Một vùng biển Campuchia có thể thành căn cứ Hải quân Trung Quốc

0
Khu nghỉ dưỡng có thể biến thành căn cứ quân sự của TQ. Ảnh Bloomberg

Các giới chức quân sự Hoa Kỳ e ngại khu nghỉ mát Dara Sakor nằm gần cảng Sihanoukville của Campuchia có thể trở thành một căn cứ Hải quân của Trung Quốc.
Khu resort có những bãi biển đẹp và sạch, chiếm 20% chiều dài bờ biển của Campuchia, rộng bằng nửa Singapore, đang có dự án đầu tư 3,8 tỉ đô la của Trung Quốc.
Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen đã cho Trung Quốc thuê khu này trong 99 năm và dự án sẽ được xây dựng qua nhiều giai đoạn, từ từ sẽ có phi trường quốc tế, cảng nước sâu, khu công nghiệp, khách sạn 5 sao, nhà máy điện, nhà máy lọc nước và cơ sở y tế.

Tầm vóc của dự án Dara Sakor khiến các giới chức quân sự Hoa Kỳ e ngại nó sẽ nằm trong một kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc, muốn biến nơi này thành một căn cứ Hải quân, nới rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á, tăng thêm sức mạnh quân sự yểm trợ cho cuộc tranh chấp ở Biển Đông hiện nay, kiểm soát thủy lộ quan trọng cho thương mại thế giới. Hiện tại, Campuchia đang có căn cứ Hải quân Ream ngay tại cảng Sihanoukville.

Một cổng ra vào khu Dara Sakor đang xây dựng
Photographer: Brent Lewin/Bloomberg

Hoa Kỳ nghi ngờ dự án Dara Sakor sẽ nằm trong kế hoạch Vành Đai Con Đường của Chủ tịch Tập Cận Bình, trước tiên là xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược tại những điểm quan trọng ở Sri Lanka, Pakistan and Myanmar, dọn đường cho những căn cứ quân sự lớn ở hải ngoại. Hiện thời, Trung Quốc mới chỉ thực hiện được tại Djibouti.
Đầu tư của Trung Quốc đang chiếm hai phần ba đầu tư nước ngoài cho Campuchia, khiến Hun Sen trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của Tập Cận Bình tại Đông Nam Á.
Charles Edel, giáo sư người Mỹ đang dạy tại trường đại học Sydney nói nếu Trung Quốc có một căn cứ Hải quận tại Campuchia thì họ sẽ có thêm thuận lợi để hoạt động trong vùng biển Đông Nam Á.

Thủ tướng Hun Sen gọi các tin tức nói rằng Trung Quốc sẽ biến Dara Sakor thành căn cứ Hải quân là những “tin giả và bóp méo sự thực”, ông cam đoan sẽ không để cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, ông cũng chống lại bất cứ “cuộc xung đột nào có thể đẩy Campuchia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm”.
Lời trấn an này không làm Hoa Kỳ yên tâm. Hồi tháng 6, Bộ Quốc Phòng Mỹ gửi một thư cho Bộ trưởng Quốc Phòng Tea Banh của Campuchia, thắc mắc tại sao Campuchia lại bác bỏ một khoản viện trợ của Mỹ để Campuchia sửa chữa trong căn cứ Hải quân Ream, sau khi chính Campuchia đã yêu cầu món viện trợ đó hồi tháng 1. Lá thư còn cho rằng sự từ chối này làm nhiều người nghi Campuchia muốn để cho Trung Quốc sử dụng căn cứ.

Sau đó, trả lời Đài Á Châu Tự do, Bộ trưởng Tea Banh nói rằng Campuchia chẳng có gì giấu giếm cả. Lý do không cần khoản tiền của Mỹ nữa là vì nhưng cơ sở trong căn cứ Hải quân dự định sửa chữa đã được di chuyển đi nơi khác. Ông không nói nơi nào.

Phay Siphan, người phát ngôn chính của chính phủ Hun Sen, còn cho rằng mối lo của Hoa Kỳ với dự án Dara Sakor chẳng khác nào chuyện Hoa Kỳ lo Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông khẳng định, Dara Sakor được sử dụng cho muc tiêu dân sự, chẳng có căn cứ quân sự gì cả, nó có thể được chuyển mục tiêu, giống như chúng ta chuyển bất cứ thứ gì.

Tập đoàn Thiên Tân của Trung Quốc đang triển khai dự án có diện tích 360 km vuông này. Trang mạng của tập đoàn cho biết sau khi hoàn tất, sẽ có một sân bay có thể tiếp đón phân nửa số du khách đến Campuchia, có các bến đậu cho những tàu du lịch cỡ lớn, có đường sắt cao tốc đến Phnom Penh và Siem Reap, nơi có đền đài Angkor nổi tiếng.

Năm ngoái, du khách Trung Quốc chiếm một phần ba tổng số 6,2 triệu du khách của Campuchia, đóng góp khoảng 13 phần trăm GDP cả nước.

Đàn Chim Việt tổng hợp theo tin từ Bloomberg

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên