Phạm Hoài Vũ: Hạnh ngộ

7
Ảnh mang tính minh họa

 

Chiếc Honda 67 đi chậm dần, rồi dừng hẳn. Chú lái đứng một chân xuống đường, vẫn ghếch một chân trên yên, giữ cho xe đứng thẳng, vẻ mặt hiền hòa:
– Dạ. Thưa ông xuống xe. Đây chính là nơi các bác nhà ông hẹn đón, nha ông.
– A thế à. Cảm ơn chú.
Ông già cũng vừa nói vừa chống một chân xuống đường, ông buông cả hai tay khỏi eo chú xe ôm và đứng hẳn xuống đất.
– Ấy… ấy! Ông cẩn thận. – Chú xe ôm vừa ngoái cổ nhắc ông già vừa gắng giữ xe đứng chắc.
– Thế là hết bao nhiêu tiền chú nhỉ. – Ông già vẫn đứng bên cạnh chú xe ôm, mở cái ví da đã sờn.
– Thôi… Thôi… Ông khỏi. Con chở giúp ông.
– Ấy sao chú làm vậy. – Vừa nói ông vừa tháo mũ bảo hiểm treo vào tay lái xe máy. – Chú mất bao nhiêu công sức chở tôi đến đây. Thôi, ít nhiều chú vui lòng cầm lấy một chút. – Ông vừa nói vừa rút từ ví ra hai tờ năm chục ngàn.
– Dạ. Không… Con chở giùm ông. – Chú xe ôm xua tay
– Ấy chết… Sao chú lại làm thế? Không được! Sao lại làm vậy. Chú đừng để tôi phải áy náy.
– Vì lúc đi xe hỏi chuyện, con nhận ra ông cũng là sĩ quan chỉ huy một đơn vị trong quân ngũ…
– Ô… Vậy à?
– Con thấy ông phúc hậu, giống như sư trưởng của con hồi xưa… Gặp ông con bỗng nhớ tới sư trưởng của con.
– Ôi… Ồ…Vậy chú và sư trưởng trước ở đơn vị nào?
– Dạ thưa ông. Sư trưởng đơn vị con chỉ huy một đơn vị thuộc vùng chiến thuật trấn đóng tại miền sơn địa này a!
Ông già chột dạ, trố mắt nhìn chú xe ôm, buột miệng kêu một tiếng “Ối”, dáng điệu có vẻ thảng thốt. Rồi ông đặt tay ôm ngực…ho khục khục.
– Ấy… ấy… Ông sao thế? – Anh chàng xe ôm tỏ vẻ lo lắng hỏi dồn.
– A… a… Không sao… A… a…- Ông già lúng túng… – Vậy hả. Vậy ra sư trưởng của chú trấn đóng vùng này hả… Ư hừ… Đây là một vùng rừng núi hiểm trở … Vùng này giao tranh ráo riết ác liệt lắm.
– Trời! Ông rành dữ!
– A… A! – Ông già thốt mấy tiếng, rồi rút khăn lau mồ hôi lấm tấm trên trán.
– Ông sao vậy?
– A… Không sao. – Ông già nói xong liếc qua quán cà phê bên đường hạ giọng, – Này chú. Ta vào quán cà phê bên kia ngồi chút được không? – Ông già liếc nhìn đồng hồ – Chưa đến giờ mấy người bà con trong nhà hẹn đón tôi. Chú không vội chứ? – Vừa nói ông già vừa dúi hai tờ năm chục ngàn vào túi chú xe ôm. – Thôi, ngày rộng tháng dài, mấy khi ta có dịp gặp nhau. Chú vào đây ta hàn huyên chút.
Anh chàng xe ôm cười cười vui vẻ đi vào góc quán cà phê theo hướng bàn tay ông già.
***
Ông già rút bao thuốc Vinataba kéo điếu thuốc ra khỏi bao và mời chú xe ôm. Anh chàng trố mắt nhìn ông già, rồi rút từ trong túi áo mình gói Capstan:
– Cảm ơn ông. Con xài thứ này. Ông hút với con một điếu. – Chú xe ôm rút một điếu ra khỏi bao thuốc và hướng về phía ông già. – Bọn lính tráng tụi con có một bài thơ thú vị về gói thuốc Capstan này đấy, chẳng rõ hội sĩ quan của ông có biết không. Con đọc nhá:

Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát

– Ông thấy chưa? – Anh chàng ngưng đọc và giải thích – đủ bảy chữ trên gói thuốc nhá … C(ho)-A(nh)-P(hát)-S(úng)-T(im)-A(nh)-N(át) …, – rồi anh chàng tiếp tục:

Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn

– Đấy nhá, N-A-T-S-P-A-C, đủ bảy chữ nói ngược lại với C-A-P-S-T-A-N? Thưa ông. – Anh chàng kéo dài giọng phấn chấn.

Chiếc Áo Phong Sương Tặng Anh Nhé
Nào Ai Tìm Số Phận Anh Chăng?
Đọc xong chàng xe ôm cựu binh cười ha ha thoải mái.

– Hà hà… Đời lính lãng mạn thật… Cảm ơn chú. Tôi quen xài thứ này. – Ông già chìa điếu thuốc của mình, rồi tiếp, – Hồi chiến tranh chú đi theo sư trưởng trên những địa bàn nào?
– Ông ơi. Con thuộc một đơn vị thám kích luôn bám sát sư trưởng con ở chính vùng này, đoạn giữa cung đường nối hai thành phố trên cao nguyên Trung phần. Đoạn này quân Bắc Việt hoạt động mạnh dữ tợn hồi đó.
– Đơn vị chú đã từng chạm trán với quân Bắc Việt nhiều không?
– Nhiều chứ ông. Con ấn tượng nhất là hồi đơn vị tụi con nhận lệnh sư trưởng đi tìm tung tích quân Bắc Việt trong những khu vực lân cận một con sông lớn, uốn quanh rặng núi phía xa kia, ngay trước mặt mình đó. Ông biết vùng đó chứ?. – Rồi anh chàng say sưa, như sống lại những ngày sôi động cùng với sư trưởng.
***
Đơn vị con có cố vấn Mỹ Daniel đi cùng, tụi con vẫn gọi thân mật anh ta là chú Đan, tụi con cũng thường gọi đùa anh ta là Đan Sam, tức là chú Đan người Mỹ. Rồi gọi chệch hẳn thành Đam San, có ý đùa vui, gọi theo tên chàng trai Đam San trong Sử thi Tây Nguyên. Anh ta rất thích thú được là chàng Đam San Tây Nguyên… Đêm đó trời đầy sao giữa một vùng núi hiểm trở. Tụi con nhận lệnh sư trưởng đi tìm tung tích của một cánh quân Bắc Việt thuộc một sư vừa được điều động vào chiến trường cao nguyên Trung Phần.
Đây là một trung đoàn thiện chiến, tin tức quân báo cho biết, trung đoàn này có nhiệm vụ thâm nhập thung lũng nằm chính giữa khúc uốn của một con sông lớn, phía đông bắc một thị xã sầm uất, có lẽ để chuẩn bị những đợt tấn công lớn của họ.
Tụi con lần trong rừng, nhận ra những đường mòn còn in dấu từng vạt cỏ bị dẫm nát, chứng tỏ cánh quân này của Việt Cộng mới đi lại quanh đây. Đột nhiên, tụi con lượm được những mẩu giấy vỏ bao lương khô của Tàu Cộng mà quân Bắc Việt sử dụng. Tụi con lần theo những vỏ bao lương khô trên đường mòn. Con đưa cho Đan và trao đổi với nhau rất nhanh về hướng lưu dấu tích các vỏ bao lương khô, rồi đưa phán đoán, có thể quân Bắc Việt đang đi từ hướng tây bắc về phía thành phố. Đơn vị này hành quân bộ, có lẽ xuất phát từ địa phận tỉnh At-tô-pơ thuộc Hạ Lào, lần theo đường mòn Hồ Chí Minh thâm nhập cao nguyên Trung phần. Đó là một nhận định táo bạo. Con bật máy bộ đàm để cung cấp nhận định đó cho sư trưởng. Cùng lúc đó, con nghe tiếng Đan cũng đang bật bộ đàm trao đổi với Cố vấn trưởng phát hiện thú vị này.
Trời hôm nay đầy sao, rất đẹp. Đi thêm một chặng nữa, tốp thám kích tụi con và cả Đan đều rất mệt, bèn mở ba-lô, lấy cái nóp bạt và tìm mấy bụi rậm để chui vào đó… ngủ. Con cũng phát lệnh cho các chiến hữu lấy nóp ra để ngủ, cử hai chú thức canh chừng. Ngủ một hồi say như chết, không biết đã qua bao nhiêu thời gian, đột nhiên con mở mắt, thấy ánh sáng lờ mờ lọt qua khe nóp. Bỏ mẹ, sắp sáng rồi. Nghe có tiếng léo nhéo giọng Bắc Kì. Con giương ống nhòm, nhận ra một tốp lính Bắc Việt, nhưng trông điệu bộ và vật dụng của họ, không có vẻ là một đơn vị chiến đấu, mà có lẽ cũng là một đơn vị thám kích như tụi con.
Ông biết, về nguyên tắc các đơn vị thám kích tụi con, và cả tụi thám báo Việt Cộng đều không được nổ súng vì không được phép lộ tung tích. Con nghe rõ tiếng Đan gọi tác xạ. Trong tốp lính Bắc Việt có đứa hiểu tiếng Anh, đáp lại dằn giọng một câu cũng bằng tiếng Anh giọng Mỹ, nghe khá sõi: “You die soon, Yankee” (Chúng mày chết sớm, tụi Mỹ kia). Con phì cười, điên tiết định giương sung bắn về phía đó, thì Đan hích vào tay con… “Suỵt”. Con im, cười một mình. Lập tức phía anh chàng vừa phát tiếng Anh, một loạt đại liên khạc đạn dữ dội.
A há! Tụi con bị tấn công.
Theo yêu cầu của Đan, trung tâm tác xạ nã tới tấp một loạt tràng pháo về phía quân Bắc Việt. Kế đó, tiếng súng im bặt. Con soi ống nhòm thấy họ nhanh chóng tản vào các khe núi gần đó.
***
Ông già mơ màng nhìn khói thuốc phả trước mặt ông. Nhấc li cà phê dưới đáy phin và ngắm nhìn anh cựu binh say sưa kể chuyện, thật dễ thương, về chiến tích của đội thám kích của anh và anh bạn Đan Sam. Ông gật gù, cười cười, chậm rãi gõ ngón tay trỏ đập nhẹ điếu thuốc trên cái gạt tàn, ngẫm nghĩ thú vị, ngày càng hiểu ra rằng anh cựu binh đang hình dung trước mặt mình là một vị sư trưởng cùng chiến đấu trên một chiến hào với sư trưởng khả kính của anh ta. Ông luôn xen giọng phụ họa, không để anh cựu binh hụt hẫng, rằng anh đang cởi mở ruột gan cho ông già vốn là sĩ quan của kẻ địch phía bên kia chiến tuyến:
– Vậy lúc đó sư trưởng của chú ở đâu?
– Sư trưởng của con chốt ở một cứ điểm bảo vệ phía tây bắc thành phố. Tụi con giữ liên lạc thường xuyên với sư trưởng. Ông đang đi theo dõi trận địa cùng mấy tốp thám kích xung quanh khu vực đóng chốt ở một căn cứ lân cận. Ở tốp thám kích này, con được giao nhiệm vụ hầu cận ông sĩ quan phụ tá của sư trưởng chốt cao điểm này để theo dõi tình hình từ hoạt động của một cánh quân Bắc Việt.
– Chú giúp việc ông sĩ quan phụ tá sư trưởng? Chắc vì vậy mà chú có dịp gần gũi sư trưởng? – Ông gật gù, hướng bàn tay về phía li cà phê. – Chú xài cà phê đi. Có xài chút gì không? Làm cái này nhá. – Ông vừa nói vừa chỉ tay vào tủ kính có mấy đĩa bánh ngọt kêu cô chủ.
– Em cho một dĩa cái thứ bánh có tráng sô-cô-la… đấy… đấy.
– Ông và chú có xài lon bia không? – Cô chủ đon đả.
– Không. Cảm ơn. Chú đây còn chạy xe. – Ông già đáp.
Cô chủ đặt đĩa bánh trên bàn… Chú cựu binh vẫn say sưa với chiến tích trên vạt đất này những năm tháng xa xưa. Chú tiếp tục:
– Dạ. Con đi theo ông sĩ quan phụ tá… Ông biết không? Có những tình huống nguy hiểm bất ngờ. Có đêm, con cùng ông sĩ quan đã lọt vào một ổ phục kích của quân Bắc Việt.
– Những lần ấy hai bên giao tranh ra sao? – Ông già nhíu mày tỏ vẻ quan tâm, làm anh cựu binh càng bị phấn khích
Anh cựu binh bắt đầu… Có lần quân Bắc Việt dàn quân phục kích theo hình chữ U, nhóm thám kích của anh bị lọt vào giữa. Từ mấy cái lùm cây phía trước mặt bắt đầu khạc đạn bắn tỉa. Con nhận ra ông sĩ quan phụ tá nép sau một hốc cây. Tay ông nắm chắc một khẩu MP5 của Đức có lắp ống giảm thanh. Khi đi rừng ông rất thích tự mình ôm khẩu MP5 này.
Bọn Việt Cộng nhận ra ông sĩ quan nép sau hốc cây, hai thằng ôm AK bò tới. Con dán mắt canh chừng. Đột nhiên hai thằng quỉ nhổm dậy, ông sĩ quan vừa giơ tay ra hiệu cho con, vừa giương khẩu MP5 khạc một tràng, một thằng Việt Cộng ngã gục, dúi đầu vào bui rậm. Nhưng lạ. Chỉ một lát sau, hắn quằn quại rồi nhỏm dạy, lại giương súng, ông phụ tá lại nhả một loạt đạn MP5 ngắn. Tên Việt Cộng ngã gục, không thấy quằn quại như ban nãy. Chắc hắn chết. Thằng kia quay ngoắt mũi súng AK về phía ông sĩ quan phụ tá, nhả một tràng như muốn hả cơn giận … pằng pằng pằng …dài quyết liệt, trút hết mối hận vào kẻ vừa hạ sát đồng ngũ của hắn. Hắn bắn rất chuẩn trúng vai ông sĩ quan phụ tá. Ông sĩ quan phụ tá ngã gục. Con bắn trả dữ dội. Các tay súng khác đồng loạt nhả đạn. Đan lại kêu đơn vị tác xạ nã pháo chặn đường tấn công của bọn quân Bắc Việt. Loạt pháo đổ xuống dồn dập. Mấy tên Việt Cộng tháo chạy theo đơn vị đang rút trở lại khe núi phía tây bắc thung lũng.
Tụi con đồ rằng cuộc tấn công kết thúc. Khu rừng trở lại yên tĩnh lạ thường. Nổi lên tiếng những chú hoẵng be be gọi mẹ. Mặt trời sáng bừng phía đông. Cứ trực chỉ theo đường chim bay về hướng đông đấy là Quy Nhơn, nơi con đóng quân một thời ông ạ… Rồi con lấy vợ ở đó. Sau trận giao tranh, mấy thằng tụi con trở về nơi đồn trú, trong khi một số anh em được giao nhiệm vụ thu dọn chiến trường.
Bỗng nhiên, chỉ chừng mười lăm hai mươi phút sau, một loạt đạn pháo cối, chừng là pháo cối 60, trút xuống ngay trước mặt tụi con. Ông biết cối 60 là loại cối cá nhân, hết sức lợi hại của Việt Cộng. Con và Đan trao đổi rất nhanh, nhận định, có lẽ quân Bắc Việt mở đợt tấn công cứ điểm của tụi con. Cuộc tấn công ngày một ác liệt. Con bàn với Đan kêu Spooky lên vùng để yểm trợ tụi con chống lại cuộc tiến công của Việt Cộng. Spooky là loại máy bay AC-47 có trang bị ba khẩu liên thanh nhiều nòng, áp sát đổi phương để uy hiếp. Việt Cộng rất ngán Spooky, vì loại này có thể bay một thời gian rất dài không phải hạ cánh lấy xăng. Đột nhiên Spooky kêu trung tâm cho bắn pháo sáng. Spooky nhận ra những tốp Việt Cộng đang nã pháo cá nhân về phía tụi con. Lập tức Spooky tiến về phía đó, nhả xối xả những tràng liên thanh uy hiếp. Cũng theo hướng đó, Đan gọi tác xạ chặn đứng đợt tấn công của tụi Việt Cộng.
Đột nhiên trên sóng liên lạc với Spooky nghe rõ tiếng người Việt, rặt giọng Bắc Kì kêu “Spooky! Spooky”. A tụi Việt Cộng quái. Họ dò được tần số liên lạc với Spooky để chuyển hướng Spooky nã liên thanh vào tụi con. Nhưng tụi con nghe tiếng cười phá qua bộ đàm từ Spooky “A ha. Các anh bạn trẻ Bắc Kì đang kêu Spooky”. Lập tức Spooky tiến sát phía đó xuất những chưởng dồn dập trên bầu trời của cánh quân Việt Cộng. Đan kêu tác xạ nã những loạt quyết liệt. Hỏa lực từ cứ điểm cũng dồn dập phản công. Con cũng phát lệnh để tốp thám kích phối hợp. Hỏa lực tứ phía trút ào ạt xuống đầu Việt Cộng. Chừng một giờ sau thì cuộc giao tranh chấm dứt.
Trận đánh diễn ra không dài nhưng ác liệt. Trong tốp tui con, vài ba thằng chiến hữu bị chết và một viên sĩ quan bị thương rất nặng.
– Viên sĩ quan mà chú nói là ai và liên quan gì với đội thám kích của chú?
– À thưa ông. Ông ta là trung tá phụ tá cho sư trưởng của con. Ông ta bám đội thám kích để nắm tình hình và nhận lệnh sư trưởng. Cũng có khi được toàn quyền đại diện sư trưởng ra lệnh cho đội thám kích.
– Vậy à?
– Ấy chết… Ủa… Thưa ông…Con… – Anh chàng cựu binh tự dưng thảng thốt như sực nhớ ra điều gì…, cứ phát ra những tiếng nhát gừng như thế.
– Ủa! Chú làm sao thế?
– Ủa! Chu cha… Thưa ông…
Anh chàng cựu binh cứ như mất hồn sau cơn ác mộng. Ông già hỏi lại:
– Tôi hỏi, chú làm sao thế? Chú cần tôi giúp gì không?
– Dạ không. Thưa ông. Con vô tâm quá.
– Chú sao thế? Vô tâm chuyện gì?
– Dạ thưa ông, không sao… Ngớ ngẩn quá…
– Chú làm sao vậy?
– À không có gì. Thưa ông. Nãy giờ con mải ba hoa…
– Không không. Câu chuyện của chú hay lắm
– Nhưng mà phận con cháu… Con ba hoa quá… Chưa hỏi thăm ông!
– À… – Ông già cười xòa. – Tưởng gì! Câu chuyện chú kể hay thật mà. Chú cứ kể tiếp đi. Tôi đang háo hức muốn nghe tiếp câu chuyện của chú. Rồi tôi cũng sẽ kể. Chú đợi đó. Tôi cũng có những chuyện thú vị. Nhưng khoan. Chẳng vội gì. Mình còn nhiều thời gian… – vừa nói ông già vừa giơ tay liếc nhìn đồng hồ.
– !…
– Chú kể tiếp đi chứ. Nhóm chú khi đó có ba người. Các chú cùng bám sát ông sĩ quan phụ tá sư trưởng. Đúng không? Chú. Và ông cố vấn Daniel, mà các chú gọi đùa là chàng Đan Sam. Ông sĩ quan phụ tá sư trưởng bị bắn ngã gục… Bị thương hay chết? Tôi nghe chưa rõ.
– Thưa ông. Ông ấy bị thương rất nặng. Đơn vị đưa ông sĩ quan vào một trạm quân y tiền phương cách đó chừng dăm bẩy ki-lô-mét.
– Rồi sao nữa hả chú.
– Ông ấy bị cắt một cánh tay. Sau khi lành vết thương thì ông ấy được điều chuyển về làm việc ở Bộ chỉ huy của vùng chiến thuật này.
– Chú có nhớ tên ông ấy không?
– Dạ. Tên ông ấy tụi con thường gọi là ông Tú Lãm… Đôi khi gọi là ông Lãm Saint Thomas… Vì ông ấy học ở Trường Saint Thomas Nam Định. Sau khi tốt nghiệp Trường Saint Thomas, ông ấy lên Hà Nội học hết bậc tú tài. Rồi theo dân công giáo di cư vô Nam.
– Tú Lãm? Trường Saint Thomas Nam Định? Ủa? Trường Saint Thomas d’Aquin Nam Định? Ủa? – Ông già trố mắt không giấu vẻ sửng sốt.
– Ông sao vậy?
– À không… Ông ấy gia nhập quân ngũ khi nào? Khi ra mặt trận cùng chú, thì ông ấy đóng đến cấp bậc gì? Hồi nãy chú nói tôi không để ý.
– Dạ. Ông ấy học Trường Võ bị Đà Lạt. Đóng đến cấp trung tá. Đặc phái viên của Sư trưởng nằm tại đại đội thám kích của tụi con, tức là đại đội thám kích của Vùng Chiến thuật này.
– Sau này chú có liên lạc gì với ông Tú Lãm không?
– Thưa ông có…
Và chú cựu binh xe ôm say sưa kể chuyện về những chiến tích của Tú Lãm, nhưng không phải chiến tích trong những cuộc giao tranh với Việt Cộng, mà chiến tích làm ăn lẩn tránh chui lủi sau năm bảy lăm.
***
Đột nhiên chú xe ôm khựng lại, nhấc phin cà phê đặt xuống khay. Ông già đẩy âu đường về phía chú. Chú khoát tay:
– Con uống cà phê không đường… – Rồi sực nhớ ra… Bây giờ con xin nghe ông. Ông chiến đấu ở chiến trường nào ha?
Ông già cười cười
– Biết nói với chú thế nào hè?
– Ông nói sao?
– Chuyện tôi chú nghe khó chịu lắm đó.
– Sao ông nói vậy thưa ông?
– Mà tôi hỏi chú… Chú đủ bình tĩnh nghe chuyện tôi được không?
– Ông nói sao?
– Tôi nói chú nghe đừng nổi điên nhá.
Chú xe ôm đáp lại bằng một nụ cười mỉm dễ thương:
– Con đâu dám! Thưa ông. Con đáng phận con cháu của ông. Mà làm sao con nổi điên với ông được.
– Chú hứa nhá. – Ông già vừa nói vừa chìa tay qua mặt bàn bắt tay chú xe ôm. Chú xe ôm cũng chìa bàn tay rất thân thiện với ông già. – Chú hứa với tôi đi.
– Dạ. Con hứa. – Anh chàng nắm bàn tay ấm áp của ông già, còn nhấc nhấc hai ba lần rất thân thiện.
– Chính tôi có mặt trong những trận giao tranh mấy đêm đó.
– Ủa. Ông là ai? Đơn vị con có mấy người là dân Bắc Kì, dân Bắc Kì di cư, mà sao con không nhận ra hè? – Anh chàng vừa nói vừa khuấy thìa vào ly cà phê, nhìn ông với ánh mắt dò hỏi – Con rành từng người trong số anh em của đội thám kích, nhất là mấy dân Bắc Kì,… – vừa nói chú xe ôm vừa ngửa mặt lên trần nhà như mơ màng suy nghĩ, nhận diện từng gương mặt. Hay là ông mới được điều động từ đâu về cứ điểm của sư trưởng con?
– Không. Tất cả đều không đúng như vậy. Chú đừng cố nhớ lại làm gì. Vô ích.
– Nhưng ông nói lạ kỳ. Trong đội thám kích, con không thể nhớ ra ông là ai… Con đã điểm mặt từng người. Tầm tuổi ông chỉ có ông Tú Lãm phụ tá sư trưởng… – Đột nhiên chú xe ôm tròn xoe mắt… Thôi chết… Ủa… Chu cha…Hứ… Chẳng lẽ.
– Chú làm sao thế?
– Trời! Chẳng lẽ…?
– Chú đang hình dung ra rồi đấy. Thôi nhá… Chiến tranh đã qua mười mấy năm rồi… Mọi chuyện đang lùi về dĩ vãng… Chính tôi nằm trong cái đơn vị thám kích của Việt Cộng mà tốp thám kích của chú chạm trán trong những đêm đầy sao đẹp trời đó.
– Trời! Ông nói sao? – Chú xe ôm lại tròn xoe mắt… Trời!
– Chỉ có điều là chúng tôi không gọi là thám kích, mà gọi là trinh sát. Tôi cũng là một sĩ quan tham mưu của sư trưởng của tôi, giống như Tú Lãm của chú. Tôi cũng bám theo tốp trinh sát để nắm tình hình như một kênh thông tin trực tiếp tới sư trưởng của tôi.
– Ông đi cùng một tốp thám kích Việt Cộng, à trinh sát… Sao mấy đêm đó lại có cả một đơn vị tác chiến bao vây tụi con.
– Đúng. Tốp trinh sát chúng tôi đi làm cái công việc gọi là đi tiền trạm cho một đơn vị chiến đấu. Mấy đêm đó chúng tôi đánh mang tính thăm dò, nếu có thể thì chiếm cái cứ điểm của các chú. Nhưng vì hỏa lực của các chú quá mạnh, lại thêm Spooky uy hiếp, nên cuối cùng, chúng tôi quyết định rút lui để bảo toàn lực lượng.
– Trời. Ông ơi! Trái đất tròn. Đất nước này quá bé nhỏ. Loanh quanh một hồi lại gặp nhau hết…
– Bây giờ chiến tranh qua rồi. Sau này chú có được tin gì về các chiến hữu hồi đó không?
– Dạ. Có giữ được liên lạc. Nhưng một số thôi ông à.
– Chú có giữ được liên lạc với ông Tú Lãm không?
– Ông biết, hồi đó tụi con phải đi tù, à đi học tập cải tạo… kẻ ít cũng một năm, kẻ nhiều thì liên miên ông à.
– Tú Lãm chắc cũng phải đến một trại nào ít năm phải không? Liệu ông ta được về chưa? Vì ông ta thuộc hàng sĩ quan có đẳng cấp trong quân ngũ.
– Hà hà! Không đâu mà ông. Ông Tú Lãm được một ông bạn chủ xưởng mộc, là dân công giáo Bắc Kì di cư, che giấu. Ông chủ xưởng khai báo với chính quyền, ông Tú Lãm là thợ của xưởng mộc, bị tai nạn lao động phải cưa cụt một tay. Bà con công giáo biết ông từng là sĩ quan cũng giữ kín cho ông. Bây giờ không gọi là Tú Lãm nữa, mà gọi là Cả Lăm, vì thi thoảng ông ta nói cà lăm (nói lắp). Vì vậy ông Tú Lãm không trong đám sĩ quan phải đi trại như tụi con.
– Há? Hắn ta nói cà lăm à? Tú Lãm cà lăm… Chết rồi! Lãm cà lăm!
– Ông sao vậy? – Chú xe ôm tròn xoe mắt, dỏng tai nghe ông già lặp đi lặp lại hai tiếng “cà lăm”.
– A…a… Không sao. Rồi sau đó thế nào hả chú?
– Con có về Xuân Lộc thăm ông ta vài lần, nhưng vài năm nay bận làm ăn, ngày càng khó khăn, không có điều kiện về thăm ông ta nữa.
– Trời ơi… Câu chuyện của chú thật li kì… Tôi muốn đi thăm Cả Lăm.
– Ủa. Sao ông muốn thăm ông ta? Bà con há?
– Ờ… ờ… Cũng đại loại như vậy… – Ông già ậm ừ… – Chú có thể giúp tôi được không?
– Giúp ông à? Giúp gì? Giúp thế nào? – Anh chàng hỏi dồn dập.
– Chẳng hạn, chú có thể cho tôi địa chỉ ông Cả Lăm được không?
– Nhưng con biết ông là ai mà con dám cung cấp địa chỉ…– Nói xong anh chàng chột dạ, biết mình lỡ miệng. Đáng ra phải chối phăng không biết địa chỉ là xong.
– Khi nãy chú đoán trúng đấy. Tôi là chỗ bà con với Tú Lãm. Làm sao tôi hại hắn được.
– Ờ… ờ. Con nhận ra là ông rất sửng sốt khi nghe con nói về ông Tú Lãm… Con tin là ông nói thật… Ông đưa sổ con ghi địa chỉ ông Tú Lãm cho ông…Thôi, đến giờ các bác hẹn đón ông rồi. Con cũng phải ra chỗ đầu đường đợi bắt khách làm vài cuốc nữa… – vừa nói chú xe ôm cựu binh vừa đẩy cuốn sổ vừa ghi địa chỉ về phía ông già.
– Ấy ấy… Chú ghi địa chỉ chú cho tôi được không? Qua câu chuyện tôi rất quí chú… Với lại… Thật mà… Biết đâu tôi còn có việc nhờ cậy chú…– vừa nói ông già vừa đặt bàn tay trái lên ngực và vừa chìa tay phải đẩy cuốn sổ địa chỉ về phía chú cựu binh.
***
Ông già bước ra khỏi chiếc xe đò, đi lang thang trên những đoạn đường đầy bụi của thị trấn Xuân Lộc. Ông hỏi thăm về con phố mà anh chàng cựu binh ghi địa chỉ cho ông. Đúng. Nơi này rất nhiều dân Bắc Kì, chắc là dân di cư đúng như chú xe ôm kể lại trong câu chuyện. Cũng rất nhiều xưởng mộc của dân Bắc Kì, đúng như anh chàng cựu binh đã nhắc đến.
Ông đến đúng cái số nhà ghi trong sổ địa chỉ. Nhưng không phải xưởng mộc của ông Phó Sửu Bắc Kì, mà là một tiệm cắt may. Hỏi kĩ thì người trong nhà nói, ở con phố này đã thay số nhà cả mấy lần trong chừng chục năm nay. Đến khi hỏi được đến nơi thì người ở đó cho biết ông Phó Sửu đã chết, vợ chồng người con gái ông ấy nối nghề bố giữ lại xưởng mộc làm ăn được mấy năm… Hỏi về Cả Lăm thì mọi người nhớ lơ mơ… Đúng. Có cái ông già ấy… Mọi người ở phố này vẫn kêu ông ta là Cả Cụt. Vì ông ta cụt mất một tay, nghe nói hình như bị tai nạn lao động ngay tại xưởng này từ hồi trước bẩy lăm.
***
Ông già chán chường tìm một nhà trọ để qua đêm ở ngay một đường phố trung tâm thị trấn. Ngày hôm sau, ông già tiếp tục đi tìm tung tích Cả Lãm ở Xuân Lộc. Suốt ba ngày cơm hàng cháo chợ không tìm ra tung tích. Sáng sớm ngày thứ ba, ông già quyết định trở về Sài Gòn đặt vé bay lên thành phố Tây Nguyên tìm đến nhà anh bạn xe ôm cựu binh đã cùng ông đi một chặng đường thú vị ở miền cao nguyên này.
Ông tìm địa chỉ chú xe ôm không mấy khó khăn. Nhưng đến nhà chỉ gặp chị vợ cùng ba đứa con của chú. Hỏi chuyện dăm ba câu, chị vợ anh xe ôm nhận ra ông ngay, vì cô đã nghe chồng say sưa kể đi kể lại mấy lần câu chuyện ngẫu nhiên gặp ông sĩ quan Việt Cộng từng đọ súng trong mấy cái đêm đầy sao giữa rừng núi cao nguyên Trung phần.
Đột nhiên, trong lúc đang giữa câu chuyện, ông già ngước nhìn ban thờ của gia đình, thấy một bức hình chân dung… ai trông giống Tú Lãm… Ông già bán tín bán nghi hỏi chị vợ của chú cựu binh:
– Hình ai trên ban thờ đây cô?
Cô chủ ngây người một lúc.
Ngước mắt lên trần nhà.
Ông già hấp tấp:
– Tôi … tôi hỏi mà. Hình ai đây cô?
– Dạ. Thưa ông. Ông nội các cháu đấy ạ.
– Tên ông nội là gì?
– Dạ thưa… thưa… ở nhà vẫn gọi là ông Lãm ạ.
– Trời! Tú Lãm phải không?
Nói xong, ông già choáng người ngả vật trên đi-văng. Tay ôm ngực… Rồi ông nhỏm dậy. Ngơ ngác. Cả mấy mẹ con đều không hiểu chuyện gì.
Vừa lúc đó, chú cựu binh xe ôm mở cửa bước vào.
– Ủa. Ông! Sao ông vẫn còn ở đây? Bao giờ ông về Sài Gòn? Bao giờ ông đi Xuân Lộc?
– Anh nói dối tôi. Tôi đã đi Xuân Lộc. Đến đó thấy đã thay đổi hết. Phó Sửu đã chết. Không còn ai nhớ xưởng mộc của Phó Sửu… Cũng không còn ai biết Cả Lăm đi đâu nữa!
– Trời ơi. Con nghĩ là ông chỉ hỏi chơi chơi thế thôi. Sức mấy mà ông đến đó.
– Sao anh không nói với tôi, anh là con của Tú Lãm?
– Ủa… Ủa… Ông ơi… Ông ơi… – Chú xe ôm lắp bắp…lúng túng… Thân phận của chúng con! Chắc ông hiểu! – Anh chàng cựu binh ngó ông già, rồi ngó nhìn vợ chăm chăm… đoán chừng vợ vừa tiết lộ cái sự kiện nghiêm trọng tầy đình này.
– Thôi. Anh đến ngồi cạnh tôi. Tôi có chuyện muốn nói với anh. – Ông già dịu giọng.
Chàng xe ôm cựu binh trố mắt nhìn vẻ mặt khác thường của ông già. Anh đến ngồi phía bên phải ông già thận trọng.
Đột nhiên, ông già quàng tay ôm siết anh chàng cựu binh xe ôm. – Mấy đứa cháu đang ngồi ở mấy góc bàn học quay lại, trố mắt nhìn ông khách. Hai hàng nước mắt lăn trên má ông già:
– Cả nhà nghe đây.
Chú xe ôm thảng thốt.
– Anh gọi vợ anh và các cháu đến ngồi sát đây với tôi. – Ông vừa nói vừa đập tay xuống mặt đệm đi-văng phía trái, nơi còn trống chưa có ai ngồi.
Chàng cựu binh xe ôm càng ngạc nhiên trước thái độ kì cục của ông già:
– Tôi hỏi, có đúng tên gọi ở nhà hồi nhỏ của anh là “Thằng cu Tũn” phải không? Đúng phải thế không?
– Ủa! Trời! Ai nói ông biết? – Chàng xe ôm trố tròn hai con mắt sửng sốt.
– Hai vợ chồng thằng cu Tũn cùng các cháu nghe đây.
Cả nhà im lặng. Cả rặng cây ngoài hiên nhà như lắng lại. Ông già chậm rãi:
– Ta mới là cha ruột của thằng cu Tũn.
– Ủa! Trời đất ?! – Cả hai vợ chồng đồng thanh thốt kêu kinh ngạc…
Rồi ông già tiếp tục, giọng trầm hẳn xuống:
Tao với Tú Lãm là anh em ruột. Thằng Lãm kém tao một tuổi. Anh em tao cũng là bạn đồng môn, cùng học một lớp ở Trường Saint Thomas d’Aquin Nam Định. Nhưng rồi tao đi bộ đội vào vệ quốc đoàn. Thằng Lãm lên Hà Nội học hết bậc tú tài. Bố tao, tức ông nội chúng mày theo bà con công giáo di cư vào Nam. Thằng Lãm cũng theo ông nội đi Nam. Ông nội cõng theo thằng cháu đích tôn chưa đầy năm tuổi, là thằng cu Tũn. Vợ tao, tức là mẹ chúng mày bị bom chết ở bến Đò Quan. Tao buồn bã từ bấy đến giờ, không thể nào nguôi. Anh thành con của chú Lãm là vì thế. Mọi người phải dấu biệt tung tích thằng cu Tũn là con một sĩ quan Việt Cộng. Còn tôi cũng phải dấu biệt tung tích có gia đình bố mẹ con cái theo giặc di cư vào Nam…
Trút ra những tâm sự chất chứa đã bấy nhiêu năm, ông già rút khăn lau những giọt mồ hôi lấm tấm… Rồi ông đột nhiên ôm ngực, ho khục khục… giống như cái hôm gặp ông lần trước ở quán cà phê… Rồi ông từ từ ngoẹo cổ đổ người trên đi-văng, đầu dựa vào cánh tay thằng cu Tũn con trai của ông.
Thoáng qua trước mắt mơ màng … Ông và Tú Lãm, thằng em, cũng là thằng bạn đồng học thân thiết của ông từ thời Trường Saint Thomas d’Aquin Nam Định. Mới hồi nào hai anh em ngày ngày xách cặp dắt tay nhau đi qua những con phố rực đỏ phượng vĩ đến trường …
Cả hai anh em ông, trên mọi nẻo đường chiến tranh hai bên bờ chiến tuyến, vẫn canh cánh bên lòng, … những cái ngày đầu tiên năm thứ nhất trung học ở Trường Saint Thomas d’Aquin, cô giáo Jeanette cho học thuộc lòng bài La Rentré (Ngày khai trường), cô lấy từ tuyệt phẩm thời thơ ấu của ông “Le Livre de mon ami”, “Cuốn sách của bạn tôi”, của văn hào Anatole France… Je vais vous dire ce que me rappellent, tous   les ans, le ciel agité de l’automne … Ta sẽ kể cho bạn điều mà ta nhớ lại, hằng năm, dưới bầu trời chập trùng của mùa thu, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ngọn đèn và những cánh lá vàng trên cành cây lay động,… Ta như nhìn thấy chú bé tung tăng đi ngang vườn Lục-xâm-bảo… những cánh lá cuối thu còn rơi lả tả trên vai các pho tượng trầm tư…
***
Nửa thế kỷ đã lặng lẽ lui vào dĩ vãng.
Ông lặng lẽ từ biệt thế giới này trong niềm vui hạnh ngộ, miệng ông vẫn giữ nguyên một nụ cười mãn nguyện.
Ông bị nhồi máu cơ tim và ra đi sau cuộc hạnh ngộ bên cạnh vợ chồng thằng cu Tũn và các cháu nội của ông. Bấy giờ là năm chin mốt. Ông bảy mươi mốt tuổi.
Anh cu Tũn khoát tay ra hiệu cho vợ và các con đứng lùi cách xa đi-văng. Anh khẽ khàng đỡ đầu ông già đặt xuống đệm. Rồi anh áp tai vào ngực ông. Tim ông đã ngừng đập hoàn toàn. Anh quỳ xuống nền nhà, phủ phục bên thi hài người cha phía bên kia chiến tuyến, cung kính vuốt mắt ông.
Ông thanh thản yên nghỉ.
Hình như không còn điều gì làm ông vướng bận.
Cũng chẳng còn chuyện gì hối thúc ông cần dặn dò con cháu.
Giờ đây anh em ông chắc cũng đang được thỏa lòng trong niềm hạnh phúc hội ngộ ở thế giới bên kia…
Nơi ấy tĩnh lặng vĩnh hằng.

Xuân Lộc, 2001

Phạm Hoài Vũ

7 BÌNH LUẬN

  1. Tác gỉả có lẻ là người bắc, trẻ tuổi, không biết nhiều về hệ thống chỉ huy trong quân lực miền nam. Nhiều chi tiết hư cấu, nó làm hư cái cốt truyện đi.
    Này nhé: Người chỉ huy một sư đoàn bộ binh của QLVNCH thì được gọi là Tư lệnh sư đoàn, riêng không quân thì gọi là Sư đoàn trưởng.
    Cấp bậc chỉ huy cao nhất cho một đơn vị Thám sát, hay còn gọi là Trinh sát, dù là trinh sát tỉnh hay trinh sát Sư đoàn là Đại úy, chẳng có ông nào Trung Tá mà lại đi chỉ huy đại đội trinh sát cả.
    _Trong nam gọi là máy truyền tin PRC 25, hay gọi tắt là PRC 25. Chẳng ai gọi là máy bộ đàm. Và cũng chẳng có ông Đại uý Đại đội trưởng Trinh sát nào có quyền nói chuyện vô tuyến trực tiếp với Tư lệnh sư đoàn cả !

  2. Tác giả có lẽ là người bắc di cư vào Xuan Lộc sau 1975. Nội dung có những chi tiết không hợp lý. Từ ngữ dùng trong việc đối thoại cho biết tác giả chỉ đào sâu vào cốt truyện mà quên bẳng đi chính những sơ sót nhỏ nhặt trong lời nói của hai nhân vật đã khiến người đọc miên cưỡng với phần còn lại của truyện ngắn này.

    • Đúng vậy.
      Truyện là phải hư cấu, dù có dựa trên sự thật 100%, nhưng những chi tiết phải liên kết hợp lý như những mắc xích, nếu không sợi xích sẽ tuột.

Leave a Reply to thienly Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên