Năm 2018, người ta yêu nhau như thế nào?

0

Ngày nay, nếu có người chịu mất thì giờ tìm «Thơ định nghĩa Tình yêu» chắc chắn sẽ có không dưới cả ngàn bài. Đủ thể loại . Nhưng ai cũng đều phải thừa nhận bài thơ định nghĩa Tình yêu của Xuân Diệu vẫn giử nguyên giá trị vượt thời gian . Đọc lên, người đọc, nhứt là lớp lão thành, sẽ khó tránh cái cảm xúc lâng lâng, man mác, như đang sống lại cái thuở đang yêu . Đang âm thầm yêu một bóng dáng nào đó :

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.

…Rồi một ngày mai tôi sẽ đi.
Vì sao, ai nỡ bỏ làm chi!
Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá
Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì.

(Vì sao – Xuân Diệu)

Năm 2018, người ta vẫn yêu, nhưng chắc không «khờ khạo», cũng không «ngu ngơ», lại càng không «Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì» như lớp tiền bối của hơn 70 năm về trước . Mà họ yêu nhau như thế nào ?

Một đàn ông, một đàn bà, một cặp vợ chồng và sự thủy chung

Trước đây, người ta nghĩ khi một nam, một nữ hay cả hai cùng nam, cùng nữ hợp nhau lại, đó là vợ chồng hay một cặp (un couple – la-tinh là copula, nghĩa là quan hệ, liên hệ) . Họ có thể sống chung với nhau dài hạn, suốt đời hay ngắn hạn, chỉ một đêm thôi . Nhưng đến nay, năm 2018, tình yêu bắt đầu thay đổi sâu sắc . Họ có nhiều cách yêu nhau, sống chung với nhau mà mới hôm qua, chưa ai nghĩ tới . Như «vợ chồng với chính mình», «cặp lưởng phân», «cùng yêu nhiều người», …

Khó nói sự thay đổi trong yêu đương hay trong việc kết hợp sống chung hiện nay là tốt hay xấu, tiến bộ hay thoái trào. Thực tế xã hội pháp, cũng như xã hội của nhiều nước khác, không khác nhau hơn từ nhiều năm nay: hôn nhơn tan vỡ vẫn chiếm một tỷ lệ cao, trong lúc đó, sự kết hôn ngày càng ít đi .

Ở Pháp, từ năm 1980 tới năm 2016, mỗi năm số nam/nữ kết hôn kém đi 100 000 đám . Ly dị xảy ra hàng loạt: 9% vụ kết hôn trong năm 2000 gãy đổ trước năm thứ 5 sau đám cưới. Phải chăng vì vậy mà người ta bảo là ngày nay không còn hôn nhơn hay vợ chồng nữa bởi trong thực tế, hai người đang sống chung với nhau, khi cảm thấy « kẻ kia » không đem lại hạnh phúc cho mình như mong đợi thì lập tức, chia tay nhau.

Theo kết quả điều tra (Ifop, 2017), có 1/3 phụ nữ và ½ đàn ông không thể giữ thủy chung với nhau được .
Vậy làm thế nào giữ đời sống lứa đôi hay yêu nhau bền bỉ ? Từ đây, một hình thức yêu nhau kiểu mới xuất hiện công khai ở Paris vào tháng 10/2017, dưới tên tạm gọi là « vợ chồng hay yêu nhau với chính mình » (sologamie) . Nhân vật chánh trong đám cưới với chính mình hôm ấy là một phụ nữ, với trang phục lộng lẫy như trong đám cưới của cặp trai gái, với đầy đủ nữ trang, hoa cưới .

Theo các bà trong cuộc, tự cưới thật sự là một cách để nâng cao tinh thần của kẻ mà tình trạng sống độc thân đang đè nặng. Paris đang sôi nổi về hình thức tự cưới này nhưng vẫn chưa phải là nơi đầu tiên .

Tháng 12/1993, một phụ nữ người Mỹ, bà Linda Baker, mới là người đầu tiên làm đám cưới với chính mình .
Hình thức tự cưới hay mình yêu chính mình cho tới nay được khá nhiều phụ nữ chọn vì theo các bà thì đây chính là bước đầu dẩn tới đời sống không còn mặc cảm đè nặng, mà thật sự hạnh phúc . Bởi còn gì bằng khi mình làm tình với chính người mình yêu! Và yêu hết mình hơn bất kỳ ai khác .

Đã có đám tự cưới thì lập tức xuất hiện những cửa hàng chuyên lo tổ chức đám cưới, cũng với bánh cưới, âm nhạc, chứng từ hôn nhơn (cho đủ bộ), nhẫn cưới, …Tất cả để nhắc nhở đương sự quả thật mình đúng là một nhơn vật phi thường !

Nhựt bổn có tiếng là xứ nơi trai gái đầy rẫy « ế vợ, ế chồng » chắc chắn sẽ có nhiều cô cậu vui mùng lao mình theo con đường ái ân mới này . Nghe nói giá một đám cưới như vậy, ở Kyoto, không dưới 3000€ .

Cuộc bạo loạn tháng 5/68 do sinh viên khởi động ở Paris, rồi lan ra khắp nước Pháp, với sự nhập cuộc của thợ thuyền, kéo dài cả tháng, đã phá nát cái trật tự xã hội củ của Pháp . Ảnh hưởng biến loạn này, không ít người Pháp ngày nay chạy theo tôn thờ tự do cá nhơn, cả trong đời sống vợ chồng hay lứa đôi .

Theo quan niệm này, sự tự túc là yếu tố giữ quân bình cho đời sống hai người. Vợ chồng hay cặp đôi kết hợp theo quan niệm này được gọi là «vợ chồng hay cặp lưỡng phân» (un couple fissionnel – Serge Chaumier, sociologue), đối lập lại sự kết hợp theo truyền thống thừa hưởng từ thế kỷ XIX .

Trong đời sống của cặp lưỡng phân, hai người vừa sống chung, mà cũng vừa hoàn toàn tự do tìm cho mình sự độc lập theo nhu cầu sinh lý riêng . Tuy nhiên không vì thế mà họ từ khước tình yêu nhau . Nếu nói đó là ngoại tình thì sự ngoại tình trong trường hợp này của hai người trở thành hiển nhiên . Một cách gọi khác, đó là «tình yêu mở»(amour open) vì nó không phụ thuộc vào một giới hạn thường tình nào cả .

Sự thủy chung với nhau được tính ở thời gian, ở sự bền vững, chớ không căn cứ trên cơ sở người này là sở hữu riêng của người kia. Điều quan trọng là ở cặp lưỡng phân hoàn toàn không có sự thay thế người này bằng một người khác, mà chỉ có nhu cầu bổ sung cho nhau. Nên nhờ đó mà không có đổ vỡ hay xa nhau. Cách kết đôi này hiện nay hãy còn ít nhưng đang trên đà phát tiển nhanh chóng. Có những cặp có con với nhau, cùng nuôi con đàng hoàng nhưng vẫn giữ sự độc lập để quan hệ bạn tình của mình.

silhouette of romantic lovers with eiffel tower in Paris with sunset

Khi nói tình yêu lưỡng phân, không thể không đề cặp tới một thứ yêu đương hay sống chung khác nhưng rất tương cận . Đó là « tình với nhiều người » (polyamour) . Không phải đa tình . Hình thức liên hệ công khai này hiện nay rất phổ biến trong lớp tuổi ba mươi . Gọi « polyamour » do chữ « polyamory » và do một phụ nữ người Mỹ ở California,bà Diana Moore, lập ra vào thập niên 90 . Chủ thuyết rất đơn giản : để tìm hạnh phúc tuyệt vời của ái ân khi nhận thấy đời sống lứa đôi theo xưa, một vợ một chồng, không đem lại cho hai người sự thỏa mãn . Họ tìm những quan hệ mới, mà không bị ràng buộc, và mọi người đều biết cách sống của họ như vậy. Trước đây, ở Paris, có lẽ cặp Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir có thể là trường hợp điển hình .

Một bà 27 tuổi đang thật sự sống «tình với nhiều người», cảm thấy rất hạnh phúc nên đã reo lên « Ôi cách sống này đã làm cho tôi nhiều lúc phát điên lên được!». Bà đã kết hôn, giữ một vợ một chồng được vài năm nhưng bà không chịu nổi . Bà bắt đầu cảm thấy tâm thần bấn loạn, cảm thấy như hình ảnh của bà bị phai nhạt . Một tâm trạng bất bình thường . Thế là bà tìm đường tự giải thoát mình . Bà quan tâm nghe kể chuyện về những kinh nghiệm quan hệ với nhiều người, mỗi trường hợp là một niềm sung sướng khác nhau . « Polyamour » hoàn toàn khác với những cặp ngoại tình vì nó xây dựng trên sự trong sáng, công khai, kính trọng những người bạn tình khác nhau nên không có tranh chấp hay xung đột vì ghen tương .

Ở Paris, nơi tìm bạn tình để sống «tình với nhiều người» là «Café Poly» mở cửa năm 2008. Lúc đầu, khách hàng chỉ có mươi người tới để chia sẻ nhau những kinh nghiệm ái ân. Chỉ ít lâu sau, số người lui tới đây đã vọt lên hàng trăm. Họ gồm trí thức, da trắng, có kẻ ăn thuần chay (Végan). Chắc chắn Cafe Poly sẽ bị tràn ngập trong những ngày tới vì mạng internet .

Và internet cũng giúp mở ra nhiều cánh cửa dẫn đến sự thỏa mãn tình yêu. Người ta dùng một phương pháp toán học như chiếc đũa thần (algomatching) để tìm bạn tình .

Người ta khai triển những phép toán dựa trên những dữ kiện cá nhân, kết quả cho ra một danh sách nhiều người để chọn làm bạn tình cho một đêm hay dài hạn . Phép toán này biến những người muốn tìm tình yêu trở thành người tìm được tình yêu như ý muốn . Và tuyệt vời là nhờ nó mà những trái tim kết hợp với nhau .

Tuy nhiên cách tìm bạn tình theo phương pháp toán học, có đơn giản, nhưng không phải là thứ dành cho mọi người . Vả lại, gặp nhau, ưng ý nhau vẫn không phải là chuyện cố định để có thể xếp thành phương trình toán học . Nó còn là duyên với nhau .

Thử nghĩ trước hiện tượng xã hội mới này, tình yêu theo xưa trước đây sẽ biến mất chăng? Gia đình sẽ không còn cần thiết như nền tảng xã hội nữa? Nhưng nếu suy nghĩ của con người cũng nhanh chóng thay đổi theo đà diễn biến xã hội thì mọi thay đổi sẽ trở thành bình thường. Như những điều hiện nay chúng ta cho là bình thường và đang giử nó như những giá trị qui chiếu.

Nguyễn thị Cỏ May

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên