Điều Trung Quốc muốn & lối thoát cho Việt Nam

2
Người giao nhận hàng Amazon China trên đường phố Bắc Kinh. Hình: Nguồn Internet.

Đến thời điểm này, quả là khó dự đoán được các yêu cầu của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Các phát biểu xuống thang bất ngờ của Rex Tillerson tại Bắc Kinh, cho thấy Ngoại trưởng đương nhiệm đang giữ một vai trò khiêm tốn trong lãnh vực ngoại giao. Đến nay, không ai biết chính xác về nhân sự nào trong ban tham mưu của Trump đang phụ trách quan hệ Hoa Kỳ với Trung Quốc. Sau khi bị Quốc Hội săm soi dồn dập trong các liên lạc với Nga, cánh dân túy (Bannon-Priebus) đã trở nên thất thế so với cánh tài phiệt (Kushner-Cohn) – xét về chính trị; còn xét về kinh tế thì cánh Peter Navarro bị lép vế so với cánh New York (cầm đầu là Gary Cohn). Do đó, khó có thể xem Peter Navarro – chuyên gia kinh tế về Trung Quốc trong bộ tham mưu của Trump, sẽ là người điều hành chính trong cuộc gặp Tập Cận Bình trong tháng 4 tới. Không có gì bất ngờ khi nhiều ánh mắt đang tập trung vào vợ chồng Jared Kushner – những người dường như từng có các tiếp xúc với đại sứ Trung Quốc Cui Tiankai (Thôi Thiên Khải) tại Washington.

Phía Trung Quốc có vẻ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến gặp Trump; trước khi đến Washington, Tập Cận Bình sẽ ghé Phần Lan. Trong bối cảnh Trung Quốc càng lớn mạnh và tiến dần đến đe dọa vị trí siêu cường của Mỹ, thì các tranh chấp xảy ra với Washington được Bắc Kinh xem là một tất yếu. Trong tham vọng hoàn thành giấc mơ Trung Hoa, Trung Quốc muốn đạt điều gì từ Hoa Kỳ ?

I/ Thương mại là cuộc đua của thực lực

Người giao nhận hàng Amazon China trên đường phố Bắc Kinh

Dù muốn hay không thì kinh tế Trung Quốc đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, đồng thời là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Trung Quốc đã là nước nhập khẩu lương thực thực phẩm từ năm 2007 và đến năm 2013 Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới. Thương mại nước ngoài chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc (1). Cho nên, thương mại Trung Quốc có khả năng bị kiềm chế không phải là câu chuyện bất khả thi, các công ty Trung Quốc đã từng nếm đoàn đau từ Mỹ. Hồi đầu tháng 3, hãng công nghệ Trung Quốc ZTE đã phải đồng ý nộp phạt 1,2 tỷ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tỏ ra hăng hái ủng hộ xu hướng thương mại toàn cầu hóa. Tất nhiên theo chiều hướng đưa hàng Trung Quốc ra nước ngoài, chứ không phải là theo chiều ngược lại. Reuters dẫn lời ông Tim Cook – Giám đốc điều hành Apple, tại một diễn đàn về phát triển ở Bắc Kinh hôm 18.3.2017, kêu gọi Trung Quốc nên tiếp tục mở cửa nền kinh tế của nước này cho các công ty nước ngoài vào đầu tư.

Trước thái độ xét lại của Trump, có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ trong việc đưa ra các nguyên tắc thương mại toàn cầu. Họ không thấy rằng Trung Quốc vốn không muốn đặt ra các quy tắc toàn cầu. Do lờ đi các quy tắc về dịch vụ, mua sắm của chính phủ, mức độ can thiệp của nhà nước…. nên các Hiệp định thương mại mà Trung Quốc thúc đẩy thường rất khác biệt so với những gì mà các nền kinh tế thị trường nghiêm túc tôn trọng.

Trung Quốc cũng thừa sức hiểu mức thuế lên tới 45% đối với hàng nhập khẩu chỉ là một màn giáo đầu cho một đợt mặc cả mới – hơn là một đề xuất nghiêm túc. Nó hoàn toàn không thể là dấu chỉ cho việc bắt đầu một chiến lược nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng đã đến lúc Trung Quốc không còn phô trương tình trạng ổn định của nền kinh tế bằng cách đem khoe kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới – khoảng 4.000 tỷ USD vào năm 2016, bởi con số này chỉ bằng 1/7 so với khoản nợ công chừng 28 ngàn tỉ USD tính đến năm 2017.

Để vừa lòng Trump, trong lần gặp này Tập Cận Bình sẽ sẵn sàng có những nhượng bộ như tái khẳng định việc ngưng nhập khẩu than từ Bắc Hàn. Có lẽ Tập sẽ chủ động bàn nhiều về điểm khá tương đồng với Trump là thái độ về các Hiệp định thương mại nhiều đối tác. Nếu như Trump nhanh chóng dẹp bỏ Hiệp định thương mại TPP và đòi sớm đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – thì Trung Quốc cũng chưa bao giờ có những quan điểm nghiêm túc trong việc xây dựng các Hiệp ước thương mại đa phương.

Trong bối cảnh những tuyên bố liên quan kinh tế của chính quyền Trump chưa đủ để gọi là đã có một chiến lược thương mại, Bắc Kinh sẽ có những nhân nhượng nhất định với Washing ton – nhằm dồn sức đối phó một trong những vấn đề gây cấn nhất là hồ sơ Biển Đông.

II/ Diễn tiến hồ sơ Biển Đông

Không có đường thoát ra biển rõ ràng luôn là nỗi ám ảnh truyền kỳ của Trung Quốc. Trong khi đó, phía Hoa Kỳ vẫn còn sẵn nhiều công cụ đơn phương để tái ổn định khu vực Biển Đông và Hoa Đông. Chẳng hạn như đặt Trung Quốc vào lựa chọn giữa việc tiếp tục xây dựng các hòn đảo nhân tạo hoặc tiếp cận thị trường quốc tế. Nên nhớ rằng một trong các lý do chính khiến hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thế giới xuất phát từ thái độ nhân nhượng của nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ. Đây chính là thái độ làm lơ thực trạng Trung Quốc vẫn chưa có một nền kinh tế thị trường.

Trung Quốc đã làm gì để đối phó với Hoa Kỳ?

II.1/ Tung các đòn gió

Oanh tạc cơ Mỹ B-1B trên bầu trời Hàn Quốc. Hình: Reuters/Kim Hong-Ji.

Hôm 23.03, các quan chức Trung Quốc đã cảnh cáo một máy bay ném bom chiến lược Mỹ B1 bay gần không phận Hàn Quốc và xâm nhập trái phép vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Đáp lại yêu cầu máy bay Mỹ rời khỏi khu vực của Trung Quốc, các phi công oanh tạc cơ Mỹ B1 đã cho rằng họ đang hoạt động trong không phận quốc tế và máy bay không thay đổi hành trình. Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngay trong ngày 23.3 lại nói rằng bà không nghe thấy thông tin này và đề nghị hỏi bên bộ Quốc Phòng.

Để dọn đường cho cuộc gặp Trump, Trung Quốc đang cố xoa dịu thế giới bằng những phát ngôn bất nhất. Cũng trong ngày 23.3, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng có sự “nhầm lẫn” trong việc cáo buộc Trung Quốc xây dựng các trạm quan trắc môi trường trên biển Đông. Trong chuyến thăm Úc ngày hôm sau (24.3), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại tiếp tục bác bỏ lập luận cho rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa tại các vùng nước trên Biển Đông.

Song ông Lý Khắc Cường bất ngờ gián tiếp thừa nhận về sự hiện diện của thiết bị quân sự ở Biên Đông, với câu: “Thậm chí có một số lượng thiết bị hay cơ sở quốc phòng nhất định đi nữa, chúng cũng chỉ phục vụ cho tự do hàng hải và hàng không”, (ABC 24.3).

II.2/ Hướng vào các tranh luận ngôn từ

 Bằng thủ thuật đánh tráo khái niệm, Trung Quốc muốn đẩy vấn đề Biển Đông vào một cuộc tranh luận bất tận về ngôn từ. Hôm 30.3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố “không có cái gọi là đảo nhân tạo” ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Khi được yêu cầu giải thích về phát biểu cho rằng không có đảo nhân tạo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối trả lời. Trong khi trước đó vào ngày 27.3, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ lại cho rằng, Trung Quốc gần như đã hoàn tất phần lớn việc xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự chính trên các đảo nhân tạo mà nước này đã bồi đắp. Điều này cho phép Bắc Kinh triển khai chiến đấu cơ và các thiết bị quân sự tới đây bất cứ lúc nào.

Ngư dân gần bãi Scarborough, trong vùng biển do Philippines quản lý, với một tàu tuần dương của Trung Quốc trên đường chân trời. Hình: Asahi Shimbun/Getty.

Trong nhiều năm gần đây, quả là khó nắm bắt về một động thái của Hoa Kỳ có tác động cụ thể đối với hành động xâm lược lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông. Phía Trung Quốc có quyền đắc ý trong việc phá vỡ thành công khối ASEAN, các động thái này khiến chiến lược Washington sẽ dựa vào các nước ở Châu Á để ngăn chặn Trung Quốc trở nên cần rất nhiều cân nhắc.

Hiện tại Trung Quốc đang đe dọa các nước láng giềng chủ yếu bằng các phương tiện quân sự. Trung Quốc tập trung lợi ích vào khu vực Đông Thái Bình Dương, chứ không cần chinh phục các lãnh thổ sâu trong lục địa.

Phía Mỹ, chính quyền ông Trump cũng không quá ngây thơ để tin cậy vào những luận điệu và cam kết cũ rích của lãnh đạo đảng Cộng Sản Tập Cận Bình. Vả lại, không dễ có ngay một giải pháp cho các mâu thuẫn giữa hai nước, cả về kinh tế hay chính trị. Các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải do hải quân Mỹ cũng đã thực hiện, đảo trên Thái Bình Dương thì Trung Quốc cũng đã xây rồi. Việc cần bàn ở Floria không thể lòng vòng trong chuyện trăng thanh gió mát. Trump không phải là Obama, để Tập Cận Bình giở lại trò đón tiếp mà không thèm trải thảm đỏ…

Rốt cuộc, các chuyên gia của tòa Bạch Ốc đang có những tính toán gì cho lần gặp đầu tiên người đứng đầu khu Trung Nam Hải vào ngày 6 – 7.4 sắp tới ? Những tính toán đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vận mệnh Đông Nam Á ? Riêng về Đông Nam Á thì dù muốn hay không, chính quyền Trump luôn cần một chiến lược cụ thể – nếu muốn đảm bảo sự cân bằng quyền lực trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Từng có nhận định rằng, một đánh giá chính sách tại Đông Nam Á – bao gồm chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông, sẽ là một ưu tiên cho chính quyền Trump trong 6 tháng đầu tiên nhậm chức. Bởi “xoay trục” hay không xoay trục sang Á châu thì lợi ích cơ bản của Mỹ tại khu vực này vẫn không thay đổi.

Hạm đội Trung Quốc tập trận trên Biển Đông. Hình: VCG/Getty.

Bối cảnh tương lai thường cấu thành từ các dữ kiện ở hiện tại. Có thể chăng, lời giải cho những câu hỏi trên là có liên quan đến Việt Nam…

III/ Cửa đột phá từ Việt Nam

Việt Nam luôn được xem là cửa đột phá trọng điểm trong một chiến lược đối đầu cùng Trung Quốc. Trong hai ngày 27 – 28.3, Hoa Kỳ và Việt Nam vừa thảo luận Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) song phương tại Hà Nội. Theo tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hoa Kỳ coi cuộc gặp này như một cơ hội để tái khẳng định cam kết của Chính phủ Trump sẽ mở rộng quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Nên nhớ, đây là cuộc họp TIFA đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam kể từ năm 2011.

Mặc dù hồi đầu tháng 3.2017, Thủ tướng chính quyền Hà Nội Nguyễn Xuân Phúc đã chủ động “bắn tiếng” sẵn sàng đi thăm Mỹ nhưng chưa có hồi âm. Từng nổi lên nhiều quan ngại rằng các vị trí liên quan đến khu vực Đông và Đông Nam Á trong chính phủ Hoa Kỳ sẽ còn trống đến tận tháng 5.2017, khi các tiếp xúc quan trọng giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á diễn ra. Rồi cách đây vài hôm tin tức bên lề vẫn cho rằng, người Mỹ “chưa có thời giờ nghĩ đến Việt Nam”…

Tuy nhiên đến cuối tháng 3 này, Việt Nam được Washington nhắc đến nhiều hơn 2 lần. Đầu tiên là sự kiện Tổng Thống Trump ký luật chỉ định ngày 29.3 là Ngày Cựu chiến binh Việt Nam, để vinh danh các cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam. Nghĩa là cuối cùng, sự cống hiến của 2,7 triệu binh sĩ Mỹ từng phục vụ tại Việt Nam, trong đó có hơn 350.000 người đã hy sinh và bị thương – đã được công nhận. Sâu xa trong sự kiện này là một thông điệp lớn từ cấp chính phủ Hoa Kỳ, luật hóa tính chính nghĩa của thế giới tự do trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng đỏ, từng định tràn ngập Đông Nam Á với sự tiếp sức của Trung Cộng trong thế kỷ XX. Do đó, chẳng có gì quá lố – nếu xem đây như một lời nhắn xa xôi từ Trump đến Bắc Kinh hôm nay.

Cùng ngày 29.3 là blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được vinh danh với Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Với các dấu chỉ cụ thể đã phát ra từ phía Hoa Kỳ, Hà Nội hoàn toàn đủ dữ kiện để biết cần nên làm gì để nhận được một vé mời từ Washington…

IV/ Đông Thái Bình dương hãy chủ động lên

Trước mắt, Trung Quốc có thể sử dụng mũi dùi dư luận Hoa Kỳ đang chĩa vào các hành vi can dự của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái để đạt được những thành tựu chính trị ở châu Á và xa hơn nữa. Mỹ vẫn muốn duy trì vị trí siêu cường và không muốn phát động cuộc chiến tranh thương mại nào cả. Trong vòng 5 năm tới, các thử nghiệm sẽ tiếp tục diễn ra trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà chưa có đoạn kết. Với óc thực tiễn của người Mỹ, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ là một màn hoa hòe hoa sói; ngăn chặn các nỗ lực đơn phương nhằm mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông mới là cần thiết và khả thi.

Ngoài ra thay vì thụ động chờ đợi, giải pháp chắc chắn nhất đối với các quốc gia khu vực Đông Thái Bình Dương là phải gắng tăng cường thực lực phòng vệ trước những đe dọa của Bắc Kinh – thay vì cứ trông mong vào những thay đổi khó lường từ Washington.

 

Huỳnh Việt Lang

—————————-

Chú thích:

1/ Bill Hayton. March 29, 2017. ‘What does China really want in the South China Sea?’. Nikkei Asian Review.

Nguồn tham khảo:

1/ Phil Levy. March 27, 2017. ‘3 Strategies U.S. Trade Partners Should Pursue Post-TPP’. Foreign Policy.

2/ Francis Fukuyama. March 27, 2017. ‘Trump’s a Dictator? He Can’t Even Repeal Obamacare’. Politico Magazine.

 

Lưu

Lưu

2 BÌNH LUẬN

  1. Với một thỏa thuận nhỏ , Tập giúp Trump gỡ gạc uy tín . Ngược lại Trump sẽ để TQ và cá nhân gia đình Trump hưởng lợi tuyệt vời .

    Bộ trưởng ngoại giao Mỹ đến TQ trong tinh thần hoà hoãn vào tháng 3 nhằm bắn tín hiệu này và Tập sẽ đến Mỹ nhanh chóng hơn sự tưởng tượng .

    Biển Đông đã được mặc cả giao cho TQ . Tin Trump cứng cựa và chong TQ là niềm tin khờ khạo trước một con buôn đầy thủ đoạn mặt dày .

Leave a Reply to loi truc Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên