Đọc “Nhảy Múa Để Chết” của Nguyễn Viện

5

 

Nhận xét đầu tiên của tôi về “Nhảy Múa Để Chết” là hay.

Đúng hơn: lâu lắm mới đọc được một cuốn sách hay như thế.

Khi nói tới cuốn này hay, cuốn kia không hay, ắt ta phải có tiêu chuẩn nào đó để dựa vào mà so sánh. Một cách vô thức, óc so sánh cuốn sách đang đọc với những cuốn sách đã đọc, óc – cái computer tuyệt diệu không đợi ta ra lệnh, cứ tự động lục ra trong kho lưu trữ những cuốn sách tương tự, rồi so đoạn này, đọ đoạn khác, cuối cùng cho điểm: hay, khá, được, tạm, dở…

Thế nhưng cái sự tự động cho điểm của óc không đáng cho ta hoàn toàn tin tưởng, bởi vì – nói theo ngôn ngữ máy tính, óc ta chỉ mới scan qua quyển sách, những data đưa vào chưa đủ để đánh giá. Cảm nhận của ta, do đó, chưa đủ đúng để đánh giá cuốn sách là hay hoặc dở.

Có người sẽ bảo bàn cãi đúng sai làm quái gì, thấy hay là hay, vậy đủ rồi.

Nói vậy cũng không sai, chả phải cụ Nguyễn Du cũng từng bảo Đoạn Trường Tân Thanh chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh” đó sao. Riêng tôi, tôi tự cho mình là một “người đọc có ý thức”, nghĩa là có ý thức về cảm nhận của mình, tôi tự hỏi nó từ đâu mà có? Nếu như nói cuốn sách này hay, phải biết tại sao hay; ngược lại, nếu chê sách dở, cũng phải biết tại sao lại dở.

Lý sự như vậy đã đủ, bây giờ xin mời các bạn cùng đến với “Nhảy Múa Để Chết”.

“Nhảy Múa Để Chết” có bốn nhân vật chính: một người đàn ông và ba người đàn bà. Người đàn ông (Tôi) có quan hệ tình dục với cả ba người đàn bà (cô Hai, cô Ba và cô Tư). Những lời đối thoại ngắn giữa họ với nhau được xen kẽ bằng những lời độc thoại của nhân vật “tôi”, ngoài ra, còn có lời đối thoại với một số người khác, công an chẳng hạn ; tất cả tạo nên một câu truyện ban đầu tưởng như rời rạc nhưng thật ra có sự nối kết liền lạc chặt chẽ với nhau.

Cái hấp dẫn đầu tiên của “Nhảy Múa Để Chết” là tình dục.

Cái hấp dẫn một rưỡi: tình dục bất chính.

Một người đàn ông quan hệ tình dục với ba người đàn bà cùng một lúc cho dù ở thời đại này vẫn còn là điều không được xã hội công nhận. Dù không ai chính thức là vợ chồng với ai và cả tất cả đều tự nguyện đến với nhau thì đó vẫn là một quan hệ không bình thường, thậm chí còn bị cho lài bại hoại, đáng khinh.

Nhưng đó chính là cái hay của truyện.

Bởi, ngay bên cạnh cái bại hoại đáng khinh của mối quan hệ mèo mả gà đồng kia còn có một thứ bại hoại đáng khinh khác, đó là quan hệ giữa cái-gọi-là nhà nước và người dân. Cái bại hoại đáng khinh của một chế độ ngu xuẩn tàn ác khiến cho cái bại hoại đáng khinh của một bọn ăn chung ở lộn trở thành chẳng đáng gì; đúng hơn, còn có vẻ đáng yêu hơn vì ít ra cái nứng tình xét cho cùng vẫn hồn nhiên và ít tác hại hơn.

Hãy thử đọc đoạn này xem:

“Cô Ba bảo: “Không cần thử em cũng biết anh thế nào” Hắn nói: “Ừ , Anh chỉ là một cọng bún” Cô Ba tiếp “Một cọng búng thiu” Hắn thừa nhận “Ừ Từ lâu rồi” Cô Ba lại bảo “Ăn bún thiu đau bụng” Hắn nói: “Ừ Đừng ăn” Cô Ba đột nhiên đổi giọng: “Nhưng lúc nào nằm với em, anh cũng xuất tinh được là sao?” Hắn cười: “Bí mật của chủ nghĩa duy ý chí” Cô Ba bảo “Em không tin” Hắn lại cười “Đã gọi là chủ nghĩa duy ý chí thì em tin làm gì” Cô Ba vẫn thắc mắc “Hiện trường hiện thực là cái gì” Hắn không trả lời.” (NMĐC, trang 85)

“Duy ý chí” vốn là một trong những danh từ chính trị rổn rang thường được nhà nước Cộng Sản dùng khi phê phán nay được Nguyễn Viện dùng trong hành động tình dục, đó là sự chế nhạo hay khinh bỉ? Nói gì thì nói, viết như thế đáng gọi là gây sốc. Tuy nhiên, nhưng với những ai từng đọc “Viết Lại Truyện Kiều” thì hẳn sẽ không ngạc nhiên vì Nguyễn Viện từng dùng lối văn gây sốc như thế, như một đoạn giữa Từ Hải và Thúc Sinh sau đây:

“Thúc Sinh nói với Từ Hải: “Gái là nhu cầu muôn thuở của đàn ông. Bởi vậy, cái nghề nghiệp vững bền nhất chắc chắn phải là nghề chăn gái. Cậu cho người làm cho tôi cái dự án kinh doanh tình dục thật hoành tráng, với khả năng giải quyết việc làm cho hàng triệu phụ nữ. Đặc biệt chú ý tới vấn đề thời vụ của các chị em nông thôn. Đồng thời giải quyết vấn đề an sinh xã hội.”[Trích “Nhân vật Truyện Kiều đương đại qua góc nhìn Nguyễn Viện” – RFA, Mặc Lâm, 2013-06-15]

Nếu nói như thế thì cứ tha hồ thảy các thứ taboo vào là văn sẽ trở nên hấp dẫn?

Chắn chắn không! Vài cú gây sốc chẳng qua chỉ làm người đọc nổi gai ốc lên một tí mà thôi, sau đó phải có những đoạn gọi là “đáng”: đáng đọc, đáng nghĩ, đáng nhớ . “Nhảy Múa Để Chết” có nhiều đoạn như thế. Ví dụ:

Cô Tư nhất định cho rằng, Khổng Tử là người ba phải và cái ông Karl Marx thì dở hơi. Cái ba phải giao hợp phối ngẫu với dở hơi đã đẻ ra nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền văn hóa diêu bông.” (NMĐC, trang 67)

Đọc đoạn này tôi không khỏi phì cười, “KTTR định hướng XHCN” thì chúng ta ai cũng biết rồi, còn “nền văn hóa diêu bông” là cái gì?

Để tìm hiểu, ta cần nhớ lại bài thơ “Lá Diêu Bông” của Hoàng Cầm:

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời… ới Diêu Bông!

Nếu không ai biết lá diêu bông là gì thì làm sao nhận ra nó, Cũng thế, nếu không ai biết mặt mũi của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là gì thì làm sao xây dựng nó .Có thể còn một ý khác nữa, đó là vẫn có những người dân tâm huyết với đất nước (là “Em”) ra sức tìm kiếm các phương cách cải thiện nền văn hóa, nhưng đến khi họ trình bày các sáng kiến lên Đảng, thì chỉ thấy “Chị” chau mày, bảo “không phải” rồi bỏ mặc cho văn hóa đất nước ngày càng suy đồi. Nói một cách khác, “văn hóa diêu bông” không khác với cái mà người dân trong nước đã từng đặt tên là “văn hóa thời đồ đểu”.

Và đây, xin mời đọc một đoạn khác:

Lẽ ra anh nên chết đi. Một cuộc tự sát sẽ là ý nghĩa lớn nhất cuộc đời anh và nó minh chứng cho sự hiện hữu của anh. Nhưng anh không dám chết. Cũng như chưa bao giờ anh dám sống hết ý nghĩa của mình. Anh là một con sâu ngọ nguậy. Nó làm ngứa háng em và làm bẩn cái hang em. Tại sao phải vuốt ve nó chứ?
Em nghĩ anh nên cắt bỏ nó, vì nó chỉ là một cục thịt thừa tuyên xưng thời ảm đạm. Thay vì nổi loạn, nó chỉ biết cúi đầu và sám hối vì những điều không phải nó gây ra. Vì nó không có khả năng gây ra bất cứ điều gì. Người ta bảo nó là nguyên nhân của những bất ổn xã hội. Nó không đáng được một huy chương như thế . Bởi vì nó không thể tự nổi loạn. Nó chỉ là một nỗi buồn cay đắng. Và ngọn cờ nó giương lên chỉ là những cái quần lót màu khăn tang. Chào mừng sự chết .
Mà ngay cả sự chết cũng từ chối nó. Nó trở thành biểu trưng cho sự liệt kháng. Cho một dân tộc. Cho một lịch sử. Cho sự đứng lại. Nó không biết khóc cho dù khóc ngoài quan ải. Mà có còn không quan ải cho một đất nước.”

Đoạn văn độc thoại trên nêu ra một trong những băn khoăn ngàn đời của nhân loại khi con người tự vấn sống để làm gì. Ta lại thấy đâu đó bóng dáng một Hamlet của Shakespeare hay một Raskolnikov của Dostoyevsky.
Tôi thấy cần mở ngoặc ở đây để nhắc lại cái ý đã nói ở trên là bộ óc có cái cách so sánh tự động mà ta không thể ngăn cản được. Giả dụ như bạn đã từng biết tới câu “To be or Not To be” hay đã từng đọc “Tội Ác và Trừng Phạt” thì phần nào cái băn khoăn về một cuộc sống sao cho xứng đáng đã được gieo vào đầu bạn. Từ đó, khi đọc những tác phẩm khác đề cập tới cùng một vấn đề, bạn không thể không liên tưởng tới những tác phẩm đã đọc, và đồng thời, bạn so sánh xem ý tưởng của cuốn sách đang đọc có cùng độ sâu không, văn phong có cùng sức hút không. Và cũng chính từ đó, bạn đánh giá nó là hay hoặc không hay.

Tuy nói như thế nhưng tôi không hề có ý định so sánh Nguyễn Viện với William Shakespeare hay Fyodor Dostoyevsky. Tôi cho rằng mỗi người là một thế giới kỳ ảo riêng, và sự so sánh chỉ là tương đối. Thế giới của Nguyễn Viện là nước Việt Nam-Cộng Sản, chỉ chừng đó thôi cũng đủ tạo nên cái riêng, cái đặc biệt của văn Nguyễn Viện một khi nhà văn thể hiện chân thực cái thế giới ông đang sống.

Thử nghĩ xem, làm sao bạn đọc ngoại quốc hiểu được trọn vẹn câu: “Người ta bảo nó là nguyên nhân của những bất ổn xã hội”, hay “Nó trở thành biểu trưng cho sự liệt kháng”, hay “Mà có còn không quan ải cho một đất nước”. Hẳn người chuyển ngữ sẽ rất vất vả trong việc phụ chú, sẽ phải giải thích rằng vào “cái thời ấy” sự cải cách bị coi là nguyên nhân gây bất ổn, người dân trở nên vô cảm tới mức liệt kháng, và, biên giới đất nước bị ngoại bang cưỡng chiếm.

Đó là chưa kể tới việc làm sao dịch cho chính xác câu này: “Nó không biết khóc cho dù khóc ngoài quan ải”. Phần khó ấy xin dành cho những dịch giả tài năng.

Tóm lại.
“Nhảy Múa Để Chết” về cả nội dung lẫn hình thức đáng gọi là một cuốn sách hay dù không dễ đọc. Rất nhiều đoạn trong sách khiến ta phải vận dụng khả năng liên tưởng và suy nghĩ, nhưng sau đó là những khám phá thú vị.

Lời cuối.

Có những đoạn trong “Nhảy Múa Để Chết” tôi suy nghĩ mãi vẫn không sao hiểu nổi. That is okay! Tôi chỉ là một người đọc, tôi không có tham vọng thành nhà phê bình, tôi không cần hiểu rốt ráo mọi ý tưởng ẩn chứa trong một tác phẩm, nhất là một tác phẩm “của Nguyễn Viện”.

Về điều này, tôi đồng ý với cách nhìn của nhà văn:
“Mặc dù cô Hai không làm thơ, viết văn hay bất cứ thứ gì liên quan tới chữ nghĩa, nhưng những gì cô Hai nói đều bao hàm một ẩn ngôn lộng lẫy và mê hoặc. Có thể vì cô Hai quen tiếp xúc với đất trời cây cỏ và đàn dê nghễnh ngãng mà cô đã nói được thứ tiếng nói khác.” (NMĐC, trang 96)

Qua chữ nghĩa, chúng ta hiểu đời hơn, hiểu nhau hơn chứ không để bắt bẻ chữ hay chữ dở. Và nếu Nguyễn Viện có nhảy múa trong các con chữ để tự bắt mình phải đối diện với cái chết thì đó cũng chỉ là cái chết của mùa Đông sắp qua, mở đầu cho một mùa Xuân sẽ tới.

***
Tiểu sử Nguyễn Viện
Sinh năm 1949 tại Hải Dương. Hiện sống và viết tại Sài Gòn. Ông là người sáng lập Nhà Xuất Bản Cửa dành để tự in sách không thông qua kiểm duyệt của nhà nước cộng sản cho tác phẩm Ngồi Bên Lề Rất Trái (2011). Trong tháng Mười / 2014, ông bị công an gọi lên ba lần, tất cả đều liên quan tới cái-gọi-là “phổ biến các tác phẩm trên các phương tiện thông tin” và vi phạm điều 87 và 88 – tội chống chính quyền.

Nghe Mặc Lâm, RFA, 2014-10-11 “Văn học phản kháng và cái giá phải trả”.

Tác phẩm đã xuất bản

Trinh Nữ (tập truyện) – nxb Đồng Nai, VN . Hạt Cát Mang Bóng Đêm (tiểu thuyết), Bố Mẹ Và Con Và… (tạp bút) – nxb Trẻ, VN . 26 LầnTờBờLờ (tiểu thuyết) . Cơn Bấn Loạn Bằng Phẳng (tiểu thuyết) , Em Có Gì Bí Mật, Hãy Mail Cho Anh (tiểu thuyết) , Đi & Đến (tập truyện) – nxb Cửa, VN . Riêng cuốn “Thời Của Những Tiên Tri Giả” (tiểu thuyết) – nxb Công An Nhân Dân, VN 2003, [sau khi phát hành đã bị thu hồi]. Chữ Dưới Chân Tường (tiểu thuyết) – nxb Văn Mới, USA . Rồng và Rắn (tiểu thuyết) – nxb Tổ Hợp XB Miền Đông Hoa Kỳ, USA . Nhảy Múa Để Chết (tiểu thuyết) – nxb Tủ Sách Tiếng Quê Hương, USA.

Đọc bài điểm sách của Uyên Thao

Đọc các bài viết của Nguyễn Viện trên trang báo điện tử Da Màu

Đọc các bài viết của Nguyễn Viện trên trang báo điện tử Pro&Contra

Đọc các bài viết của Nguyễn Viện trên trang báo điện tử Tiền Vệ
action=show&authorId=156

“Nhảy Múa Để Chết”
Mua sách: 200 trang – giá 15.0 USD
VLAC / Tủ sách Tiếng Quê Hương – P.O Box 4653 – Falls Church – VA 22044 – USA
Email: uyenthaodc@gmail.com hay tiengquehuongbookclub@gmail.com

Những câu văn hay trong “Nhảy Múa Để Chết”

• Trước khi truy sát nghệ thuật, người nghệ sĩ cần phải tự truy sát chính mình .

• Cái mồm, trong nhiều trường hợp, chỉ còn xử dụng vào việc ăn . Bởi thế, tỉ lệ hàng quán ở xứ sở này phát triển một cách rầm rộ, như thể người ta sống chỉ để ăn . Nhưng cũng không ở đâu như xứ sở này, việc họp hành cũng là một sinh hoạt quan trọng không kém việc ăn . Bởi thế, sự nói năng là một vũ khí . Nhưng ngôn ngữ lại là một thứ được cấp phát theo tiêu chuẩn kiểu tem phiếu .

• Ngôn ngữ bị cắt tiết cho cuộc trình diễn lý lịch tự khai .

• Ở trên đất nước này, địa ngục không phải là âm phủ, nó mọc lên dưới ánh mặt trời, giữa mây và gió, trên những cánh đồng, trong những khu dân cư, hiển hiện với từng số phận .

• Các từ “cộng sản”, “xã hội chủ nghĩa”, “dân tộc”, “tổ quốc”, “yêu nước”,… không những bị đánh tráo mà còn bị đánh đĩ .

• Không thể tìm thấy sự thật khi con người có tính đảng .

• Chống Cộng cũng chỉ là một cách nói. Thật ra, người ta trước hết chống lại sự trống rỗng, đồng thời chống lại cái đầy ắp . Và chống lại tác nhân của sự trống rỗng và đầy ắp đó .
Phản kháng là chống lại chính quyền . Kẻ đã tước đoạt mọi yếu tính và tạo nên tình trạng trống rỗng . Đồng thời áp đặt quyền kiểm soát không giới hạn tạo nên cái đầy ắp chật chội

• Giấc mơ nghệ thuật của anh có những người bị vặn họng, bị bẻ tay, bị đánh què .
Và cách từ chối hay nhất là đối diện với nó .

• Người ta khác gà ở chỗ có thể tự chọn cho mình một cái chết, hoặc tự biến mình thành một món nhậu nào đó như món đâm hơi, món dở người, món chọc gậy bánh xe, món nổ, món đểu cáng, món khôi hài .

• Cái kinh nghiệm về khoảng trống là một kinh nghiệm tự hủy .

• Khao khát giải phóng và đi đến giải phóng chỉ dành cho những con người tự do . Nhưng tự do lại chỉ dành cho cho những con người có khả năng tự giải phóng .

• Ở đâu cũng có đạn và ở đâu cũng có tai nạn . Chẳng phải cứ làm tình là sướng . Đụ mẹ mọi thứ là chẳng đụ được gì cả .

• Nỗi niềm công dân hay sứ mạng văn nghệ đã bị xóa sổ . Bởi thế, sự bông phèng vốn từ phương tiện đã biến thành cứu cánh cho sự vô vọng .

• Không ai muốn nổi tiếng bằng cách để bị bắt hay bị khủng bố . Chính hệ thống đã tạo ra những kẻ bất đồng và những kẻ phản kháng bằng sự độc đoán và khủng bố man rợ của nó.

• Tất cả mọi tác phẩm, mọi chủ nghĩa đều chết ngay sau khi nó hình thành . Bước đi trên những xác chết là con đường dẫn đến sự sống .

• Văn chương chỉ là bản khai sinh thế vì cho sự tồn tại.

• Trải nghiệm kinh hoàng nhất không phải là nhà tù hay sự nghèo đói mà là sự đối diện với bản khai lý lịch .

• Nếu bản khai lý lịch là một sự giết bỏ một con người thì bản cam kết là sự sỉ nhục toàn diện nhất tư cách một con người

• Lộ trình dân chủ của một đất nước cần phải được bắt đầu từ ý thức tự do của mỗi công dân và từ công việc nhỏ nhặt của từng người

• Vấn đề không phải là tranh đấu để giành lấy điều gì mà sự hành xử là quyền tất yếu tự ở bản thân mỗi người

• Khi sự thô lỗ có mặt, nó làm cho những cái đẹp giả tạo, những khuôn phép tù túng nhân dành thuần phong mỹ tục và sự ổn định chính trị trở thành đồ dỏm trơ trẽn.

• Chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành hiện thực trong cuộc sống và biến sự độc tôn của chủ nghĩa cộng sản thành trò hề.

• Trong xã hội Việt nam đương đại, dường như người ta vẫn sống với một tâm thức hiện đại nhưng lại có biểu hiện của một hội chứng hậu hiện đại . Có thể đó là kết quả của sự phối ngẫu nghịch lý giữa một lý tưởng xã hội xã hội chủ nghĩa giáo điều với nền kinh tế thị trường vô nhân tính.

• Trong một xã hội mà ai cũng có thể là công an hay bị nghi là công an, quả thật khốn nạn .
• Khi sự phản trắc và sợ hãi trở thành tất yếu trong cuộc sống thì cuộc sống đó đã bị hủy diệt .

• Sự vận hành trong hệ thống là mối quan hệ loại trừ . Hoặc bầy đàn, hoặc phải chết . Không có chỗ cho con người tự do

• Ở nơi nào nhân phẩm bị chà đạp, ở đó có tiếng nói của công chính.

• Thân xác là một tài sản cá nhân, tinh thần là một tài sản cá nhân, chức quyền là một tài sản được ủy nhiệm hay chiếm dụng . Kẻ bán thân xác chỉ bán tài sản của mình . Kẻ lạm dụng chức quyền bán cái không phải của mình

• “Ngậm miệng ăn tiền”. Hắn đã ngậm miệng nhưng chẳng thấy tiền đâu .
Thằng ngu, đã khép mỏ rồi làm sao ăn !

• Chúa không tước bỏ con người điều gì .
Nhưng con người đã tước bỏ nhau trước mặt Chúa

• Chúa để lại tự do cho con người, nhưng con người đã cai trị nhau như nô lệ .

5 BÌNH LUẬN

  1. Lời quê, mua vui

    Lời quê góp nhặt dông dài
    Mua vui âu cũng một vài trống canh
    (Nguyễn Du)

    Gần 300 năm trước tác giả trường thi lục bát ĐTTT, Nguyễn Du đã nêu ra 2 chuyện có thể nói là cốt tính của thi ca và văn nghệ: lời quê và mua vui. Hết. Lời quê không phải là quê mùa, là lời nói tại quê của ND, lời của chính ND. Thơ dựa trên lời. Và thơ, văn nghệ, chẳng qua là nghệ thuật tiêu khiển, giải trí.

    Sè sè nắm đất bên đàng
    Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
    Rằng sao trong tiết thanh minh
    Mà đây hương khói vắng tanh thế mà

    Đúng là tiếng nói của quê hương. Có điều kỳ lạ là từ ngữ vựng cho đến giọng điệu, Truyện Kiều rất gần ngôn ngữ VN của cả 3 miền Nam Trung Bắc. Nó không có biên giới quá rõ ràng như hiện nay.

    Tóm lại, truyện thơ ĐTTT hay trước tiên là hay tại tiếng nói, hay tại văn. Đừng vọng tưởng cái gì khác không có ngoài “lời quê và mua vui”. Tất nhiên, quý vị có thể tán thêm rằng TK và thân phận con người, tài mệnh tương đố, anh hùng, tiểu nhân v.v… Nhưng những điều này dứt khoát không làm nên truyện thơ ĐTT. Chúng chỉ là cái cớ để nghệ thuật mua … vui.

  2. Em như cục c’c trôi sông
    Anh như con chó chạy rong trên đường

    Có người đã tán dương 2 câu trên, mà họ cho là ca dao, là tuyệt tác của ngôn ngữ văn chương hiện thực và thân phận gì gì đó. Và tôi đã có ý kiến chứng minh rằng:

    1- Không phải ca dao. Vì nó chẳng có đặc tính chung của ca dao.
    2- Dơ dáy, thì làm sao tuyệt tác được.

    Anh này hỏi vặn, dơ dáy là tại ông tưởng tượng ra thôi chứ chữ không dơ. Tôi đồng ý chữ không dơ không sạch. Nhưng con chó đặt gần cục c’c thì không thể không gợi ý. Dơ là vì thế.

  3. Văn chương Việt cũng tối kị sự dơ dáy

    Quý vị tin đi, 100 năm nữa người Việt vẫn vậy. Có lẽ cái khác nhau giữa người Việt và người Âu Mỹ là chổ này. Người VN không thích sự dơ dáy trong văn chương.

    Đó chẳng qua là tập quán. Cái “tạng” người Việt là như thế, biết sao hơn. Sống là thách thức nhưng không bằng sống là thuận nhập. Thuận vào cái vốn dĩ đôi khi còn khó khăn hơn chạy tìm cái gì không có.

    Văn chương về sex người Việt không nhiều nhưng sex của họ sạch. Người Âu Mỹ viết văn và dùng nhiều từ ngữ cũng như sự mô tả khá dơ. Nhưng họ vẫn chấp nhận. Người Âu Mỹ có thể hun con chó dễ dàng. Người Việt hiếm thấy hơn. Sau này, không ít người viết văn Việt ngữ thản nhiên viết nhiều từ dơ như : cứt, đái, ĩa, thúi, l^n` hôi, c.c nhớt, tinh trùng tung tóe v.v…

    Và họ lý luận rằng chữ chẳng có gì dơ cả, ăn thua là tại suy nghĩ mà ra (!). Tôi hơi thắc mắc, khi đang ăn mà thấy có anh nôn ọe trược mặt thì coi như không, vẫn ăn tiếp tục được? Theo tôi dơ thì cứ gọi là dơ hà tất phải biện minh.

    Thời VNCH có 2 nhà văn Nguyễn Mạnh Côn và Lê Xuyên viết truyện sex đáng kể. Họ thật sự sáng tác. Và sex của họ đố tìm ra sự gì thúi tha. Mà đọc họ không dễ. Sex tới bến. Nó như sợi dây đàn căng cứng. Chỉ có những bộ thần kinh mạnh mới dám đọc hết tác phẩm của họ.

    Nguyễn Mạnh Côn viết Tình Cao Thượng, Lê Xuyên viết Dưới Rặng Trâm Bầu. Trong TCT nhà văn NMC đã mô tả sex không dồn dập nhưng “chậm mà chắc nịch”. Thiếu phụ bị bắt cóc bị 3 người đàn ông thay phiên nhau hảm hiếp. 1 trong 3 người đàn ông đó Tư Giỏn, đã để lại “ấn tượng” cho nàng. Sau này, trước tòa, nàng đã từ chối Tư Giỏn là kẻ hiếp nàng vì trong tâm, thiếu phụ đã cảm thấy “tia vọt bắn chan hòa” của hắn đã đem lại sự sung sướng cho nàng. Và nàng tự thấy không thể tố cáo Giỏn.

  4. Sáng tác tối kị là copy hay shadow người khác

    Người Việt viết văn làm thơ chịu ảnh hưởng văn chương của thế giới khá nhiều. Tuy nhiên, phần đông họ hiện nay không nhận ra (hoặc nhận ra nhưng không còn cách nào hơn) đối với người Âu Mỹ là: sáng tác nghệ thuật tối kị làm cái bóng của người khác. Tôi gọi là tối kị. Vì, phạm vào là coi như hỏng, bỏ, vứt đi. Hay cùng lắm chỉ là loại bản thảo xoàng xĩnh, hạng B,C. Nếu quý vị đọc, xem, nghe văn nghệ Âu Mỹ như hội họa, triểu thuyết, âm nhạc quý vị sẽ nhận ra điều này dễ dàng. Và nếu quý vị xem TV những shows tuyển lựa tài năng ca nhạc hay nghệ thuật như Voice hay America got talent v.v… quý vị thường bắt gặp những lời phê bình chỉ trích từ các vị giám khảo, lời chỉ trích nặng nhất là khi họ bảo: thí sinh A đã bắt chước danh ca B.

    Thử đọc đoạn dẫn sau đây của NV:

    “Cô Ba bảo: “Không cần thử em cũng biết anh thế nào” Hắn nói: “Ừ , Anh chỉ là một cọng bún” Cô Ba tiếp “Một cọng búng thiu” Hắn thừa nhận “Ừ Từ lâu rồi” Cô Ba lại bảo “Ăn bún thiu đau bụng” Hắn nói: “Ừ Đừng ăn” Cô Ba đột nhiên đổi giọng: “Nhưng lúc nào nằm với em, anh cũng xuất tinh được là sao?” Hắn cười: “Bí mật của chủ nghĩa duy ý chí” Cô Ba bảo “Em không tin” Hắn lại cười “Đã gọi là chủ nghĩa duy ý chí thì em tin làm gì” Cô Ba vẫn thắc mắc “Hiện trường hiện thực là cái gì” Hắn không trả lời.” (NMĐC, trang 85)

    Và một đoạn trong Không Có Vua của Nguyễn Huy Thiệp:

    “Đoài ngó vào, vẫy tay gọi Khảm. Đoài bảo: “Dọn mâm”. Khảm hỏi: “ăn rồi à?” Đoài không trả lời Khảm đi theo Đoài xuống bếp. Đoài hỏi: ” Cô có cái nốt ruồi là người yêu mày đấy à?” Khảm bảo: “Vâng”. Đoài hỏi: “Thế cái vị anh hùng thơm nức kia là thế nào?” Khảm cười: “Đấy là Mỹ Trinh, bố cô ấy là ông ánh sáng ban ngày, chủ hiệu điện”. Đoài hỏi: “Thằng kia với nó thế nào?” Khảm bảo: “Chưa có gì”. Đoài bảo: “Tao chim nó đấy”. Khảm bê mâm, Sinh bảo: “Thiếu cái gì thì gọi”. Đợi Khảm đi khuất, Đoài bảo: “Thiếu một tý tình thôi, Sinh cho tôi xin một tý tình”. Sinh bảo: “Nỡm. Lên nhà trên mà bảo hai cô bạn của chú Khảm ấy” Đoài bảo: “Hai con ôn vật ấy bằng thế nào được Sinh”. Sinh bảo: “Đi ra đi”. Đoài bảo: “Cái lão Cấn của Sinh như con cua bấy mà lại hách dịch”. Sinh bảo: “Tôi mách anh Cấn đấy”. Đoài bảo: “Đây chẳng sợ”. Nói rồi xán lại, hôn chút lên má Sinh. Sinh đẩy ra, Đoài hổn hển: “Tôi nói trước, thế nào tôi cũng ngủ được với Sinh một lần”. Nói xong đi ra, Sinh bật khóc.” (KCV, NHT)

    2 nội dung khác nhau nhưng cái kiểu lý luận trong tình trường và giọng văn nhát gừng thì NV đã kém NHT một bậc. Hỏng.

    Nguyễn Huy Thiệp viết sắc hơn, tinh hơn. Dù thích hay không nhưng phải công nhận là NHP là người đầu tiền có lối luận lý và giọng điệu này ở VN. Và NHT vì thế “lớn” hơn nhiều nhà văn shadow ông ta.

    Đọc mà có cái cảm giác đã nghe rồi đâu đó thì hỏng.

  5. Trích, tác giả Nguyễn Viện: ” Văn chương chỉ là bản khai sinh thế vì cho sự tồn tại. ” Theo tôi thì: Văn chương là một ‘vườn hoa’ cần phải có để tô điểm, phô triển cho nét đẹp của một dân tộc! Hoa nở hoa tàn, nhưng tinh hoa, truyền thống và sự sống của mỗi dân tộc phải luôn được phát huy tối đa không ngừng nghỉ, hầu thăng hoa và cũng để tiếp cận với trào lưu văn hóa đa diện, phóng khoáng và văn minh tân tiến trong cái gọi là ‘Đại Hoa Viên’ trên toàn thế giới của nhân loại. Chúng nhân người Việt trong nước nói riêng, cần phải Giao Diện, hội nhập và học hỏi những cái hay, cái ‘Thịnh’ của người để…bổ túc cho cái ‘Suy’ cái nhược của mình ngỏ hầu tìm ra phương cách hóa đồng và nâng cấp khoa học, văn hóa nước nhà để phổ biến, phụng sự xã hội. Tóm lại, nếu văn chương chỉ là một hình thức “thế vì khai sinh” để sống trong mong manh hấp hối, đồng nghĩa với…tuyệt vọng, thì chính xác, cái…dân tộc đó thật…có vấn đề. Avcđ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên