng tôi đi bộ lòng vòng đến xe và đưa về khách sạn.

Anh không nói được nhiều tiếng Anh. Khi tôi hỏi về nếp sống của Cairo, vì đã 11 giờ đêm mà nhìn đường phố đèn sáng trưng, đông xe, nhiều chỗ ùn tắc, tôi hỏi lúc nào thủ đô cũng nhộn nhịp hay sao. Anh không hiểu, gọi điện thoại cho một người, chắc là chủ công ti, người đàn ông đã mặc cả giá ở cửa phi trường. Anh đưa điện thoại cầm tay cho tôi, tôi nói chỉ muốn hỏi tài xế là khuya rồi sao phố phường ở đây ồn ào náo nhiệt và thành phố có vẻ rất sinh động về đêm. Ông nói “Cairo never sleep” – Cairo không bao giờ ngủ.

Có lẽ đúng thế. Trên đoạn đường chừng 45 phút, gần phi trường còn vắng lặng, yên tĩnh nhưng khi vào đến trung tâm thì nhộn lên sinh hoạt ban đêm của một thành phố với gần 20 triệu dân này.

Đền thờ Hồi giáo al-Nasir Mohammad ở Cairo (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ngày hôm sau đi thăm đền thờ Hồi giáo với kiến trúc đặc trưng không chỉ của Ai Cập mà của các nước trong khu vực. Vùng đất này đã trải qua biết bao tranh chấp, chiến tranh giữa người theo Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo. Xa xưa Ai Cập là vùng đất đông người theo Kitô giáo, với nhiều nhà thờ được dựng lên. Rồi lịch sử thay đổi, số người tin vào Đấng Muhammad ngày một đông hơn, nhiều đền thờ Hồi giáo được xây dựng hơn. Ngày nay 90% dân Ai Cập theo Hồi giáo, còn lại 10% Thiên Chúa giáo.

Chúng tôi tham quan nhiều đền thờ: al-Nasir Muhammad, Al-Rifa’i có mộ vua Farouk, Madrassa của Sultan Hassan, Al-Hakim, Amr ibn al-As.

Cairo ngày nay có nghĩa trang Hồi giáo lớn nhất thế giới, có một đền thờ lớn, gần khu phố cổ là nơi mỗi trưa thứ Sáu trong giờ cầu nguyện với hơn chục nghìn tín đồ tham dự.

Một buổi sáng đi thăm cổ thành trên đỉnh đồi, nhìn xuống Cairo mới thấy thành phố này bị ô nhiễm nặng qua màn khói lơ lửng trên không. Hôm đi thăm kim tự tháp Giza và tượng Sphinx thần thoại, từ đó nhìn xuống cũng thấy không khí ô nhiễm phủ trên thành phố.

Đây là khu vực có nhiều di tích cổ với rất đông du khách. Chúng tôi không vào bên trong mà chỉ tham quan bên ngoài, cỡi lạc đà lòng vòng nhìn ngắm những kim tự tháp hùng vĩ. Khu tượng Sphinx có nhiều học sinh, thấy chúng tôi các em tươi cười chào: “Ni hao” mà vợ chồng tôi chỉ biết đáp lại bằng nụ cười và những cái vẫy tay.

Ghé vào một tiệm bán tranh vẽ trên giấy papyrus được nghe giảng giải về cách người xưa làm giấy này từ một loại cây cỏ. Tiệm có bán rất nhiều tranh truyền thống và đảm bảo đó là thực chứ không phải hàng sao chép. Chúng tôi mua một tranh, rồi được một nghệ sĩ viết tên hai vợ chồng bằng tiếng Ả-Rập lên đó làm kỷ niệm cho chuyến đi.

Xe chạy ngang một khu phố chính, nơi từng có đông người gốc Do Thái sinh sống. Người hướng dẫn kể rằng trước đây có đến 8 vạn người gốc Do Thái, sau khi quốc gia Do Thái được khai sinh năm 1948, trong thập niên 1950 chính quyền Ai Cập đuổi họ về nước và nay chỉ còn vài chục người sinh sống trên đất nước này.

Buổi trưa chúng tôi có một bữa ăn với những món truyền thống Ai Cập. Cơm gà chiên, cá chiên với gia vị địa phương, ăn chung với bánh bột đặc sản. Khá ngon.

Khách sạn nơi chúng tôi ở chỉ cách Quảng trường Tahrir chừng mười lăm phút đi bộ. Hồi đầu thập niên này, nơi đây đã có những cuộc biểu tình của hàng triệu người dân đòi tự do, dân chủ. Một buổi chiều chúng tôi đã đến đó. Sau khi thăm kim tự tháp, người hướng dẫn cũng đã đưa chúng tôi ra đó một lần nữa, ông kể cho nghe những biến cố đã xảy ra tại đây, trước khi vào bảo tàng quốc gia ngay bên cạnh.

Tôi hỏi người hướng dẫn, tốt nghiệp cử nhân khoa tiếng Anh, Đại học Cairo và làm hướng dẫn du lịch đã trên 10 năm, về chính quyền hiện tại và cuộc sống trước và sau “Mùa xuân Ả Rập” thì tốt hơn hay xấu đi. Ông nói, theo nhận xét riêng thì cũng vậy thôi, không có thay đổi nhiều vì tổng thống đương nhiệm Morsi sửa hiến pháp và muốn làm tổng thống lâu hơn nữa.

Bảo tàng quốc gia là nơi trưng bày cổ vật của nhiều thời đại. Có mộ của King Tut mới được tìm thấy và khai quật cách đây vài chục năm với nhiều di vật đang được trưng bày. Nhiều bảo tàng trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, cũng đã có dịp trưng bày di tích của vị vua trẻ này.

Lịch sử cận đại không còn là phát triển vượt bực cho Ai Cập nữa. Thời đại huy hoàng của đất nước này từ mấy nghìn năm trước đã qua lâu rồi. Đó là những thời đại cực kỳ tiến bộ, để lại nhiều di tích từ kim tự tháp đến những hình tượng bằng đá. Giza được xây dựng với hơn một triệu cục đá lớn nhỏ là một là kỳ quan thế giới, mà ngày nay những nhà khảo cổ, nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn giải mã được phương cách làm sao để người cổ xưa, chỉ với hai bàn tay, với núi đá sa mạc, với kèo gỗ và giây rợ mà có thể xây được những kim tự tháp vĩ đại, chịu đựng được sự tàn phá của thời tiết trong nhiều nghìn năm để còn tồn tại đến giờ.

Nền văn minh cổ xưa còn hiện hữu khắp đất Ai Cập, cùng với nhiều cổ vật được trưng bày trong bảo tàng ở thủ đô Cairo, ở Luxor.

Cairo nay còn những biểu tượng của một nền văn minh rất cao, nhưng cạnh đó là một hiện thực với cảnh quan trông rất bề bộn, đường xá xe chạy thiếu trật tự lưu thông, lạng qua, lách lại và nhiều chỗ kẹt xe. Nhiều chung cư cao tầng phơi mầu gạch đỏ, có những toà nhà xây dựng còn dở dang, sát ngay xa lộ.

Với dân số gần một trăm triệu, mức sống của dân Ai Cập không cao, có thể hơn Việt Nam một chút. Thủ đô Cairo là biểu hiện của nếp sống văn minh bên cạnh những nét nghèo kém đã có từ nhiều thế kỷ. Trên đường vẫn thỉnh thoảng thấy xe ngựa chở hàng. Khu vực Camel Market rộng lớn với hàng trăm cửa hàng, bán đủ thứ, san sát nhau bên những ngõ nhỏ, là nơi sinh hoạt thương mại có từ nhiều trăm năm qua. Cảnh buôn bán này, cách đây hơn ba mươi năm tôi đã thấy được dựng lại trong bảo tàng ở Frankfurt, Đức quốc. Đó là biểu tượng hiện thời trung thực nhất về Ai Cập.

Nhìn từ Đền thờ Cổ thành trên một ngọn đồi xuống thành phố Cairo bị ô nhiễm nặng (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Phố cổ Cairo là nơi chúng tôi đã lên kế hoạch đi thăm vì ở đó còn những nhà thờ Thiên Chúa giáo, nổi tiếng có nhà thờ treo và đáng chú ý hơn cả là nhà thờ Abu Serga, nơi được cho là Giuse và Maria đã đem Giêsu, khi đó mới ba tháng tuổi, trốn khỏi Do Thái qua đây lánh nạn khi Vua Hêrôđê ra lệnh tìm giết hết những trẻ sơ sinh vì có tin loan truyền đứa bé đó sau này sẽ làm vua.

Nơi đây Giuse và Maria đã đưa người con là trẻ thơ Giêsu hai tháng tuổi từ Do Thái qua Ai Cập lánh nạn (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Nhiều người Việt trong quá khứ gần đây cũng đã phải bỏ quê hương ra đi lánh nạn, Do Thái dưới thời thủ tướng Menachem Begin cũng đã đón nhận thuyền nhân Việt cho định cư. Hiện tại trên thế giới vẫn còn nhiều người đang phải sống cuộc đời tị nạn, chúng tôi cầu nguyện cùng Giêsu thương đến những con người vì hoàn cảnh khác nhau đang phải sống trong các trại tị nạn, cho họ có được sự bình an trong khi chờ đợi các lãnh đạo tìm ra giải pháp.

Sau mấy ngày ở Ai Cập, qua Jordan, chúng tôi không có đủ thời giờ để đi thăm khu cổ tích Petra mà chỉ đến được bên giòng sông Jordan, theo kinh thánh là nơi Gioan đã làm phép rửa cho Giêsu.

Khu vực này là biểu hiện của những xung đột, tranh chấp giữa Jordan và Do Thái trong một thời gian dài. Bom mìn vẫn còn chôn dưới đất, còn gài trên đồi núi ở nhiều nơi sát biên giới hai nước. Một vài khu vực, như nơi được coi là di tích có cuộc gặp gỡ giữa Gioan và Giêsu cách đây hai nghìn năm, gần đây mới được tháo gỡ mìn để đón du khách. Nhiều nhà thờ đã được xây dựng quanh đây trong vòng hơn một thập niên qua. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến chỗ này cầu nguyện. Nhìn qua sông Jordan nước đục mầu đất vàng nâu, có bề ngang chưa đến mười mét, là thấy đất Do Thái ở bên kia, cũng đang có những đoàn hành hương thăm viếng.

Theo người hướng dẫn du lịch, chính phủ Jordan rất tôn trọng sinh hoạt của mọi tôn giáo, dù đa số dân ở đây theo Hồi giáo. Điều này tôi đã nhìn thấy tại phi trường của thủ đô Amman qua một bảng đỏ với hàng chữ lớn “Merry Christmas and Happy New Year 2019” mà bên Ai Cập không nơi nào có, ngay cả ở quanh khu có nhiều nhà thờ Thiên Chúa giáo.

Nhân đây kể lại một trải nghiệm ở phi trường Cairo. Hôm bay từ đây qua Amman, Jordan có trục trặc tưởng không đi được. Đặt vé máy bay từ mấy tháng trước và trả bằng thẻ tín dụng mà hãng Royal Jordanian Airlines đã lấy tiền lâu rồi, nhưng khi đến phi trường, tôi đưa giấy với lịch bay cùng hộ chiếu, tiếp viên hỏi thẻ tín dụng, tôi đưa thẻ có mang theo trong người, nhưng ông nói đó không phải là thẻ tôi đã dùng để mua vé nên không thể làm thủ tục lên tàu.

Khi rời Hoa Kỳ, tôi không muốn mang theo nhiều thẻ tín dụng hay các giấy tờ cá nhân không cần thiết, sợ có bị mất không phải lo lắng nhiều. Tiếp viên nhất định không làm thủ tục. Tôi đề nghị huỷ bỏ vé đã mua và bán ngay cho chúng tôi hai vé khác, trả bằng thẻ đang có. Họ cũng từ chối. Tôi yêu cầu gặp cấp trên để trình bày sự việc, với chương trình chuyến đi của tôi đã có trên giấy in sẵn từ khi còn ở Mỹ.

Sau đó tiếp viên yêu cầu nếu có hình của thẻ tín dụng đã được dùng để mua vé, họ sẽ làm thủ tục. Gọi về Mỹ, may người thân lúc đó ở nhà, tìm thẻ và chụp ảnh rồi chuyển qua WhatsApp trong điện thoại. Tôi đưa cho tiếp viên xem và mọi việc được giải quyết để chúng tôi đi Jordan.

Bùi Văn Phú

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên