Sự dính líu của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam và vấn đề di dân sau đó

3
Các chiếc nôi em bé trên chuyến bay rời VN năm 1975 trong kế hoạch ''baby lift''

Mặc Lý

Dưới mắt nhiều người Việt Nam, nhất là người Việt lớn tuổi, đảng Cộng Hòa được cho là chống Cộng, ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến 1954-1975, chủ trương thu nhận tị nạn Việt Nam và ngược lại đảng Dân Chủ có khuynh hướng thiên Cộng, thù nghịch với Việt Nam Cộng Hòa và đóng cửa với người tị nạn. Do đó người Việt lớn tuổi ở Mỹ, khi tị nạn hay di dân từ miền Nam sang Mỹ, thường bỏ phiếu ủng hộ đảng Cộng Hòa. Nhưng những điều này có hoàn toàn đúng không?

Quả thực nói chung đảng Dân Chủ có khuynh hướng muốn cải thiện liên hệ giữa các nhóm dân chúng và sắc tộc trong nước (tăng an sinh xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo qua thuế lợi tức cá nhân), chính phủ lớn còn đảng Cộng Hòa có khuynh hướng đối ngoại, trong nước thì chủ trương chính phủ nhỏ, muốn giữ nguyên trạng. Tuy nhiên không nhất thiết lúc nào cũng vậy, và điều này lại càng không đúng hẳn với trường hợp chiến tranh Việc Nam và vấn đề tị nạn và di dân đi kèm.

Kể từ 1856, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa thay phiên kiểm soát tòa Bạch Ốc và lưỡng viện Quốc Hội, không có chỗ cho đảng thứ ba.

Nói cụ thế, trong thời gian sau đệ nhị thế chiến đến khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, ghế Tổng Thống Mỹ rơi vào tay đảng Dân Chủ (1945 -> 1953 với Roosevelt, Truman, 1961->1969 với Kennedy/Johnson, 1977->1981 với Carter) còn Cộng Hòa (1953->1961 với Eisenhower, 1969->1977 với Nixon/Ford, 1981-> 1992 với Reagan/Bush).

Về nhánh Lập Pháp, với Thượng Viện, Dân Chủ chiếm đa số trong những năm 1945-> 1947, 1949->1953, 1955->1981, còn Cộng Hòa chiếm đa số những năm 1947->1949, 1953->1955, 1981->1987. Với Hạ Viện, Dân chủ chiếm đa số những năm 1945->1947, 1949->1953, 1955->1995 còn Cộng Hòa chiếm đa số những năm 1947->1949, 1953->1955. Như vậy có thể nói hầu hết thời gian trước và sau cuộc chiến Việt Nam 1954->1975, đảng Dân Chủ nắm quyền kiếm soát lưỡng viện Quốc Hội Mỹ.

Chúng ta đánh giá thử sự dính líu của hai đảng trong chiến tranh Việt Nam và vấn đề tị nạn, di dân sau đó.

  • Đổ quân vào miền Nam: trước 1961 dưới thời Tổng Thống Cộng Hòa Eisenhowever, số cố vấn quân sự tại miền Nam lúc nào cũng dưới 1000. Với miền Bắc leo thang chiến tranh, quân Mỹ đổ ào ạt vào Việt Nam, nhất là từ năm 1965 trở đi, dưới thời Tổng Thống Dân Chủ Johnson.
  • Rút quân khỏi miền Nam: ứng cử viên Cộng Hòa Nixon tranh cử với chiêu bài tìm một giải pháp cho cuộc chiến Viêt Nam. Khi lên làm Tổng Thống, cùng với Kissinger, ông ta bắt tay Trung Quốc, dùng Trung Quốc bao vây Nga, khiến Việt Nam không còn là lá bài cần thiết trong sách lược bao vây khối Cộng nữa. Bắt đầu từ chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, và sau đó ép Tổng Thống Thiệu của VNCH ký hiệp định Paris, Nixon đã rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam. Như vậy về Hành Pháp, đổ quân vào VN là Tổng Thống Dân Chủ và rút quân khỏi VN là Tổng Thống Cộng Hòa.
  • Quốc Hội kiểm soát bởi đảng Dân Chủ ngăn chặn viện trợ quân sự và nhân đạo đến VNCH hồi năm 1975: Nhiều người Miền Nam chua chát không tha thử cho Quốc Hội Mỹ kiểm soát bởi đảng Dân Chủ đã cắt quân viện lẫn viện trợ nhân đạo cho miền Nam hồi 1975. Điều này thì đúng như vậy. Sau vụ Watergate, liên hệ giữ hai nhánh Lập Pháp và Hành Pháp Mỹ hết sức căng thẳng, dân cử Lập Pháp (và cả bên Hành Pháp?) muốn phủi tay khỏi cuộc chiến Việt Nam tốn kém, và nay đã có một lối thoát mới. Chúng ta hãy so sánh với một cuộc chiến tương tự ngày nay ở Iraq, khi chính quyền Mỹ để lật đổ chế độ Saddam Hussein, có sự cộng tác một số người Iraq. Một số người Việt Nam chua chát lúc đó nay đã trở thành công dân Mỹ, đã đi làm, đã đóng thuế, hỏi bao nhiêu người trong số này muốn quân đội  Mỹ tiếp tục có mặt tại Iraq hay là mở rộng vòng tay với tị nạn Iraq?
  • Đảng Dân Chủ chủ trương ngăn chặn ti nạn Việt Nam năm 1975, kể cả cô nhi? Gần đây có vài người chuyền cho tôi xem một bài báo “Flashback – Democrats Tried To Block Thousands Of Vietnam War Refugees, Including Orphans“ trên Daily Caller, phê phán đảng Dân Chủ đạo đức giả, xưa chống tị nạn chiến tranh Việt Nam mà nay lại chống TT Trump về vấn đề tị nạn/di dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng những kết luận của bài báo không đúng, xem ghi chú (1) bên dưới.
  • Đảng Cộng Hòa chủ trương thu nhận thuyền nhân Việt Nam còn đảng Dân Chủ chống đối? Sau cuộc chiến, phong trào thuyền nhân liều chết chạy trốn khỏi đất nước với nhiều chính sách thất nhân tâm, lên cao khiến cả thế giới xúc động. Chỉ riêng trong tháng 6, 1979, có 56000 người Việt đến các trại tị nạn Đông Nam Á. Các nước Tây Phương họp khẩn ở Geneva, Thụy Sĩ tháng 7, 1979, phái đoàn Mỹ do chính phó Tổng Thống (Dân Chủ) Mondale cầm đầu, quyết định tăng nhanh số người nhận vào các nước, tăng ngân sách tị nạn. Nếu Hành Pháp Dân Chủ lẫn lưỡng viện Quốc Hội Dân Chủ chống đối thì đã không có việc nhận thuyền nhân Việt Nam vào đất Mỹ trong giai đoạn đó.

Tôi nghĩ cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều là hai định chế quan trọng của nước Mỹ, thay phiên cầm quyền. Không có chính sách của đảng nào toàn hảo cho nước Mỹ ở mọi thời gian. Hữu quá thì giàu nghèo cách biệt, sống chết mặc bay, xã hội bất ổn mà tả quá thì chính phủ lớn, phí phạm tiền dân đóng thuế và người nghèo ỷ lại. Do đó khi đảng này cầm quyền thì đảng kia ở vị trí đối lập, kiếm soát quyền lực. Xin đừng coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Cả hai đều là khuôn mặt của nền dân chủ Mỹ.

© Mặc Lý

(Mar 2017)

Nguồn: changevietnam.wordpress.com

———————————–

Ghi chú:

Về Daily Caller, đây  là một website và News agency vùng Washington DC, khuynh hướng bảo thủ. Vài ký giả đã nhẩy sang Breibart News Network, một News Agency cực hữu.

Flashback này biện minh cho Travel Ban của TT Trump, hàm ý rằng đảng Dân Chủ đạo đức giả, xưa chống tị nạn thời chiến tranh Viêt Nam kể cả cô nhi, nay không có tư cách gì để chống Travel Ban của TT Trump.

Tuy nhiên đọc hết cả bài báo, dù các câu trích dẫn đều đúng hết, ngoài thống đốc California Jerry Brown có thể lo lắng về ngân sách tiểu bang, phản ứng của các dân biểu và thượng nghi sĩ Riegle, Eilberg, Biden có thể hiểu được. Tựa bài báo nói về cô nhi, nhưng tôi không thấy nêu tên bất cư dân cử Dân Chủ nào chống đối nó. Chỉ có dân biếu Eilberg cho rằng chính quyền Ford “vội vàng không cần thiết” trong việc di tản cô nhi. Nhớ rằng chuyến C-5A chở cô nhi trong chiến dịch BabyLift rớt ờ Biên Hòa làm nhiều người xúc động. Ngoài ra hải tặc, bão tố có lẽ chỉ đúng với thuyền nhân sau này, không phải là trong dịp di tản tháng 4, 1975.

Quan trọng nhất, dù có kết tội tất cả các dân cử Dân Chủ mà bài báo nêu trên, đấy không phải là lập trường chung của dân cử Dân Chủ. Lúc đó đảng Dân Chủ kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội, nếu chống tị nạn và cô nhi Việt Nam là lập trường chung của họ thì sẽ không có bất cứ đạo luật nào cho phép người tị nạn Việt đến Mỹ được thông qua lúc đó.

 

3 BÌNH LUẬN

  1. Đảng Dân chủ đưa quân vào VN từ đầu thập niên 60 thời Kennedy, tới thời Johnson từ 1965 đưa quân ồ ạt vào VN rất nhiều gần 200 ngàn tới 1968 lên tới 530 ngàn. Chính sách chiến tranh giới hạn (vừa đánh vừa run) của Johnson-McNamara khiến chiến tranh kéo dài, chết người (cuối năm 68 có 35 ngàn quân Mỹ tử trận). Sự thực Johnson (DC) không muốn đưa quân vào nhưng vì theo thăm dò người dân ủng hộ cuộc chiến rất cao (60, thậm chí 70%) vì họ sợ mất Đông dương, môi hở răng lạnh.
    Nhưng vì cuộc chiến kéo dài không có kết quả nên phong trào phản chiến lên cao, người ta phản đối DC và bầu cho Nixon Cộng Hòa cuối năm 1968

    Nixon mang lại hòa bình, rút quân về nước nên năm 1972 người ta bầu lại cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa (72-76), Nixon đại thắng năm 1972 với tỷ lệ áp đảo 96% phiếu cử tri đoàn, hơn đối thủ DC 18 triệu phiếu
    DC thua cuộc cay cú nhưng họ vẫn năm Quốc hội, nửa năm sau Hiệp định Geneve (giữa năm 1973) Quốc hội DC ra luật cắt hết ngân khoản dành cho chính phủ trong chiến tranh Đông Dương, sau đó mỗi năm họ cắt giảm viện trợ cho VNCH 50% mà ai cũng đều biết cả, hồi ký Nixon, Kissinger đều đã nói rõ, miền nam sụp đổ vì bị Quốc hội DC cắt hết viện trợ, nay chính Mỹ cũng đã phải công nhận
    Sở dĩ đảng Dân chủ thù ghét VNCH vì năm 1968 trong cuộc tranh cử TT giữa DC và CH, ông Thiệu ngả về CH nên (theo nhà sử gia Trần đông Phong) DC bắt đầu thù ghét VNCH từ đó (1969) vả lại sau đó ông Thiệu tỏ ra thân với Nixon, CH
    DC lật đổ Nixon qua vụ watergate tháng 8-1974, năm 74, 75 họ cắt viện trợ VNCH cho xụp đổ như đã nói trên, các đảng viên Dân chủ tích cực nhất trong việc này là Clinton, Hillary, John Kerry, Biden… báo chí Saigon đài VOA hồi đó nói rõ như vậy, cả Saigon đều biết
    Sau đó khi miền nam gần sụp đổ tháng 4-75, TT Ford đưa ra Quốc hội xin ngân khoản cứu trợ người tỵ nạn VNCH, các đảng viên Dân chủ kể trên tích cực chống đối, John Biden nói quyết không cho một người tỵ nạn VN hay Đông dương vào Mỹ, VOA nói rành rành hồi tháng 4-1975
    Trong cuộc tranh cử TT năm 2008, Biden đứng phó cho Obama, cử tri người Việt hỏi ông “có phải năm 1975 ông nói sẽ không cho người tỵ nạn VN vào Mỹ?” ông ta chối phắt đi ngay…
    Chuyện xưa như trái đất nhiều người chả nhắc lại làm gì
    Những năm 70, 80 đa số cử tri người Việt bỏ cho CH vì không thích DC, nay mối thù Vong quốc hận ngày một phai lạt, số người ủng hộ cho CH, DC coi như cũng ngang nhau……

    • Thật ra CH hay DC cũng không trung thành với VNCH khi quyền lợi của họ không còn. Cả Nga Tàu cũng thế, nhưng họ chi viện để đạt mục tiêu vì từ Tây sang Đông chưa có tên chó chết nào như Hồ Chí Minh dám đẩy hằng triệu dân tộc mình đi vào chổ chết để cho Nga Tàu bành trướng.

    • @DN : Trích:…”DC thua cuộc cay cú nhưng họ vẫn năm Quốc hội, nửa năm sau Hiệp định Geneve (giữa năm 1973)”… (ngưng trích). Có phải ông nhầm lẫn với Hiệp Định Paris 1973 không cơ, thưa ông?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên