Luật sư Đoàn Thanh Liêm: cả đời cho xã hội, cho nhân quyền

6
Luật sư Đoàn Thanh Liêm (1934 - 2018)

 

Quan tâm về nhân quyền Việt Nam nên đầu năm 1990 tôi biết đến tên của luật sư Đoàn Thanh Liêm, khi ông bị nhà nước cộng sản Việt Nam bắt giam cùng nhiều người khác. Nguyên do, theo báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế là vì ông bày tỏ quan điểm chính trị qua một tài liệu được chuyền tay cho một số người thân quen để tham khảo.

Tài liệu vắn tắt có tên là “Năm điểm thỏa thuận căn bản” do ông soạn, trong đó kêu gọi tự do tín ngưỡng; xây dựng xã hội trên nền tảng đa chủng, đa văn hóa; với hệ thống chính trị và pháp luật được xây dựng theo những nguyên tắc của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Điều 4 của bản thỏa thuận ghi: “Vai trò chính yếu của Nhà nước là làm trọng tài nhằm bảo vệ công bằng xã hội và trật tự công cộng. Do đó Nhà nước không thể vừa làm trọng tài vừa làm một bên đương sự (vừa cầm còi vừa đá bóng). Riêng trong lãnh vực kinh tế, hệ thống quốc doanh phải được giảm đến mức tối thiểu.”

Vào thời điểm đó, khi các chính quyền cộng sản ở các nước Đông Âu trên đà sụp đổ, tại Việt Nam cũng đã có những kêu gọi mà Bản Thoả thuận do luật sư Liêm soạn là một trong những tiếng nói để đem lại tự do, nhân quyền cho đất nước.

Tuy nhiên, nhiều người nêu quan điểm chính trị của mình đều đã bị thanh trừng, bắt giam, xử tù hay bị quản chế.

Đầu thập niên 1990, ngoài luật sư Đoàn Thanh Liêm bị bắt còn có ông Trần Xuân Bách bị loại khỏi Bộ Chính trị, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan; các thành viên Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến với Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Trung Hiếu là những người bất đồng chính kiến đã bị bắt giam hay quản chế.

Luật sư Liêm bị bắt ở Đà Nẵng khi đang đi cùng với Mike Morrow, một doanh gia người Mỹ đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng một khách sạn. Trong giao thương này, luật sư Liêm làm tham vấn cho phía Việt Nam vì ông là cố vấn cho công ty du lịch Quảng Nam Đà Nẵng. Cùng bị bắt còn có chuyên gia kinh tế Đỗ Ngọc Long là một người bạn, trước năm 1975 hai người đã cùng với Dick Hughes khởi xướng và điều hành những chương trình giúp đỡ trẻ em mồ côi đi đánh giầy kiếm sống, lo cho các em có nơi ăn chốn ở.

Trước viễn cảnh chủ nghĩa cộng sản tan rã ở Đông Âu và với sự kiện sinh viên Trung Quốc biểu tình ở Thiên An Môn đưa tới tàn sát đẫm máu, nhà nước cộng sản Việt Nam, vừa mở cửa kinh tế được vài năm, lo ngại có một Đông Âu hay Thiên An Môn trên đất nước mình nên an ninh đã được xiết lại, các mầm mống tư tưởng dân chủ đều bị dập tắt ngay và những ai có nhiều tiếp xúc, quan hệ với người Mỹ bị trấn áp.

Tháng 5/1992 luật sư Liêm bị đem ra tòa ở Tp Hồ Chí Minh, chủ tọa là chánh án Lê Thúc Anh, xử vội vã trong vòng hai tiếng đồng hồ rồi kết án ông 12 năm tù với tội “tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội”.

Chính giới Mỹ rất quan tâm đến trường hợp của luật sư Liêm nên nhiều người đã lên tiếng, từ Đệ Nhất Phu nhân Hillary Clinton đến các Thượng Nghị sĩ John Kerry, John McCain.

Ngay cả những trí thức, văn nghệ sĩ trước đây có khuynh hướng thiên tả, bênh Hà Nội cũng đã cùng ký tên vào một thỉnh nguyện thư gửi lãnh đạo Hà Nội yêu cầu trả tự do cho luật sư Liêm, trong đó có chữ ký của nữ diễn viên Jane Fonda, giáo sư Noam Chomsky, nam diễn viên Ed Asner, đạo diễn Oliver Stone.

Vận động tích cực nhất cho sự tự do của tù nhân lương tâm Đoàn Thanh Liêm là ông Dick Hughes, người bạn đồng hành của luật sư trong các chương trình từ thiện xã hội giúp trẻ mồ côi và người nghèo ở miền nam Việt Nam trước đây.

Trước sự lên tiếng của nhiều người và với áp lực từ các chính phủ, đặc biệt là chính giới Mỹ, đầu tháng 2/1996 Hà Nội đã đưa ông từ nhà tù ở Hàm Tân ra thẳng phi trường Tân Sơn Nhất và trục xuất ông cùng gia đình qua Hoa Kỳ.

Đầu năm 1997 tôi có dịp gặp và thực hiện một cuộc phỏng vấn với luật sư Đoàn Thanh Liêm để biết thêm về đời sống lao tù ở Việt Nam, về các tù nhân lương tâm, những vi phạm nhân quyền của cộng sản Việt Nam và tình hình chính trị ở quê nhà.

Khi đó tôi biết thêm về những hoạt động xã hội, phát triển khu dân nghèo mà ông đã thực hiện, như chương trình phát triển Quận 8 Sài Gòn.

Qua nói chuyện với luật sư Liêm tôi biết có một liên hệ rất gần gũi, là con đường trước của nhà tôi, qua một dự án cộng đồng được đổ bê-tông vào khoảng năm 1970 là cũng có sự vận động của ông để có ngân khoản, cùng với đóng góp một phần tài chánh và công sức của cư dân. Con đường Đại Nghĩa ở ấp Lộc Hoà, xã Tân Sơn Hoà, quận Tân Bình đã trở nên một con đường tốt, bền bỉ và còn tồn tại nhiều chục năm sau đó.

Từ ngày đến Hoa Kỳ, luật sư Liêm tích cực tham gia vào Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và tiếp tục sinh hoạt với tổ chức Ân xá Quốc tế để vận động cho tù nhân lương tâm được tự do, cùng giúp cho những tổ chức nhân quyền quốc tế nắm bắt được tình hình nhân quyền tại Việt Nam một cách chính xác..

Ông cũng đã có nhiều bài viết khuyến khích giới trẻ Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, dấn thân vào các hoạt động xã hội để đem lại thay đổi cho môi trường đang sống tại địa phương, cũng như đóng góp cho phát triển của quốc gia.

Luật sư Đoàn Thanh Liêm vừa qua đời hôm 9/6/2018 tại thành phố Costa Mesa, California.

Sinh năm 1934 tại làng Cát Xuyên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, ông đã được hấp thụ giáo dục qua các trường Hồ Ngọc CẩnTrung Linh, Chu Văn AnHà Nội và tốt nghiệp Đại học Luật khoa Sài Gòn năm 1958.

Ông chuyên ngành luật hiến pháp và đã có thời gian tu nghiệp, thực tập tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Thời Đệ Nhất Cộng hoà, ông làm việc với tính cách chuyên viên, giúp soạn thảo các văn kiện luật pháp cho quốc hội. Ông nhập ngũ năm 1962 sau đó được biệt phái về làm việc tại Nha Pháp chế Tố tụng của Bộ Quốc phòng.

Ông cũng là luật sư của tòa Sài Gòn và có nhiều hoạt động cố vấn pháp luật, biện hộ miễn phí cho dân nghèo.

Sau tháng 4/1975 ông ở lại và có tham gia với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Luật pháp.

Nhìn lại thời gian này, trong phỏng vấn đầu năm 1997, luật sư Liêm cho biết: “Đầu năm 1976 tôi là một trong những người tham gia để góp ý vào bản dự thảo hiến pháp mới cho nước Việt Nam thống nhất cùng với một số các luật sư, luật gia khác ở miền Nam. Tôi đã cố gắng đưa ra những quan điểm tiến bộ nhất trong dự thảo đó ngay từ 1976, đưa qua ông Trương Như Tảng [Bộ trưởng tư pháp thời bấy giờ, sau này cũng đã vượt biển]. Nhưng đến năm 1980, khi Nhà nước đưa ra dự thảo để tham khảo thì tôi thấy không có một nét nào trong những đề xuất của chúng tôi từ năm 1976. Tôi thấy thế là thất vọng.”

Luật sư Đoàn Thanh Liêm là người Thiên Chúa giáo, với tên thánh Gioan Baotixita. Nguyện xin cho linh hồn người quá cố được lên Thiên Đàng. Xin chia buồn cùng tang quyến.

© 2018 Buivanphu

 

6 BÌNH LUẬN

  1. Hình như chính ông Ls Đoàn Thanh Liên đã về VN tham gia “Lễ đón mừng Việt Kiều Yêu nước xuân 2010” được chính phủ cộng sản đón rước long trọng trong đó có đoàn xe công an cộng sản hú còi dẹp đường về khách sạn.
    Chuyện này bị bà con hải ngọai phê phá, nhưng ông Liêm tự nhận mình là “Việt Kiều Còi hụ”.
    Vậy ông Bùi Văn Phú ngĩ sao về chuyện này?

    • Bạn nhầm lẫn rồi, người ‘còi hụ’ mà bạn nhắc tới là ông Nguyễn Hưu Liêm (mới chừng ngoài 50 tuổi)

      • Nhan vat NHLiem cu ngu tai tp SJose, chi dang tuoi con cai cua ls DTL,cam on ban NThu da chia xe dung dan.Truoc khi nhan dinh mot nhan vat nao? Xin tim hieu tuong tan, neu ko hoa ra minh thong tin tho ta bay dan chang?

    • “Chạm trán với kẻ vô liêm sỉ” – Tiến Sĩ Trần An Bài : Nguyễn Hữu Liêm là ai? Là người đang hành nghề luật sư ở Cali, đang dạy Triết học ở San Jose City College. Trước đây, ông này đã có nhiều hoạt động toa rập với Vũ Đức Vượng ở San Francisco để đón rước các nhà lãnh đạo CSVN đến HK. Nhưng mới đây nhất, tháng 11-2009, ông đã có mặt trong Đại Hội Việt Kiều về Hà nội họp để được Nguyễn Minh Triết ôm ấp, hôn hít. Khi trở về Hoa Kỳ, ông đã phổ biến trên internet bài viết ca tụng Cộng Sản với những lời lẽ rất ư là trơ trẽn:

      “Từ ấu thơ đến bây giờ, tôi từng hát Quốc ca của miền Nam, trước năm 1963 thì cùng với bài hát buồn cười “Suy tôn Ngô Tổng thống.” Ba mươi bốn năm qua là Quốc ca Hoa Kỳ xa lạ, Star Spangled Banner. Nay thì tôi lại nghe và chào Quốc ca Việt Nam và lá cờ đỏ sao vàng. Con người là con vật của biểu tượng. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Tôi cảm nhận được một dòng điện chạy từ đáy lưng theo xương sống lên trên cổ trên đầu như là khoảnh khắc thức dậy và chuyển mình của năng lực Kundalini. Tôi nhìn lên phía trước, khi vừa hết bài Quốc ca, mấy chục cô và bà đại biểu từ Pháp đang chạy ùa lên sân khấu, vỗ tay đồng ca bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ, và ngạc nhiên khi thấy hầu hết kể cả những người mà tôi không ngờ đang vỗ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh! Cả hội trường, và tôi, cùng hân hoan trong tất cả (vẫn là) cái hồn nhiên mà dân tộc ta đã bước vào từ hồi thế kỷ trước.”

      Ngày 6-3-2010, ông và các đồng chí trong cái được gọi là “Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Mỹ” đã nghênh đón Thứ Trưởng Bộ Công Thương VN đến hội họp, ăn chơi ở sân golf, Gilroy”.

  2. TẢNG VÀ LIÊM

    Có hai người đáng quan tâm
    Một Trương Như Tảng hai Đoàn Thanh Liêm
    Thuộc vào lực lượng Thứ ba
    Và đều xông xáo trước ngày Bảy lăm

    Rồi Trương Như Tảng vượt biên
    Đoàn Thanh Liêm phải đương nhiên ngồi tù
    Bởi đều hoạt động mịt mù
    Dở hay chưa biết nhưng nào ai cho

    Giờ Trương Như Tảng ra sao
    Bên Tây giống hạt sương mai rụng rồi
    Đoàn Thanh Liêm mới hôm qua
    Lìa trần ở Mỹ xót xa bao người

    Việt Nam đất nước phải rồi
    Quả thời tao loạn dập dìu trước sau
    Kể từ cách mạng bốn lăm
    Tới ngày hợp nhất bảy lăm liên hồi

    Hai bên cờ đỏ cờ vàng
    Sau thêm bên nữa đỏ cùng với xanh
    Kiểu Trương Như Tảng hùng anh
    Đoàn Thanh Liêm cũng góp phần đông vui

    Nước ta thảy mọi nhân tài
    Nhưng ai qua được Bác Hồ kính yêu
    Dẫu người vạn biến đủ điều
    Bác toàn bất biến mỗi chiều Mác Lê

    TIẾU NGÀN
    (25/6/18)

Leave a Reply to Tran Van Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên