Học giả Trung Quốc bình: Tính toán khôn ngoan của Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản

1

Vài lời nhận xét

Cách đây không lâu, chúng tôi có nhắc đến bình luận của một nhà báo Trung Quốc, bà Triệu Linh Mẫn về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.

Chúng tôi cũng đã cố gắng giúp bà tìm câu trả lời cho thắc mắc, tại sao người dân Việt Nam rất thiện cảm với Nhật Bản, trong khi lại cảnh giác với Trung Quốc.

Đọc bài viết của tác giả Nhiếp Huệ Huệ, người viết nhận thấy một góc nhìn khoáng đạt và khách quan hơn khá nhiều.

Nó ít màu sắc chính trị và chủ nghĩa dân túy hơn nhiều so với các học giả Trung Quốc lớn tuổi, đặc biệt là những người xuất thân từ quân đội.

Có thể xem bình luận của tác giả Nhiếp Huệ Huệ về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như một thành công trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Cá nhân người viết chỉ xin nói rõ thêm vài điều.

Thứ nhất, việc chủ động tìm hiểu chính sách mới của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump không có gì là lạ.

Đồng minh, đối tác lẫn đối thủ của Mỹ đều phải làm việc này. Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ngay cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đều phải chủ động tiếp cận ông ấy.

Nếu tác giả Nhiếp Huệ Huệ dùng từ “mua, mua và mua” để miêu tả chuyến thăm nước Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam, thì đây cũng chính là những gì tỉ phú Trung Quốc Jack Ma phải làm để dọn đường cho ông Tập Cận Bình đi Mỹ.

Thứ hai, không chỉ các nước chủ động tiếp cận chính quyền mới ở Mỹ, mà Tổng thống Donald Trump vừa qua cũng rất chủ động trong việc liên hệ với các đối tác và đồng minh, đối thủ.

Thậm chí ông Donald Trump đã có những nước cờ chưa từng có tiền lệ, như điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về vấn đề Triều Tiên.

Cũng chính tân chủ nhân Nhà Trắng lần đầu tiên cho tàu chiến diễn tập tuần tra bên trong 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn…hay mới nhất là cho 2 máy bay ném bom B-1B Lancer bay từ Guam đến Biển Đông tuần tra cùng tàu khu trục USS Sterett hôm thứ Năm 8/6. [2]

Nói điều này để thấy rằng, Hoa Kỳ và Việt Nam có chung lợi ích trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải hàng không, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông nói riêng, châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Hoa Kỳ vẫn là cường quốc có lợi ích và cam kết chặt chẽ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Từ thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tuyên bố rõ ràng và dứt khoát lập trường của họ trên Biển Đông:

– Mỹ trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ.

– Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia cốt lõi trong việc bảo vệ an ninh và tự do hàng hải, hàng không, luật pháp quốc tế ở Biển Đông, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và sau này là Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.

– Mỹ phản đối yêu sách đường lưỡi bò phi lý, phi pháp và bành trướng của Trung Quốc, cũng như bất kỳ đòi hỏi nào quá mức cho các cấu trúc địa lý ở Biển Đông.

(Ví dụ như Trung Quốc muốn có lãnh hải tối đa 12 hải lý cho các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, hay đảo nhân tạo xây dựng trên các rặng san hô, bãi cát ngầm; hoặc vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý cho các đảo không phù hợp với đời sống con người, không có đời sống kinh tế riêng).

Các hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ ngày 24/5 ở Vành Khăn hay máy bay ném bom Mỹ trên bầu trời Biển Đông hôm 8/6, những phát biểu rõ ràng của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho thấy rõ sự tiếp nối nhất quán của các lập trường này.

Những hợp đồng mua bán tổng trị giá 8 tỉ USD ký kết trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thể hiện nhu cầu, vừa cho thấy thiện chí của hai bên trong việc thu hẹp cán cân thương mại song phương.

Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác đều không thể “dụ” được Mỹ, một khi Washington không có lợi ích thực sự ở Biển Đông và châu Á – Thái Bình Dương.

Thực tiễn này là một minh chứng sống động để bác bỏ các lập luận và tuyên truyền của Trung Quốc mà rất có thể tác giả Nhiếp Huệ Huệ buộc phải nói theo chính phủ của mình, rằng Việt Nam muốn “được Mỹ chống lưng cho các hành động xâm hại quyền lợi ở Biển Đông”.

Thứ ba, nhà nghiên cứu Nhiếp Huệ Huệ có nhiều bài viết về Việt Nam, có thể tác giả biết tiếng Việt hoặc tiếng Anh, người viết hy vọng tác giả tham khảo bản Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. [3]

Cá nhân người viết đánh giá, đây là một trong những bản tuyên bố chung toàn diện nhất, sâu sắc nhất và chiến lược nhất từ trước đến nay.

Nó không chỉ đề cập các vấn đề hợp tác và chia sẻ lợi ích song phương với tầm nhìn dài hạn trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện đại.

Tuyên bố chung này còn thể hiện những hoạt động hợp tác cụ thể nhưng có ý nghĩa chiến lược sâu sắc, ví như hai bên bàn bạc để tàu sân bay Mỹ ghé thăm cảng của Việt Nam, hay lần đầu tiên nhắc đến hợp tác an ninh – tình báo.

Còn về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, chúng tôi cho rằng bình luận của tác giả Nhiếp Huệ Huệ đã có thể giúp nhà báo Triệu Linh Mẫn hiểu rõ tại sao người Việt Nam lại quý trọng Nhật Bản như vậy.

Tuy nhiên, bình luận Việt Nam cần nước nào hơn nước nào chỉ phản ánh nhận thức và quan điểm của cá nhân tác giả Nhiếp Huệ Huệ.

Nhận định của tác giả rằng Việt Nam “lợi dụng” Nhật Bản mang nhiều màu sắc cảm xúc, có thể khiến dư luận hiểu sai bản chất các quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.

Người viết cho rằng, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước yêu chuộng hòa bình và công lý.

Người Việt luôn luôn hiểu rất rõ và trân trọng xứng đáng những đối tác nào thực sự đóng góp cho sự phát triển của mình, và cũng đủ tỉnh táo để biết ai thật lòng, ai đầu môi chót lưỡi.

Cả Việt Nam và Nhật Bản đều là láng giềng của Trung Quốc, muốn chung sống hòa bình, chia sẻ cơ hội và thịnh vượng với Trung Quốc, hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và thượng tôn luật pháp quốc tế.

Những mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ, hàng hải hay các lợi ích khác cần được giải quyết trên cơ sở thiện chí, khách quan, cầu thị và thượng tôn pháp luật.

Do đó mọi hoạt động đối ngoại của Việt Nam chỉ nhằm tìm kiếm cơ hội canh tân đất nước, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đồng thời chung sức bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế.

Việt Nam, Nhật Bản hay Hoa Kỳ không rảnh đi làm những chuyện không đâu như ai đó tưởng tượng, rằng “bao vây” hay “kiềm chế” Trung Quốc.

Còn cái gì Trung Quốc sai, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia, khu vực, thì rõ ràng khu vực, cộng đồng quốc tế phải đấu tranh chống lại cái sai quấy ấy.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://opinion.china.com.cn/opinion_54_166354.html

[2]http://www.reuters.com/…/us-china-usa-southchinasea-idUSKBN…

[3]http://baochinhphu.vn/…/Tuyen-bo-chung-ve-tang-c…/307606.vgp

Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe

© Hồng Thủy

1 BÌNH LUẬN

  1. Người trung quốc có câu biết địch biết ta trăm trận trăm thắng….đối với TQ việt nam như con cá nằm trước miệng mèo…như con nai nằm trước mũi hổ bất cứ động thái nào của VN cũng đều bị TQ kiểm soát…ở đây cũng cần phải khen ông nhà nghiên cứu…vì dẫu sao Ông ta cũng đã bỏ ra nhiều công sức để có được sự hiểu biết thấu đáo về VN như thế được…vì chưa chắc ở VN có được nhà nghiên cứu hay học giả nào hiểu về TỔ QUỐC mình kỹ và thấu đáo như nhà chuyên gia TQ này…thực ra cơ hội VÀNG cho VN độc lập tựdo dân chú ĐÚNG NGHĨA có hai lần vào những giai đoạn 1946-1957…1965-1967…sau đó theo thời gian cơ hội nó cứ lùi xa dần và mất hẳn…để bây giờ Ô thủ tướng lại phả lọ mọ đi cầu canh người ta….

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên