Phía Cộng Sản nói về Tổng tuyển cử thống nhất tháng 7-1956

1
Sơ lược về Hiệp định Genève và Tổng tuyển cử
 
Hội nghị Genève (1) khai mạc ngày 26-4-1954 để giải quyết các vấn đề Triều Tiên và Đông DươngCuộc thảo luận Triều Tiên tại Genève không đạt kết quả. Ngày 7-5-1954 Điện Biên Phủ thất thủ, cuộc họp về Đông Dương thực sự bắt đầu ngày 8-5-1954.  Các nước tham dự có Anh (ngoại trưởng Eden ); Pháp (Bidault, sau ngày 19-6 là Chauvel); Mỹ (Thứ trưởng ngoại giao Smith), Nga, (ngoại trưởng Molotov) Trung cộng, (Thủ tướng Chu ân Lai) Quốc gia Việt Nam , (Nguyễn Quốc Định, đầu tháng 7 là Trần Văn Đỗ) Việt Minh (Thủ tướng Phạm văn Đồng)
 
Hiệp định được ký kết ngày 20-7-1954 gồm 4 văn kiện
1- Hiệp định đình chiến tại Việt Nam .
2- Hiệp định đình chiến tại Lào.
3- Hiệp định đình chiến tại Cao Mên.
4- Tuyên bố cuối cùng, không có chữ ký.
 
Phái đoàn Quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ không ký vào bất cứ văn kiện nào của Hiệp định.
Hiệp Định Genève đình chiến ở Việt Nam gồm 6 chương 47 điều
 
Xin sơ lược một số điểm chính:
 
Chương I – Giới tuyến quân sự tạm thời, khu phi quân sự.
Thời hạn rút quân không quá 300 ngày từ 20-7-1954
 
Chương II- Nguyên tắc và cách thức thi hành Hiệp định
Điều 14- Trong khi chờ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, mỗi bên phụ trách quản trị hành chánh khu vực của mình. Thời hạn rút khỏi Hà nội 80 ngày, Hải dương 100 ngày, Hải phòng 300 ngày.
 
………..
 
Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến gồm Ấn độ (chủ tịch), Gia Nã Đại, Ba Lan.
Thứ trưởng quốc phòng Tạ Quang Bửu đại diện Việt Minh ký
Thiếu tướng Henri Deteil thay mặt Tư lệnh Đông dương ký
Bản tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 gồm 13 điểm
 
Bản tuyên bố cuối cùng về tái lập hòa bình Đông Dương không mang chữ ký của bất cứ phái đoàn nào tham dự hội nghị, trong đó điều 7 nói nguyên văn:
 
“Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7-1956”
 
Sau khi Hội nghị khai mạc được một tháng và một tuần, vào ngày 4-6-1954, người Pháp đã trao trả độc lập hoàn toàn cho chính phủ Quốc gia Việt Nam
 
Việt Nam được độc lập hoàn toàn một tháng rưỡi từ 4-6 cho tới 20-7 thì bị chia đôi
Về ngày bầu cử người Pháp ấn định nó thật xa hay không xác định ngày càng tốt và giao trách nhiệm cho Ủy hội quốc tế. Vào ngày 15-7 Nga đề nghị cuối năm 1955. Lúc 5 giờ chiều ngày 20-7, mọi người đồng ý với Molotov đề nghị hai năm, Mỹ và Pháp muốn hoãn lại ít nhất 18 tháng.
 
Hiệp định Genève được ký ngày 20-7-1954, nội dung chính nói về đình chiến, đất nước chia đôi tại vĩ tuyến thứ 17, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Minh) đóng ở trên, chính phủ Quốc Gia Việt Nam và quân Pháp rút vào nam dưới vĩ tuyến 17.
 
Ngày hôm sau 21-7-1954 Hội nghị nhóm họp trở lại và cùng nhau thảo bản Bản tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 gồm 13 điểm
 
Tổng tuyển cử dự trù năm 1956 chỉ là nói miệng với nhau (oral statements) và không có chữ ký (unsigned document) của bất cứ phái đoàn nào, nó không có nhiều giá trị về mặt pháp lý. Nó không ấn định rõ ràng hai bên phải tổ chức bầu cử ra sao?  Không có những điều khoản chi tiết về Tổng tuyển cử. Hai bên Bắc và Nam tự giải quyết vấn đề, không mang tính mệnh lệnh, quy định phải thực hiện, nói chung mơ hồ.
 
Nó không ấn định bầu theo thể thức như thế nào, ai thắng sẽ được quyền lợi gì? thua sẽ ra sao?
 
Cộng Sản Việt Nam nói về Tổng tuyển cử
 
Nay nhiều vấn đề chính trị quân sự đã được trong nước đưa lên Bách Khoa Toàn Thư  (tức Wikipedia Tiếng Việt), họ cũng trích dẫn, tham chiếu nhiều tài liệu, sách báo trong và ngoài nước. Tuy về hình thức mang vẻ khách quan nhưng nhiều chỗ nghiêng ngả rõ rệt nên có thể coi đây là lập trường của họ.
 
Trong bài Hiệp định Genève, 1954 (trên Wikipedia Tiếng Việt), phần gần cuối họ nói về Tổng tuyển cử mà tôi xin tóm tắt như dưới đây:
 
-Quốc Gia Việt Nam từ chối Tổng tuyển cử:
 
Tổng thống Mỹ Eisenhower cho rằng 80% dân số VN sẽ bầu cho ông Hồ Chí Minh nếu có Tổng tuyển cử. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Thủ tướng Quốc Gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tuyên bố
 
Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ“, “thống nhất đất nước trong tự do chứ không phải trong nô lệ
 
Họ cho biết ông Diệm nói thêm là ông nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc
 
Tổng tuyển cử được dự trù tháng 7-1956 nhưng Tổng thống Diệm bác bỏ mọi thảo luận sơ khởi khiến ông ta bẽ mặt ở phương Tây, người ta cho là Ngô Đình Diệm ngoan cố khao khát quyền lực chuyên chế.
 
(Họ dẫn) Theo tác giả Duncanson (Government and Revolution in Vietnam, 1968. tr 223) thì sự thật phức tạp hơn, miền Bắc dân đông hơn miền Nam hai triệu (kể cả gần một triệu di cư), thời điểm 1955-1956 tại miền Nam có hỗn loạn do các Giáo phái và Việt Minh nằm vùng. Tại miền Bắc chiến dịch Cải cách ruộng đất tạo ra bầu không khí căng thẳng đưa tới cuộc nổi dậy của nông dân tại gần Vinh. Tình hình tại miền Bắc và Nam khiến Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến không hy vọng bảo đảm một cuộc bầu cử tự do mà cử tri không sợ bị trả thù
 
(Họ dẫn) Theo tác giả Mark Woodruff (trong Unheralded Victory: The Defeat of The Viet Cong and The North Vietnamese 2005, trang 6) quan sát viên Ủy hội Quốc tế đồng ý với quan điểm của QGVN (tức VNCH) rằng miền Bắc không đủ điều kiện để tổ chức bầu cử công bằng, họ báo cáo hai bên không thực hiện nghiêm chỉnh ngưng bắn.
 
Năm 1956, Allen Dulles (giám đốc CIA) trình lên TT Eisenhower báo cáo tiên đoán nếu có Tổng tuyển cử thì thắng lợi của Hồ Chí Minh như thủy triều dâng cao, chỉ còn cách tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève. Mỹ muốn có một chính phủ chống Cộng tại miền Nam .
Hoa Kỳ vi phạm Hiệp định vì đã hỗ trợ QGVN và sau này viện trợ quân sự cho VNCH.
Trên đây là những nhận định của phía CS về chính phủ Ngô Đình Diệm từ chối Tổng tuyển cử thống nhất
 
Gần cuôi bài họ đề cập tới phần.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị tổng tuyển cử
 
Trong phần này phía CS cho biết:
Ngày 22-7-1954, hai ngày sau Hội nghị Giơnevơ thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi lời Kêu gọi (tức Hiệu triệu): chúng ta phải đấu tranh cho hòa bình, thực hiện thống nhất bằng Tổng tuyển cử, Trung, Nam, Bắc là bờ cõi nước ta nhất định phải thống nhất, ông nói:
Chúng ta phải ra sức đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc đặngthống nhất nước nhà
. . . . . .
Chúng ta củng cố tình hữu nghị vĩ đại giữa ta với Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác. Chúng ta đoàn kết hơn nữa với nhân dân Pháp, nhân dân châu á và nhân dân toàn thế giới để giữ gìn hoà bình.
 
Trả lời phỏng vấn báo Regards ngày 18-11-1954 ông nói        Chúng tôi phải ra sức xây dựng lại nền kinh tế của nước chúng tôi bị chiến tranh tàn phá và nâng cao đời sống của đồng bào chúng tôi
 
Trả lời phỏng vấn hãng tin U.P (Mỹ) 13-7-1956, ông khẳng định
Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh và đấu tranh mạnh hơn nữa để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước; vì đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Giơnevơ 1954 thừa nhận…
 
. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bảo đảm tổng tuyển cử sẽ được hoàn toàn tự do ở miền Bắc Việt Nam…Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ trương tổ chức tổng tuyển cử tự do theo đúng ý nguyện của toàn dân Việt Nam
 
Năm 1955, Trung ương đảng Lao Động chính thức ưu tiên xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc, dùng ngoại giao kêu gọi hòa bình cho miền Nam . Hà Nội tìm hỗ trợ quốc tế, kêu gọi hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ (Anh-Nga), nhắc Pháp về trách nhiệm với Tổng tuyển cử.
 
Tháng 6-1955 (sau khi hết di cư) Hà Nội tuyên bố sẵn sàng mở hiệp thương với Sài Gòn nhưng không được đáp ứng, Hà Nội gửi thư cho (hai nước) Anh-Nga để mở lại Giơnevơ.
Trong khi tiến trình đàm phán Nam-Bắc tiếp diễn, Hà Nội còn cố tái lập quan hệ thương mại giữa hai miền, họ chủ trương thống nhất từng bước một
“Muốn thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, cần phải tiến hành thống nhất từng bước; từ chỗ tạm thời chia làm hai miền tiến đến chỗ thống nhất chưa hoàn toàn, từ chỗ thống nhất chưa hoàn toàn sẽ tiến đến chỗ thống nhất hoàn toàn.”
 
Nhưng cũng như vấn đề bầu cử, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thậm chí còn từ chối cả việc thảo luận.
 
Năm 1956, Trường Chinh sang Mạc Tư Khoa họp đại hội đảng CS Nga, ông đề nghị tổ chức cuộc họp chín bên tham gia Hội nghị để thúc đẩy Tổng tuyển cử, phía Liên Xô đáp sẽ không có việc tái triệu tập Hội nghị,
 
Nguyên văn
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận rằng không có Tổng tuyển cử và Việt Nam phải tự chuẩn bị phương án cho chính mình. Bất chấp việc không được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ, thậm chí Liên Xô đã nhắm mắt trước những gì đang xảy ra tại Đông Dương….Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tiếp tục có những nỗ lực ngoại giao.
 
Các cường quốc (Nga, Trung Cộng) đã không ủng hộ lời kêu gọi tổ chức tuyển cử của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà muốn hiện trạng chia cắt Việt Nam được giữ nguyên. Tháng 5/1956, một nhà ngoại giao Hungary tên Jozsef Szall  đã nói chuyện với một trợ lý thứ trưởng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, rằng theo ý kiến ​​của Chính phủ Trung Quốc thì
“các nghị quyết của hiệp định Genève, tức là, việc tổ chức bầu cử tự do và thống nhất Việt Nam, không thể được thực hiện trong thời gian này
 
Nói cách khác, những cường quốc của khối Xã hội chủ nghĩa đã không cung cấp cho VN Dân chủ Cộng hòa  sự hỗ trợ quốc tế mà họ kêu gọi.
 
Tháng 7 năm 1956, sau khi yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Đình Diệm trả lời, Hà Nội yêu cầu các đồng chủ tịch hội nghị Genève (tức Nga-Anh) tổ chức một cuộc hội nghị mới, yêu cầu này lại được lặp lại vào tháng 8. Các yêu cầu đàm phán với chính phủ Ngô Đình Diệm tiếp tục được gửi vào tháng 6 và tháng 7 năm 1957, tháng 3 và tháng 12 năm 1958, tháng 7 năm 1959, và tháng 7 năm 1960, nhưng đều bị từ chối.
(phần Tổng tuyển cử trên do phía CSVN trình bầy).
 
Nhận xét
 
Trước hết về nguyên tắc hay pháp lý, vấn đề Tổng tuyển cử không được ghi trong Hiệp định ngày 20-7-1954 mà chỉ được ghi trong bản Tuyên bố cuối cùng chỉ vỏn vẹn có vài hàng cho biết sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất vào tháng 7-1956, hai năm sau ngày ký kết Hiệp định. Nó không nêu rõ chi tiết các điều khoản tổ chức Tổng tuyển cử thế nào, kẻ thắng người thua sẽ ra sao thí dụ nếu ông Hồ thắng cử thì ông Diệm sẽ về làm thường dân hay làm phó Chủ tịch cho ông Hồ và ông Diệm phải vào đảng Lao Động, ngược lại nếu ông Diệm thắng cử thì ông Hồ sẽ phải về làm thường dân, giải tán đảng Cộng Sản hoặc ông Hồ sẽ làm phó Tổng thống cho ông Diệm… vân vân.
 
Sau đây tôi xin ghi nhận những điểm chính mà mà phía CSVN đã nói về Tổng tuyển cử ở trên:
 
-Thủ tướng Ngô Đình Diệm nói
Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ“, “thống nhất đất nước trong tự do chứ không phải trong nô lệ
 
Và ……ông Diệm nói thêm
nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc
 
-Tổng thống Mỹ Eisenhower cho rằng 80% dân số VN sẽ bầu cho ông Hồ Chí Minh nếu có Tổng tuyển cử
 
-Tác giả Duncanson cho biết tình hình tại miền Bắc và Nam khiến Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến không hy vọng bảo đảm một cuộc bầu cử tự do mà cử tri không sợ bị trả thù.
 
-Theo tác giả Mark Woodruff: quan sát viên Ấn Độ, Ba Lan, Gia Nã Đại của Ủy hội Quốc tế đồng ý với quan điểm của QGVN (Chính phủ Diệm) rằng miền Bắc không đủ điều kiện để tổ chức bầu cử công bằng.
 
-Ngày 13-7-1956, ông Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn hãng tin U.P (Mỹ) khẳng định
... Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bảo đảm tổng tuyển cử sẽ được hoàn toàn tự do ở miền Bắc Việt Nam…
…Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ trương tổ chức tổng tuyển cử tự do theo đúng ý nguyện của toàn dân Việt Nam
 
Các cường quốc (Nga, Trung Cộng) đã không ủng hộ lời kêu gọi tổ chức tuyển cử của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà muốn hiện trạng chia cắt Việt Nam được giữ nguyên
 
Các nghị quyết của hiệp định Genève, tức là, việc tổ chức bầu cử tự do và thống nhất Việt Nam, không thể được thực hiện trong thời gian này (ý kiến ​​của Chính phủ Trung Quốc)
CSVN trích lời tuyên bố của Thủ tướng Ngô Đình Diệm rất dài ngày 16-7-1955 (đăng trong công báo của Tòa Đại sứ VN tại Mỹ), ông Diệm không tin là miền Bắc có tự do bầu cử. Họ cũng trích nhận xét của tác giả Duncanson cho rằng Ủy hội quốc tế không hy vọng miền Bắc có bầu cử tự do mà cử tri không sợ bị trả thù.
 
Họ trích tác giả Mark Woodruff nhìn nhận Ủy hội quốc tế đồng ý với chính phủ Diệm rằng miền Bắc không đủ điều kiện để tổ chức bầu cử công bằng.
 
Ông Hồ Chí Minh khẳng định ngày 13-7-1956
... Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bảo đảm tổng tuyển cử sẽ được hoàn toàn tự do ở miền Bắc Việt Nam…
 
Nhưng lấy gì bảo đảm cho lời hứa của ông? Hồ Chí Minh cũng nói:
“...Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ trương tổ chức tổng tuyển cử tự do theo đúng ý nguyện của toàn dân Việt Nam
 
Không đúng, vì tại miền nam VN người dân rất thờ ơ với Tổng tuyển cử, không hề thấy ai tỏ ý muốn có Tổng tuyển cử.
 
Chính phía CSVN đã công nhận Nga và Trung Cộng không muốn CSVN tổ chức Tổng tuyển cử, họ muốn hai miền Bắc-Nam ai ở đâu ở đó như đã nói trên.
 
Phía Thế giới Tự do Anh, Mỹ, Pháp… không hề muốn có Tổng tuyển cử.
 
Các thành viên của Ủy hội quốc tế cũng không muốn có Tổng tuyển cử mà họ cho là miền Bắc không đủ điều kiện để tổ chức bầu cử công bằng.
 
Nhưng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nằng nặc đòi bầu cử thống nhất, lý do chính là miền Bắc sau di cư 1954 thiếu hụt thóc gạo mà trước đây do miền Nam chở ra. Họ đòi hiệp thương để hai miền buôn bán giao thương với nhau nhưng miền Nam cương quyết cự tuyệt vì không muốn dính dáng liên hệ với miền Bắc. Miền Nam đã giao thương với nhiều nước trên thế giới không cần và không muốn buôn bán với miền Bắc vì sợ họ sẽ lợi dụng đưa gián điệp vào trong Nam.
 
Họ nói TT Eisenhower dự đoán 80% dân VN sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu có Tổng tuyển cử, ông ta có nói như vậy (2) . Ngoài ra Walter Robertson phụ tá Bộ trưởng ngoại giao Mỹ (1954) cho rằng Bảo Đại theo Tây, bù nhìn bị nhân dân khinh ghét, Hồ Chí Minh được người dân yêu quí (3)
 
Các chính khách Mỹ không có kinh nghiệm, hiểu biết về CS, họ tưởng rằng ông Hồ chống Pháp được người dân ủng hộ, quí mến và các ông Bảo Đại, Ngô Đình Diệm bị đồng bào khinh ghét vì theo Tây bán nước. Họ nhầm to, năm 1950, 51.. khi chính phủ Quốc gia của Bảo Đại được thành lập, người dân từ hậu phương Việt Minh ùn ùn kéo về thành thị, nhất là năm 1954. Khi Hiệp định Geneve vừa ký xong, người dân các thành phố ùn ùn kéo nhau lên đường vào Nam hàng triệu người mà chỉ có khoảng 140,000 cán bộ, kháng chiến quân tập kết và gia đình di cư ra Bắc, họ băng rừng Trường Sơn hoặc đi tầu Ba Lan, Nga, Pháp.
Nếu nói toàn dân đều muốn bỏ phiếu cho ông Hồ Chí Minh chỉ là phỏng đoán vô căn cứ dựa trên thành kiến. Chi bằng ta cho bỏ phiếu bằng chân thì biết rõ ngay người dân chọn ai, chọn Hồ Chí Minh, chọn Bảo Đại hay thực dân Pháp?
 
Tại sao ông Hồ tuyên bố quyết tâm thực hiện Tổng tuyển cử, vì ộng đã tin chắc ở cuộc bầu cử gian lận, không tự do tại miền Bắc, ai cũng thừa biết sẽ chẳng có cử tri miền Bắc nào dám bỏ phiếu cho chính phủ miền Nam. Trong khi ấy ông Diệm và chính phủ miền Nam biết quá rõ về những thủ đoạn gian trá của CS từ năm 1945, người Quốc gia đã bị CS đánh lừa nhiều rồi, không còn gì để hy vọng và tin tưởng ở người CS.
 
Năm 1957 Lê Duẩn, người hiếu sát nhất của CSVN đã được Hồ Chí Minh cất nhắc lên chức quyền Tổng bí thư thay thế Trường Chinh từ chức. Ba Duẩn cho tiến hành dần dần chiến tranh người Việt giết người Việt rất sớm từ 1958, 59….máu của lương dân vô tội đã đổ xuống đồng ruộng miền Nam . Thế mà từ 1957, rồi 1958, 1959, 1960.. họ tiếp tục vận động miền Nam tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất, thật hết nước nói.
 
Theo tài liệu Quân Sử của Bộ Trung Hoa Quân Mưu (Chinese Military Advisory Group-CMAG), Nhất Thanh đã lược dịch trong bài Vai trò của CS Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam, 1954-1963. Bài này được đăng trên nhiều trang mạng Hải ngoại, Trung Cộng cho biết sau khi thất bại Cải cách ruộng đât (1955, 56), CSVN không thể thực thi thống nhất bằng lòng dân. Khi cái hy vọng thống nhất bằng lòng dân qua bầu cử của Đảng CSVN bị sụp đổ, CSVN vì đã quay lưng với hiệp định Geneva, âm thầm quậy phá miền Nam bằng bạo lực, gây chiền tranh đổ máu (4)
 
Chiến dịch đấu tố 1954-55 vô cùng dã man, thất nhân tâm đã làm đổ máu hàng trăm nghìn người vô tội, đã khiến người dân miền Bắc vô cùng phẫn nộ, nếu có bầu cử thực sự tự do thì CSVN sẽ thua trắng tay.
 
Đặt giả sử trường hợp miền Bắc thất cử trong Tổng tuyển cử, họ có chịu giải tán đảng CS và đặt dưới quyền chính phủ miền Nam hay không? Hoặc ngược lại nếu miền Nam thua cuộc, các cấp chính quyền, quân sự… toàn miền Nam có chịu để CS áp đặt chính quyền trên đầu họ không?
 
Tại sao phải thống nhất bằng bầu cử, phải tổ chức tốn kém nhân lực, tài lực, sao không cho bỏ phiếu bằng chân cho nó tiện và công bằng nhất…để người dân được tự do lựa chọn tổng tuyển cử tự do theo đúng ý nguyện của toàn dân Việt Nam như Bác Hồ đã nói trên. Nếu vậy sẽ có từ năm đến mười triệu đồng bào miền bắc vĩ tuyến 17 gồng gánh lũ lượt kéo nhau vượt sông Bến Hải đi tìm tự do, hạnh phúc ở nơi đất lành chim đậu.
 
Từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay có hàng chục triệu người từ miền Bắc rời bỏ quê hương theo cuộc Nam tiến vĩ đại gấp mười lần cuộc di cư 1954, chẳng thế mà tại miền nam VN hiện nay dân Bắc kỳ tràn ngập mọi ngả đường từ quê đến tỉnh.
 
Cuộc Tổng tuyển cử thống nhất mà phía CS tin tưởng sẽ chiếm được đồng ruộng miền Nam phì nhiêu mà không mất một tên lính, không đổ một giọt máu, nhưng đó chỉ là mơ mộng hão huyền. Ngay cả các nước CS Nga, Tầu đều phản đối cuộc bầu cử mà ta chưa cần nói tới các cường quốc Tây phương
 
Cuối cùng, Tổng tuyển cử thống nhất hai miền chỉ là chuyện trời ơi đất hỡi…
 
Trọng Đạt
——————————————
 
(1) Nguyển Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 930-943
Wikipedia tiếng Việt:  Hiệp định Genève, 1954
(2) Fredrik Logevall: Embers of War, The Fall of An Empire And The Making of America’s Vietnam, trang 610, Tổng thống Eishenhower nói có thể 80% người dân Việt Nam muốn bầu cho Hồ Chí Minh hơn là cho Quốc trưởng Bảo Đại,
(3) Sách nêu trên, trang 495
(4) Nguyên Văn: Sự thất bại của Cải Cách Ruộng Đất đã khiến trong Đảng CSVN biết rõ là con đường thống nhất Việt Nam, như trong Hiệp Định Geneva bầu cử Dân Chủ, đã không thể thực thi. Khi cái hy vọng thống nhất bằng lòng dân qua bầu cử của Đảng CSVN bị sụp đổ, thì CSVN cũng phải đang đối diện với vấn nạn kinh tế của XHCN. Nguồn cung cấp gạo tại Hà Nội trở thành vấn nạn, CSVN vì đã quay lưng với hiệp dịnh Geneva, âm thầm quậy phá miền Nam bôi nhọ và ám sát nhân viên Cao cấp của miền Nam, nên CSVN không thể mở miệng xin mong sự giúp đõ từ kinh tế Miền Nam, CSVN ngoài phải tự trồng trọt kiếm ăn mặt khác, ban lãnh đạo Hà Nội tiếp tục quay về với Trung Quốc bất chấp vì nghe lời Bắc Kinh mà kết quả là những đau thương của Cải Cách Ruộng Đất
 
 

1 BÌNH LUẬN

  1. Quá may-mắn. Nếu Cố Tổng-Thống NGÔ-ĐÌNH-DIỆM bị Việt-minh lừa dùng thủ-đoạn “BẦU-CỮ” vào Năm 1956. Đồng-Bào Nam Việt-Nam đã bị CÁCH-MẠNG CỌNG-SẢN giãi-phóng tuột-luột trở thành người vô-sản. Đâu có cơ-hội được sống 19 năm dưới chế-độ VNCH mà biết được TỰ-DO DÂN-CHỦ NHÂN-QUYỀN mà SO-SÁNH để TRANH-ĐẤU hôm nay.

Leave a Reply to Haile Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên