Cô Vi chú Tế, bác Tin bác Tập

18
Hai ứng viên cho chức Tổng Thống Mỹ nhiệm kỳ tới

 

Hơn hai tháng nữa cử tri Mỹ sẽ đi bầu, chọn thành phần lãnh đạo Hoa Kỳ gồm tổng thống, 435 dân biểu và 35 nghị sĩ quốc hội.

Giờ này bốn năm trước, nước Mỹ ồn ào với những vận động tranh cử khi hai chính đảng tổ chức đại hội để tiến cử ứng viên tổng thống. Năm nay mọi thứ lắng đọng vì bệnh dịch Covid-19 nên không có đại hội đảng với nhiều nghìn người tham dự.

Năm 2016, bên Dân chủ với Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng, coi như cầm chắc tấm vé ứng viên tổng thống, sau thất bại trước Barack Obama vào năm 2008.

Bên Cộng hoà nổi lên Donald Trump, chưa từng có kinh nghiệm chính trường ở bất cứ cấp nào, đã đánh bại gần hai chục ứng viên khác trong đó có nhiều nghị sĩ, thống đốc là những chính trị gia dầy dạn kinh nghiệm.

Căn bản về chính sách, Trump chủ trương “America First” và “Make America Great Again”. Nhiều ứng viên Cộng hoà bị phê phán là cũng sẽ không làm gì hơn các lãnh đạo trước đây, vì thế Trump được cử tri của đảng tiến cử trong các kỳ bầu sơ bộ.

Vận động tranh cử 2016 của Trump gây ồn ào, sôi động với những tuyên bố thẳng thừng, kích động kỳ thị mầu da sắc tộc, nhục mạ phụ nữ. Rồi những tố cáo nhắm vào Trump những hành vi sàm sỡ, có quan hệ tình dục bất chính trong quá khứ làm xôn xao lên những điều tra.

Còn Hillary Clinton bị moi móc vụ mấy chục nghìn email công vụ để trong máy tính riêng biến mấtvụ kinh tài qua Clinton Foundation.

Nhiều người cho rằng Donald Trump là tỉ phú trên thương trường nhưng chỉ là tay mơ trên chính trường nên không hy vọng gì. Nhưng Trump bất ngờ thắng cử.

Donald Trump làm tổng thống, chính sách giao thương với nhiều quốc gia được đem ra thương thảo lại, nhất là với Trung Quốc vì theo ông Hoa Kỳ đã bị thiệt thòi trong mấy thập niên qua vì trao đổi thương mại bất quân bình, đánh cắp tài sản trí tuệ và không có lợi cho Mỹ.

Trump ưu tiên quan tâm đến người Mỹ bình dân ít học, muốn đưa hãng xưởng về lại Mỹ, ban hành các chính sách nhằm cắt giảm số di dân đến Mỹ, hợp pháp hay nhập cư bất hợp pháp.

Đảng Dân chủ trở thành đối lập, tiếp tục phản đối chính sách của Trump suốt bốn năm qua. Cũng như Tổng thống Barack Obama đã bị Đảng Cộng hoà chỉ trích trong suốt 8 năm cầm quyền trước đó. Obamacare, Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP và quan hệ với Cuba là điển hình.

Tổng thống Trump đã đảo ngược nhiều chính sách có từ thời Obama. Bỏ ngay TPP khi vừa nhận chức. Không vận động được sự đồng thuận của quốc hội, Trump ký sắc lệnh hành pháp cho thi hành, từ ban hành chính sách di dân khi vừa nhận chức cho đến sắc lệnh về thêm thời hạn trợ giúp thất nghiệp vào tuần qua.

Hơn ba năm qua đã có hàng loạt điều tra liên quan đến tổng thống, những cố vấn hay giới chức trong nội các. Riêng Tổng thống Trump bị đàn hạch trước quốc hội nhưng không bị kết tội.

Trump vẫn là Trump. Ăn nói bỗ bã. Có nói thành không, không nói thành có, thường xuyên nói sai, nói dối trước công chúng. Những ai không đồng quan điểm, không ủng hộ đường lối làm việc của Trump là ông cho nghỉ việc, bị sỉ vả công khai dù là chính trị gia, phóng viên hay chủ doanh nghiệp.

Từ tháng Ba năm nay, dịch Covid-19 bùng phát làm thay đổi sinh hoạt xã hội, chính trị nước Mỹ. Những buổi họp báo của Tổng thống Trump thường kéo dài cả tiếng đồng hồ với nhiều phát biểu linh tinh, trái ngược với những chứng cứ khoa học do các chuyên gia dịch tễ đưa ra.

Phản ứng của dân về cách chính quyền đối phó với nạn dịch Covid-19 và về các chính sách của Trump ra sao thì tuỳ vào quan điểm chính trị. Người theo Đảng Cộng hoà đa số vẫn ủng hộ Trump, người Đảng Dân chủ phản đối mạnh mẽ và mong ngày 3/11 chóng đến để đưa Trump ra khỏi Bạch Ốc.

Nhưng nước Mỹ không chỉ có cử tri Cộng hoà và Dân chủ tham gia bầu chọn.

Theo thăm dò mới nhất của Gallup, cử tri ghi danh theo Đảng Cộng hoà gần 30%, Dân chủ hơn 30%, còn lại hơn một phần ba không theo đảng nào, là những cử tri “Independent” hay như ở California họ là những người khi ghi danh đi bầu thì chọn “No Party Preference” (NPP).

Vì vậy khối cử tri độc lập, không theo đảng nào, sẽ là yếu tố quyết định ai thắng vì kết quả bầu cử trong quá khứ cho thấy thắng thua thường ở mức 55% – 45%, cao lắm cũng chỉ đạt 60% – 40%. Có khi kết quả lại không như thế mà ứng viên thắng chức tổng thống bằng đa số đại cử tri, lại thua số phiếu phổ thông, như Trump thắng Clinton năm 2016 hay W. Bush thắng Gore năm 2000.

Tranh cử năm nay Đảng Cộng hoà có Donald Trump và Mike Pence.

Đảng Dân chủ có Joe Biden và Kamala Harris. Nữ Thượng Nghị sĩ Kamala Harris từ California, 55 tuổi, là người có cha gốc Jamaica và mẹ gốc Ấn Độ, sinh quán Oakland, vùng Vịnh San Francisco. Bà đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống từ đầu năm 2019 và cuối năm thì rút lui vì thiếu sự ủng hộ và không gây quĩ thành công.

Phó Tổng thống Joe Biden, 77 tuổi, là người nhập cuộc sau, vì khi Đảng Dân chủ thấy làn sóng ủng hộ Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders, một chính trị gia cực tả, lên nhanh quá và phải tìm một ứng viên trung dung hơn, vì nếu Sanders được tiến cử thì khó thắng vì những chủ trương theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, như các nước Bắc Âu. Theo khuôn mẫu “socialist” dù là “democratic socialist” cũng khó được nhiều người Mỹ chấp nhận vì công ty cũng như dân phải chịu thuế cao và bị nhiều luật lệ hạn chế. Biden không nghiêng quá về cánh tả nên đã được cử tri Dân chủ ủng hộ để đánh bại Sanders trong các kỳ bầu sơ bộ.

Biden chọn Harris, một chính trị gia nghiêng về cánh tả hơn ông để mong có sự ủng hộ của khối cử tri đã bỏ phiếu cho Sanders.

Bầu cử năm nay, quan tâm hàng đầu của cử tri là việc đối phó với dịch Covid-19 chưa biết bao giờ mới qua khỏi để đời sống kinh tế, xã hội Mỹ phục hồi; những bạo loạn và an ninh trật tự xã hội có được bảo đảm khi đang có đòi hỏi giảm ngân sách hay dẹp bỏ cảnh sát.

Về đối ngoại, cử tri sẽ chọn lựa chính sách đưa Hoa Kỳ trở lại chính trường thế giới của Đảng Dân chủ hay sẽ tiếp tục chính sách “America First” của Trump, đòi hỏi đồng minh đóng góp nhiều hơn vào các chi phí bảo vệ an ninh thế giới, không để Hoa Kỳ gánh nặng mãi. Với các nước đối nghịch như Trung Quốc, Nga thì không nhượng bộ, phải cứng rắn trong đối đầu an ninh, trao đổi thương mại phải quân bình.

Với Tổng thống Trump, những điều không tốt đang xảy cho Hoa Kỳ là lỗi của Trung Quốc vì đã không minh bạch công bố sự nguy hiểm của nạn dịch khi mới bùng phát từ Vũ Hán. Trump cho rằng WHO đã thông đồng với Trung Quốc để cho dịch lây lan ra toàn thế giới nên đã rút Mỹ ra khỏi tổ chức y tế thế giới.

Covid-19 đã gây tử vong cho trên 700 nghìn người và lây nhiễm 20 triệu người toàn cầu. Riêng ở Mỹ đã có trên 160 nghìn ca tử vong và 5 triệu người bị nhiễm.

Vì Covid-19 mà kinh tế toàn cầu đình trệ, người dân khắp nơi không còn được t do di chuyển, du lịch.

Mức thất nghiệp ở Mỹ đang từ 3% vào đầu năm đã tăng lên hơn 10% với hàng chục triệu người bỗng dưng không thể làm việc và phải sống nhờ vào trợ cấp tài chánh từ những gói cứu nguy kinh tế của chính phủ.

Gần đến ngày bầu cử mà không có đại hội của hai chính đảng. Các vận động tranh cử cho đến nay chỉ quảng cáo trên ti-vi hay qua mạng truyền thông xã hội.

Bốn năm trước, vào thời gian này trên Facebook tràn ngập thông tin liên quan đến tranh cử từ đủ mọi nguồn, chính thống cũng nhiều mà nguồn tin xa lạ cũng tràn ngập.

Không chỉ những nhóm ủng hộ ứng viên của phe mình đưa thông tin lên mạng để mong ảnh hưởng đến sự lựa chọn của cử tri, nhiều chính quyền nước ngoài cũng muốn tạo ảnh hưởng đến tâm lý người Mỹ, vì thế sau bầu cử 2016 đã có điều tra liên quan đến thông đồng giữa ban vận động tranh cử của hai ứng viên Trump và Clinton với người nước ngoài, nhưng không tìm ra được bằng chứng.

Facebook đã bị cáo buộc để cho người nước ngoài thu thập dữ kiện và sử dụng với mục đích ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Mạng truyền thông xã hội này đã phải thay đổi chính sách và có những biện pháp loại bỏ thông tin không trung thực.

Năm nay trên Facebook không còn nhiều thông tin dòng chính liên quan đến tranh cử được phát tán. Các loại tin vịt tiếng Anh (fake news) cũng ít thấy vì được sàng lọc. Ngay cả những thông tin do Trump đưa ra mà không trung thực, như nói trẻ em không bị lây nhiễm, Facebook và Twitter cũng gỡ xuống.

Fake news tiếng Việt vẫn còn đủ loại, phần nhiều ủng hộ Trump, khích động kỳ thị người da đen, chống Trung Quốc và xuất phát từ những nguồn bên ngoài nước Mỹ, nhất là sau dịch Covid-19 bùng phát và vụ việc người da đen George Floyd tử vong vì cảnh sát ở tiểu bang Minnesota, kéo theo sự bùng lên khắp nơi của phong trào Black Lives Matter chống kỳ thị người da đen và đòi giải tán lực lượng cảnh sát.

Tuần qua, cơ quan phản gián Hoa Kỳ đưa ra thông tin cho biết một vài chính phủ nước ngoài muốn tạo ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống 3/11 sắp tới. Theo báo cáo của William Evanina, giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Hoa Kỳ, đưa ra tuần trước thì Chủ tịch Tập của Trung Quốc muốn Trump thất cử, Tổng thống Nga Putin muốn Trump tái thắng cử. Iran cũng muốn tạo ảnh hưởng vào bầu cử Mỹ.

Năm nay vận động tranh cử coi như không có. Trong những tuần lễ tới, hai đại hội đảng sẽ được tiến hành qua mạng nên không có không khí sôi nổi, ồn ào kéo dài gần cả tuần cho mỗi đảng.

Theo thăm dò do Real Clear Politics đưa ra m 5/8, Donald Trump đang thua Joe Biden, trên toàn quốc cũng như tại địa phương của chừng chục tiểu bang nghiêng ngửa.

Toàn quốc: Biden 48%, Trump 42%

Tại những tiểu bang nghiêng ngửa mà Trump đã thắng năm 2016, kết quả thăm dò cũng không lạc quan cho ban vận động của Trump:

Michigan: Biden 49.3%, Trump 41.5%

Wisconsin: Biden 48%, Trump 43%

Pennsylvania: Biden 49.4%, Trump 43.4%

Arizona: Biden 48.7%, Trump 45%

Florida: Biden 50%, Trump 43.8%

North Carolina: Biden 49.5%, Trump 45%

Ohio: Biden 47%, Trump 44.7%

Năm 2016, Trump thắng Clinton sít sao với chỉ hơn 10 nghìn phiếu (0.23%) ở tiểu bang Michigan, 23 nghìn phiếu (0.77%) ở Wisconsin và 45 nghìn phiếu (0.72%) ở Pennsylvania. Nếu các tiểu bang khác không thay đổi và Trump thua tại ba tiểu bang này không thôi thì sẽ thất cử vì số phiếu đại cử tri cho Trump chỉ còn 258/538. Năm 2016 Trump đạt 304/538.

Đó là thăm dò vào đầu tháng 8. Từ nay đến ngày bầu cử tâm lý cử tri còn nhiều thay đổi theo tình hình, cho đến khi lá phiếu chính thức được bỏ vào thùng.

Như tôi thường nói với bạn bè: “Ngày bầu cử ý dân là ý trời / Còn ý poll chỉ là ý người” để nhắc nhở mọi người tham gia bầu chọn. Vì nếu bàn tán, tranh luận, phân tích mà không đi bầu thì vô ích.

Không như nhận định của một số người cho rằng lá phiếu của cử tri gốc Việt có thể giữ Trump lại hay đưa Trump ra khỏi Bạch Ốc, tôi thấy cử tri gốc Việt không có ảnh hưởng ở mức quốc gia vì 1 triệu 300 nghìn người gốc Việt hiện sống tập trung ở California, Texas, Washington, Virginia, Georgia, Florida là những nơi đã xanh hoặc đỏ trong các kỳ bầu cử trước và khó chuyển mầu.

Nhưng còn nhiều quyền lợi ở cấp tiểu bang và địa phương, cần tham gia bầu cđể bảo vệ quyền lợi cho mình và cho cộng đồng nơi mình sinh sống.

Cô Vi chú Tế, Bác Tin bác Tập có làm gì thì cử tri cũng bầu chọn người đại diện cho quyền lợi và có quan điểm gần gũi với mình nhất. Bầu chọn lãnh đạo và dân cử các cấp ở Mỹ thì đâu có lý do gì cử tri lại đi nghe những bình luận, phê phán, phân tích của người không sống ở Mỹ, dù đó là Bác Tin ở Nga hay Bác Tập bên Tầu.

Tự do chọn người đại diện cho mình. Đó là quyền mà công dân những nước độc tài, cộng sản không có.

Bùi Văn Phú

[Tác giả dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California]

18 BÌNH LUẬN

  1. Trả lời ông Bủi Văn Phú
    Thưa ông đúng là ông nói tới CNN và Washington post trong bài, nhưng ông có kê một lô thông tin của Real Clear Politics, cái này thì chúng tôi biết quá rồi, RC Politics và CNN cá mè một lứa. Tháng 11 năm 2016 cá nhân tôi và một bạn đã theo dõi từng ngày từng giờ Real Clear Politics nên chúng tôi rành quá rồi.
    Nó làm ra vẻ khách quan, có khi nói Clinton gấp 2, gấp 3 Trump về Poll, có khi đưa Trump lên một tí, trước ngày bầu cử độ 1, 2 ngày theo lời nó Clinton hơn đứt Trump, may mà tôi không chơi cá độ nếu không mất tiền toi. Khi có kết quả tối 8/11/2016 thì bà con ta mới biết bộ mặt thật của nó. Real Clear Politics và CNN cùng một duộc, nó nói xạo y như nhau. Truyền thông Mỹ chỉ mạnh vào thời có VN war, thập niên 60, 70.
    Nay ông đưa bản tin Poll của Real Clear Politics lên thì tôi e bà con sẽ cười bài viết, nay không ai còn tin Poll nữa
    Bài của ông khôn khéo không đụng chạm tới phe nào, chê Trump một tí (đó là quyền của mình) nhưng không có gì mới lạ
    Nếu có đụng chạm tự ái của ông thì xin thông cảm

    • Real Clear Politics (RCP) tính trung bình kết quả thăm dò của chừng 10 nơi có khảo sát khác nhau, như Bloomberg, ABC/WP, NBC/WSJ, Reuters, CBS News, Fox News, Rasmussen …

      Kết quả thăm dò trong tuần lễ trước bầu cử 11/2016 do RCP tính trung bình từ những nguồn trên là Clinton 45.5%, Trump 42.2%. Kết quả thực sự của bầu cử 11/2016 là Clinton 48.2% Trump 46.1% số phiếu phổ thông. Như thế tiên đoán của RCP là đúng về số phiếu phổ thông toàn quốc. Nhưng thua Trump khi tính từng tiểu bang với số phiếu đại cử tri đoàn.

      Hiện giờ, thăm dò cho bầu cử 11/2020 cũng chỉ là cho lúc này, vì còn hơn hai tháng nữa mới bầu chọn, cử tri có thể thay đổi từ nay đến đó. Như tôi đã viết trong bài.

      Dù tin vào kết quả thăm dò hay không, xác xuất thống kê là một khoa học. Các thăm dò không phải là 100% chính xác, mà căn bản là có thể tin được tới 95% (Confidence Interval) vì 5% có thể kết quả là sai.

      Còn sai số, nếu sai số là +/- 3% (margin of error, con số rất thường dùng trong các thăm dò). Thí dụ thăm dò nói A được 45%, B được 41% thì chưa hẳn A thắng. Nếu sai số là 3%, kết quả thực sự có thể A chỉ được 42% và B có thể được 44%.

      • Thưa ông theo lý thuyết thì nó như vậy nhưng nó có v/d chính trị ở trong đó, nó phe phái, thí dụ những người thuộc phe nó nó cho lên cao và dìm những người phe kia
        Tụi này thì tôi rành quá rồi, năm 2016 tôi đã bỏ bao nhiêu thì giờ theo dõi ngày đêm từ mấy tháng trước ngày bầu cử, cuối cùng láo hết. Truyền thông Mỹ hết thời vì xạo quá, không còn ai tin nữa
        Biden là tay gà mờ, năm 2016 đúng ra phải do Biden đại diện đảng nhưng người ta gạt ông ta vì gà mờ, DC đưa Hillary ra, thế mà nay Truyền thông phong cho ông ta hơn Trump hàng chục điểm thì xin bái lạy các anh Truyền thông 10 lạy.
        Các cuộc bầu cử trước nhiệm kỳ hai từ Bill Clinton, Bush con, Obama người ta biết là không thắng nổi, cử tri sẽ bầu cho một đảng làm 2 nhiệm kỳ, nhất là để các TT làm tiếp những việc từ nhiệm kỳ trước
        Năm 1994 phía CH đưa Bob Dole, năm 2004 Dân chủ đưa Kerry, năm 2012 CH đưa Mit Romney… những vị Bob Dole, Kerry, Romney… chỉ đưa ra cho vui thôi, và bây giờ Biden cũng vậy, chỉ là cho vui thôi, thấy Media thổi Biden mà tức cười
        Cám ơn ông

  2. “Chuột túi ở trong hang” Ha ha ha!

    Kangaroo hay “Chuột túi” là biểu tượng của Úc. Trời xanh ai hơn? Trời nhiều sao sáng ai hơn?

  3. Bùi Văn Phú cũng giống như ông Kông Ông bên kia. Viết xuống dữ dằn là ta ko đi bầu TT MỸ. Nhưng bỏ phiếu bên Mỹ là bỏ phiếu kín. Dựng cờ gióng trống ta đây ko đi bầu, nhưng có thật là như vậy ko thì ko ai kiểm tra nổi. Điều nực cười sẽ xãy đến là ở nước tự do quyền bầu cử là quyền Hiến định. Lại có kẻ lén lén lút lút thực hiện quyền Hiến định đó.
    Nếu anh thật sự ko muốn đi bầu, anh nên dọn về làm công dân VN xhcn. Tôi sống mấy chục năm ở xhcn chưa từng bầu chủ tịch nước bao giờ.
    Suy ra, cái chế độ chuyên chính xhcn hợp với Phú và Kông hơn ai hết. Sao ko về mà phục vụ nó nhỉ ? Hay ở Hải ngoại thì phục vụ nó tốt hơn ở trong nước ?
    Nếu ko đi bầu, ko quan tâm đến chánh trị thì việc gì phải khua chiêng phất cờ đánh trống gào lên “năm nay tôi ko đi bầu”. Ko nói, chắc các ông sợ người ta nói các ông bị câm à ?
    Bản thân tôi thật sự cảm thấy shock khi ông Kông “tránh chữ cuồng”. Này ông Kông, một kẻ mà một chữ cũng sợ thì thử hỏi cái gan của ông bé cỡ nào. Tôi ngã mũ bái phục cái sự khiếp nhược của ông Kông. Nó vượt quá những gì tôi biết về một kẻ hèn nhát.
    Có người tranh đấu cho tự do như anh Duy Thức, bị giam cầm ko biết ngày nào ra. Đã có người bị thủ tiêu, mất tích …. nhưng người này ngã xuống người kia tiến tới thế chổ.
    Còn ông Kông thì có một chữ cũng sợ!

    • Ông bạn làm ơn đọc bài cho kỹ rối hãy bình. Tôi nói không đi bầu chỗ nào đâu.

      Trích từ bài trên: “Nhưng còn nhiều quyền lợi ở cấp tiểu bang và địa phương, cần tham gia bầu cử để bảo vệ quyền lợi cho mình và cho cộng đồng nơi mình sinh sống.”

      • Tôi xin lỗi ông Bùi văn Phú vì đã nói sai cho ông : tôi quả thật đã nói ông tuyên bố ko đi bầu.
        Những bài viết của bọn dlv tôi thú nhận chỉ đọc qua loa và đọc ko hết bài. Do tôi ko có hứng thú với chúng.
        Việc này gây nhầm lẫn đáng tiếc. Tôi xin nhận lỗi với ông Phú.
        Nhưng cũng ko phải là kỳ này tôi sai mà kỳ sau tôi phát hiện ông Phú nói sai tôi ko dám nói nhé!

  4. “Coi đá banh thì phải bắt bên chứ”

    Thưa, đây là trận thư hùng ý thức hệ, dân xứ dân chủ đã được rèn luyện hàng trăm năm theo lối bầu cử.
    Kết quả sau bầu cử năm nay sẽ ảnh hưởng không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới. Chúng ta phải bi bầu!!!!

  5. Thật là tủi nhục cho nước Mỹ có nền truyền thông láo lếu như ngày nay, truyền thông Mỹ nay bắt chước Việt Cộng 100%, nói láo kinh hoàng, chuyện gì cũng có thể dựng lên được
    Biden gần 80, già lụ khụ, bệnh hoạn sắp chết…lên TV nói câu nọ nhầm sang câu kia, thay vì nói tôi sẽ đánh bại Trump thì nói nhầm là: “tôi sẽ đánh bại Biden”.. khiến bà con cười bể bụng.
    Biden một thằng hề, một anh gà chết, biết là mình sẽ không đủ sức làm nhiệm kỳ hai nếu đắc cử, bèn cho Harris một bà lai Ấn độ làm phó TT hy vọng sẽ tiếp tục làm Tổng thống cho DC, nhưng ai sẽ bầu cho cái gánh hát phường chèo này?
    Thăm dò Truyền thông như CNN, Washington Post vậy mà cũng có người tin, ông Bùi Văn Phú t/g bài này là một vị GS Đại Học (ông ấy khoe như vậy) mà ông này tin được thì tôi hết ý kiến
    Truyền thông Mỹ nay trơ cái mặt như mặt thớt, họ không biết ngượng là gì, nhưng khổ một nỗi dù nói láo cũng không thay đổi được ý muốn của Cử tri

    • Sở dĩ truyền thông có thể nói láo vì họ không bị trừng phạt. Phải hiểu rõ thế nào là tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận không phải là bịa đặt, nói láo. Nói phân nữa sự thật.
      Xin lỗi trước nhé, ô bà má cho ra 1 loạt các chính sách mậu dịch với Trung cộng, giúp Tàu cộng hưởng lợi “cả trăm triệu người thoát nghèo” theo lời bà Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ. Kẻ tung người hứng, mẹ hát con khen. Cho thấy việc ô bà má gây thâm thủng mậu dịch với Tàu cộng là kế hoạch ” make China great again” tinh vi để sau này Đảng Dân chủ có thể dùng nâng bi (ủa nhầm), nâng uy tín của Tàu cộng lại ngay trên đất Mỹ.
      Thâm thủng mậu dịch của Mỹ dưới thời Mr. Trump chỉ là do gánh nặng do các điều khoản mậu dịch mang lợi cho Trung cộng do Ông Ô ký. Mr. Trump phải giải quyết việc này qua cuộc thương chiến. Và một lần nữa Đảng Dân chủ Mỹ phản đối cuộc thương chiến. Họ vẫn muốn Mỹ phải duy trì sự thâm thủng mậu dịch này cho có lợi cho Tàu cộng. Một bằng chứng quá rõ cho việc thông địch bán nước của Đảng dân chủ Mỹ.
      …..
      Cả núi bằng chứng là Đảng Dân chủ Mỹ sẽ giải tán sau cuộc bầu cử này.
      Tôi thách đố vẹm cha vẹm con có thể cứu nổi cái Đảng lừa này.
      Vậy mà còn bung tin Joe buồn ngủ sẽ đắc cử. Thật là có nằm mơ cũng không thấy nổi Minh râu mà.
      ….
      Ố là la con ma có cánh

  6. Lá phiếu đang trong tay chúng ta!

    Nếu mở cửa sinh hoạt bình thường
    Liệu có giúp được nền kinh tế
    Trong khi dịch bịnh đang hoành hành
    Và ngày càng lún sâu bế tắc!

    Nếu đóng cửa phong tỏa hoàn toàn
    Trong ngắn hạn chấp nhận thiệt hại
    Kiểm soát ngăn chận dịch lây lan
    Rồi từng bước mở cửa trở lại!

    Dân Mỹ dường như đang hoang mang
    Ngày càng dịch bịnh càng tràn lan
    Hàng ngày người chết càng chồng chất
    Xem ra nước Mỹ như vỡ tan!

    Hoa Kỳ chống dịch không đồng nhất
    Dân chủ – cộng hoà hoàn toàn khác
    Năm chục tiểu bang cũng khác nhau
    Chúng ta đang trả giá quá đắt!

    Đệ nhất siêu cường đang lao đao
    Chỉ vì thiếu vắng một chính sách
    Trách nhiệm nầy thuộc về White House?
    Ai là người thật ra đáng trách?

    Lá phiếu đang trong tay chúng ta!

    Phạm Văn Thành

  7. Có cái tôi đồng ý và có cái tôi không đồng ý.

    Thứ nhất đồng ý với đoạn sau: “tôi thấy cử tri gốc Việt không có ảnh hưởng ở mức quốc gia vì 1 triệu 300 nghìn người gốc Việt hiện sống tập trung ở California, Texas, Washington, Virginia, Georgia, Florida là những nơi đã xanh hoặc đỏ trong các kỳ bầu cử trước và khó chuyển mầu.”

    Thứ hai, không đồng ý với đoạn sau: “Bầu chọn lãnh đạo và dân cử các cấp ở Mỹ thì đâu có lý do gì cử tri lại đi nghe những bình luận, phê phán, phân tích của người không sống ở Mỹ,”

    Tại sao tôi không đồng ý? Tại vì tôi không sống ở Mỹ nhưng thích chõ mõm vô bàn chơi cho vui. Coi đá banh thì phải bắt bên chứ, hoặc bên đỏ hoặc bên xanh, chứ đi coi đá banh mà ai thắng ai thua cũng được thì chán phèo. Bây giờ nói thật: Tôi ủng hộ bên thắng cử.

    Có người không đồng ý với tôi và cho là tôi sai? Tôi không thể sai. Khác tôi là sai. Nếu bạn đứng cùng bên với tôi. Người Mỹ có câu: “A meridian decides the truth” (Đường kinh tuyến quyết định sự thật). Do đó, bạn đứng bên kia của đường kinh tuyến thì làm sao thấy mầu hồng như tôi. Chuyện rõ như ban ngày.

    • …”…. Do đó, bạn đứng bên kia của đường kinh tuyến thì làm sao thấy mầu hồng như tôi… ” Giống như Chuột túi ở trong hang thì làm sao thấy được bầu trời xanh hay những thay đổi bất chơt của thời tiết như tui. Chuyện rõ như ban ngày.

Leave a Reply to Bùi Văn Phú Hủy phản hồi

Please enter your comment!
Tên